Chùa Hoa Yên và các vườn tháp (Hoa Yên Tự)


 

      Chùa tọa lạc trên sườn núi đầu voi, ngọn núi cao nhất của dãy núi Yên, thuộc cánh cung Đông Triều. Nơi dựng chùa, tương truyền là nơi rồng nằm và chùa xây dựng trên trán rồng.

Chùa được xây dựng từ thời Lý, có tên là Vân Yên. Vân Yên nghĩa là mây mờ, chùa ở độ cao 600m nên những làn mây trắng mỏng bay qua, chùa lúc ẩn lúc hiện trong mây, gọi là Vân Yên tự. Thời Lê khi vua Thánh Tông lên vãn cảnh chùa, thấy cảnh trí nơi đây tuyệt đẹp, trăm hoa đua nở, mây kết thành hoa, giăng trước cửa nên đổi tên thành chùa Hoa Yên. Tên chữ là Hoa Yên tự. Tên dân gian thường gọi chùa Cả, chùa Yên Tử.

Xưa chùa Hoa Yên là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa Yên Tử và được nhắc nhiều trong sử sách. Chùa xưa ngoài tiền đường, thượng điện để thờ Phật, chùa còn có lầu trống, lầu chuông, nhà nghỉ khách, nhà giảng đạo, nhà dưỡng tăng,… tạo thành cả một kiến trúc rộng lớn. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, trong một địa thế hùng vĩ, là một ngôi chùa còn giữ lại ít nhiều dấu tích xưa, chùa được xây dựng trên một triền núi rộng thoai thoải, những người xây dựng đã dựa vào thế núi mà bạt thành hai cấp nền lớn có bó đá chắc chắn.

Chùa quay hướng Tây Nam, lưng tựa vào núi trên một địa thế đẹp. Từ xa xưa khi xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo, ông cha ta rất coi trọng hướng và thuật phong thủy. Thế đất linh điểm các di tích tọa thường phải là nơi cao ráo, thoáng mát… phải chăng vì thế mà chùa Hoa Yên nằm ở chỗ có phong cảnh thiên nhiên đẹp đến vậy.

Chùa được các nhà sư thời Lý xây dựng, mái lợp bằng lá cây rừng. Sau khi lên tu hành và đắc đạo vua Trần Nhân Tông đã thường xuyên mở các lớp truyền yếu kỷ thiền tông cho các đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái, Pháp Không và các đệ tử khác ở đây.

Khi Pháp Loa được truyền y bát và trở thành Đệ Nhị Tam Tổ, chùa Hoa Yên mới được xây dựng nguy nga. Chùa có tiền đường, thượng điện để thờ Phật, chùa còn có lầu trống, lầu chuông, nhà nghỉ khách, nhà dưỡng tăng, nhà in kinh, nhà giảng đạo… tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn.

Trên con đường hành hương lên chùa Hoa Yên (tương truyền do Trần Nhân Nhân Tông khai mở)

Ven đường có hai hàng tùng cổ thụ tuổi thọ hơn 700 năm, đứng uy nghiêm, thân và cành uốn lượn với sự tạo dáng phong phú, bất ngờ, rễ bám chắc vào vách núi, tán lá mềm mại, xanh thẫm tỏa rộng như những chiếc lọng khổng lồ che rợp con đường lên cửa Phật. Tùng còn tượng trưng cho ý trí của người quân tử luôn luôn đứng thẳng vươn cao, không chịu luồn cúi. Rễ tùng bò ngang trên mặt đường như những con rắn khổng lồ tạo bậc vững chắc đỡ chân Phật tử về nơi cõi Phật.

Đường tùng và đường trúc là hai con đường song song nhau tạo thành hai lối đi lên và đi xuống. Phật tử có thể đi lên bên đường tùng và đi xuống bên đường trúc hoặc ngược lại tùy theo sở thích của mỗi người. Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử tượng trưng cho sức sống dẻo dai. Vẻ đẹp thanh bạch tao nhã của tạo hóa. Đó có lẽ là lý do Trần Nhân Tông lấy tên rừng trúc là Trúc Lâm là tên gọi cho dòng thiền do ông sáng lập.

 

Qua đường tùng và đường trúc tiếp tục hành hương lên chùa Hoa Yên, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống tháp đa dạng và phong phú của các thế hệ kế tiếp thiền sư phái Trúc Lâm Tam Tổ đã đến đây tu thiền và đi vào cõi vĩnh hằng ở nơi đất Phật này. Bắt đầu từ Hòn Ngọc, xưa kia gọi là gốc Voi Quỳ, trên Hòn Ngọc có một cụm tháp mộ là nơi yên nghỉ của các thiền sư tu hành tại Yên Tử. Trong đó có ba ngọn tháp đá đều cao ba tầng, mang những nét điển hình của kiến trúc tháp mộ cuối thời Lê. Ngọn cổ nhất là tháp đá Tĩnh Trụ dựng năm 1752, ngọn thứ hai có niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 19 tức năm 1758. Ngọn tháp đá Chân Bảo dựng năm 1770, ngoài ra còn có một số mộ gạch chưa rõ niên đại và một ngôi tháp gạch một tầng mới dựng năm 1963. 

