Hơn 1500 Phật tử về tham dự khóa tu Ngày an lạc tại Yên Tử - chào mừng đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc PL. 2563 – DL. 2019 được tổ chức tại Việt Nam


TLYT – Hòa trong không khí Phật giáo đồ cả nước đang hân hoan đón mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc PL. 2563 – DL. 2019 được tổ chức tại Việt Nam, ngày 27 & 28/4/2019 (tức ngày 23 & 24/3/Kỉ Hợi), tại Cung Trúc Lâm – Yên Tử, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức khóa tu Ngày an lạc với chủ đề Đi Gặp Mùa Xuân. Hơn 1500 Phật tử từ khắp nơi đã về tu tập.

 

Vesak là sự kiện thiêng liêng gắn liền với cuộc đời của Đức Phật: ngày Đức Phật đản sinh, ngày Đức Phật thành đạo, và ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Đây cũng là cơ hội để các cộng đồng trên toàn thế giới thừa nhận tầm quan trọng cũng như thông điệp hòa bình, thiện chí và lòng bao dung của Phật Giáo.

Mùa Phật đản lần thứ 2643, PL. 2563 – DL. 2019 là sự kiện tâm linh, văn hóa quốc tế, rất thiêng liêng đối với cộng đồng Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, khi Liên Hợp Quốc và cộng đồng Phật giáo thế giới tin tưởng và ủng hộ GHPGVN đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần 16 trên toàn cầu và lần thứ 03 tại Việt Nam. Để chào mừng sự kiện trọng đại này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức khóa tu Ngày an lạc tháng 3 với chủ đề Đi Gặp Mùa Xuân, bắt đầu từ 18h ngày 27/4 đến 17h ngày 28/4/2019. Hơn 1500 Phật tử từ khắp nơi đã về tu tập.

 
 

Khóa tu có hai thời pháp thoại. Buổi sáng, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh quang lâm giảng cho đại chúng về Lục Hòa, tức Sáu nguyên tắc hòa kính để sống chung an lạc, gồm có Thân hòa đồng trụ, Khẩu hòa vô tranh, Ý hòa đồng duyệt, Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải và Lợi hòa đồng quân. Tinh thần sáu pháp lục hoà là cẩm nang sống cao thượng của một cá nhân, là một nếp sống đạo đức đẹp, là nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống cộng đồng xã hội. Sáu nguyên tắc sống hoà hợp này được xem như là bản hiến pháp đầu tiên trong Phật giáo, nêu cao tinh thần trách nhiệm chung rất cởi mở, tự do, dân chủ và có ý thức trong mọi hoạt động. Nguyên lý sống hòa hợp này không chỉ áp dụng trong Phật giáo mà nó có thể thích ứng trong mọi gia đình, học đường cũng như bất cứ tổ chức xã hội nào.

 
 
 

Lấy cảm hứng từ Lục hòa, mà thế giới ngày nay cũng có Năm nguyên tắc chung sống hòa bình (five principles of peaceful co-existence). Đây là tập hợp năm nguyên tắc quan trọng điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia được thừa nhận một cách rộng rãi như những chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế. Năm nguyên tắc này bao gồm: 1. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; 2. Không xâm lược lẫn nhau; 3. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 4. Bình đẳng và cùng có lợi; 5. Cùng chung sống hòa bình.

 

Trong bối cảnh hiện tại, Phật giáo trong nước đang chịu nhiều tai tiếng, nhiều người không hiểu rõ nên chỉ vì một số trường hợp cá biệt mà mất niềm tin vào giáo pháp, cũng như có nhiều kiến giải khác nhau trong cùng một vấn đề khiến người học Phật không biết nương vào đâu. Do vậy, Thượng tọa đã chia sẻ thêm cho đại chúng về Tứ Y – Bốn điều y cứ mà chư Tổ đã đặt ra để soi sáng cho chúng ta trên con đường tìm hiểu và tu học Phật pháp: Y pháp bất y nhân (Căn cứ vào giáo pháp mà đừng căn cứ vào con người), Y nghĩa bất y ngữ (Căn cứ vào nghĩa lý chứ đừng chấp vào chữ nghĩa nhiều quá), Y trí bất y thức (Nương vào Trí chứ không nương theo Thức), Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh (Nương vào kinh liễu nghĩa chứ không nương theo kinh bất liễu nghĩa (kinh phương tiện).

 

Thời pháp thoại buổi chiều, Đ.Đ Thích Nguyên Phúc - Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Hạ (Báo Ân Tự) giảng cho đại chúng về Kinh Thập Thiện, từ lịch sử ra đời của bộ kinh cho đến những nội dung chính của kinh (10 điều thiện) cũng như cách áp dụng trong đời sống gia đình và cộng đồng xã hội.

 

Ngoài ra, trong khóa tu, đại chúng được chư Tăng chùa Yên Tử và chư tăng trong tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn ngồi thiền, lạy sám hối hồng danh sáu căn, đi thiền hành, niệm Phật, tập thiền ca, ăn cơm trong chánh niệm, nghe chuông… Tuy chỉ có một ngày tu tập, và căn cơ không đồng, nhưng phần nào đại chúng cũng đã nắm được một số pháp môn thực tập căn bản và trực tiếp thực hành dưới sự hướng dẫn của chư Tăng, lấy đó làm tư lương trên con đường tu học Phật pháp.

  
 
Tập thiền ca 
 
Thiền hành buổi sáng 
 
 
 
 
Tập thể dục buổi sáng 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Màn trình diễn múa quạt rất đẹp mắt trong khóa tu 
 
 
 
Đội hậu cần chuẩn bị thực phẩm 

Khóa tu Ngày an lạc sẽ được duy trì hàng tháng, vào thứ 7 và chủ nhật tuần thứ 3 của tháng theo lịch âm tại Cung Trúc Lâm Yên Tử. Hi vọng rằng giáo pháp của Đức Thế Tôn sẽ đi vào đời sống con người, đem lại niềm an vui cho tự thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

 

Thích Nữ Mai Anh


Tin cùng chuyên mục