Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Kính bạch Chư Tôn đức, kính thưa toàn thể Hội nghị.
Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc từ hàng ngàn năm nay. Điều này lịch sử đã ghi nhận rất rõ. Khi đất nước lâm nguy, các sư cũng tham gia các phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc. Khi đất nước hòa bình thì chư Tăng cùng chung tay xây dựng đất nước, làm tốt đạo, đẹp đời. Nhưng hôm nay tôi không nói nhiều vấn đề này.
Với truyền thống đồng hành cùng dân tộc đó, được sự quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước, sự quan tâm cuả Giáo hội, nên hiện nay GHPGVN có 4 Học viện đào tạo Phật học trong cả nước: HVPGVN tại Hà Nội, HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh, HVPGVN tại Huế và Học viện Nam tông Khơ-me. Đặc biệt nhất ở HVPGVN tại Hà Nội, tất cả Tăng Ni sinh ở nội trú, mọi chi phí sinh hoạt đến chi trả cho giảng sư… học viện đều lo, Tăng Ni chỉ phải đóng góp một phần rất nhỏ, gọi là tiền trách nhiệm. Qúy vị Phật tử ở đây mỗi gia đình chỉ có 1 hay 2 người con ăn học thôi, nhưng quý vị biết chi phí lo cho mỗi đứa con ăn học nên người cũng không nhỏ chút nào. Ở học viện, không chỉ có 1 hay 2 vị mà có khoảng 600 Tăng Ni hiện đang theo học các hệ Cao đẳng, Cử nhân và cả hệ Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học. Đây là một lực lượng hùng hậu để phục vụ cho Giáo hội cũng như xây dựng đất nước.
Dân ta thường nói: “Chùa có sư như nhà có nóc”, mà nhà không có nóc thì hỏng mất rồi. “Chùa không có sư thì hư mất chùa”, “Chùa không có sư thì hư mất vãi”. Tại sao lại hư? Bởi vì không có người chỉ dạy tu tập, nên tham lam, sân si, làm nhiều điều sai quấy. Lại có cả câu này nữa: “Sư chùa là bùa làng”. Dân làng nhà có có người mất gặp phải ngày xấu lại ra chùa mượn cái “bùa” về cho yên cửa yên nhà, nhưng ở đây một vị sư phải giúp yên cho cả làng. Bởi vì sao? Trong thiết chế văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, ngôi chùa gắn liền với dân làng. Vui cũng ra chùa, buồn cũng ra chùa. Trẻ nhỏ hay ốm đau thì mang ra bán khoán cho Đức Ông để về nó khỏe mạnh. Đức Ông chính là ngài Cấp Cô Độc – tức là trưởng giả Tu Đạt, rất giàu có, thường làm việc thiện cứu giúp nhiều người. Ngài cũng là người xây Tinh xá đầu tiên cho Phật và các vị đệ tử tu tập, tạm gọi như ngôi chùa đầu tiên. Và để ghi công ơn người đầu tiên xây chùa, thì nhân dân thờ Ngài trong chùa, gọi là Đức Chúa Ông. Nên trẻ ốm đau bệnh tật thì dân làng ra “ăn vạ” bán cho Đức Ông để Ngài cứu giúp cho cháu khỏe mạnh.
Rồi lúc lớn lên, con trai, con gái chưa lấy được vợ, được chồng cũng lại ra kêu Phật, “ăn vạ” Đức Ông. Ốm đau, bệnh tật chạy chữa không khỏi cũng lại ra chùa kêu cầu, “ăn vạ” Phật, cầu Phật cho tai qua nạn khỏi. Rồi lúc “thuyền đầy quả mãn”, sinh lão bệnh tử thuận thế vô thường cũng lại nhờ các sư đến khai thị, lễ bái, tụng niệm cho vong linh được nhẹ nhàng, siêu thoát… Như vậy, ngôi chùa gắn liền với người dân từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Để đảm bảo cho trách nhiệm của mình với ngôi chùa, các sư phải học hành, tu tập rất nhiều. Các nghi thức cúng bái chỉ là ứng phó đạo tràng, ngoài giáo điển còn phải học cách cư xử, các kiến thức xã hội, kĩ năng hướng dẫn Phật tử tu tập... Nếu như học hành và tu tập không đảm bảo thì không thể làm được. Nên phải học hành đến nơi đến chốn.
Mỗi một vị Tăng, Ni có một nhân duyên khác nhau, nhưng ít nhất cũng phải về hướng dẫn cho nhân dân, Phật tử tu tập trong phạm vi một chùa làng. Những vị giỏi giang hơn thì có thể gánh vác các công việc xã hội, Giáo hội. Vì vậy, việc đào tạo rất cần thiết, đào tạo quy chuẩn, bài bản, đến nơi đến chốn.
