Ta để lại gì cho đời? – Vũ Hoàng Chương


“Đêm này dù đã về ngôi 
Hồn thơ vẫn cứ luân hồi thế gian
Bút hoa ngàn kiếp không tàn
Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người."

Ta còn để lại gì không?

Ngày hôm qua có một số người trẻ đi tắm hồ đã chứng kiến cái chết của một em bé 19 tuổi. Em bị chết đuối. Cái chết có thể đến với ta, đến với người ta thương bất cứ lúc nào. Nếu không chuẩn bị chúng ta sẽ không có khả năng đối phó với những biến cố lớn đó. Chúng ta quá bận rộn, không có cơ hội học cách đón nhận và có thể mỉm cười khi cái chết đến với chúng ta. Chúng ta phải học hỏi và sống như thế nào để chấp nhận được cái chết của bản thân mình cũng như cái chết của người ta thương.

Chúng ta nên đặt câu hỏi là khi chết chúng ta để lại gì cho đời? Lúc 19 tuổi chết thì mình để lại gì? 25 tuổi chết thì để lại gì? 35 tuổi chết để lại gì? Và 60, 80 tuổi chết thì để lại gì? Câu hỏi đó rất hay. Ai để lại? Để lại cái gì? Và để lại cho ai? Nếu trả lời được những câu hỏi đó thì chúng ta hiểu được đạo Bụt. Hiểu được đạo Bụt chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để sống cũng đẹp, mà chết cũng đẹp, và như thế ta vượt thoát được sự sợ hãi, lo lắng về cái chết và cái sống.

Tuệ giác của đạo Bụt là tuệ giác vô ngã. Vì vậy chúng ta phải đi tìm câu trả lời theo hướng vô ngã. Phần lớn người ta căn cứ trên ý niệm ngã để trả lời những câu hỏi này, cho nên họ không tìm ra được. Chúng ta nghĩ mình là một thực thể bất biến có một cái ngã tồn tại độc lập. Khi chết đi, cái ngã đó không còn nữa. Nhưng kỳ thực, chúng ta để lại sau lưng một cái gì đó, có thể xấu, có thể tốt, hoặc có thể không có nghĩa lý gì cả – không xấu cũng không tốt. Để lại cho ai? Có thể để lại cho con cháu ta, mà cũng có thể để lại cho đời.

Lúc còn trẻ thi sĩ Vũ Hoàng Chương ăn chơi say sưa nhưng khi lớn tuổi thì ông trở về tu học. Trong bài thơ “Nguyện cầu đăng ở trang đầu của tập thơ Rừng Phong, có câu “Ta còn để lại gì không?”. Một câu hỏi rất trực tiếp. Tập thơ xuất bản vào khoảng năm 1954 – 1956 khi đất nước đang chia đôi, thi sĩ di cư từ miền Bắc vào miền Nam, làm nghề nhà giáo văn chương. Vũ Hoàng Chương lúc trẻ đã đi nhảy đầm, hút thuốc phiện và đã xuất bản tập thơ Say.

“Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không thấy nữa màu xanh hay sắc đỏ”.

Nhảy đầm trong khi say thì đâu còn thấy gì nữa. Và Vũ Hoàng Chương nổi tiếng bởi tập thơ Say đó. Nhưng trong cuộc tranh đấu  Phật giáo cho nhân quyền năm 1963 thì trong Vũ Hoàng Chương có sự chuyển đổi rất lớn. Hồi đó, Tổng thống của chúng ta là người Cơ Đốc giáo. Anh trai của Tổng thống làm Tổng Giám mục. Ông có ý muốn Thiên Chúa hóa đất nước Việt Nam. Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng có một người anh làm cố vấn chính trị cho mình là Ngô Đình Nhu. Trong sự nôn nóng muốn phát triển Thiên chúa giáo Việt Nam nên đã có những chính sách đàn áp Phật giáo. Một trong những điều quá rõ ràng là ngày Phật Đản không được công nhận là ngày nghỉ chính thức của toàn dân  như trước nữa. Trong một nước mà đa số là Phật giáo mà không cho nghỉ ngày Phật đản, thì cũng giống như ở Tây Phương, ngày Noel không được coi là ngày nghỉ của toàn dân vậy. Vì thế Phật tử bắt đầu phản đối. Khi Phật tử đứng dậy biểu tình phản đối thì họ dùng quân đội để đàn áp, bắt các thầy, các sư cô, và phật tử bỏ tù. Chính vì lý do đó nên phong trào tranh đấu vùng dậy. Một phong trào tranh đấu dân quyền không vụ lợi.

Tranh đấu không phải vì muốn tranh đoạt quyền hành hay muốn giành lấy chính quyền, mà tranh đấu để chống lại sự độc tài, vi phạm nhân quyền. Đó là cuộc tranh đấu của phật tử Việt Nam năm 1963-1964, là một cuộc tranh đấu rất thẳng thắn với một trái tim trong sáng. Trước tình hình đó, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã có cảm hứng. Vì vậy với tư cách là một thi sĩ, ông đã làm những bài thơ phổ biến rất rộng rãi trong quần chúng và những bài thơ đó đã nung nấu tâm chí chiến đấu của toàn dân. Thi sĩ không tranh đấu bằng súng đạn hay bằng tổ chức chính trị mà bằng những bài thơ của mình. Những bài thơ của Vũ Hoàng Chương đem lại rất nhiều hào khí, cảm hứng cho dân chúng. Trong quá trình đóng góp vào cuộc tranh đấu, Vũ Hoàng Chương đã học hỏi và thực tập thêm nên đã có nhiều chuyển hóa.