Qua Hòn Ngọc tiếp tục hành hương tới vườn tháp Huệ Quang, chúng ta sẽ đi qua một đoạn dốc dựng đứng được kè đá chắc chắn, hết đoạn dốc này là lên sân của vườn tháp. Đây là vườn tháp trung tâm, có gần 100 ngọn tháp và mộ bằng gạch, xi măng, đá trong đó tháp Huệ Quang ở vị trí trung tâm là nơi thờ xá lợi của đức Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ. Tháp Huệ Quang có tường xây bao quanh bằng gạch, tường được bảo vệ bằng mái ngói mũi hài thời Trần. gần 100 ngọn tháp chứng minh một đội ngũ rất đông các nhà sư tu hành tại trung tâm Phật Giáo này. Cũng có thể nói rằng trên khắp đất nước hiếm có nơi nào có vườn tháp như vườn tháp Huệ Quang trên núi Yên Tử.

Chùa Hoa Yên có những ngôi tháp làm cho ta thấy thật ngỡ ngàng khi đến đây, xung quang vườn tháp có những cây đại cổ thụ, những cây tùng cổ thụ (có độ tuổi 700 năm). Từ tháp Huệ Quang đi lên chùa du khách sẽ đi trên con đường lát 180 viên gạch vuông in hình hoa cúc, điển hình cho gạch thời Trần, con đường này đã mách bảo vị trí trang trọng của chùa Hoa Yên, ngày nay đường lát gạch cổ đã bị mai một nên được lát lại bằng những viên gạch phục chế có trang chí hoa văn hoa cúc mang đúng phong cách thời Trần. Hai bên đường gạch này là hai hồ nước (tương truyền đây là hai mắt rồng) nhà chùa thường trồng hoa sen hoặc hoa súng đến mùa hoa nở mang dâng lên lễ Phật. Từ con đường lát gạch hoa tuyệt đẹp sau tháp Huệ Quang, ta sẽ lên chùa Hoa Yên bằng con đường đi ghép những bậc đá xếp khít vào nhau tạo thành một lối đi chắc chắn, hai bên bậc lên là đôi rồng đá (mới được dựng từ năm 2006). Lên đến gần chùa con đường chia làm hai lối lên sân chùa.

 

         Trước sân chùa có 3 cây đại cũng chừng 700 tuổi. Đầu hồi chùa có hai cây sung cổ thụ. Cây đại cuối xuân cho đến đầu thu trổ lá to dài mượt, xen với những chùm hoa trắng ánh vàng, tỏa hương thơm nức, đến mùa lạnh rụng hết lá trơ cành như một rừng sừng hươu mập búp tua tủa lên trời như hút sinh lực từ vũ trụ truyền cho đất. Ở đây cây đại gắn bó mật thiết với kiến trúc, vừa là sự tô điểm, làm gắn kết khối hình kiến trúc với khoảng không vũ trụ, tạo cho nơi này một không gian thiêng trở nên vời vợi và sâu lắng.

Khung cảnh chùa Hoa Yên không chỉ nổi bật với những cây đại cổ thụ, đặc biệt cảnh quan của chùa còn nổi bật hẳn lên với khu vườn tháp có một không hai trên hệ thống chùa của Việt Nam.

KHU VƯỜN THÁP

 

Trong hệ thống chùa ở Việt Nam không có nơi nào lại có một vườn tháp đẹp và nhiều tháp mộ như ở chùa Hoa Yên, núi Yên Tử. Điều đó chứng minh cho ta thấy nơi đây từng là trung tâm Phật Giáo của Việt Nam.

1.    Khu tháp Hòn Ngọc: (9 tháp, mộ)

Vườn tháp của chùa Hoa Yên tính từ Hòn Ngọc. Hòn Ngọc xưa kia gọi là dốc Voi Quỳ, hàng năm khi hoàng đế Trần Anh Tông lên vấn an vua cha Trần Nhân Tông Ngài thường cho dừng lại ở đây và tiếp tục đi bộ lên chùa trên. Hòn Ngọc là một gò đất khá rộng, bằng phẳng, ở độ cao 400m so với mặt nước biển, ở độ cao này, gió Đông Nam thổi lồng lộng, phong cảnh thật đẹp, thần tiên hữu tình.

Trên Hòn Ngọc có cụm tháp gồm 9 ngọn tháp, bao gồm cả tháp đá và gạch, tháp của những nhà sư tu hành ở đây từ cuối thời Lê cho đến đầu thời Nguyễn còn 3 ngọn tháp đá và 6 ngọn tháp gạch.

a.    Loại hình tháp đá:

Tháp một tầng được làm bằng đá gạo, các phiến đá được ghép với nhau qua hệ thống mộng thành tháp, bệ tháp làm theo kiểu thót ở giữa giật cấp ra hai bên, thân tháp một mặt có cửa vòm, bên trong đặt bát hương và bài vị. Mái đua ra so với thân tháp, bốn riềm mái tháp cong lên, trên đỉnh tháp đặt một bình nước cam lồ.

·      Tháp Tự Tuệ:

Ngọn cổ nhất là tháp Tự Tuệ có niên đại Cảnh Hưng năm thứ 19 tức năm 1758. Thiền sư Giác Liễu tu tại chùa Hoa Yên tên hiệu là Tuệ Cơ, tên chữ là Tính Hoảng quê ở xã Quyển Sơn, huyện Kim Bảng, Phủ Lý Nhân, sớm giác ngộ về đạo Phật, Ngài xuất gia tu hành tại Yên Sơn, trở thành một Thiền Tăng xuất sắc của Tổ sư Giác Viên Tuệ Hỷ trụ trì ở Hoa Yên.

