Trường hạ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tác pháp Tự tứ mùa An cư kết hạ PL. 2566 – DL. 2022


TLYT - Sáng 14/7/Kỉ Hợi (12/8/2022), chư Tăng trường hạ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh như pháp làm lễ Tự tứ, kết thúc mùa An cư kiết hạ PL. 2566 - DL. 2022.
 

Mùa an cư kết hạ PL. 2566 – DL. 2012, Trường hạ thực hiện tiền an cư trong 3 tháng, từ ngày 16/4 - 16/7 âm lịch, với hơn 200 hành giả tham gia khóa an cư. Sau 3 tháng hạ, các hành giả được phép tự tứ. Suốt mùa an cư, chư Tăng Ni đã hết lòng tu trì, giữ gìn giới luật, thanh quy, thúc liễm thân tâm, trau dồi Tam vô lậu học, duy trì 6 thời công phu lễ bái theo đúng quy củ thiền môn. Về nội điển, đại trường tiếp tục giảng Khóa Hư Lục, tiểu trường giảng Luật. Trải qua 3 tháng cộng trụ chuyên trì tu niệm, chư hành giả ít nhiều đã gặt hái được những thành tựu trong công phu tu học.

Sau các nghi thức bạch Phật, khai kinh, chư Tăng đã tác pháp Tự tứ, đối thú, sám hối trước đại Tăng.

 
 
 
Ni chúng tác bạch cầu Tự tứ 
 
 
 

Nhân đây, xin chia sẻ thêm về pháp tự tứ. Tự tứ, tiếng Phạn là Pravāraṇā, Trung Hoa dịch âm là Bát-lợi-ba-lạt-noa, Bát-hòa-la, dịch ý là mãn túc, hỷ duyệt, tùy ý sự, chỉ cho sự thỉnh cầu người khác chỉ điểm những lỗi lầm, khuyết điểm của mình. Nghi thức này được tiến hành vào ngày trăng tròn kết thúc ba tháng an cư mùa hạ, tức rằm tháng Bảy, theo âm lịch các nước Việt Nam, Trung Hoa. Sự chỉ điểm này được căn cứ trên ba trường hợp kiến (thấy), văn (nghe), nghi (nghi ngờ). Ngày ấy, chúng Tăng tập họp, từng vị một ra trước đại chúng cầu xin được đại chúng soi sáng, bằng cách chỉ cho mình thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm, mà vì vô tình hay cố ý, mình đã sai phạm, nhưng do mê mờ, không thể tự thấy biết. Sau khi đại chúng chỉ cho thấy rồi, phải thành tâm sám hối. Sám hối rồi thì sẽ được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh tự nhiên phát sinh hoan hỷ, nên gọi là Tự tứ. Sau khi Tự tứ, vị Tỳ-kheo được thêm một tuổi giới, nên Tự tứ cũng gọi là thọ tuế, nhận thêm một tuổi đạo, mà ta thường gọi là hạ lạp.

Lễ Tự tứ rất quan trọng, chính Đức Thế Tôn cũng thực hiện nghi thức Tự tứ. Kinh Tăng nhất A-hàm, ghi: “Bấy giờ, đến ngày rằm tháng Bảy, Thế Tôn trải tòa ngồi giữa khoảng đất trống, các Tỳ-kheo trước sau vây quanh. Phật liền bảo A-nan hãy mau đánh kiền chùy, vì hôm nay rằm tháng Bảy là ngày thọ tuế. A-nan hỏi thọ tuế là thế nào? Phật dạy, thọ tuế là làm sạch ba nghiệp của thân, miệng, ý. Cứ mỗi 2 vị Tỳ-kheo đối diện với nhau mà tự trình bày nhược điểm, sai trái của bản thân mình, đồng thời tự xưng pháp danh của mình và nói rằng, hôm nay Tăng chúng thọ tuế, tôi cũng muốn thanh tịnh nên thọ tuế, xin tha thứ cho lỗi lầm của tôi. Tôn giả A-nan lại hỏi, việc này là pháp của chư Phật hay chỉ Đức Thế Tôn có? Đức Thế Tôn nói, quá khứ vị lai hằng sa chư Phật đều có, như Ta có ngày nay. Tôn giả A-nan hoan hỷ hết sức, tức thì lên giảng đường đánh kiền chùy mà nói, tôi đánh lên hiệu lệnh của Như Lai, đệ tử của Ngài xin tập họp lại! Tăng chúng tập họp cả rồi, Đức Thế Tôn nhìn mà nói, hôm nay Tôi thọ tuế: Tôi có lỗi với ai không? Thân, miệng, ý của Tôi có phạm lỗi gì không? Đức Thế Tôn nói đến 3 lần như vậy, rằng hôm nay Tôi muốn thọ tuế: Tôi có lỗi gì với Tăng chúng không? Tôn giả Xá-lợi-phất đứng dậy bạch Đức Thế Tôn: Tăng chúng quan sát Như Lai, không thấy có lỗi gì về thân, miệng, ý. Như Lai cũng không có lỗi gì với ai. Còn phần con, con xin hướng về Như Lai mà tự trình bày: Con có lỗi gì với Như Lai và Tăng chúng không? Đức Thế Tôn bảo, Xá-lợi-phất, Tôn giả không có hành động gì phi chánh pháp nơi thân, miệng, ý. Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa, bạch Đức Thế Tôn, tất cả Tỳ-kheo Tăng đây cũng muốn thọ tuế: Tất cả Tỳ-kheo Tăng đây có lỗi gì đối với Như Lai không? Đức Thế Tôn dạy, Không!”.

 

Vì vậy, ngày Tự tứ có ý nghĩa rất quan trọng, đó là biểu hiện của sự thanh tịnh và hòa hợp của chư Tăng - yếu tố mà một tăng đoàn đích thực phải có. Uy lực ấy phát sinh từ uy đức, tức từ đời sống phạm hạnh thanh tịnh, từ sự nỗ lực hành trì giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Uy lực, sức mạnh này là căn bản của năng lực cứu độ Phật đã dạy trong kinh Vu lan, có năng lực chuyển hóa, bạt trừ nghiệp chướng. Cho nên mẹ của Ngài Mục Liên nhờ sức chú nguyện này mà thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Mai Anh

Ảnh: Hiển Liên 

 


Tin cùng chuyên mục