500 thiện nam tín nữ tại Sơn La quy y Tam bảo, trong đó có hơn 300 vị là đồng bào các dân tộc



TLYT – Ngày 22/11/2020 (tức ngày 8/10/Canh Tý), Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã quang lâm đạo tràng Phật tử huyện Mộc Châu, Sơn La thuyết giảng Phật pháp và truyền Tam quy Ngũ giới cho 500 vị thiện nam, tín nữ tại đây, trong đó có hơn 300 vị là đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Mông.

 

Phật giáo Sơn La được thành lập chưa lâu và cũng mới chỉ có 2 ngôi chùa tại TP. Sơn La, nên các tín đồ, Phật tử chắc chắn không được tham dự nhiều các khóa lễ và các buổi giảng pháp, hoặc muốn tham dự thì phải di chuyển quãng đường tương đối xa. Ở khóa lễ này cũng vậy, rất nhiều người với lòng thiện tín và khát ngưỡng Phật pháp đã vượt các bản làng xa xôi chờ đợi từ đêm hôm trước để nghe giảng giáo lý và quy y Tam bảo.

Đại vị chư Tăng, Thượng tọa Thích Đạo Hiển đã giảng pháp với chủ đề “Năm nền tảng đạo đức và Sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp của đạo Phật” hay nói ngắn gọn hơn là Ngũ giới Lục hòa.

 

Ngũ giới hay Năm Giới là 5 điều Đức Phật răn dạy người đệ tử tại gia không nên làm:

Giới thứ nhất là Không sát sinh. Chẳng những không nên sát sinh mà phải khởi lên tâm từ bi với tất cả loài vật, năng sám hối và phóng sinh. Giữ giới này thì được phúc báo tăng tuổi thọ, mạnh khỏe, ít bệnh tật, tăng trưởng lòng từ bi.

Giới thứ 2 là Không trộm cắp. Từ tất cả những vật quý báu cho đến các vật nhỏ như cây kim, trái ớt cũng không được lấy. Mình tôn trọng tài sản của người thì người sẽ tôn trọng tài sản của mình. Phật tử chẳng những không được trộm cắp mà nên làm bố thí, giúp đỡ người khác, biết cúng dường Tam bảo… giữ được giới này thì được quả báo là giàu có, sung túc, con cháu cũng nhờ phước lành của cha mẹ.

Giới thứ 3 là Không tà dâm. Nghĩa là Phật tử phải sống chung thủy một vợ một chồng, không ngoại tình, làm tổn thương hạnh phúc gia đình. Những hành động dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng ép, ngoại tình, bỏ tiền mua... để thỏa mãn tình dục đều gọi là tà dâm. Chẳng những không được tà dâm mà con phải biết bao vệ tiết hạnh của người khác. Giữ được giới này thì được quả báo dung mạo đẹp đẽ, trang nghiêm, cuộc sống hạnh phúc, yên ổn.

Giới thứ 4 là Không nói dối. Người Phật tử không được nói dối với ý đồ xấu, nói lời thêu dệt, bịa đặt, nói lưỡi hai chiều, đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này, hay nói lời thô ác, chửi mắng người. Vì nói giả dối nên bị mất lòng tin cậy. Phật tử chẳng những không được nói dối mà còn phải thực tập nói lời hay, ý đẹp, an ủi, yêu thương người khác. Giữ giới này thì được phúc báo là được mọi người tin cậy, giúp đỡ, mến yêu.

Giới thứ 5 là Không uống rượu. Người Phật tử không được để minh say xỉn các thứ rượu bia, ma túy, các chất kích thích gây nghiện khác. Sử dụng những chất kích thích độc hại này sẽ làm con người mất kiểm soát, gián tiếp gây nhiều tai hại khác, hơn nữa, say xỉn rượu chè, ma túy làm mất đi hạt giống trí tuệ, trở nên si mê, ngu dốt. Phật tử nên giảm dần cho đến từ bỏ, đồng thời nên khuyên người khác từ bỏ rượu và các chất kích thích độc hại. Giữ được giới này thì sẽ được qua báo là thông minh, trí tuệ, tài năng, sáng suốt.

