Phật hoàng bảo tháp trang nghiêm, sừng sững giữa trời
Về tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Đạo Quang – Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Cảnh Huống; Thượng tọa Thích Thanh Lịch – Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tx. Quảng Yên; Thượng tọa Thích Hiển Thiện - Phó trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP. Cẩm Phả; Đại đức Thích Minh Hạnh - Phó trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP. Móng Cái; cùng đông đảo Chư tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Ban Trị sự GHPGVN thị xã Đông Triều; lãnh đạo các phòng, ban hữu quan của tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều, xã Yên Đức; các doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn; hàng nghìn tín đồ, Phật tử trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Trụ trì chùa Cảnh Huống đã báo cáo công tác xây dựng bảo tháp. Theo đó, tháp cao 13 tầng, xây bằng gạch, được làm theo mẫu tháp Phổ Minh (ở chùa Phổ Minh, Nam Định) xây dựng từ thời Trần, nơi tôn thờ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tổng kinh phí xây dựng khu bảo tháp khoảng 5 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong bảo tháp thờ tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng đồng, dát vàng ở một số phần. Tượng được làm theo mẫu tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Huệ Quang Kim Tháp tại non thiêng Yên Tử. Trước đó, tối qua, chư tôn đức Tăng Ni đã tiến hành lễ an vị - hô thần nhập tượng tại bảo tháp.
Chư tôn đức cùng quý vị đại biểu cắt băng khánh thành bảo tháp Phật hoàng
Tòa bảo tháp được khánh thành, cùng với việc chùa Cảnh Huống được mở rộng, xây dựng khang trang, tố hảo sẽ là điểm nhấn trong du lịch làng quê Yên Đức, thị xã Đông Triều, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài khu vực về tham quan, chiêm bái, tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân trong vùng.
Bảo tháp Phật hoàng lung linh giữa trời đêm
Chùa Cảnh Huống tọa lạc tại thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, được xây dựng từ thời Trần, nơi đây gắn liền với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Chùa là nơi tu hành của nhiều vị Thiền sư, cao tăng qua các thời kì, tiêu biểu như Thiền sư Như Nguyện thời Hậu Lê – một trong những cao đồ của Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (người có công rất lớn trong việc phục hưng dòng phái Trúc Lâm Yên Tử thời Hậu Lê và phát triển phái Lâm Tế ở Bắc Việt).
Tam bảo chùa Cảnh Huống
Mai Anh
Ảnh: Mai Anh, Nguyễn Thanh Tùng, chùa Cảnh Huống