Năm 1738, Tổ Giác Viên nhập diệt, thiền sư Giác Liễu kế vị thầy. Cuối năm 1758, biết mình sắp về với Phật, thiền sư căn dặn môn nhân chùa Hoa Yên xây trước Bảo Tháp ở Hòn Ngọc, sau đó Viên Tịch ở tuổi 71, tháp xây dựng vào mùa hè năm Mậu Dần niên đại Cảnh Hưng năm thứ 19.

·      Tháp Chân Bảo:

Ngọn tháp thứ hai là tháp Chân Bảo dựng năm 1770, tháp thờ thiền sư Diệu Tường, tên húy là Lê Thị Vạn, sinh năm 1726, ở phủ Đường An. Sinh thời bà bộc lộ tính trời rộng rãi, tâm đạo sáng trong, học vấn uyên thâm, chuyên cần tu tập, được cả sơn môn và thập phương tin tưởng, kính trọng. Bà tạ thế năm Canh Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 triều Lê (1770) trụ thế 45 năm. Môn nhân chùa Hoa Yên xây dựng Bảo Tháp trên Hòn Ngọc vào ngày 22 tháng 12 năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 để phụng thờ.

·      Tháp Tĩnh Trú

Ngọn tháp thứ ba là tháp Tĩnh Trú, tháp thờ thiền sư Thanh Hát – đệ tử chân truyền pháp phái Phù Lãng dòng Lâm Tế, sinh năm 1691, mất ngày 12 tháng 11 năm 1752, thọ 61 tuổi.

b.    Loại hình tháp gạch:

Chỉ còn lại một ngôi tháp gạch một tầng mới được xây dựng vào thời Nguyễn năm 1963 không có tên, tháp lở móng, sụt mái, trên mái cỏ mọc. Ngoài ra còn có 5 ngôi mộ được xếp gạch không rõ là mộ của thiền sư nào.

2.    Khu tháp Tổ (81 tháp)

Qua Hòn Ngọc gần 300m tời vườn tháp Tổ, đây là vườn tháp trung tâm, trong đó có tháp của đức Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ, xung quanh gần 100 ngọn tháp bao quanh. Bao gồm có 40 tháp mới được trùng tu năm 2002 bằng xi măng phía sau tháp Huệ Quang, 25 tháp gạch nằm rải rác trên sân vườn tháp, 15 tháp đá, trong đó có một ngọn tháp bằng đá xanh, còn lại là tháp bằng đá gạo, có một số ngôi tháp đã bị đổ chỉ còn lại là dấu tích. Riêng tháp Huệ Quang là một ngọn tháp cao 6 tầng được ghép bằng đá tháp, sân tháp hình vuông có tường bao quanh 4 mặt.

Một số ngọn tháp tiêu biểu trong vườn tháp Tổ:

 

·      Tháp Hiếu Từ

Tháp mộ thờ thiền sư Ma Ha Sa Môn, tên chữ Tịch Phổ, hiệu là Tuệ Giác Thích Kiêu Kiêu, sinh năm Bính Thìn, mất ngày 5 tháng 6 năm Kỷ Dậu. Tháp cao hai tầng tám mái, được làm bằng đá gạo, cả tháp đều được phủ một lớp rêu phong đậm màu thời gian. Tháp được đặt trên bệ lục giác, chân tháp bệ thót giữa giật cấp sang hai bên, trang trí hoa văn hình sóng nước. Tầng một mặt chính của tháp là một bức cửa vòm bên trong để bát hương và tượng thờ, tầng hai có khắc ba chữ “Từ Hiếu Tháp”. Trên đỉnh của tháp là hình ảnh bình nước cam lồ.

Trong lòng tháp có đặt một pho tượng của Ngài và một bát hương bằng đá. Tượng làm bằng chất liệu đá trắng được tạo tác trong tư thế ngồi trên một bục vuông, mắt khép hờ, mũi cao, miệng mím, cổ cao ba ngấn, áo cà sa hai lớp hở ngực vạt vắt sang bên phải, có khuy cài bên trái. Hai tay kết ấn để trong lòng, ngồi bán kiết già lộ bàn chân trái.

Bát hương đá, có hai bên tai, tai cao hơn bát hương khoảng 10cm, trung tâm của bát hương được trang trí đôi rồng trầu nguyệt, xung quanh là hình mây. Trên trần tháp nơi đặt tượng có khắc một hình lưỡng nghi.

·      Tháp Bảo Quang:

Hiện chưa có tư liệu Hán Nôm nào nói về vị thiền sư được thờ ở trong tháp này. Tháp một tầng bốn mái, làm bằng chất liệu đá gạo. Tháp được đặt trên một bệ vuông, nay bị rêu phủ xanh, chân tháp bệ thót giữa giật cấp sang hai bên, trang trí hoa văn hình sóng nước. Cửa tháp hình vuông, phía trên có chữ “Bảo Quang Tháp”, trong tháp có đặt một bát hương sành và có hai pho tượng, một được tạc dưới dạng phù điêu trong lòng tháp. Một pho tượng theo giả thiết có thể được đưa từ nơi khác đến chứ không phải là tượng của tháp, vì tượng cũng được tạc dưới dạng bán phù điêu rồi tách rời ra mang vào đặt trong lòng tháp.

Tượng thứ nhất (phù điêu trong tháp); Tượng không còn nhìn rõ nét ở trên mặt, song có thể thấy mặt tượng phúc hậu, tai dài to, mặc áo cà sa một lớp vạt vắt sang bên phải, tay kết định ấn để trong lòng, ngồi kiết già để lộ bàn chân phải trên bệ sen hai lớp. Các cánh sen tròn mập không trang trí.