Như vậy thì Năm giới không chỉ là nền tảng của đạo đức mà còn là nền tảng của trí tuệ, tình thương và hạnh phúc của tự thân, gia đình và là chất liệu của chí nguyện lợi tha. Một người giữ trọn vẹn năm giới này là một người an vui hạnh phúc. Một nhà giữ trọn vẹn năm giới này là một nhà được hạnh phúc. Một xã hội giữ trọn vẹn năm giới này là một xã hội hạnh phúc. Một đất nước giữ trọn vẹn năm giới này là một đất nước hạnh phúc. Cả thế giới giữ được năm giới này thì cõi Ta bà trở thành Tịnh độ.

 

Lục hòa là sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp trong một cộng đồng, trong một đoàn thể. Lục hòa thể hiện nhân cách sống một con người có đạo đức, đem lại sự hòa thuận, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ và chia sẻ cho nhau, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm trong cuộc sống.

Nguyên tắc thứ 1, Thân hòa đồng trụ. Nghĩa là  cùng ở chung với nhau dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, sống hoà thuận, thương yêu đùm bọc giúp đỡ và san sẻ cho nhau, để làm tròn trách nhiệm công việc được phân công. Khi đã sống chung và làm việc trong một tổ chức thì phải hòa thuận vui vẻ với nhau, không dùng uy quyền thế lực hay sức mạnh để lấn hiếp mà làm tổn hại cho nhau.

Nguyên tắc thứ 2, Khẩu hòa vô tránh. Nghĩa là sống không cãi nhau nhưng có quyền góp ý xây dựng với tinh thần hòa hợp cùng nhau học hỏi, không nói với nhau những lời gây chia rẽ bất hòa mà cần phải nói với nhau những lời vui vẻ, dịu dàng, hòa nhã, từ ái. Lựa lời mà nói cũng có nghĩa là nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi và không nên nói ra những lời vô bổ mà có thể làm tổn thương cho người khác. 

Nguyên tắc thứ 3, Ý hoà đồng duyệt. Nghĩa là tâm ý luôn hoan hỷ vui vẻ với nhau, biết thông cảm với những suy nghĩ của người khác, không sanh tâm đố kỵ, kiêu ngạo, chỉ trích và phê phán. Muốn được tâm ý hòa hợp, chúng ta phải tu hạnh từ bi hỷ xả. Hỷ xả nghĩa là vui vẻ, bỏ qua những lỗi lầm của người khác đã vô tình hoặc cố ý làm cho mình buồn khổ.

Nguyên tắc thứ 4, Giới hòa đồng tu. Quốc có quốc pháp, gia có gia phong, cùng nhau sống dưới một môi trường và đoàn thể, chúng ta phải biết tôn trọng và thực hành những giới pháp đã được chỉ dạy và tuân thủ quy định chung.

Nguyên tắc thứ 5, Kiến hòa đồng giải. Sống chung với nhau nên cùng chia sẻ hiểu biết cho nhau, cùng nhau góp ý xây dựng về quan điểm, cách nghĩ, cách làm, tất cả đều đặt trên cơ sở và nền tảng vì lợi ích chung cho mọi người.

Nguyên tắc thứ 6, Lợi hòa đồng quân. Cùng sống chung với nhau dưới một môi trường, ta phải chia đều cho nhau về vật chất, của cải, đồ dùng theo thứ bậc lớn nhỏ, không được lạm dụng quyền hạn của mình để làm của riêng.

Sinh hoạt chung trong một cộng đồng, một đoàn thể nếu không hòa thuận thì đơn vị đó trước sau gì cũng tan rã, bởi vì không có sự hợp nhất và cảm thông cho nhau. Thế cho nên, chúng ta biết áp dụng tinh thần lục hòa vào trong đời sống hằng ngày, thì con người biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Hòa thuận là yếu tố quan trọng hơn hết trong mọi công việc, mọi tổ chức đoàn thể. Một gia đình biết sống hòa thuận thì gia đình có hạnh phúc, đất nước hòa thì nước nhà được bền vững và lâu dài, mọi người biết sống hòa hợp thì thế giới sẽ không còn chiến tranh binh đao, loạn lạc.

Đây là một bài pháp rất ý nghĩa và là phương pháp hành trì căn bản không chỉ cho một người Phật tử tại gia mà cho tất cả mọi người, những ai muốn có một đời sống an lạc và hạnh phúc, dù người đó thuộc bất cứ dân tộc nào.

Tiếp đó, Thượng tọa như pháp truyền Tam quy, Ngũ giới cho các vị thiện tín phát tâm.
 
  
Các thiện nam, tín nữ tác bạch cầu quy giới 
 
 

M.Anh

 

 

 

 

 


Tin cùng chuyên mục