Hạ trường tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức lễ Bá tát tụng giới


TLYT - Sáng sớm nay, ngày 27/06/2018 (tức ngày 14/5 năm Mậu Tuất) thể theo truyền thống của Phật giáo, chư tăng hạ trường tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh  đã tổ chức lễ Bá Tát tụng giới. Nhân đây chúng ta cùng tìm hiểu về nghi thức BáTát Tụng giới trong Phật giáo.
 

Bá tát (hay Bố tát là lược từ tiếng Phạn, nói đủ là Bát Đa Đế Đề Xá Na Mị, Trung Hoa dịch là hướng với nhau nói tội, tức là trong mỗi nửa tháng thuyết giới hỏi sự thanh tịnh nhau vậy. Phàm làm Tăng sĩ cùng ở một trụ xứ phải lập một giới đường vào những ngày bạch nguyệt, hắc nguyệt, mười bốn, rằm các Tỳ kheo trẻ tuổi nên đi đến nhà thuyết giới trước, để rưới nước quét dọn, trải tọa cụ, (thay) nước sạch, đốt đèn… sắp đặt tất cả những vật cần thiết. Khi đến giờ thuyết giới thì sai một tịnh nhân hay Sa Di đánh ba hồi kiền chùy, các Tỳ kheo vân tập hết vào giới trường chỉ trừ người chưa thọ giới và người đã thọ giới mà phạm tội chưa sám hối thì không cho vào nghe, hoặc người có duyên bệnh, hoặc có Tăng sự đúng như pháp thì phải cho dự dục. Nếu những Tăng sự nhỏ nhặt không đúng như pháp thì không cho dự dục, những người hiện tiền cùng nhau vân tập đây được quyền ngăn mà không ngăn, thế mới gọi là Tăng vân tập một cách hòa hợp.

 
Chư Tăng hạ trường tỉnh hội PG Quảng Ninh làm lễ bá tát 
 

Trong Tăng cử một người có thể yết ma nói giới, người nói giới ngồi ở tòa cao, người nghe ngồi tòa thấp, tất cả đều mặc y bảy điều, cứ theo thứ lớp mà ngồi. Nếu không có duyên sự làm trở ngại thì nên đọc hết giới bổn, còn có duyên sự làm trở ngại thì tùy theo đến chỗ nào… mà dừng. Ngoài ra thì nói rằng: “Đây là những việc Tăng thường nghe”. Hoặc có những việc gấp không thể tụng được thì liền rời khỏi tòa, hoặc người có thế lực muốn đến nghe giới, thì nên tụng trước một ngày, hoặc nán lại tụng vào ngày sau, hoặc ngay trong lúc tụng họ tới thì liền ngưng lại nói: “Đây là những việc Tăng thường nghe”. Hoặc họ ép buộc phải đọc cho hết thì nên tụng đảo lộn thứ tự của các câu khiến cho họ nghe nhưng không hiểu.
Tỳ kheo thuyết giới nếu có bỏ sót, tụng sai thì vị Tỳ kheo ngồi kế bên nên trao cho lời dạy, hoặc có sự duyên không thể tụng hết được thì vị Tỳ kheo ngồi kế bên phải tụng thay.

 
 Vị đại diện thuyết giới ngồi ở tòa cao
 

Nếu đến ngày tụng giới, tất cả Tỳ kheo đều không thể tụng được thì nên lược tụng các bài kệ của bảy vị Phật, nếu lại không ai tụng được thì nên tụng câu:

“Chẳng làm các điều ác

Nên làm các việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Đó là lời Phật dạy”

Phật dạy Tỳ kheo năm hạ nên học thuộc lòng giới bổn, nếu không tụng thuộc giới thì nên như pháp mà trị tội, nếu không thì trọn đời không được lìa Thầy y chỉ.
Nếu trú xứ chỉ có một Tỳ kheo, thì vào ngày thuyết giới nên đến nhà thuyết giới rưới quét sạch sẽ, trải tọa cụ, (thay) bình nước sạch, đốt đèn dầu, Cụ Xá La; như có Tỳ kheo khách đến đủ số bốn người hoặc hơn thì nên bạch yết ma rồi sau mới nói giới, mỗi người hướng với nhau nói rằng: “Nay ngày mười lăm Tăng thuyết giới, tôi Tỳ kheo… thanh tịnh”. (Nói như vậy ba lần). Nếu chỉ có một người thì tâm nghĩ miệng nói, cũng nói 3 lần như vậy. Nếu ba người thì không được nhận người thứ tư thuyết dục và thanh tịnh. Nếu hai người thì không được nhận người thứ ba thuyết dục và thanh tịnh. Nếu một người thì không được nhận người thứ hai thuyết dục và thanh tịnh, tất cả đều nên tự nói.