Tượng thứ hai (tượng rời đặt trong tháp); Khuôn mặt tròn, các nét trên mặt không nhìn rõ, không có tai, tượng mặc áo cà sa một lớp lộ vai phải, tay kết ấn để trong lòng, ngồi kiết già.

·      Tháp Trường Quang:

Thờ Vương phủ thị nội cung tần Trần Thị Ngọc Loan, sau đổi thành Lý Thị Ngọc Loan.

Pháp danh: Diệu Tín.

Quê quán: Thôn Thượng Xá, xã Trần Xá, Phủ Lý Nhân, Đạo Sơn Nam.

Sự nghiệp tu hành: Là ái nữ thuộc dòng dõi nhà Trần, lớn lên trong cung vàng điện ngọc, bà nổi tiếng là một trang thục nữ xinh đẹp và tiết hạnh. Năm 15 tuổi được tuyển vào cung làm cung tần thị nội, âu cũng bởi nhân duyên hay do chán ghét cảnh phù hoa mà bà đã lìa bỏ lợi danh tìm về núi Yên Tử chùa Hoa Yên và tu hành tại đây cho đến cuối đời.

Tháp xây dựng vào ngày lành, cuối đông năm Đinh Mão, niên hiệu Chính Hòa thứ 8 (1687) triều Lê.

Tháp một tầng bốn mái, làm bằng chất liệu đá gạo. Tháp được đặt trên một bệ vuông nay bị rêu phủ xanh, chân tháp bệ thót giữa giật cấp sang hai bên, trang trí hoa văn hình sóng nước. Cửa tháp hình vuông, phía trên có chữ “Trường Quang Tháp”, trên đỉnh tháp có bình nước cam lồ.

Trong tháp có bức phù điêu tượng nữ tạc bằng đã trắng. Đầu đội khăn phủ xuống vai, mắt mở to, miệng mím, cổ cao ba ngấn, áo hai lớp vạt vắt sang bên phải, tay kết định ấn để trong lòng, ngồi kiết già không lộ chân.

·      Tháp Diệu Đăng:

Thờ sư bà Diệu Đăng. Sư bà vốn là cung phi trong phủ chúa Trịnh tên là Phạm Thị Ngọc Khoa.

Sự nghiệp tu hành: Sống trong sự sa hoa của cung phủ song bà nhận thấy thế sự vô thường, cuộc đời phù sinh ngắn ngủi, bèn cắt bỏ hết lợi danh, bỏ cõi trần xuất gia tu hành tại chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Trong thời gian tu hành bà thường đem tiền bạc cứu trợ cho dân quanh vùng nên bà được tôn thờ như bậc thánh nhân.

Vào một ngày thu năm Ất Sửu sau khi cho xây xong ngôi Bảo tháp tượng trưng cho chính phái dòng Lâm Tế trước cửa chùa Hoa Yên bà nhập diệt.

Tháp xây dựng vào ngày lành tháng Thu năm Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6 (1685) triều Lê.

Tháp hai tầng tám mái, làm bằng đá gạo. Tháp được đặt trên một bệ tứ giác, chân tháp thót ở giữa giật cấp sang hai bên, trang trí hoa văn hình sóng nước. Cửa tầng 1 của tháp làm dưới dạng vòm, tầng 2 không có cửa, bốn mặt kín, trên đỉnh tháp có bình nước cam lồ. Phía sau lưng tháp có một tấm bia đá gắn ở tầng 1 của tháp.

Trong tháp có một bức phù điêu khắc bằng đá xanh đầu đội khăn phủ xuống vai, mặt bầu bĩnh phúc hậu, mũi cao, mắt khép miệng nhỏ. Mặc áo một lớp vạt vắt sang bên phải, tay kết định ấn để trong lòng, ngồi trên bệ sen, các cánh sen làm cách điệu hình sóng nước. Trên trần tháp có hình lưỡng nghi – bát quái.

 

·      Tháp Hoa Quang

Thờ Tỳ khưu Trúc Lâm Tính Hải thiền sư, thế danh Hoàng Cấp.

Pháp danh Tính Hải, Liên Tự, Tuệ Sâm Thiền sư, sinh năm 1710, nhập Niết Bàn ngày 29 tháng 12 năm Canh Dần (1770), trụ thế 60 năm.

Quê quán: xã Hợp Sơn, huyện Thù Hòa, Tổng Kinh Bắc, quê ngoại ở Đào Xá, huyện Đường An.

Sự nghiệp tu hành: Thuở nhỏ Ngài theo Nho học, đến năm 28 tuổi xuất gia quy Phật, Ngài thường trụ trì ở thiền tăng Phúc Khánh, chùa Giải Oan (8 năm), chùa Hoa Yên (15 năm).

Lập tháp vào ngày tốt tháng 12 năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 (1771) triều Lê.

Tháp một tầng bốn mái, làm bằng đá gạo. Tháp được đặt trên một bệ vuông, chân tháp bệ thót giữa giật cấp sang hai bên, trang trí hoa văn hình sóng nước. Cửa tháp hình vuông, phía trên có chữ “Hoa Quang Tháp”, trên đỉnh tháp có bình nước cam lồ. Trong tháp thờ một bài vị, sau lưng tháp có một tấm bia đá.