Ví dụ như bài “Lửa từ bi đã được làm ra sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Đó là vào năm 1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức ra ngồi ở ngã tư Phan Đình Phùng, đổ lên mình một thùng xăng, rồi châm lửa và nhập định. Ngài ngồi rất yên. Các nhà báo bao quanh rất đông. Hòa thượng Thích Quảng Đức tự đốt mình như vậy để báo động cho thế giới biết là ở Việt Nam đang có một chế độ độc tài và chúng tôi đang đau khổ. Mấy giờ đồng hồ sau, tất cả các báo chí, đài truyền hình trên thế giới đều đăng tin và hình Hòa thượng Thích Quảng Đức đang ngồi yên trong lửa đỏ. Đó là một thông điệp rất hùng hồn. Cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã làm cho phong trào tranh đấu nhân quyền lên cao, và quốc tế cũng bắt đầu yểm trợ ta. Sau đó chính quyền Ngô Đình Diệm bị sụp đổ. Lửa Từ bi là bài thơ đầu tiên của Vũ Hoàng Chương đóng góp vào phong trào rất hay. Trong bài thơ đó Vũ Hoàng Chương không hề có ý niệm tưới tẩm hạt giống của căm thù. Trái lại bài thơ chỉ tưới tẩm hạt giống của tình huynh đệ.

“Ôi ngọn lửa huyền vi
Thế giới ba ngàn
Phút giây ngơ ngác
Từ cõi nhân gian hướng về cực lạc
Vần điệu thi nhân chỉ là rơm rác
Mà cũng chỉ nguyện được làm rơm rác
Thơ cháy lên theo lời kinh tụng
Cho đất nước thanh bình
Trước sau bền vững tình huynh đệ này”.

Bài “Nguyện cầu” được làm trước đó không lâu, nên bài thơ tuy hay vẫn chưa có tuệ giác của một người giác ngộ. Có dịp mình sẽ đọc thêm thơ của Vũ Hoàng Chương sau khi ông đã giác ngộ, đã hiểu Phật pháp. Hôm nay chúng ta chỉ đọc một bài thơ có liên hệ đến cái chết, đó là bài Nguyện cầu, mở đầu bằng câu“Ta còn để lại gì không”.

Ở Đông Phương ngày xưa, rất nhiều người, đặc biệt là những người có tài năng tin rằng mình là một vị tiên ở trên trời, vì phạm một lầm lỗi gì đó mà bị thượng đế đày xuống trần gian. Sau khi trả nợ dưới trần gian này rồi thì được trở về tiên giới lại. Thi sĩ Tản Đà – tác giả bài thơ “Thề non nước” cũng tin như vậy. Ngày xưa mình là nam tào hoặc bắc đẩu trên trời, vì uống trà không chánh niệm, nên đã làm rớt chén ngọc của Thượng đế và bị đày xuống nhân gian sống một, hai đời rồi mới được trở lên lại thượng giới.

Ta còn để lại gì không? Là câu đầu tiên của bài Nguyện Cầu được mở đầu trong tập thơ Rừng Phong. Đây là suy tư của một người chưa biết nhiều về đạo nhưng có kiến thức về văn hóa Á Đông. Nghĩ rằng mình có một cái ta và cái ta đó từ trên trời đi xuống. Trong thời gian sống ở hạ giới, mình làm chuyện này chuyện nọ, sau khi chết mình lên trên trời và sẽ để lại hạ giới một cái gì đó. Ta là ai? Là vị Trích tiên. Để lại cái gi? Ta để lại tác phẩm thơ văn. Để lại cho ai? Để lại cho cuộc đời này. Để lại rồi ta không để ý tới nữa, ta lên trên trời trở lại. Câu trả lời rất đơn giản. Ta là một vị Trích tiên, ta để lại công trình nghệ thuật cho cuộc đời, cho trần gian dưới này còn ta lên trời.

“ Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở này sông cát bồi”.

Trong câu thứ hai, ta thấy tác giả tuy chưa học Phật sâu sắc nhưng đã thấy rõ là vạn vật vô thường. Đời sống của một vị Trích tiên dưới trần gian này tuy là một trăm năm, nhưng cũng vô thường, bay vèo qua như một giấc mộng. Ngày xưa núi rất cao nhưng đá đã lỡ. Sông thì sâu nhưng bị cát bồi nên sông cạn, “sông cạn đá mòn”.

Lang thang từ độ luân hồi

Lang thang từ độ luân hồi”. Chữ luân hồi ở đây được hiểu theo kiểu là có cái ngã bất biến. Ngày sanh xuống trần gian, gọi là luân hồi. “U minh nẻo trước xa xôi dặm về.” Đây là sự thực, tuy chưa có tuệ giác của đạo Bụt nhưng những yếu tố của tuệ giác đã có sẵn. Chính những yếu tố đó sau này sẽ làm ra tuệ giác. Đi lang thang trong cuộc đời nhưng không có con đường sống, trước mặt chỉ thấy mù mịt không có hướng đi. Trong văn Cảnh sách của Thiền sư Quy Sơn cũng có câu như vậy “Tiền lộ man man bất tri hà vãng” tức là con đường phía trước mờ mờ, ảo ảo không biết mình đang đi về đâu. Người chưa học đạo, chưa có con đường tâm linh thì luôn luôn thấy phía trước mình mờ mịt. Ví dụ như hôm qua có một em bé hỏi: “Con sống trong cuộc đời này để làm gì? Có ích lợi gì cho ai không? Cuộc sống có nghĩa lý gì không?” . Hỏi như thế là vì chưa thấy được con đường của mình.