Nên cúng cho một vị Tăng Ni tu học đến nơi đến chốn còn hơn xây mười ngôi chùa mà không có sư. Vì chùa không sư thì hư mất chùa, không ai hướng dẫn tu học. Ngôi chùa Xuân Lan mà Thượng tọa Minh Hạnh xây đây, là một ngôi chùa cố định, hằng ngày vẫn hành trì lễ niệm, hướng dẫn các vị tu học, rất đáng quý! Chùa đẹp, khang trang, tôi rất vui mừng. Nhưng tôi thấy, mấy trăm vị đang ngồi đây, mỗi người cũng là một “ngôi chùa di động”. Ngôi chùa di động này còn quan trọng hơn, có cả Phật, Pháp, Tăng (Tam bảo) ở trong đó, và cần được hướng dẫn tu học. Để hướng dẫn được cho mấy trăm “ngôi chùa di động” này thì Tăng, Ni phải tu học đến nơi đến chốn. Cúng xây chùa cố định có phúc lớn, nhưng cũng chỉ là phúc hữu vi, chùa còn thì còn phúc, nếu chùa mục nát hư đổ thì hết phúc. Cúng tượng, đúc chuông… là quý lắm, nhưng cũng là phúc hữu vi. Cái kiểng này có người cúng cho chùa để làm hiệu lệnh triệu tập các sư lên chùa lễ bái, nhưng để ở bàn chẳng may kẻ trộm lấy mất, phúc đức ấy không tiếp nối được nữa. Nhưng phúc vô vi thì không hình không tướng, không bị đoạn diệt, phúc vô vi ấy là thế nào?
Ngày nay, tôi có thể đứng đây nói chuyện với các vị, dạy dỗ Tăng Ni sinh và có thể làm một số việc cho Giáo hội là nhờ ngày xưa ngoài tu tập ở chùa thì được nuôi ăn học 9, 10 năm cũng ở HVPGVN tại Hà Nội, mà trước đây là Trường Cao cấp Phật học ở Quán Sứ. Các thế hệ hòa thượng đi trước đã về hầu Phật: HT. Thiện Siêu, HT. Minh Châu, HT. Trí Độ, HT. Đức Nhuận… nhưng những cái mà quý Ngài dạy tôi bây giờ tôi vẫn còn nhớ, và lại trao truyền cho các vị khác. Trong Phật giáo, đây gọi là “kế tổ truyền đăng”, tức truyền “ngọn đèn” trí tuệ. “Đèn” của tôi sáng rồi mới có thể truyền cho vị khác, vị khác lại truyền cho vị sau nữa… truyền mãi truyền mãi không dứt. Phúc ấy là phúc vô vi, không hình không tướng. Nói nôm na thì Học viện thuộc công nghiệp nặng, nơi đào tạo ra các máy cái, các máy cái về có thể sản xuất ra các máy con, rồi đến các máy cháu… thì công đức cúng dàng cho việc tu học nơi các học viện ấy sẽ còn mãi mãi. Cho nên chúng ta cúng dàng đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng thì phúc đức lớn hơn.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương, phẩm Phân biệt công đức nói đãi cơm một người thiện bằng đãi cơm 100 người ác. Vì những người ác chẳng giúp ích gì cho ai cả, người thiện thì có thể giúp đỡ những người khác, làm những việc tốt. Đãi cơm 100 người thiện không bằng đãi cơm một vị A La Hán, đãi cơm 100 vị A La Hán không bằng đãi cơm một vị Tam Thế Chư Phật, đãi cơm 100 vị Tam thế Phật không bằng đãi cơm 1 vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng. Cúng cho vị Tam Thế Chư Phật cũng là công đức lớn rồi, nhưng còn hình tướng, Phật quá khứ, Phật hiện tai, Phật vị lai, tôi thích vị nào thì tôi cúng vị ấy, hễ còn có thích thì còn tâm phân biệt, tôi thích vị này không thích vị kia. Nên công đức ấy mới không bằng cúng cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng. Tức là niệm tất cả mà không niệm cái gì cả, tu tất cả mà không tu cái gì hết, chứng đắc tất cả mà coi như chẳng chứng cái gì cả. Đó là ai? Là Như Lai, không hình, không tướng, mà trong kinh chúng ta vẫn nghe “thạnh tịnh pháp thân Tỳ Lô Xá Na Phật”. Pháp thân ở khắp mọi nơi… Nên tôi muốn nói cho các vị, mình cúng đồng tiền bát gạp đúng nơi, đúng tối tượng thì được công. Cúng không đúng chỗ, người ta không cần… thì thậm chí không có hoặc được ít công đức thôi. Như gieo giống xuống đất, gieo nơi bê tông, đá thì hạt giống không mọc, gieo vào nơi ruộng tốt thì cây mọc tốt tươi. Tôi tin tưởng rằng cúng dàng cho các sư trên Học viện là nơi đáng tin cậy, ta không phân biệt vị nào cả, mà cúng chung cho chư Tăng, nơi đào tạo tăng tài của giáo hội, để chư Tăng hoằng dương Phật pháp, làm lợi ích cho nhiều người. Chư Tăng tốt nghiệp từ đây có thể dạy dỗ lại cho các trường trung cấp, cao đẳng, các lớp học khác cho các sư cũng như các Phật tử.