·      Tháp Chân Thường

Thờ Tỳ khưu Trúc Lâm hiệu là Như Lịch, Giác Viên, Tuệ Hỷ Thiền sư. Sinh năm 1655, nhập Niết Bàn ngày 03 tháng 12 năm Tân Hợi 1738, trụ thế 83 năm.

Quê quán: xã Quyển Sơn, huyện Kim Bảng, Phủ Lý Nhân, Tổng Sơn Nam.

Sự nghiệp tu hành: Ngài xuất gia năm 17 tuổi, tu hành 66 năm tại chùa Hoa Yên núi Yên Tử, có công đào tạo nhiều danh sư trong đó có thiền sư Giác Liễu.

Tháp xây dựng vào ngày tốt tháng Giêng, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) triều Lê, do pháp tử tên Tính Hoàng, hiệu Tuệ Cơ tạo dựng.

Tháp một tầng bốn mái, làm bằng đá gạo. Tháp được đặt trên một bệ vuông, chân tháp bệ thót giữa giật cấp sang hai bên, trang trí hoa văn hình sóng nước. Cửa tháp hình vuông, phía trên có chữ “Chân Thường Tháp”, trên đỉnh tháp có bình nước cam lồ. Trong tháp thờ một bài vị, trên trần tháp có hình chữ “vạn” khắc nổi.

·      Tháp Tôn Đức

Thờ thiền sư họ Hà tức thiền sư Minh Hành, pháp danh Nhân Thiên Đạo Sư Thích Tại Tại. Sinh năm 1595, nhập Niết Bàn ngày 25 tháng 03 năm Kỷ Hợi 1659, trụ thế 64 năm.

Quê quán: Phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, nước Đại Minh. Là đệ tử chân truyền của thiền sư Chuyết Chuyết, năm Quý Dậu (1633) Ngài sang nước Việt theo thiền sư Phổ Giác hành giáo. Đến năm Giáp Thân (1644) được thiền sư Phổ Giác trao Y bát và trở thành thiền sư đạo cao đức trọng ở lại nước ta để hành đạo, mở rộng việc xây dựng chùa chiền, biến nước Nam thành cõi Tây Thiên… Các ngôi tượng Phật do thiền sư tạc, nét mặt trang nghiêm, đầy đặn, sáng láng như trăng rằm…

Tháp xây dựng ngày 16 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) triều Lê do chính vua Lê ban sắc chỉ và Phật tử chính cung Hoàng Thái Hậu Trịnh, đạo hiệu Pháp Tính làm chủ hung công.

Tháp ba tầng được đặt trên bệ lục giác, chân tháp thót ở giữa giật sang hai bên, trang trí hình cánh sen kép. Tầng một cửa làm dưới dạng vòm bên trong có một bức tượng của thiền sư Minh Hành và một bát hương đá. Tầng hai không có cửa, trên tháp khắc nổi chữ “Tôn Đức Tháp”. Tầng ba của tháp là bức phù điêu hình ảnh đức Phật đứng trên đài sen, trên đỉnh tháp là hình nụ sen.

Tượng thiền sư Minh Hành: Là pho tượng cổ của nửa sau thế kỷ XVII, tượng làm bằng đá xanh.

Tượng làm theo bố cục khối chóp vút cao, lưng dựng đứng, dáng người gầy, khuôn mặt xương với lưỡng quyền cao, đầu tròn cạo trọc làm cho khổ mặt hơi dài, mắt tượng mở nhìn đời đằm thắm, miệng khép, tai to, ức rõ… dáng tượng nghiêm túc đến tĩnh lặng của người chân tu khắc khổ mà độ lượng. Tượng mặc hai lớp áo, lớp trong chỉ hở một phần cổ áo, lớp ngoài là áo dài chùm chân có nẹp to và một số nếp gấp mượt mà, do đó đường nét và mảng khối đều rất rõ ràng. Tay kết ấn tam muội để trong lòng, tượng ngồi kiết già vạt áo phủ kín bàn chân. Tượng được đặt trên một bệ sen hai lớp làm bằng đá gạo. Kích thước: 60 x 40 x 25cm.

·      Tháp Tổ Trần Nhân Tông

 

Tháp Tổ Trần Nhân Tông là ngọn tháp trung tâm của vườn tháp Huệ Quang. Sân tháp hình vuông có tường bao quanh bốn mặt, độ dày 60cm, trên lợp ngói mũi hài kép màu đỏ thẫm. Hai cổng vòm ở lối lên và lối xuống Bắc Nam đối diện nhau. Diện tích khoảng 180m2, ngói lợp trên tường bao gồm 5 lớp ngói mũi hài mỗi bên, ở giữa là một lớp ngói ống.

Sân tháp còn lát những viên đá xanh có cạnh 40cm x 40cm. Qua cổng, phía sau tháp lên chùa có nhiều gạch vuông cạnh 40cm chạm hoa cúc thời Trần. Nền tháp hình lục lăng có hai cạnh trước và sau cách nhau 4,5m và dài 3,15m; các cạnh bên dài 2,5m mặt bên chạm song nước tiêu biểu của thời Trần.