Không những chỉ có những em bé mười chín, hai mươi tuổi chưa thấy con đường, mà người lớn bốn mươi, năm mươi tuổi vẫn chưa thấy con đường, vẫn không biết mình đang đi đâu, không biết con đường trước mặt mình là con đường nào, nên cứ đi vòng quanh cho đến lúc chết. Vì vậy kiến đạo rất quan trọng, kiến đạo là biết được mình đang đi đâu. Người nào biết mình đang đi đâu thì người đó có hạnh phúc. Không còn phải sợ hãi, không còn hoang mang nữa “đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”. Vì vậy tất cả chúng ta đều phải kiến đạo, phải thấy được con đường mình đang đi. Không biết mình đang đi về đâu là mình vẫn còn đi trong bóng đêm. “Tiền lộ man man bất tri hà vãng.”

Ở đây thi sĩ nói là “U minh nẻo trước”, u minh là tối tăm, mù mịt, không biết mình đang đi về đâu. Có thể mai mốt bước xuống hố thẳm rồi bị chôn vùi trong đó. U minh nẻo trước là không có đuốc sáng, không có đèn pha, không có đạo sư. “Xa xôi dặm về”, về là về đâu? Về thiên giới, nơi mà mình đã rời bỏ kể từ ngày bị đày xuống trần gian. Biết bao giờ có thể trở về ngôi vị ngày xưa của mình? Vì Ngọc Hoàng đày xuống dưới này, nên phải sống cuộc đời đày đọa của con người. Phải sinh, lão, bệnh, tử, phải đi vòng quanh trong sáu nẻo hôn mê và trong ba giới. Đường trước mịt mờ cũng khổ mà đường về xa xôi càng khó. Cuộc đời một vị Trích tiên cũng chẳng sung sướng gì. Mình không phải là tiên nhưng cũng cảm thấy mỏi mệt như một vị Trích tiên. “U minh nẻo trước xa xôi dặm về”. Đường về xa lắc xa lơ, không biết bao giờ mới trở về nguyên quán? Nếu biết được con đường thì tốt biết mấy. Mình sẽ biết được còn bao lâu nữa thì trở về ngôi nhà của mình.

“Trông ra bến hoặc bờ mê”. Nhìn ra chỉ thấy bến bờ của sự mê hoặc.  tức là vô minh, hoặc tức là phiền não. Bến hoặc tức là bến phiền não. Trông ra chỉ thấy bến bờ của phiền não, vô minh mà không thấy bờ giác.

Trong đạo Bụt có câu “ Khổ hải man man hồi đầu thị ngạn”. Nghĩa là biển khổ mênh mông nhưng nếu biết quay lại thì sẽ thấy bờ ngay, bờ đó là bờ giải thoát. Đó là kiến đạo. Biển khổ tuy mênh mông nhưng nếu biết hướng về bờ giác thì sự mênh mông đó sẽ tan biến, sẽ không còn mênh mông nữa, và bờ giác sẽ không cách xa ta. Vũ Hoàng Chương thấy được tất cả điều đó.

“Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương ”

Hai câu thơ này đã bắt đầu có yếu tố của tuệ giác. Trong một tích tắc, một sát na mà chứa đựng được cả thời gian vô cùng. Nghìn thu là một ngàn năm, ngàn năm đem đặt gọn vào trong một tích tắc gọi là nghìn thu nửa chớp. Nửa chớp chứ không phải một chớp, một chớp là còn dài. Đây là tinh thần của kinh Hoa Nghiêm. Khi xây dựng bản môn thì một tích tắc, một sát na cũng chứa đựng cả thời gian vô cùng. Trong giới thi văn, giới lãng mạn cũng dùng tuệ giác này nhưng không đúng lắm. “Tình trong giây phút mà thành thiên thu”. Nếu anh “fall in love”, nếu anh yêu chỉ một giây phút thôi nhưng anh sẽ khổ suốt đời. Thiên thu được chứa đựng trong một giây phút. Thành ra tuy trăm năm nhưng có nghĩa lý gì đâu, nó chỉ là một giấc mộng thôi. Một nghìn năm cũng vậy, chỉ dài bằng một nửa tia chớp. Ở đây ta thấy được giá trị của thời gian. Và không gian cũng thế “bốn bề một phương”, không gian mênh mông nhưng một phương cũng có thể  chứa đựng được cả bốn phương. Tuy trời đất bao la rộng lớn như vậy nhưng nhìn vào hạt bụi ta thấy hạt bụi chứa đựng tất cả đất trời trong đó. “Càn khôn tận thị mao đầu thượng” tức là tất cả trời đất càn khôn có thể đem đặt lên trên đầu một sợi lông. Đó là câu thơ của một thiền sư Việt Nam.

“Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”.
 

Ta có thể đem mặt trời, mặt trăng đặt vào trong một hạt cải. Đó là cách nói của thiền sư. Còn ngôn ngữ của thi sĩ thì “Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương”.

“Ta van cát bụi bên đường

Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này”.

