Thượng tọa Thích Đạo Hiển: cần dành nguồn ngân sách thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa, biến văn hóa thành nội lực phát triển


TLYT  – Sáng ngày 8/12/2021, tại phiên thảo luận trong chương trình làm việc ngày thứ 2, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kì 2021 - 2026, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có bài phát biểu, đóng góp ý kiến về một số giải pháp thiết thực nhằm phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh, trong đó Thượng tọa nhấn mạnh về sự chú trọng, đầu tư cho phát triển văn hóa và một số biện pháp kích cầu du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.

Chủ tọa điều hành phiên thảo luận thại hội trường (2) 
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh chủ trì phiên họp. Ảnh: Báo Quảng Ninh

1. Về chính sách kích cầu du lịch

Tình hình đại dịch Coivd - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe của nhân dân. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ là nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỉnh đã có 05 Nghị quyết về kích cầu du lịch, tuy nhiên kết quả vẫn không như mong muốn. Tại Tờ trình số 8369 của Ủy ban nhân dân tỉnh, ban hành một số biện pháp tiếp tục hỗ trợ kích cầu du lịch năm 2022 , trong đó nội dung miễn giảm 50 % phí, lệ phí tham quan các điểm du lịch. Tuy nhiên, đây là biện pháp rất ít hiệu quả nếu đại dịch Covid - 19 vẫn diến biến phức tạp. Thực tế trong năm 2021, mặc dù đã miễn phí hoàn toàn nhưng Vịnh Hạ Long vẫn không có du khách tham quan, chùa Yên Tử vẫn phải đóng cửa. Đến nay, đã chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt; kiểm soát hiệu quả” hay nói cách khác vừa phòng chống dịch, vừa sống chung an toàn.

Đại biểu HĐND tỉnh Thượng tọa Thích Đạo Hiển phát biểu tại kì họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kì 2021 - 2026. Ảnh: Báo Quảng Ninh 
 
Vì vậy, để kích cầu du lịch, đưa ngành du lịch, dịch vụ từng bước hồi phục và phát triển, Thượng tọa đề nghị phải thực hiện các biện pháp đồng bộ: ngoài kích cầu du lịch bằng chính sách miễn phí, phải tổ chức các hoạt động thu hút du khách. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ cũng phải học cách “thích ứng an toàn, linh hoạt” có các biện pháp chủ động như: tổ chức tour tham quan nghỉ dưỡng khép kín, an toàn, giảm giá dịch vụ… tránh trường hợp nhà nước miễn giảm phí, lệ phí mà doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá dịch vu. Thêm vào đó, còn phải tạo sản phẩm mới, xây dựng đồng bộ hạ tầng du lịch

2. Về cơ sở hạ tầng du lịch

Vừa qua, nhờ sự quan tâm của tỉnh, đã đầu tư nâng cấp đường từ Dốc Đỏ vào khu di tích Yên Tử. Để phát huy lợi thế, tiềm năng của khu di tích danh thắng Yên Tử, cử tri thành phố Uông Bí đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án đường Yên Tử kéo dài từ Dốc Đỏ kết nối với đường 10 làn ven sông tạo nên sự đồng bộ về mặt giao thông, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ và nâng cao bộ mặt đô thị. (Vì trong tờ trình kế hoạch sử dụng vốn trung hạn chưa thấy đưa dự án này).

3. Về văn hóa

Đảng và nhà nước vừa tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, đây được coi là Hội nghị Diên Hồng bàn biện pháp chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc. Đối với tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian qua lĩnh vực văn hóa đã có bước phát triển nhất định, các thiết chế văn hóa như: bảo tàng, thư viện, quảng trường, nhà hát, trường học, nhà truyền thống, nhà văn hóa được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tương xứng với các lĩnh vực khác. Tỉnh ta có hơn 300 di tích đã xếp hạng, tuy nhiên trong 10 năm qua, nguồn đầu tư cho di tích chủ yếu là nguồn xã hội hóa; nguồn đầu tư từ ngân sách rất ít. Trong khi các di tích lịch sử, di tích cách mạng, di tích tại vùng miền núi, hải đảo rất khó kêu gọi xã hội hóa.

Là người Việt Nam, từ 10 tuổi trở lên ai cũng rất ngấm, rất thấm giá trị của di tích Bạch Đằng Giang lịch sử; tuy nhiên Bãi cọc Bạch Đằng tại Quảng Yên đã phát lộ mấy chục năm nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”; mà tỉnh chưa có phương án khả dĩ nhất để bảo tồn và phát huy giá trị vô giá của di tích, để biến văn hóa thành nội lực phát triển.

Thượng tọa kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:

- Tỉnh cần dành nguồn ngân sách thỏa đáng cho văn hóa, đặc biệt là đầu tư cho các di tích vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.

- Tôn giáo không chỉ là tôn giáo mà tôn giáo còn là triết học, tư tưởng, văn hóa, đạo đức. Tôn giáo, tín ngưỡng nói chung có một chức năng quan trọng là giáo dục con người hướng tới chân - thiện - mỹ, cố kết nhân tâm, đoàn kết cộng đồng xã hội tạo nên nguồn lực quan trọng để phát triển, hay nói cách khác dân an thì nước thịnh, địa phương bền vững. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho sự bền vững.

- Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc, chúng ta cần quan tâm ưu tiên nguồn đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; bởi văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực, sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, như: Đại biểu Nguyễn Thị Bích Liên, Tổ đại biểu TX Đông Triều đề nghị di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp không phù hợp trong quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; Đại biểu Lý Thị Mỳ, Tổ đại biểu huyện Ba Chẽ có ý kiến cần bổ sung chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh; Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả đề nghị UBND tỉnh cần sớm nghiên cứu giải pháp, chính sách để có thể sử dụng quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án phát triển đô thị; Đại biểu Tô Văn Hải, Tổ đại biểu huyện Vân Đồn kiến nghị cần có giải pháp để hỗ trợ nhân dân trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm thủy sản…

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phiên thảo luận tại hội trường. 
 Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phiên thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Thay mặt đoàn chủ tọa Kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Ký đánh giá rất cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ và hội trường. Qua tổng hợp có 21 ý kiến thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến, trăn trở được đại biểu nêu ra tại Kỳ họp, không chỉ có hiệu quả, hiệu lực, thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội năm 2022 mà còn cho nhiều năm sau.

Ông đề nghị các cơ quan liên quan xem xét để có những chỉ đạo, điều hành, cơ chế chính sách phù hợp, đặc biệt liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô dân số; có những giải pháp về quỹ nhà ở xã hội để thu hút công nhân lao động; quan tâm đến thu hút giáo viên chất lượng cao tham gia giảng dạy trong các trường học…

Trong chiều nay 8/12, căn cứ vào những ý kiến của đại biểu tham gia thảo luận tại tổ và hội trường, các sở, ngành liên quan của tỉnh sẽ tập trung làm rõ, trả lời đến đại biểu và toàn dân, nhất là trong việc triển khai tiêm vắc xin tăng cường mũi thứ 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và xây dựng cơ chế, chính sách trong phát triển giáo dục và đào tạo.

Mai Anh

 

 

 

 


Tin cùng chuyên mục