Trên nền ấy dựng cây tháp đá tiết diện vuông cạnh 2,1m gồm 5 tầng ở trên một bệ cao. Ngăn giữa bệ và tầng dưới của tháp là một đài sen nhô ra với những cánh mập mạp ôm  lấy thân tháp, trang trí những hoa dây mềm mại, khẳng định phong cách nghệ thuật thời Trần. Các tầng tháp đều đơn giản, mảng lớn không trang trí, duy chỉ có bốn đầu đao của mái tầng một là trang trí hoa văn lá đề với đôi rồng chầu nguyệt cũng mang đậm phong cách thời Trần, tầng này mở cửa hướng Nam, bên trong đặt tượng thờ Trần Nhân Tông. Mái nhô rộng, tầng hai của tháp có một cửa làm dưới dạng hình vuông, ba tầng trên thu nhỏ đột ngột không có cửa, dáng khỏe chắc và mộc mạc, trên đỉnh có hình búp sen đá thon thả với nét chạm nông, quen gọi là quả hồ lô hay bình nước cam lồ.

Pho tượng đá Trần Nhân Tông đặt trong tầng thứ nhất của tháp là một tác phẩm điêu khắc có giá trị thời Lê sơ. Tượng cao 0,62m; tạc theo thế liên hoa tọa (ngồi hình hoa sen). Cả tượng và bệ đều làm bằng chất liệu đá trắng, đầu trọc, mặt cân đối, mũi to, tai dài, cổ cao ba ngấn, tuy vẫn dựa theo mô típ tượng Phật thờ trong chùa song nhà điêu khắc đã chú ý khái quát những nét chân dung của nhân vật thực Trần Nhân Tông theo sử sách chép lại. Hai tay tượng để trên đùi trong tư thế đang niệm chú, mặc áo cà sa để hở ngực phải các nếp áo chảy tràn ra mặt bệ cả trước và sau, áo không trang trí, hoa văn trang trí chủ yếu tập trung ở cổ, nẹp áo là hoa văn cúc dây hay lan đằng hoa lá. Bệ tượng cũng được trang trí hình hoa văn rồng, hình hoa cúc, hoa sen và mây lửa. Chúng được bố cục theo nhiều kiểu dáng khác nhau với những đường nét mềm mại, tinh tế, mang đặc điểm phong cách nghệ thuật trang trí thời Lê sơ.

Trước tháp Tổ Trần Nhân Tông còn có một cây hương đá hình trụ cao 1,55m, chia cây hương đá ra làm ba phần. Phần đế thót ở giữa xòe ra hai bên hình cánh sen hai lớp, trên cánh sen là đường giật cấp thót dần lên. Phần thân là hình trụ bốn mặt được tạo gờ hơi lõm vào trong. Phần thứ ba là một búp sen tên đỉnh của cây hương đá.

 

    3.  Tháp sau chùa Hoa Yên (có 07 tháp còn nguyên vẹn, còn ba phế tích theo giả thiết có thể là ba ngôi tháp bị đổ)

Có ba ngôi tháp gạch, ba tầng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, một tháp có tên Tĩnh Tuệ.

Thờ Tỳ khưu tên chữ là Chiếu Kiêm. Pháp hiệu Tuệ Nhật thiền sư, sinh năm Nhâm Thân. Nhập Niết Bàn giờ Tuất ngày 12 tháng 9 năm Bính Tuất, trụ thế 75 tuổi.

Sự nghiệp tu hành: xuất gia năm 17 tuổi và đến tu ở núi Yên Tử, trụ trì chùa Bồ Đà, động Thanh Long (chùa Lân).

Ba ngôi tháp đá một tầng mang phong cách thời Lê. Có hai tháp chân đế thót ở giữa, giật cấp sang hai bên, còn một tháp chân tháp có chân đế vuông. Trong ba tháp chỉ có một tháp còn tên đó là tháp Cô Tẩy.

·      Tháp Độ Nhân

Xây dựng thời Lê, thờ Tỳ khưu Tuệ Xuân, được sắc phong là Chính Giác Hòa Thượng – Đại Đức thiền sư – Độ Nhân Bồ Tát.

Quê quán: xã Kim Liên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn.

Sự nghiệp tu hành: từ nhỏ Ngài đã xuất gia tu hành ở chốn Tùng Lâm Yên Tử theo hạnh đầu đà và trở thành một thiền sinh xuất sắc của Tổ Tuệ Chân trụ trì chùa Hoa Yên. Ngày 25 tháng 11 năm Giáp Thân, niên hiệu Phúc Thái thứ 2 (1644) nghiêm giới hạnh, phụng đạo cứu đời, trùng tu tôn tạo tháp ở Yên Sơn cho đến cuối đời.

Tháp xây dựng vào ngày giờ tốt tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) triều Lê.

Tháp có đặc điểm được xây bằng gạch men xanh một tầng. Hiện nay, tháp không còn nguyên vẹn, qua thời gian men của tháp đã bị bong tróc gần hết, bệ bị vỡ, hệ thống mái xụt, đỉnh mái không còn, thay vào đó là một bông sen bằng gạch. Trên tháp có trang trí một số họa tiết hoa văn đặc sắc.

Bệ tháp hơi choãi, bốn góc của bệ trang trí hình hổ phù, hổ phù được tạo tác dữ tợn, miệng ngậm lá để lộ rõ hai nanh, mũi to, mắt lồi, mày nhíu lại,trán gồ cao, tai bành rộng sang hai bên, bờm chảy ngược về sau. Phần đường diềm trên của đế trang trí hoa văn hình khánh lồng.

Phần thân tháp hình trụ, xây bằng gạch đỏ, không có trang trí hoa văn, họa tiết và lớp men xanh bên ngoài bị bong tróc hết, mặt trước của tháp có mở một cửa hình vuông quay hướng Đông Nam.

