Chùa Hồ Thiên có tên chữ là Trù Phong Tự. Chùa nằm trên lưng chừng núi, phía Nam núi Phật Sơn (thuộc dãy Yên Tử), phía sau và hai bên chùa đều có núi bao bọc, phía trước có đồi tạo thành một vùng phúc địa ở giữa mà theo các nhà phong thủy là có thế “long chầu, hổ phục” rất đắc địa.
Chùa xưa kia thuộc xã Phú Ninh, Tổng Thủy Sơn, nay thuộc xã Tràng Lương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Sử cũ ghi rằng, chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, là nơi đăng dàn thuyết pháp của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông vào thế kỉ XIV, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình với quy mô đồ sộ như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp... để làm nơi truyền giảng đạo. Đến thời Hậu Lê, chùa Hồ Thiên đổ nát và được triều đình trùng tu lại nguyên trạng.
Chùa Hồ Thiên, có quan hệ mật thiết với quần thể di tích Ngọa Vân, Yên Tử, Quỳnh Lâm, khu lăng mộ nhà Trần trên mảnh đất cổ Đông Triều nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay Di tích Chùa Hồ Thiên đã xuống cấp nghiêm trọng song những di vật vô cùng quý hiếm như: Tháp đá, chân tảng có trang trí hoa sen thời Trần, bia đá thời Lê, vật kiến trúc... vẫn hiện diện để minh chứng cho cho một thời Lê rực rỡ của văn hóa Đại Việt ở thế kỷ XIV.
Ngôi tháp đá 7 tầng, kiến trúc mang dấu ấn đặc trưng của tháp đá thế kỷ XVII. Tháp có chiều cao 8,6m (cả chóp), được ghép mộng chắc chắn bằng các phiến đá xanh to thớ mịn, xung quanh mỗi tầng là 4 cửa vòm cuốn thông nhau, khoảng cách giữa mỗi tầng tháp được rút ngắn và thu nhọn lại 10cm; đỉnh tháp là một bình nước cam lồ. Mái của tầng một được chạm nổi xung quanh hai tầng cánh sen, chính giữa lòng tháp tầng một đặt một khối đá xanh vuông (mỗi chiều 0,73m * 975m) trên mặt chạm hình bát quái xen lẫn hoa văn xoắn chấm tròn, xung quanh chạm nổi ba lớp với 72 cánh sen, mỗi cánh sen lại có hình hoa văn xoắn.
Hồ Thiên là một quần thể chùa tháp rất lớn, được xây dựng thời Trần, được nhà Lê cho trùng tu, tôn tạo. Kể từ khi được tôn tạo đến nay, đã hơn 3 thế kỷ trôi qua, do thiếu bàn tay chăm sóc tôn tạo của con người nên chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng khu thánh địa linh thiêng nguyên sơ này đang được tích cực tôn tạo, nhằm trả lại những giá trị vốn có của nó.
Từ năm 2002, được các cấp chính quyền cho phép, sư thầy Thích Trí Thông đã về tu hành, chăm sóc phần mộ của các thế hệ trước. Sự hiện diện của các di vật kiến trúc văn hóa độc đáo còn lưu lại trên vùng đất này vẫn toát lên những giá trị đặc sắc mà trải qua thời gian và năm tháng vẫn trường tồn cùng lịch sử. Các dấu tích kiến trúc và những hiện vật quý giá còn lưu lại ở đây là những bằng chứng quý giá giúp chúng ta có cơ sở khoa học để trùng tu, tôn tạo di tích trong tương lai.
Ngôi tháp cổ
Nền móng chùa cũ
Tam Bảo dựng tạm hiện tại
Thực hiện quyết định số 1533/QĐ – UBND, ngày 16/05/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh phế duyệt giai đoạn I dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Hồ Thiên với quy mô quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất trên 18.1 ha, tổng mức đầu tư 63,947 tỷ đồng”. Sáng nay, ngày 22/12/2018 (tức ngày 16/10/Mậu Tuất), UBND Thị xã Đông Triều kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup và thầy Trụ trì tổ chức lễ khởi công trùng tu, tôn tạo chùa Hồ Thiên – Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Về chứng minh và tham dự buổi lễ có TT. Thích Đạo Hiển - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; TT. Thích Kiến Nguyệt – Trụ trì thiền viện Tây Thiên; TT. Thích Tâm Thuần – Trụ trì thiền viện Sùng Phúc; TT. Thích Tỉnh Thiêm - Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Đại Giác cùng Chư Tôn Đức Tăng, Ni hiện đang trụ trì các thiền viện thuộc hệ thống thiền viện Trúc Lâm phía Bắc và các chùa trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.