 

Ngày thuyết giới có khách Tỳ kheo đến, nếu khách Tỳ kheo ít thì nên theo cựu Tỳ kheo cầu xin hòa họp đồng thuyết giới. Khách Tỳ kheo đến bằng số cựu Tỳ kheo, cũng nên theo cựu Tỳ kheo cầu xin hòa họp đồng thuyết giới. Cựu Tỳ kheo ít khách Tỳ kheo nhiều thì cựu Tỳ kheo nên theo khách Tỳ kheo cầu xin hòa họp cùng thuyết giới.

 

Nếu đến ngày thuyết giới, cựu trú Tỳ kheo nhóm họp nói lời tựa của giới kinh, mà có khách Tỳ kheo đến với số lượng ít thì nên bạch rằng thanh tịnh, rồi theo thứ tự ngồi xuống để nghe giới. Nếu đã thuyết giới xong, đại chúng đều giải tán, cũng nên nói rằng thanh tịnh, bằng không thì nên như pháp mà trị. Nếu khách Tỳ kheo đến bằng số cựu Tỳ kheo, hoặc nhiều hơn số cựu Tỳ kheo thì phải thuyết giới lại, bằng không thì nên như pháp mà trị. Nếu cựu Tỳ kheo thuyết giới, cựu trú Tỳ kheo đến hoặc ít hoặc bằng hoặc nhiều cũng như trước, hoặc khách Tỳ kheo thuyết giới, cựu trú Tỳ kheo đến hoặc ít hoặc bằng hoặc nhiều cũng giống như trước.

 

Tỳ kheo Bố tát nên làm pháp Bố tát riêng. Người chưa thọ giới Bố tát thì không cho nghe, người phạm giới chưa thanh tịnh cũng không cho nghe, mỗi nửa tháng hướng tới hình tượng chư Phật, Bồ tát tụng mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh. Nếu có một người thì một người tụng, nếu hai, ba cho đến trăm ngàn cũng một người tụng, người tụng nên ngồi trên tòa cao, người nghe ngồi ở tòa thấp, tất cả đều mặc y chín điều, bảy điều, năm điều, theo thứ lớp mà ngồi. Nếu có người phạm tội thì tự mình phải ra trước đại chúng thú tội, phạm mười giới trọng thì nên cho sám hối, ngày đêm sáu thời tụng mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh, thành khẩn đảnh lễ ba đời chư Phật, đến khi thấy được hảo tướng, hoặc ánh hào quang, hoặc hoa báu thì tội liền tiêu diệt, còn phạm tội khinh thì chỉ cần đối thú phát lồ thì tội liền tiêu diệt.

 
Đại chúng theo thứ lớp ngồi nghe giới 
 

Tỳ kheo Bố tát cũng phải nghe thuyết Tỳ kheo giới, nếu không nghe thì mắc tội vượt pháp, vì nhiếp luật nghi giới là gồm nhiếp tất cả. Hơn nữa, những phép tắc Phật chế trong Tăng đều căn cứ vào pháp thanh văn mà kiến lập, đã cùng nhau ở chung thì phải cùng nghe, chỉ vì trong đó có khai ngăn không đồng, khinh trọng đều khác, do đó mà hạnh nguyện cũng sai biệt vậy.

 
 
Pháp bố tát bên chúng Tỳ kheo ni cũng như bên chúng tỳ kheo, nhưng trước khi bên chúng ni thực hiện bố tát thuyết giới, phải cử đại diện sang bên chúng tăng cầu thỉnh giáo giới, sau đó mới như pháp bá tát. 
 
Đại diện ni chúng sang bên Tăng cầu giáo giới 
 

Tin cùng chuyên mục