Phần mái tháp giật cấp thót dần lên trên, đỉnh tháp là một bông sen nở bằng gạch đỏ. Những phần giật cấp chia thành nhiều mảng trang trí các họa tiết hoa văn:

Mảng thứ nhất phần nhô ra của mái, đường viền được trang trí đường hồi văn hình chữ S, xen lẫn đường hồi văn là ô tròn thủng. Trên đường diềm là phần nhô ra của mái trang trí hoa văn hình khánh lồng hoa cúc.

Mảng thứ hai thót vào, bốn mặt của mái trang trí hình hai con cá đối xứng nhau, nhưng do tháp bị hư hỏng nhiều, một phần của tháp được dùng vữa xây lại nên che lấp một phần trang trí. Phần giật cấp thót lại ở giữa, trang trí hoa văn khánh, bên trong hoa văn khánh là hoa văn thị.

Mảng thứ ba giật cấp hơi loe ra, phần diềm trên trang trí hình sóng nước, có kích thước: cao 1,6m; rộng 1,2 x 1,2m.

CHÙA HOA YÊN

 

·      Chùa chính:

Chùa Hoa Yên cổ được xây dựng cách ngày nay hơn 700 năm. Trải qua thời gian dài tồn tại, chùa đã qua nhiều lần được trùng tu tôn tạo lại. Đặc biệt vào thời Lê hệ thống chùa ở Yên Tử được trùng tu tôn tạo nhiều, và dựng thêm một số tháp mới như: Tháp Tôn Đức dựng ngày 16 tháng 6 năm Vĩnh Thọ thứ 2 (1659); Chân Tường Tháp dựng thời Lê hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739).

Thời Nguyễn chùa bị hỏa hoạn chỉ còn lại phế tích, những di vật còn để lại như những tảng đá kê chân cột cho ta thấy kiến trúc chùa xưa vô cùng to lớn.

Cuối năm 2002 chùa được phục dựng lại với quy mô rộng lớn và khang trang. Gồm thượng điện, hậu cung, nhà tổ, tả vu, hữu vu, lầu chuông, lầu trống. Toàn bộ chùa được xây dựng bằng gỗ, lợp ngói mũi hài kép, các họa tiết trang trí điêu khắc đều mang đậm nét đặc trưng thời Trần.

Chùa có kết cấu hình chữ “công”, gồm tiền đường, bái đường và hậu cung, toàn bộ kiến trúc được làm bằng gỗ. Tiền đường gồm ba gian hai chái, mái lợp ngói mũi hài kép, lớp trong in hình chữ “thọ” nổi. Bờ nóc và bờ giải không trang trí, riềm bờ nóc trang trí hoa văn hoa thị. Hai đầu bờ nóc là hai đầu rồng miệng há to ngậm hai đầu bờ nóc, bờm tóc bay ra sau và uốn cong lên hình dấu hỏi. Riềm bờ giải không trang trí chỉ tạo thành các gờ. Đầu đao của mái được trang trí hình đầu rồng uốn cong dưới đầu rồng là một đôi uyên ương. Các tàu mái không trang trí, khu vỉ ruồi trang trí hình hổ phù cách điệu. Hệ thống cửa bức bàn để mộc không trang trí, hệ thống cửa gồm 18 cánh. Hai gian bên là hệ thống của ô thoáng dạng cửa sổ làm theo kiểu chấn song. Ngưỡng cửa trên nối liền với xà hạ không có hệ thống ván lá gió, ngưỡng cửa dưới nối với toàn bộ ngạch bằng đá. Nền chùa cao hơn so với mặt sân chùa tạo cho chùa một khoảng không gian thiêng riêng biệt so với bên ngoài.

Từ sân vào nền chùa đi qua một bậc tam cấp, hai bên có hai con rồng đá. Toàn bộ sân được lát gạch đỏ, bao quanh sân là hệ thống lan can được làm kiểu ô thoáng. Trước cửa gian thượng điện chếch về bên phải chùa có một tấm bia đá khắc hình ba vị thiền sư, hai bên là hai con sấu đá có niên đại thời Trần. Ngoài ra ở bên ngoài sân chùa còn có hai tấm bia đá thời Lê và một số tảng đá kê chân cột thời Trần của chùa.

Tòa ống muống nối giữa thượng điện và hậu cung, tạo cho chùa có kết cấu hình chữ “công”.

Bao quanh chùa là hệ thống ván đố lụa. Ngoài hiên chùa, để đỡ các kẻ góc là một hệ thống các cột hiên chất liệu bằng đá đỡ các kẻ góc, bao gồm 8 cột đỡ hai gian tiền đường và hậu cung. Cột, thân được tạo hình trụ, vát cạnh, dưới tạo tác giống cổ bồng, đế của cột được làm giật cấp giống đấu vuông thót đáy.

Kiến trúc trong chùa: kết cấu vì kèo thượng giá chiêng chồng rường hạ bẩy. Gồm ba gian hai chái, hai hang cột tạo thành bốn hang chân. Nối giữa gian tiền đường và hậu cung là tòa thiêu hương được bố trí dọc tạo vuông góc với tiền đường và hậu cung.

Toàn bộ hệ thống cột gỗ trong chùa được đặt trên một tảng kê chân cột bằng đá được tạo những đường gờ nổi theo hướng mở rộng dần xuống dưới bao quanh thân cột.

