Chứng minh và tham dự buổi lễ, về phía GHPGVN có Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban trị sự (BTS) GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Thượng tọa Thích Thanh Lịch – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trưởng BTS GHPGVN thị xã Quảng Yên; Thượng tọa Thích Hiển Thiện – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trưởng BTS GHPGVN TP. Cẩm Phả; Đại đức Thích Thanh Năng – Chánh Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Phó trưởng ban thường trực BTS GHPGVN TP. Hạ Long; Đại đức Thích Quảng Hiển - Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trưởng BTS GHPGVN thị xã Đông Triều; cùng chư tôn đức Tăng, Ni trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Ban trị sự GHPGVN TP. Hạ Long và hiện đang trụ trì các chùa trong và ngoài tỉnh.
Về phía chính quyền có ông Phạm Nho – Nguyên Bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Hoành Bồ (cũ); ông Phí Tiến Lũ – Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. Hạ Long; bà Nguyễn Thị Vân Hà - Ủy viên BTV Thành ủy, Phó chủ tịch thường trực HĐND thành phố; các vị lãnh đạo đại diện các phòng, ban hữu quan của TP. Hạ Long, phường Hoành Bồ.
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Thanh Văn – Trụ trì chùa Vân Phong đã báo cáo công tác tổ chức đúc tượng này hôm nay, cụ thể, chùa tiến hành rót đồng đúc hai pho tượng. Đó là pho Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng Vương, mỗi pho cao 2.5m, trọng lượng khoảng 1.5 tấn, từ nguồn công đức của các Phật tử. Sau khi hoàn thiện sẽ thờ hai bên tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được đúc trước đó, cũng bằng đồng, cao 3.3m, tạo thành bộ ba tượng Thích Ca, Quán Âm và Địa Tạng.
Đại Đức Thích Thanh Văn - Trụ trì chùa Vân Phong báo cáo
Theo Phật giáo Đại thừa, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng Vương là hai vị Bồ tát có hạnh nguyện độ sinh rộng lớn. Các Ngài độ cả cúng sinh cõi âm và cõi dương, song thông thường, theo quan niệm của dân gian thường thấy, Bồ tát Quán Thế Âm chuyên cứu độ cho chúng sinh trên cõi trần, bằng cách “Quán Thế Âm”, tức là quán xét tiếng kêu cứu khổ của chúng sinh và cứu giúp; còn Bồ tát Địa Tạng chuyên cứu độ cho chúng sinh cõi âm, với đại nguyện “Địa ngục vi không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề”.
Ban đạo từ tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đạo Hiển đã chia sẻ cho đại chúng những công đức lớn lao của việc tạo tượng:
“1. Đời đời kiếp kiếp quý vị có mắt sáng suốt thấy rõ.
2. Không sinh vào nơi ác.
3. Luôn sanh trong nhà giàu sang, quyền quý.
4. Thân thể có màu hoàng kim.
5. Giàu có dồi dào, sung túc.
6. Được sinh vào nhà hiền lành.
7. Có thể được sinh làm vua.
8. Có thể làm Chuyển luân thánh vương.
9. Có thể sinh về cõi trời Phạm thiên và sống lâu đến một kiếp.
10. Không đoạ vào đường ác. Những người làm tượng Phật thì sẽ không đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.
11. Đời đời kiếp kiếp trong tương lai quý vị đều tôn kính Tam Bảo, quy y Tam Bảo, chẳng đọa lạc.”
Thượng tọa Thích Đạo Hiển ban đạo từ
Các công đức của việc tạo tượng đã từng được Đức Phật nói đến trong Kinh Đại thừa công đức tạo tượng Phật, do Đề Vân Bát Nhã dịch ra Hán tạng ở nước Vu Điền, dưới thời Đường, tỳ kheo Thích Thiện Thông dịch ra tiếng Việt. Song để có được những công đức ấy, người cúng dàng tạo tượng Phật phải thành tâm, thiện tâm, cung kính và tượng Phật được tạo dù không thể có đủ tướng tốt trang nghiêm hoàn hảo nhưng phải hiện ra được nét đại bi, đại trí, đại giải thoát để người đời khi nhìn thấy sinh khởi được tín tâm.
Chư tôn đức tiến hành sái tịnh trước khi rót đồng đúc tượng
Chùa Vân Phong, còn có tên gọi khác là chùa Khe Chùa, tọa lạc tại phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long. Chùa được khởi dựng từ năm 1732 dưới thời Lê. Qua nhiều binh biến của lịch sử và ảnh hưởng của vũ lộ phong sương, chùa xưa đã không còn. Năm 2012, khi Đại đức Thích Thanh Văn được GHPGVN tỉnh Quảng Ninh bổ nhiệm về trụ trì chùa, thì chùa chỉ là một căn nhà mái tôn dựng tạm để thờ tự. Đến nay, chùa đã có quỹ đất rộng, xây dựng được nhiều hạng mục quan trọng như Chính điện thờ Phật, Giảng đường, Khách đường… làm nơi tu tập cho chư tăng bản tự và Phật tử, tín đồ trong khu vực.
Cảnh chùa Vân Phong
Mai Anh