Tác giả ý thức được mình là một vị Trích tiên, và không muốn vướng vào bất cứ một thứ gì ở cõi trần, dù  những thứ đó đẹp hay không đẹp, sạch hay không sạch. Nghĩ mình trong sạch và không muốn dính tới chuyện đời đó là cái nhìn rất tách biệt giữa mình và đời, đời là một chuyện, mình là một chuyện khác. Đó là do không thấy được mình là cuộc đời, cuộc đời là mình, do không có cái nhìn tương tức của đạo Bụt. Sợ bị vướng mắc dù là vướng mắc vào cái dơ hay cái sạch, đều là quan điểm nhị nguyên, nghĩ mình là một thực thể có thể tồn tại độc lập ngoài những cái dơ sạch của cuộc đời. Ai biết được rằng mình với cuộc đời không phải là hai cái khác nhau. “Ta van cát bụi bên đường”, chữ “van” ở đây là cầu xin, van xin. Trong sự cầu xin có ẩn chứa sự sợ hãi. Sợ bị đày đọa, bị bó buộc bởi những hệ lụy trong cuộc đời. Và vì thế mình muốn tách riêng ra khỏi cuộc đời.

Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này

Để ta tròn một kiếp say

Trong thời gian làm nghệ sĩ ở cõi trần ta chỉ muốn làm nghệ sĩ thôi. Sau đó ta sẽ đi, ta không muốn vướng mắc với các ngươi. Kiếp say là kiếp của thi sĩ, vì thi sĩ đã xuất bản tập thơ Say.

“Cao xanh liều một cánh tay níu trời”

Trời cao và xanh, chỗ đó là quê hương của ta. Chân ta đang dẫm lên cuộc đời ô trược, phiền não và ta không muốn dính vào đó. Ta muốn đưa tay lên cao với lấy trời xanh làm chỗ nương tựa để ta đừng bị hệ lụy và bó buộc vào cuộc đời này. Điều đó nghĩa là tịnh độ là một nơi nào khác, quê hương là một nơi nào khác, còn chỗ này là cõi tạm. Đó là quan điểm lưỡng nguyên của những người chưa thấy đạo.

“Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời

Kể chi thua được cuộc đời”.

Đời là một cuộc tranh đấu, là một ván bài. Người nào cũng muốn thắng, không ai muốn thua cả. Ban đầu ta không muốn dính tới những chuyện được thua đó, nhưng rốt cuộc vẫn tham dự vào cuộc tranh đấu Phật giáo cho nhân quyền. Mình muốn coi cuộc đời là một cái gì không dính líu tới mình, mình chỉ bị bắt buộc ở đây thôi. Nên không muốn dấn thân vào những cuộc tranh chấp. Mình nghĩ mình khác, đời khác.

“ Nói chi thua được với đời

Ngại chi những tiếng ma cười đêm thâu”

Rất rùng rợn! “Ma cười đêm thâu”. Trong đêm đen có những con ma đang cười nói với mình. Đó là linh hồn của những người trong cuộc được thua đang mang nhiều đau khổ. Ta nghe tiếng cười của các loài ma quái. Tuy nói không muốn dính líu tới cuộc được thua, không muốn dính líu tới đời sống của các loài ma quái, nhưng ta bắt buộc phải sống chung với những người đang tranh đấu trong cuộc được thua đó. Lập trường của tác giả rất rõ là tôi không muốn dính líu tới cuộc đời này, cuộc đời này không phải là quê hương của tôi. Quê hương của tôi là tiên giới.

“Ngại chi những tiếng ma cười đêm thâu
Tâm hương đốt nén linh sầu

Nhớ quê dằng dặt ta cầu đó thôi”.

Ta làm thơ, viết nhạc chẳng qua đó là lời cầu nguyện chứ không phải ta tham dự vào cuộc tranh dành của quý vị. Ta không mua danh bán lợi, không tham dự vào cuộc được thua của quý vị. Ta làm thơ xuất bản, ngâm thơ, phổ nhạc là để cầu nguyện thôi. Mục đích của ta là cầu nguyện với quê hương của ta. Ta nhớ quê hương ngày đêm “ Nhớ quê dằng dặt ta cầu đó thôi”. Đừng tưởng ta làm những bài thơ này để ca tụng cuộc đời, để mua danh bán lợi. Ta làm những bài thơ này để cầu nguyện trong khi nhớ quê hương.

Chúng ta có những người tu theo Tịnh độ, nhưng vì họ mới bắt đầu tu nên họ có quan niệm đây không phải là quê hương của mình. Ta bà là chốn mình phải phát tâm chán ghét và Tịnh độ là chốn mà mình phải phát tâm mong cầu. Tìm cầu một cái và chán ghét một cái. Tâm trạng này cũng giống như thi sĩ. Ta không đầu tư vào cõi Ta bà này mà ta đang đầu tư vào cõi Tịnh độ nên mỗi ngày ta đều niệm Bụt. Thay vì làm thơ ta niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Đó cũng là sự cầu nguyện của ta. Tu Tịnh độ theo kiểu này thì cũng không khác gì mấy với làm thơ.

Trong khi Làng Mai chúng ta tu Tịnh độ một cách khác, chúng ta nói “Tịnh độ là đây, đây là Tịnh độ”. Ta phải biến nơi này thành cõi Tịnh độ. Vì vậy không có thái độ chán ghét một cái và tìm cầu một cái khác. Chư Tổ cũng đã khẳng định với chúng ta rằng “Tịnh độ ở trong tâm con người” ( duy tâm tịnh độ) đó là chiều sâu của đạo Bụt. Các vị thiền sư cũng đã nói muốn tìm giải thoát thì phải tìm ngay trong cõi sinh tử, chứ không phải từ bỏ sinh tử mà có giải thoát. Muốn tìm nước thì phải tìm ngay trong những con sóng, nếu bỏ sóng đi làm sao có nước? Đó là cái thấy bất diệt mà lúc bấy giờ thi sĩ chưa có được.

“ Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặt ta cầu đó thôi
Đêm nào ta trở về ngôi

Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian”

Ta có một ngôi vị ở trên thiên giới, có thể là Nam tào hoặc Bắc đẩu. Nếu ta trở về thì những lời cầu nguyện đâu còn ích lợi gì nữa “Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian

Vì vậy “Một khi đã tắt cung đàn

Kể chi còn mất hơi tàn thanh âm

Chúng ta thấy thi sĩ là một nhạc sĩ. Cung đàn đó là cung đàn muôn điệu. Thơ cũng là cung đàn. Khi đã làm xong phận sự nghệ sĩ rồi thì ta trở về ngôi vị của ta. Ta không để ý những bài thơ ta làm, những cung đàn ta đã hiến tặng cho đời còn hay không. Câu trả lời của thi sĩ là tôi đâu cần để lại gì và đâu cần để lại cho ai đâu. Thơ của tôi còn hay mất, người ta thích hay không thích, chuyện đó tôi không quan tâm. Vì tôi đã sinh ra trong cuộc đời này như một nghệ sĩ thì tôi đóng vai trò người nghệ sĩ. Vậy thôi! Làm xong, tôi đi. Người ta thích hay không thích, thơ tôi còn được truyền tụng hay không, tôi không cần biết. Trả lời cho câu hỏi “để lại cho ai” là không để lại cho ai cả và tôi không để lại gì cả.Vì tôi bị đày xuống dưới trần gian này nên tôi phải sống cuộc đời của một nghệ sĩ, xong xuôi tôi trở về quê hương của tôi. Đó là câu trả lời, đó là cái thấy của thi sĩ.

Hai chữ có không mầu nhiệm

Mình là người tu, đã học giáo lý rồi mình thấy như thế nào?  Mình có phải là một cái ngã không? Khi sống với cuộc đời, cái ngã của mình có dính líu gì với cuộc đời không? Khi lìa đời có phải mình mang theo cái ngã của mình đi không? Mình có để lại gì không? Đó là những câu hỏi rất thực tế. Ví dụ cô Tám, anh Tám, cô Thái, cô Bảy, anh Thiều… khi họ đặt những câu hỏi này thì mình trả lời ra sao? Ta là ai? Ta đang làm gì ở đâyTa muốn để lại gì khôngTa để lại cho ai? Những câu hỏi đó rất cần thiết cho tất cả chúng ta. Ta đã để lại gì? Những gì ta để lại có đẹp không, có giá trị nào không để đóng góp cho cuộc đời? Ta để lại cho con cháu ta, bạn bè ta hay để lại cho muôn đời sau?

Bây giờ chúng ta phải trở lại ba câu hỏi lúc ban đầu. Ta là ai? Ta để lại gì? Ta để lại cho ai? Trả lời được ba câu hỏi đó ta sẽ thấy khỏe nhẹ. Mỗi người phải tự đặt những câu hỏi đó cho mình. Sanh ra là sự biểu hiện. Chết đi là ẩn tàng. Có thể chúng ta nghĩ rằng trước khi sanh ra mình chưa có, và sau khi chết đi mình không còn nữa. Quan điểm đó gọi là đoạn kiến. Trước khi sanh mình chưa có, sau khi sanh mình bắt đầu có, rồi khi chết đi mình trở lại không có. Như vậy là mình bị kẹt vào cái thấy gọi là hữu vô, đoạn kiến.

Ví dụ điểm S là thời gian tôi bắt đầu sinh ra và tôi sẽ chết đi vào điểm T. Trước điểm S tôi không có, bắt đầu từ điểm S trở đi tôi có, sau điểm T tôi lại không có. Từ không trở thành có, từ  trở thành không. Đó là quan điểm của rất nhiều người, trong đó có một số nhà khoa học. Trong bài thơ “Bài ca dị hóa” trong tập thơ Rừng phong, Vũ Hoàng Chương cũng có đặt câu hỏi đó và  đã bắt đầu thấy được vấn đề.

“Trải mấy hoang mang tìm kiếm
Lòng sao khát mãi chưa vừa
Hai chữ có không mầu nhiệm

Đêm đêm ta hỏi người xưa”.

Tác giả chưa thỏa mãn được sự khao khát hiểu biết của mình nên thao thức muốn đi tìm kiếm về ý nghĩa của chữ “” và “không”. “Hai chữ có không mầu nhiệm. Đêm đêm ta hỏi người xưa”Người xưa tức là cổ nhân đã có kinh nghiệm, đã từng sống qua, đã từng có tuệ giác rồi. Tuệ giác đó đã được ghi chép lại trong kho tàng kinh sách của đạo Nho. Đêm đêm thắp đèn lên đọc sách của người xưa, xem kinh nghiệm của họ để giải quyết vấn đề “có – không”. Đó là bốn câu đầu của bài “Bài ca dị hóa”. Chúng ta cũng nên tìm đọc bài thơ đó cho vui. Trong bài đó cũng có mấy câu rất hay.

“Biển đông mờ mịt không mà có

Hay có mà không dị biểu ơi”

Có một câu mà mình phải nhớ là “Đâu lẽ có chiều qua mà không sáng nay”. Thấy em bé 19 tuổi chết đuối vì đi bơi hồ, ta tưởng là ngày hôm qua em có mà hôm nay tự nhiên không có. Đâu thể từ có mà trở thành không một cách dễ dàng như vậy được. Vì vậy đặt câu hỏi: Từ cái “không” có thể trở thành cái“có” được hay không? Hoặc từ cái “có”có thể trở thành cái “không” được hay không? Đó là câu hỏi rất thông minh. Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy được rằng không bao giờ từ “không” mà trở thành “” và cũng không bao giờ từ “” mà trở thành “không”.

