Kính thưa Quốc hội!
Tôi cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và một số đại biểu phát biểu trước tôi do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 tăng trưởng kinh tế 9 tháng giảm mạnh còn 1,42%, một số chỉ tiêu kinh tế không đạt, ảnh hưởng đến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước năm 2021.
Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự đồng hành nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ, sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân cả nước chúng ta từng bước khắc phục những khó khăn, công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, toàn diện, kịp thời. Chính phủ đã thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, người thu nhập thấp, mất việc. Nhiều nguồn lực trong xã hội đã được huy động cho công tác phòng, chống dịch được nhân dân, cử tri cả nước tin tưởng, đánh giá rất cao.
ĐBQH, Hòa thượng Thích Thanh Quyết phát biểu trước Quốc hội. Ảnh Văn phòng Quốc hội.
Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; Chiến lược Vắc-xin của Chính phủ đã có hiệu quả và phủ khắp; kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh được ban hành; chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi kinh tế – xã hội; đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa thích ứng với dịch bệnh vừa mở cửa nền kinh tế. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất: Tôi thống nhất với Chính phủ việc ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; cần tiếp tục có các cơ chế cụ thể, chính sách ngắn hạn, dài hạn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Thứ hai: Chính phủ đã chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh cao đẳng, đại học, các kỳ thi quốc tế đạt thành tích cao; tổ chức khai giảng năm học mới; duy trì dạy và học trực tiếp, kết hợp trực tuyến linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương. Bộ Giáo dục cần nhanh chóng có biện pháp lấp lỗ hổng về mặt kiến thức cho học sinh giữa các vùng học trực tuyến và trực tiếp, đặc biệt là việc áp dụng sách giáo khoa mới . Các hoạt động văn hóa, xã hội cần được phục hồi, tăng cường tổ chức trực tuyến. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo cần được đẩy mạnh. Chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm.
Thứ ba: Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng, nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi. Nó không chỉ tác động tiêu cực đến tâm, sinh lý của trẻ em mà còn tước đoạt cả cơ hội được học tập và phát triển bình thường, Chính phủ cần có chính sách, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ trẻ em mồ côi trong đại dịch vừa qua.
Thứ tư: Đại dịch Covid-19 có thể biến chủng phức tạp, nguy hiểm hơn; kinh nghiệm, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi nền kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn hiện hữu nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; bên cạnh đó vẫn còn rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu vẫn luôn tiềm ẩn.
Thứ năm: Củng cố, tăng cường tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng là thiện nguyện và y tế tư nhân. Có hình thức tôn vinh, động viên kịp thời đối với lực lượng tuyến đầu. Xử lý nghiêm minh những người lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước để làm việc bất nhân.
Kính thưa Quốc hội!
Các Cụ có câu rằng: “Lửa thử vàng gian nan thử đức”, gần 2 năm qua trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Đại dịch Covid-19, rồi thiên tai bão lũ Miền Trung (cuối năm 2020), đại dịch lần thứ 4 (tháng 04/2021) bùng phát mạnh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, MTTQ VN, tinh thần đoàn kết, nhân văn, tương thân, tương ái trong mỗi người dân Đất Việt lại trỗi dậy, quyết tâm đoàn kết cùng Nhà nước vượt qua mọi khó khăn thách thức. Ngoài các lực lượng tuyến đầu ra còn có hàng trăm đoàn thiện nguyện vào vùng lũ, vùng dịch cứu trợ, hàng trăm siêu thị không đồng, hàng ngàn chức sắc Tôn giáo, trong đó có Phật giáo, không quản khó khăn xông vào vùng dịch giúp đỡ Nhân dân, lực lượng tuyến đầu. Qua những ngày khắc nghiệt vừa qua, càng thấm đậm tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Có thể nói, chúng ta thắng dịch là lòng dân thắng dịch.
Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: QH
Hình ảnh Chủ tịch Quốc hội đi dự Hội nghị quốc tế trở về sân bay Nội Bài, “tay xách nách mang”, chuyển giao ngay toàn bộ Vaccine vừa xin được cho tuyến đầu để cứu người, đã cảm kích nhân dân cả nước.
Tân Thủ tướng vừa tuyên thệ nhậm chức chưa được mấy tuần (tháng 04/2021) đã phải tuyên bố chống dịch một cách quyết liệt, đạt được những kết quả rất ấn tượng tại Bắc Ninh, Bắc Giang, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, rồi về Hà Nội trong bộ trang phục ướt đẫm mồ hôi, tới tận phường, phố – tâm dịch kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch cứu dân. Tinh thần Ba không, bảo vệ người có sáng kiến dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thủ tướng được cử tri, Nhân dân cả nước vô cùng tin tưởng và kính trọng.
Về dịch bệnh, trong kinh Đức Phật tổng kết có 7 loại tai họa lớn nhất, trong đó tai họa về dịch bệnh được xếp đứng đầu. Nhưng Nhân dân cả nước luôn tâm niệm: với sự chỉ đạo của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, các tổ chức Tôn giáo, chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng tiếp tục dập dịch thành công và phát triển tốt kinh tế xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!
ĐBQH, Hòa thượng Thích Thanh Quyết