Về phía chính quyền có ông Vũ Văn Học – Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Đông Triều; ông Hoàng Văn Thắng – Phó Bí thư thị ủy thị xã Đông Triều; ông Phạm Văn Thành – Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều; ông Hà Hải Dương – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực BTG tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành tại thị xã Đông Triều, xã Bình Khê và xã Tràng Lương.
Về phía các đại biểu, khách mời có ông Trần Quang Cường – Chủ tịch Hội đồng Qũy Thiện Tâm, tập đoàn VinGroup; TS. Cung Khắc Lược – nhà ngôn ngữ học Việt Nam, cùng đông đảo tín đồ, Phật tử gần xa về tham dự.
Ông Nguyễn Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều đã lên báo cáo khái quát Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Hồ Thiên.
Ông cho biết, ở giai đoạn I, sẽ thiết kế lại toàn bộ không gian cảnh quan khu vực dựa trên quy hoạch tổng thể và nguồn quỹ của di tích. Các công trình sẽ được tu bổ gồm Nhà Tổ, Nhà Nội Tự và Am Hàm Rồng. Ngoài ra, hệ thống thất Trụ trì, nhà khách và các công trình phụ trợ sẽ được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể và kiến trúc, cảnh quan của di tích.
Tiếp theo chương trình, Thượng Tọa Thích Đạo Hiển – Phó ban kiêm Chánh Thư kí BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã ban đạo từ tới toàn thể đại chúng.
Thượng tọa nhấn mạnh: “Hồ Thiên là nơi linh thiêng. Trong lịch sử ghi nhận rằng, nếu như Yên Tử là nơi lập ngọn cờ tông phong của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và lãnh đạo. Quỳnh Lâm là thiền viện, Viện Quỳnh Lâm tức là trường đào tạo tăng tài đầu tiên của giáo hội Trúc Lâm, thì Hồ Thiên được coi là nơi tu hành sau khi các vị đã có thời gian tu học tại Viện Quỳnh Lâm. Như vậy, nơi đây dành cho những hành giả tu hành nổi tiếng, đến để tiếp tục tu học, chiêm nghiệm, suy tư đến chứng đạo và hành đạo. Thế nên Hồ Thiên có một giá trị trong quá trình phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Trải qua mấy trăm năm, chùa xưa không còn nữa, nhưng các di tích, di vật vẫn còn hiện hữu trên nền đất cũ. Chùa Hồ tọa lạc trên nền đất cũ, phong thủy tuyệt mỹ. Nếu như Yên Tử đẹp ở danh sơn hùng tráng, thì Hồ Thiên được tạo lập ở nơi đắc địa, có long chầu, hổ phục, tiền án hậu chẫm và cảnh trí nơi đây rất phù hợp cho người tu hành, chiêm nghiệm suy tư đạo lý của nhà Phật và giúp đạo, giúp đời."
Thượng tọa cũng tán thán công đức của lãnh đạo các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Ninh và thị xã Đông Triều, trong thời gian 5 năm qua đã vận động, tiến hành trung tu nhiều công trình di tích trên địa bàn, đặc biệt là di tích chùa Ngọa Vân, chùa Trung Tiết. Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần đang từng bước khởi sắc, từ cơ sở hạ tầng, đường hành hương đã được nối liền từ Đông Triều, đến Ngọa Vân đến Hồ Thiên, và sang cả Yên Tử. Điều này tạo cơ hội cho tín đồ, Phật tử về chiêm bái, lễ Phật và tu tập tại các cơ sở tâm linh trên địa bàn. Đặc biệt, thượng tọa tán thán công đức của Qũy Thiện Tâm – tập đoàn VinGroup trong những năm qua đã phát tâm công đức hàng trăm tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các cơ sở di tích tâm linh trên địa bàn. Đây là việc làm nhân văn và ý nghĩa, như những vị đại Hộ Pháp tong Phật giáo.
Thượng tọa đề nghị tiếp tục bổ sung hồ sơ xây dựng tu bổ
hạng mục tòa Tam Bảo – hạng mục chính của chùa Hồ Thiên mà hiện nay vẫn chưa được
phê duyệt. Bởi chùa mà thiếu Tam Bảo thì vẫn chưa được gọi là chùa đúng nghĩa.
Nhưng việc xây dựng, sửa sang các công trình, hạng mục chỉ là một phần. Trùng tu, tôn
tạo di tích là phải hát huy được giá trị của di tích, đó là việc tu tập, hoằng
dương chính pháp, lợi lạc quần sinh của Tăng, Ni, Phật tử tại chùa, tôn trọng những giá trị truyền
thống của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã
hội chúng ta. Có như vậy, mới hoàn thành trách nhiệm trùng tu, tôn tạo và phát
huy giá trị của di tích.
Tiếp đó, Chư Tôn đức niêm hương bạch Phật, thực hiện nghi thức tâm linh cho lễ khởi công trùng tu, tôn tạo di tích chùa Hồ.
Cao Đăng Nguyệt