Ví dụ đám mây bay trên trời có phải từ không trở thành có không? Đứng về phương diện khoa học mà xét thì đám mây không phải từ không mà trở thành có. Vì trước khi là đám mây thì nó đã là những cái khác rồi. Nó là hơi nóng, là nước hồ, nước sông… Vì vậy ta không thể nói rằng đám mây từ “không” mà trở thành “có”. Đám mây chẳng qua là sự tiếp tục mà thôi. Thế nên ý niệm về “không” và “” cần phải  được xét lại. Ngày hôm qua có mưa dông, nhìn lên trời ta không thấy đám mây nữa, như vậy đám mây có thể từ “có” trở thành “không” được không? Không thể nào được, đám mây không thể chết được, không thể nào trở thành không được. Đám mây chỉ có thể trở thành mưa, trở thành sông ngòi, ao hồ. Đám mây không thể trở thành “không” được. Thi sĩ đã đặt câu hỏi rất thông minh “đâu lẽ có chiều qua mà không sáng nay?” Chính nhờ câu hỏi đó mà sau này tác giả có thể thức tỉnh lại được, thấy được đạo lý vô sinh và bất diệt.

Chúng ta là những người có cơ hội tiếp xúc với giáo lý mầu nhiệm của đạo Bụt. Chúng ta có cơ hội ngồi thiền, đi thiền, tại sao ta không dùng thời gian đó để quán chiếu sâu sắc mà cứ tiếp tục làm nạn nhân cho sự sợ hãi, làm nạn nhân cho con người sai lầm về  ý niệm“có” và “không”. Em bé hôm qua hỏi sau khi chết thì điều gì sẽ xảy ra. Ta có thể trả lời cho bé không? Vì khi 12 tuổi, có thể mình cũng đã bắt đầu có những thắc mắc như vậy. Khi em bé thấy một con chim chết, không còn bay, không còn hót nữa, bé liên tưởng đến bản thân và đặt hỏi điều gì xảy ra khi mình chết? Có phải mình từ “có” trở thành “không” hay không? Ta phải đặt câu hỏi đó để quán chiếu. Tại sao em bé 12 tuổi có nhu yếu đó mà ta là người lớn lại không có nhu yếu đó? Tại sao ta lại để cho mình bận rộn suốt ngày từ chuyện này sang chuyện khác mà không có thời gian để quán chiếu? Chúng ta để cho những buồn vui nho nhỏ lôi kéo làm mất hết ngày, hết tháng, hết cả cuộc đời ta.

Đâu lẽ có chiều qua mà không sáng nay”. Một câu hỏi như vậy thôi, cũng đủ cho chúng ta thấy được bản chất vô sinh bất diệt của chúng ta mà vượt thoát sợ hãi. Chúng ta biết rằng hôm nay mình phải làm gì để hiến tặng cái đẹp nhất cho đời. Đức Thế Tôn đã chỉ cho ta một con đường, một phương pháp quán chiếu để đừng bị kẹt vào ý niệm sinh và tử, có và không, ngã và phi ngã.  Lúc đó thi sĩ Vũ Hoàng Chương nghĩ rằng mình có một cái ngã. Cái ngã đó có thể không dính líu gì đến cuộc đời. Nhưng khi quán chiếu sâu sắc ta thấy rằng cái gì cũng liên quan mật thiết với tất cả những cái khác mà không có một cái ngã tồn tại biệt lập.

Ta để lại chính ta trong cuộc đời này

Chúng ta thường có ý nghĩ rằng mình để lại cho đời một đứa con. Ví dụ như chú Thư và chị Hạnh Hương để lại Bảo Tích; và rồi mình hỏi anh chị để lại cho ai? Để lại cái gì? Để lại Bảo Tích. Để lại cho Sư Ông. Nhưng sự thực là mình để lại chính mình. Con của mình chính là sự tiếp nối của chính mình. Quý vị không cần phải làm đám cưới mới có con. Chúng ta có con trong từng giây từng phút. Mỗi giây phút ta đều suy nghĩ, tư duy. Những tư tưởng của chúng ta có thể là hận thù, độc hại, oán hờn, đen tối… và như thế mỗi giây phút hằng ngày ta đều để lại những thứ đó. Tuy nhiên ta cũng có thể để lại những tư tưởng đẹp đẽ như những ý tưởng tràn đầy lòng yêu thương và sự hiểu biết đó gọi là chánh tư duy, là tặng phẩm ta hiến tặng cho đời. Nói là hiến tặng cho đời nhưng sự thực là hiến tặng cho ta.

Những tư tưởng mà ta phát ra trong từng giây phút của đời sống hằng ngày là ý nghiệp của ta, là sự tiếp nối của ta, là con của ta. Đó chính là chúng ta. Những câu nói mà mình phát ra cũng là những hiến tặng của chúng ta trong giây phút hiện tại. Nó là con của chúng ta và nó sẽ tiếp nối ta đi về tương lai. Những hành động trong đời sống hằng ngày của mình cũng vậy, nếu là sát, đạo, dâm thì hành động đó là sự tiếp nối xấu xa của chúng ta. Đó cũng là quà tặng của ta cho chính ta và cho cuộc đời. Vì vậy trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, ta đều hiến tặng những hành động của thân, khẩu, ý. Đó là con, là gia tài của ta, ta không thể nào tránh thoát được.

