Chùa Quỳnh Lâm cất nóc ngôi thượng điện thứ 3



TLYT - Nhìn trên quy hoạch tổng thể chùa Quỳnh Lâm hiện tại, Đại tướng Phạm Văn Trà thấy vẫn chưa xứng tầm với giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh to lớn của di tích. Đại tướng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh nên quy hoạch lại, mở rộng thêm, cấp thêm đất ngọn đồi phía trên, hai bên tả hữu quy hoạch vào chùa, quy hoạch thêm nhà tăng, nhà ni và một số công trình phụ trợ khác... 

Đó là ý kiến của Đại tướng Phạm Văn Trà - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong lễ Thượng lương (cất nóc) ngôi thượng điện thứ 3 tại chùa Quỳnh Lâm sáng nay, ngày 9/9/Kỉ Hợi (7/10/2019). 
 
Đông đảo Tăng Ni và tín đồ Phật tử tham dự buổi lễ sáng nay

Chùa Quỳnh Lâm toạ lạc trên một ngọn đồi thấp ở Tiên Du, thuộc xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa được khởi dựng từ thời Lý. Những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, cùng với chùa Hoa Yên ở Yên Tử, chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh), chùa Thanh Mai ở Hải Dương, thiền viện Quỳnh Lâm do Pháp Loa trụ trì là một trong những trung tâm của giáo hội Trúc Lâm thời Trần. Vào năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam và là một trung tâm Phật giáo lớn thời đó.

Trải qua năm tháng, cùng với những biến động của thời cuộc, chùa nhiều lần bị xuống cấp hoặc bị phá hủy, thiêu rụi rồi lại được trùng tu, tôn tạo.Từ năm 2006 đến nay, chùa Quỳnh Lâm đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, do BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đại diện là Thượng tọa Thích Đạo Quang, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư và hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí khoảng hơn 100 tỉ đồng. Dự án bao gồm 3 tòa thượng điện, hành lang giải vũ, cổng tam quan, sân vườn, nội thất thờ tự và công trình phụ trợ. Kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim, đá thanh, lớp ngói mũi hài truyền thống, gạch bát phục chế theo đúng kiến trúc mỹ thuật truyền thống của dân tộc.

 
Điện Thích Ca 
 
 
Điện Di Lặc 

Tuy đang trong quá trình trùng tu, xây dựng nhưng Chùa Quỳnh Lâm vẫn là trường hạ tu học cho chư Tăng Ni thị xã Đông Triều và sơn môn Tổ đình. Hiện tại, hai tòa thượng điện (Thích Ca và Di Lặc) đã hoàn thành, ngôi thượng điện thứ 3 được cất nóc sáng nay.

 

Thượng lương đặt long cốt cho tòa thượng điện thứ ba

Về chứng minh và tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN; Hòa thượng Thích Đạo Quang - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Viện chủ Tổ đình Quỳnh Lâm; Thượng tọa Thích Thanh Vân - Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương cùng Chư tôn đức trong BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, Chư tôn đức sơn môn Tổ đình Quỳnh Lâm, Yên Tử, các tổ đình, tự viện trong và ngoài tỉnh.

Về phía chính quyền có Đại tướng Phạm Văn Trà – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Trần An Vinh – Nguyên Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Ngọc Bằng - Ủy viên Ban thường vụ thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Đông Triều; ông Nguyễn Đăng Kiên - Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh cùng quý vị đại biểu lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều; đặc biệt là sự tham dự của đông đảo tín đồ, Phật tử, nhân dân, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí về đưa tin.

Tại buổi lễ, Đại tướng Phạm Văn Trà đại diện chính quyền phát biểu chúc mừng. Đại tướng bày tỏ sự vui mừng khi thấy chùa đang được trùng tu, xây dựng với quy mô lớn, tương lai làm nơi tu học, thăm viếng cho đông đảo Tăng Ni và bà con Phật tử gần xa. Tuy nhiên, nhìn trên quy hoạch tổng thể, Đại tướng thấy vẫn chưa xứng tầm với giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh to lớn của di tích. Đại tướng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh nên quy hoạch lại, mở rộng thêm, cấp thêm đất ngọn đồi phía trên, hai bên tả hữu quy hoạch vào chùa, quy hoạch thêm nhà tăng, nhà ni và một số công trình phụ trợ khác. Hơn nữa, chùa to đẹp, đông đảo du khách đến viếng thăm càng tốt, ai đến nhìn thấy chùa trang nghiêm tố hảo cũng vui mừng, lại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho bà con địa phương sở tại. Đại tướng cũng hi vọng rằng toàn bộ hoành phi câu đối, chữ viết chùa đều dùng chữ Việt thay vì chữ Hán, và các chùa xây mới sau này cũng đều dùng chữ Việt. 

 

Đại tướng Phạm Văn Trà – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu ý kiến

Hòa thượng Thích Quảng Tùng đại diện chư tôn giáo phẩm GHPGVN ban đạo từ đến toàn thể đại chúng. Hòa thượng tán đồng ý kiến của Đại tướng Phạm Văn Trà, nên mở rộng quy hoạch và các chùa xây mới nên sử dụng tiếng Việt cho hoành phi câu đối. Ngoài ra, hòa thượng cho rằng Quỳnh Lâm phải trồng thêm nhiều cây xanh có thể sống hằng trăm hàng ngàn năm như cây thông, chứ đừng trồng những cây chỉ sống ngắn ngủi được vài chục năm. Tượng Di Đà ở Quỳnh Lâm xưa là một trong An Nam Tứ đại khí, vì vậy hòa thượng có ý kiến thêm rằng Quỳnh Lâm nên huy động đúc thêm pho tượng Di Đà lớn, an trí trên đỉnh đồi ở Quỳnh Lâm. Hòa thượng cũng giảng rõ công đức của việc cúng dàng Tam Bảo (làm chùa, tô tượng, đúc chuông…) đến toàn thể quý Phật tử, và hi vọng công trình quan trọng này sẽ tiếp tục được sự ủng hộ của chính quyền, sự chung sức, chung lòng của các doanh nghiệp, đông đảo bà con Phật tử để sớm hoàn thiện, đưa vào sự dụng mang lại lợi lạc cho thập phương.

 

Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN ban đạo từ

Sau lễ thượng lượng đặt long cốt cho ngôi thượng điện thứ 3, chư tôn đức cùng toàn thể đại chúng nhất tâm chú nguyện đúc đại hồng chung cho Am Ngọa Vân.

Một số hình ảnh ghi nhận:

 
Thượng tọa Thích Đạo Hiển điều phối chương trình
 
 
 
Ngôi thượng điện thứ 3 
 
 
 
 
Đúc Đại hồng chung cho Am Ngọa Vân 
 
 
Những ngôi tháp cổ tại chùa 
 
 
Cây đại cổ  tại chùa

Mai Anh


Tin cùng chuyên mục