·      Nhà thờ Tổ

Kết cấu chữ “nhất”, gồm ba gian hai chái, mái lợp ngói mũi hài kép hai lớp, bờ nóc và bờ giải không trang trí, hai đầu bờ nóc được trang trí hoa văn mây cuộn, đầu đao cũng được trang trí hoa văn mây cuộn. Ba gian giữa là hệ thống cửa bức bàn, hai chái xây đua ra ngoài hiên đỡ bảy hiên thay cho hai cột hiên ở mỗi bên của chái. Giữa chái là một cửa sổ ô thoáng làm dưới dạng chữ thọ vuông. Nền hiên bên ngoài lát bằng đá xanh.

Kết cấu vì kèo trong nhà Tổ: Bốn hàng cột tạo thành tám hàng chân. Chân cột được đặt trên một bệ đá làm dưới dạng gờ tròn chạy xung quanh chân cột tạo thành các cấp mở rộng dần xuống dưới. Cột có hướng thu dần lên trên (thượng thu hạ thách). Kết cấu vì nóc thượng giá chiêng chồng rường hạ bẩy.

·      Tả Vu – Hữu Vu; Lầu chuông – lầu trống

Kiến trúc hai bên tả vu và hữu vu là giống nhau, gồm năm gian, kết cấu vì kèo làm theo kiểu thượng giá chiêng chồng rường hạ bẩy. Cả hai bên tả vu và hữu vu đều được làm thêm phần mái chồng diêm tạo thành hai tầng tám mái là nơi để treo chuông, khánh, tạo thành lầu chuông và lầu trống.

Lầu chuông – lầu trống có kết cấu kiến trúc hai tầng tám mái, lợp ngói mũi hài kép hai lớp.

Tượng thờ trong di tích được bài trí như sau: Chùa chính, gian tiền đường, bên trái đặt tượng thờ Đức Ông, cạnh tượng Đức Ông là tượng Khuyến Thiện, bên phải đặt tượng thờ Thánh Tăng, cạnh tượng Thánh Tăng là tượng Trừng Ác, phía chái bên phải của gian tiền đường đặt một tượng Quan Âm Nam Hải.

Hậu cung: Chính điện của hậu cung được chia làm ba cấp. Cấp thứ nhất là ba pho tượng Tam Thế Phật; Cấp thứ hai ở giữa là tượng Di Đà, hai bên là tượng A Nan và Ca Diếp; Cấp thứ ba, ở giữa là tòa Cửu Long, bên phải là Văn Thù Bồ Tát, bên trái là Quan Âm Chuẩn Đề.

Nhà Tổ, gian bên trái đặt ban thờ Thánh Trần, gồm tượng Đức Thánh Trần và hai thị giả; kế tiếp là ban Tam Vương, gồm tượng Ngọc Hoàng ở giữa và tượng Nam Tào và Bắc Đẩu hai bên. Chính giữa là ban thờ Tam Tổ, chia làm hai cấp thờ; Cấp thứ nhất ba pho tượng Tam Tổ; Cấp thứ hai là tượng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn và tượng Bảo Sái.

Bên phải là bàn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, gồm ba tượng Mẫu và bốn tượng Thị Giả.

Ban thờ bên là ban thờ Chúa Thượng Ngàn, gồm tượng Chúa Thượng Ngàn và hai Thị Giả.

Hiện nay trong chùa có 35 pho tượng thờ, có một pho tượng Quan Âm Nam Hải có niên đại cuối thế kỷ XIX còn lại đều mới được đưa vào từ năm 2002 khi khánh thành chùa.

Ngoài ra còn có một số hiện vật tiêu biểu khác có niên đại Trần, Lê, Nguyễn như bia phía đông sân chùa: Bia hình trụ vòm, mặt trước của bia trạm phù điêu hình ba vị thiền sư, một vị ngồi trên tán bia còn hai vị ngồi song song nhau phía bên dưới, theo giả thiết có thể ba vị thiền sư là ba vị Tam Tổ Trúc Lâm. Mặt sau của bia trán bia trang trí đôi rồng chầu nguyệt, phần diềm bia trang trí hoa văn lá cây. Bia hậu Phật được dựng từ thời Lê (1723). Phía trước của bia có hai con sấu đá chầu hai bên có niên đại từ thời Trần, được làm bằng đá gạo, tạo tác trong tư thế phủ phục, mặt giữ tợn, miệng há rộng, mũi to, mắt lồi, trán gồ cao, tai vểnh lên trên, hai chân trước khuỳnh ra phía trước, hai chân sau co lại khuỳnh ra hai bên, trên lưng như đang cõng một vật gì đó nhưng không còn, con bên phải chỉ còn lại một bệ hình vuông nổi ở bên trên, con bên trái lưng hõm xuống. Bia cao 1,2m; bệ cao 0,22m; rộng 0,76m; dày bia 0,22m, hai con sấu đá: Con đặt bên phải chùa cao 0,3m; (0,33m x 0,40m); con đặt bên trái chùa cao 0,3m; (0,44m x 0,45m). Một tấm bia trước cửa chùa có bốn mặt, diềm bia trang trí hoa văn lá dây, chân bia là những cánh sen mập mạp. Bốn mặt của bia đều khắc chữ Hán, bia cao 0,85m; (0,38m x 0,33m); Hai bệ sen trước cửa chùa làm bằng đá gạo, bệ sen một lớp, các cánh sen mập mạp không trang trí, cao 0,18m (0,87m x 0,70m); Một tảng đá kê chân cột bằng đá xanh, đường kính 0,5m (0,6m x 0,6m) không trang trí hoa văn.