Trong kinh cũng có dạy là khi chết chúng ta đem theo tất cả những nghiệp thân, khẩu, ý của mình. Đó là sự tiếp nối của mình. Những nghiệp đó nếu đẹp thì ta đem theo cái đẹp, nếu xấu thì ta đem theo cái xấu. Những điều ta suy tư, nói năng và hành động không mất đi đâu cả, chúng tiếp nối ta dài dài. Sau khi chết ta không đem theo gia sản, danh vọng, quyền hành hay địa vị… mà đem theo tất cả nghiệp của ta. Khi chết, tôi sẽ không đem theo được gì hết ngoài những nghiệp của ta. Nghiệp đó có thể là nghiệp tốt hoặc nghiệp xấu. Vì vậy những gì mình đang suy tư, nói năng, hành động là gia tài mà sau này mình sẽ đem theo. Đó là mình. Bảo Tích chẳng qua chỉ là một trong những thứ mình hiến tặng thôi, mình còn hiến tặng những thứ khác nữa trong đời sống hằng ngày. Vì ngày nào mình cũng tư duy, nói năng, hành động. Đó là tác phẩm của mình, là con của mình, là chính mình.

Khi tôi dạy cho một sư cô hay một sư chú, tôi trao truyền cho sư cô, sư chú đó những gì mà tôi nghĩ là đẹp nhất, hay nhất của tôi. Tức là tôi hiến tặng chính tôi, tôi để lại chính tôi cho cuộc đời. Tôi không nói như thi sĩ là không muốn dính líu gì tới cuộc đời. Vì cuộc đời là chính mình. Tất cả những gì mình nói, làm, suy nghĩ đều là để đầu tư vào tương lai. Mình thấy được sư cô, sư chú là sự tiếp nối của mình. Vì vậy trong giây phút hiện tại mình phải làm thế nào để những gì mình để lại là những cái đẹp, lành và tốt. Mình không muốn để lại những cái gì xấu xa, hận thù, nhỏ mọn, đen tối. Nếu lỡ trong quá khứ chúng ta đã để lại những điều tiêu cực xấu xa, đen tối, hận thù và chúng đã lên đường rồi làm sao ta chạy theo kịp để sửa nó, để kéo nó về?

Lời nói một khi đã phát ra thì xe bốn ngựa cũng không chạy theo kịp để đem nó về lại cho mình “tứ mã nan truy”. Vì vậy ta phải cẩn thận. Một tư tưởng đã phóng đi, thì dù máy bay trực thăng cũng không đuổi kịp để kéo nó lại.Vì vậy ta phải cẩn thận trong từng giây, từng phút đối với tư duy, ngôn ngữ, hành động của ta. Làm thế nào để ta có thể cải biến được nghiệp xưa? Chúng ta có một nẻo thoát. Cũng giống như ta fax cho người bạn một tờ fax, trong bản fax đó vì tư duy sai lầm, nên mình đã lên án, la mắng, trách móc người bạn đó, và mình biết rằng tờ fax đó sẽ gây ra những đổ vỡ trong lòng mình và bạn. Vì vậy mình viết một tờ fax thứ hai để xin lỗi, để trung hòa tờ fax ban đầu. Mình nói rằng trong giây phút hấp tấp, giận dỗi, mình đã phát ra những tư tưởng, lời nói như vậy, mình rất xấu hổ, mình xin bạn tha thứ cho mình. Tờ fax thứ hai sẽ trung hòa hóa được trình trạng trong quá khứ của mình, mình có thể chuyển đổi nghiệp bằng cách đó.

Trong chúng ta ai mà không có những lầm lỗi trong quá khứ; ta đã nghĩ, nói, làm những điều không có giá trị, những điều không có chất liệu của hiểu biết và thương yêu. Tuy nhiên chúng ta vẫn đang còn đây, chúng ta có cơ hội và có khả năng làm mới trở lại. Khi làm mới chúng ta có thể chuyển đổi được tất cả. Hay như vậy đó! Đạo Bụt mở ra cho chúng ta những hướng đi rất mầu nhiệm. Chúng ta có thể ôm được quá khứ, có thể thay đổi được quá khứ bằng cách hành xử của chúng ta trong giây phút hiện tại. Bắt đầu quán chiếu là ta đã thấy được vấn đề “ta là ai?” “Ta đã để lại gì?”

Ta có thể nói ta là cuộc đời, ta được làm bằng những yếu tố không phải là ta; ta được làm bằng tổ tiên, cha mẹ, ông bà, đất nước, giáo dục, kinh tế, xã hội. Ta là như vậy. Rất khoa học. Ở đây không mang tính chất siêu hình. Khi nhìn vào bản thân với con mắt quán chiếu ta thấy được rằng ta là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên, ông bà, của nền văn hóa dân tộc, văn hóa thế giới, của hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội… Ta có thể thay đổi ta, để có thể cống hiến cho tương lai những cái đẹp hơn mà ta đã tiếp nhận. Ta có thể làm hay hơn cha mẹ, tổ tiên. Đó là nhờ Pháp của Bụt. Cha mẹ, tổ tiên trong ta sẽ rất hài lòng về ta. Đó là câu trả lời cho câu hỏi đầu “ta là ai?” Không phải siêu hình gì cả, rất rõ ràng và khoa học. Ta là cha mẹ, tổ tiên, ông bà, xã hội. Ta có thể chuyển hóa ta để làm cho ông bà, cha mẹ, và tổ tiên ta đẹp hơn.

