Tham dự buổi lễ có Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Cảnh Huống; chư tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều; các đại biểu đại diện các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều, xã Yên Đức và hàng nghìn tín đồ Phật tử xa gần.
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Trụ trì chùa Cảnh Huống đã trình bày báo cáo công tác đầu tư tôn tạo nhà thờ Thánh Tổ của chùa.
Nhà thờ Thánh Tổ chùa Cảnh Huống được xây dựng phía sau toà Tam bảo, lưng tựa vào núi Thung, diện tích 250m2, xây theo lối kiến trúc chữ Nhất, gồm 05 gian, 2 dĩ tường hồi bít đốc; kết cấu bộ khung, cửa bức bàn được chế tác hoàn toàn bằng gỗ lim; mái lợp ngói mũi hài, cột hiên, đá tảng được làm bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hoá, hoành phi, câu đối, cửa võng, bàn thờ chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng; phía trong thờ 03 vị Thánh Tổ Phật giáo Trúc Lâm là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và Chư vị Tổ sư truyền đăng bằng chất liệu đồng thếp vàng.
Tổng kinh phí xây dựng nhà thờ Thánh Tổ gần 8 tỷ đồng, bằng nguồn phát tâm công đức của một số tín chủ ẩn danh và tiền tích góp, tiết kiệm của quý thầy ở chùa.
Nhà thờ Thánh Tổ chùa Cảnh Huống
Chư tôn đức cùng quý đại biểu tiến hành cắt băng khánh thành
Buổi lễ đón nhận nhiều lẵng hoa tươi thắm từ các tổ chức và cá nhân.
Chùa Cảnh Huống toạ lạc tại thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Trần, thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Chùa được xây dựng dưới chân núi Vân Sơn (nhân dân quen gọi là núi Thung), mặt quay hướng Nam nhìn ra ngã 3 sông Đá Vách, sông Kinh Thầy hợp lưu đổ vào sông Bạch Đằng lịch sử. Nơi tiếp giáp 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng.
Quang cảnh chùa Cảnh Huống
Bảo tháp 13 tầng chùa Cảnh Huống
Nơi đây gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp tu hành của Thiền sư Như Nguyện, đệ tử của Tăng thống Đại sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647 – 1726) - một bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam thời Hậu Lê.
Thế kỉ thứ XVII, chùa đã từng là căn cứ chống giặc A Trì; thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi hội họp của cán bộ Việt Minh; thời kỳ chống Mỹ, chùa bị xuống cấp, không có Tăng Ni tu hành và trở thành trại điều dưỡng của hải quân nhân dân Việt Nam, sau đó chùa trở thành trại giống của hợp tác xã; cuối những năm 80 của thế kỷ trước chùa chỉ còn là phế tích. Năm 1994, nhân dân trong làng đã xây dựng lại ngôi nhà nhỏ 03 gian làm nơi thờ Phật. Năm 2001, Thượng tọa Thích Đạo Hiển chính thức về trụ trì chùa Cảnh Huống, từ đó bắt đầu quá trình quy hoạch, trùng tu, tôn tạo lại chùa hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hoá để nhà chùa có diện mạo trang nghiêm, tổ hảo như ngày nay.
Chùa thuộc quần thể khu di tích danh thắng Yên Đức, là di tích cấp quốc gia đã được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) xếp hạng năm 1994.
Mai Anh
Ảnh: Vũ Văn Hưng