Trên đây, tôi nói một chút về phúc hữu vi và vô vi. Đối với các nước Nam tông, các sư đi khất thực, ví dụ Thái Lan, Cam Pu Chia, Lào… mỗi sáng các sư đi khất thực, Phật tử cúng dàng trực tiếp bằng thức ăn. Chúng ta theo Phật giáo Bắc tông không đi khất thực, thay cho việc đi khất thực ấy, chúng ta mang đến tận nơi để cúng dàng, ví như 3 tháng hạ an cư chư Tăng tu tập, chúng ta đến tận trường hạ cúng dàng trực tiếp. Học viện trên đây không chỉ hạ 3 tháng mà hạ 10 tháng, trừ 1 tháng nghỉ hè và 1 tháng nghỉ tết. Lúc Đại hội lầ thứ nhất của GHPGVN, suy tôn HT. Thích Đức Nhuận làm Đức Pháp Chủ đệ nhất, khi chúng tôi lên gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì Hòa thượng bảo tôi ra 3 điều kiện, nếu như Đại hội nhất trí và đề bạt lên Thủ tướng đồng ý thì tôi mới nhận chức Pháp chủ.
1. - Mỗi chùa phải có 3 tiểu, để đèn hương sớm tối phụng Phật…
2. - Bắc, Trung, Nam mỗi nơi phải có 1 trường học để đào tạo tăng tài.
3. - Giúp cho các sư có ruộng cấy để có lương thực, thực phẩm nuôi sống mà tu học.
Thủ tướng đồng thuận, nên bây giờ các chùa chúng ta không phải chi được có 3 sư mà nhiều sư cũng được. Không chỉ có 3 học viện mà 4 học viện, 29 tỉnh thành đều có trường trung cấp để đào tạo Tăng, Ni. Tre già thì phải có măng mọc. Lúc nãy tôi nghe ở trong thành phố ở đây có 20 ngàn Phật tử, ở thành phố thì có điều kiện hơn ở huyện, tôi xin đề xuất thế này. Thay cho việc cúng dàng các sư đi khất thực, mỗi tháng, chúng ta nhịn 1 bữa sáng để dành phần ấy cúng dàng các sư, chứ đừng vị nào xúc gạo trong nhà đi bán, ở nhà quê xúc trộm bát gạo của con đi bán mà cúng, như vậy là hỏng. Vì đồng tiền không thanh tịnh. Gọi “tịnh tài”, tức là “tiền sạch”. Nếu mỗi tháng phát tâm nhịn 1 bữa sáng để dành cúng cho các sư, tôi nghe đâu có vị nói 1 bát phở, bún gì đó tầm 30 nghìn. Như vậy 1 năm 12 tháng là có vài trăm rồi. Thế là quý lắm rồi! Cốt sao cúng dàng tâm phải thành. Thời Phật còn tại thế, khi Phật đi khất thực ngang, mấy đứa trẻ chăn trâu bốc cát cúng Phật, vì chúng chẳng có gì, nhưng tâm chúng thành kính. Tâm thành thì bao nhiêu cũng quý, chẳng cứ phải cúng nhiều mới là quý. Nếu giàu có cúng nhiều mới quý thì những người giàu lấy hết công đức của người nghèo, như vậy không phải.
Hôm nay, tôi chỉ có đôi lời như vậy chia sẻ. Cũng xin tán thán công đức của nam nữ Phật tử trong những năm qua đã đóng góp rất nhiều cho việc đào tạo tăng tài của Giáo hội. Mặc dù chưa có tổ chức chặt chẽ những các vị vẫn hết lòng ủng hộ. Người ta nói “Ăn cũng hết, mặc cũng mòn. Đồng tiền công đức sẽ còn dài lâu.” Chúc các vị thân tâm thường lạc, có nhiều sức khỏe, trí tuệ, tinh tấn tu học để nay mai cũng được về cõi Phật.
Nam mô A Di Đà Phật!
(Mai Anh ghi)