TLYT - Chùa Giữa Đồng (Quảng Yên, Quảng Ninh) không chỉ gắn bó với đời sống tâm linh của người dân địa phương mà còn là mái ấm nuôi dưỡng 11 đứa trẻ bị bỏ rơi.
Thầy Thích Thanh Tuân - cha nuôi của 11 đứa trẻ bị bỏ rơi
Chiều muộn, sau khi đi công việc về, Đại đức Thích Thanh Tuân - trụ trì chùa Giữa Đồng chờ những đứa trẻ đi học thêm về cùng ăn cơm tối.
Bên chén trà chiều, sư thầy cho biết, có bé bị bỏ rơi ở cổng chùa, có bé bị bỏ rơi ở bệnh viện được thầy nhận về nuôi. Đến giờ, thầy đứng tên cha nuôi trong giấy khai sinh của 11 đứa trẻ (9 trai, 2 gái). 6 đứa lớn nhất hiện đang học lớp 5, đứa bé nhất năm nay lên 4 tuổi.
11 đứa trẻ, 11 hoàn cảnh khác nhau đến với thầy Tuân như một cái duyên, được thầy chăm sóc, nuôi dưỡng ngay từ khi mới lọt lòng mẹ.
Tất cả bọn trẻ đều bị bỏ rơi từ lúc sơ sinh, khi mới được 1, 2 ngày tuổi. Vào năm 2009, đứa trẻ đầu tiên bị bỏ lại chùa được người dân phát hiện rồi báo với thầy. Ngay khi vừa nhìn thấy đứa bé da nhăn nheo, khóc ngặt, thầy ẵm về nhận nuôi luôn. Cũng trong tháng đó, thêm 1 đứa trẻ nữa bị bỏ lại chùa. Riêng trong năm 2009, thầy trở thành cha nuôi của 6 đứa trẻ.
Lần lượt Quảng, Trường, Thọ, Thanh, Tâm, An, Liên, Đại, Long, Môn, Minh có mặt tại chùa Giữa Đồng, được khai sinh họ Trịnh, là họ trước khi xuất gia của thầy.
"Có bé sơ sinh nhiễm HIV, thử máu lần nào cũng dương tính nhưng nuôi một thời gian hết hẳn bệnh. Cháu này khi vào chùa chưa đủ 2 kg, phải nằm viện nhi Thuỵ Điển 2 tháng. Tôi đã làm tất cả các thủ tục đưa cháu vào trung tâm nhưng người ta nói tôi phải làm đơn từ biệt, đã vào trung tâm thì không được quan tâm gì đến cháu nữa.
Tôi nghĩ, mình đã nuôi cháu được 5-6 tháng rồi, bây giờ đưa vào trung tâm, mình phải biết cháu sống chết ra sao chứ. Thế là tôi không cho cháu đi nữa, giữ ở lại chùa. Đến khi cháu được 25 tháng, đi thử HIV thì cả 3 lần đều âm tính.
Các cháu cũng được phật tử, chính quyền thăm hỏi, tặng quà. Có bác sĩ cũng rất nhiệt tình giúp đỡ tư vấn sức khỏe khi các cháu ốm đau", thầy Tuân tâm sự.
Trên giấy tờ, thầy là cha nuôi của 11 đứa trẻ nhưng bọn trẻ vẫn gọi thầy là ông. "Ông đi đâu vài ngày là nhớ chúng nó lắm, chúng nó cũng vậy, luôn miệng hỏi ông...
...Bọn trẻ sống vui vẻ, vô tư và rất thương yêu nhau...
...chúng quý nhau lắm, ở gần chỉ chí choé tí thôi, chứ xa nhau là đi tìm nhau ngay", thầy Tuân nói.
Cu Tễu (5 tuổi) thì thầm với tôi: "Cô có con chưa, con cô lớn chưa, thỉnh thoảng cô lại về đây với con nhé".