Câu hỏi thứ hai “ta để lại gì ?” Câu trả lời là không nên kẹt vào lưỡng nguyên, có người để lại và vật để lại. Người để lại và vật để lại là một, ta để lại chính ta trong cuộc đời này. Cũng như chúng ta nói cha mẹ trao truyền hình hài này cho mình. Cha mẹ là người trao truyền, hình hài này là vật trao truyền và mình là người tiếp nhận hình hài này. Trong sự trao truyền có ba yếu tố: người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận sự trao truyền. Đức Thế Tôn đã dạy rất rõ ràng là ba yếu tố đó không có thực thể riêng biệt. Khi nhìn sâu vào vật trao truyền ta thấy người trao truyền là cha mẹ. Cha mẹ trao tuyền chính con người cha mẹ cho mình, vì trong mỗi tế bào cơ thể mình ta thấy được sự có mặt của cha mẹ với tất cả khổ đau và hạnh phúc của cha mẹ. “Ta còn để lại gì không?". Có. Ta để lại ta một cách toàn vẹn với tất cả thân, khẩu, ý của ta. Ta trao lại cho Bảo Tích nhưng ta cũng trao lại cho cuộc đời. Bảo Tích cũng là ta, cuộc đời cũng là ta. Thành ra người trao truyền và vật trao truyền không phải là hai thực thể cách biệt, người tiếp nhận trao truyền cũng đồng thời là vật trao truyền và người trao truyền. Bảo Tích là chú Thư, là chị Hạnh Hương, là ông nội, ông ngoại… Đó là sự tiếp nối.

Trao truyền cũng cần phải có nghệ thuật. Làm thế nào để ta chỉ trao truyền những cái đẹp mà đừng trao truyền những cái xấu. Như thế chúng ta sẽ có một tương lai tươi sáng. Vì vậy khi thấy được giáo lý Tam luân không tịch này thì ta bắt đầu trả lời đúng câu hỏi mà ta nêu ra lúc đầu: Ta là ai? Ta trao truyền gì? Ai là người tiếp nhận sự trao truyền? Ta thấy ba cái đó không phải là ba cái tách biệt nhau. Thấy được điều đó, ta sẽ vượt thoát ý niệm ta từ “không” mà trở thành “có” và từ “có” trở thành “không”.

Ta thấy bài này là một lời mời mọc. Nếu giảng hết bài này thì không đủ thời gian đi thiền hành, đi picnic nên mình phải chấm dứt tại đây. Đây là sự mời mọc để quý vị đặt lại ba câu hỏi. Nếu đặt được ba câu hỏi này rồi thì con đường trước mặt mình rất xán lạn. Quý vị biết mình phải làm gì ngày hôm nay và không còn có cảm giác là con đường phía trước mờ mờ, ảo ảo và mình không biết đi về đâu. Con mắt mình được mở ra và mình biết sống như thế nào cho có nghệ thuật, có hạnh phúc để mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, mình có thể hiến tặng được cho mình, cho tổ tiên, cho con cháu mình những gì đẹp nhất mà mình có thể hiến tặng dưới ba dạng tư duy (chánh tư duy), lời nói (chánh ngữ) và hành động (chánh nghiệp). Đó là ba then chốt của con đường Bát chánh đạo.

Ngắt một cành hoa làm bút yêu thương

Vũ Hoàng Chương bị đi học tập cải tạo, phải can thiệp lắm mới được thả ra. Khi thả ra thì ông rất ốm yếu, sức khỏe không còn nữa. Từ Pháp chúng tôi đã gởi thuốc, quà cho bà Vũ Hoàng Chương để có thể nuôi ông trong trại học tập cải tạo. Tất cả chúng ta – những người Phật tử, từng tham dự trong cuộc tranh đấu chống lại chế độ độc tài để khơi mở, bồi dưỡng tình huynh đệ, đều thấy rằng Vũ Hoàng Chương với tư cách một thi sĩ đã đóng góp rất nhiều cho cuộc tranh đấu đó. Những lời thơ ông nói ra thấm nhuần Phật Pháp và không mang chất liệu của hận thù.

Nếu có cơ hội mình sẽ đọc thêm vài bài nữa của Vũ Hoàng Chương. Khi nghe tin Vũ Hoàng Chương mất, Thầy có làm một bài thơ, Thầy dùng những danh từ trong thơ của Vũ Hoàng Chương để ca ngợi Vũ Hoàng Chương giờ phút chót đã thấy được đạo, biết được con đường trở về, đã để lại cho đời rất nhiều cái đẹp, biết ngắt một cành hoa làm bút yêu thương viết lên những bài thơ tràn đầy tính chất bất bạo động và lòng thương yêu:

“Đêm này dù đã về ngôi 
Hồn thơ vẫn cứ luân hồi thế gian
Bút hoa ngàn kiếp không tàn
Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người
Có không mù mịt biển khơi
Nẻo về đã rạng chân trời thênh thang
Tĩnh say vẫn một cung đàn 
Lửa anh hào đốt cháy tan đêm sầu
Thơ lên bay vút bồ câu 
Triều âm chấn động phương nào cũng nghe
Giấc mơ hồ điệp đi về
Biển đông sóng vỗ kình nghê vẫn còn”.

Pháp thoại ngày 16/7/2003 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại xóm Thượng, Trung tâm tu học Làng Mai nước Pháp trong khóa tu mùa hè.