Những phụ nữ tình nguyện làm mẹ nuôi của lũ trẻ bị bỏ rơi
Cùng sư thầy trực tiếp chăm sóc bọn trẻ từ thuở lọt lòng là 3 người phụ nữ sống gần chùa. Họ có gia đình, con cái đã lớn. Cũng vì quá lưu luyến và như có duyên với bọn trẻ, họ tình nguyện ở lại chùa chăm sóc chúng. Đến giờ, chỉ còn mẹ Xê và mẹ Bé, hai người phụ nữ nay đã 60 tuổi còn ở lại chùa.
Trong gian bếp, mẹ Xê và mẹ Bé chờ bọn trẻ đi học thêm buổi tối. Hôm nay, các mẹ buồn vì có 2 đứa nghịch ngợm, mải chơi, không nghe lời bị cô giáo phạt...
"Chúng tôi họa hoằn lắm mới về nhà, chỉ khi nào nhà có việc, mà về cũng chỉ dám về một chốc một lát. Lo ở chùa không có ai trông nom bọn trẻ lại làm loạn lên. Chúng nó gọi mình là mẹ, mình cũng coi chúng nó như con, thế thì mới ở lại chùa được chứ", Mẹ Xê tâm sự.
Hàng ngày, từ 4h sáng, hai mẹ đã dậy chăm đàn lợn đàn gà rồi chuẩn bị bữa sáng cho bọn trẻ. Ngoài giờ học, các bé được hai mẹ rèn cho việc dọn nhà, quét sân. Công việc xoay như chong chóng, ngày 2 bận đưa đón mấy đứa nhỏ tới trường, mấy đứa lớn nhất thì tự đi xe đạp được rồi, mẹ Bé cho biết.
Tất cả bọn trẻ ngủ cùng hai mẹ trong một cái màn to. 10 năm nay, đêm nào các mẹ cũng dậy 3-4 lần để đắp lại chăn cho bọn trẻ.
Những đứa lớn đã ý thức được hoàn cảnh của mình nhưng chúng vẫn vô tư, hồn nhiên bởi bên cạnh chúng có ông Tuân, có mẹ Xê và mẹ Bé ngày đêm chăm sóc, có tình anh em đủ đầy dưới mái chùa làng.
Tháng 8/2019, Đại đức Thích Thanh Tuân cùng các Phật tử đưa bọn trẻ ra Hà Nội viếng lăng Bác...
Những lo toan vất vả chăm sóc trẻ sơ sinh, những ngày ngược xuôi ra vào bệnh viện khi bọn trẻ ốm đau rồi cũng dần qua. Bọn trẻ ngày một lớn khôn, cứng cáp. Mỗi đứa một tính một nết, có đứa ngoan ngoãn, biết nghe lời, cũng có đứa còn lười học, khó bảo.
Bây giờ, đứa vào tiểu học, đứa đi mẫu giáo. Nuôi dạy 11 đứa trẻ, sư thầy còn có những nỗi lo khác, nỗi lo của người cha về tương lai của những đứa con.
Sư thầy làm đơn xin chính quyền xác nhận các cháu là con em gia đình có thu nhập thấp để được hưởng chính sách miễn giảm bảo hiểm y tế, học phí... nhưng không được xác nhận vì lý do thầy là nhà sư, không thuộc diện gì cả.
Khi được hỏi, nuôi 11 đứa con, có bao giờ thầy cảm thấy mệt mỏi không, thầy lắc đầu, nụ cười hiền hậu lấp lánh niềm vui trong ánh mắt: "Chỉ cần được nhìn thấy bọn trẻ lớn lên bên nhau mỗi ngày là tôi vui rồi. Đã xác định làm cha nuôi của các cháu, dù có khó khăn thế nào tôi cũng cố gắng hết sức để chăm sóc, nuôi nấng các cháu ăn học nên người"./.
Hồng Minh, VOV.VN