TLYT - Ngày 04/08/2019 (tức ngày 04/07/Kỷ Hợi), tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, Chùa Yên Tử long trọng tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu, cầu siêu phả độ gia tiên và vong linh thai nhi. Chương trình diễn ra trong một ngày với nhiều nội dung như nghi thức Bông hồng cài áo, pháp thoại Ý nghĩa Vu lan, tụng kinh Vu lan – Báo hiếu phụ mẫu trọng ân, nghi thức tâm linh cầu siêu phả độ gia tiên và vong linh thai nhi, trai đàn chẩn tế mông sơn thí thực…
Về chứng minh và tham dự Đại lễ có Đại đức Thích Vân Phong - Ủy viên thường trực Ban kiểm soát trung ương, Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bắc Kạn, Trưởng BTS GHPGVN huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh; Đại Đức Thích Nguyên Phúc - Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Báo Ân; Đại Đức Thích Khai Từ - Ủy viên thường trực, Trưởng ban Thông tin Truyền thông BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cùng Chư Tôn đức Tăng Ni sơn môn Tổ đình Yên Tử; quí vị đại biểu lãnh đạo địa phương, Ban quản lý Khu di tích Yên Tử, công ty Cáp treo Tùng Lâm, Cáp treo Ngọa Vân; phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí và hơn 700 Phật tử xa gần.
Chư Tăng chứng minh
Chư Tôn đức Ni
Qúi vị đại biểu cùng các Phật tử về tham dự
Nghi thức Bông hồng cài áo diễn ra trang nghiêm, lắng đọng. Rất nhiều vị Phật tử cả lớn tuổi lẫn trẻ tuổi đã khóc trong từng lời cảm niệm Vu lan và khi cài lên ngực áo của mình những bông hồng thắm. Chương trình văn nghệ cúng dàng đại lễ được các vị Phật tử của chùa chuẩn bị công phu và ý nghĩa, các tiết mục hát múa xoay quanh chủ đề tình cha, tình mẹ, ơn nghĩa sinh thành.
MC Tịnh Khoa
Văn nghệ cùng dàng Đại lễ
Nghi thức dâng hoa cúng dàng của các em Thanh thiếu niên Phật tử chùa Yên Tử
Nghi thức dâng y cúng dường chư Tăng
Phần đọc Cảm niệm Vu Lan của Phật tử Huỳnh Thành Lộc đã để lại nhiều xúc cảm trong lòng người, rất nhiều Phật tử đã khóc
Nghi thức Bông hồng cài áo
Nghi thức "Bông Hồng Cài Áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bậc cha mẹ đã khuất và vinh danh cha mẹ còn tại thế. Nghi thức này vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản, được giới thiệu đến người Việt từ một cuốn sách cùng tên của thầy Nhất Hạnh được viết vào tháng 8, 1962 và sau đó, được phổ thông hóa nhờ bản nhạc, cũng cùng tên cùa nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Chư Tăng sẽ được cài những bông hồng vàng, tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục. Ai may mắn còn cả cha và mẹ sẽ được cài lên ngực mình đóa hồng đỏ thắm. Ai chỉ còn cha hoặc mẹ, sẽ cài một bông hồng màu hồng, nhắc mình phải trân quý và ai bất hạnh không còn cả cha lẫn mẹ sẽ ngậm ngùi cài bông hoa màu trắng thay cho niềm tiếc thương vô hạn.
Đại Đức Thích Vân Phong đại vì chư Tăng ban đạo từ đến toàn thể đại chúng. Đại đức đã giảng giải lại ý nghĩa của ngày lễ Vu lan báo hiếu, trách nhiệm của mỗi người con Phật đối với ân nghĩa của hai đấng sinh thành và khuyến hóa các vị Phật tử lớn tuổi phải dạy dỗ, nhắc nhở con cháu mình đến chùa học đạo, tham dự lễ để có thể hiểu và thực hành theo lời Phật dạy. Bởi dạy về hiếu hạnh phải dạy cho con trẻ mới thực sự có ý nghĩa, còn dạy cho người lớn, những người đã qua nửa đời người, đã thấu rõ bao vất vả, hy sinh của việc làm cha, làm mẹ thì đâu còn nhiều ý nghĩa nữa.
Nguồn gốc lễ Vu lan báo hiếu xuất phát từ Kinh Vu Lan, Phật kể câu chuyện về Tôn Giả Mục Kiền Liên cứu mẹ mình là bà Thành Đề đã qua đời thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Để làm được điều này, Mục Kiền Liên đã tìm đến Đức Phật và được Phật dạy: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, phải nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương. Ngày rằm tháng bảy là ngày chư Tăng tự tứ sau ba tháng an cư kết hạ, tu học tinh nghiêm, đạo lực mạnh mẽ là ngày thích hợp, hãy sắm sửa lễ vật dâng cúng vào ngày đó và cầu thỉnh chư Tăng chú nguyện cho mẹ ông. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Rằm tháng 7 âm lịch trong tín ngưỡng của người Việt từ lâu cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Nhưng lễ cúng chúng sinh khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng. Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã nhanh chóng hòa hợp với tín ngưỡng bản địa mà không đánh mất đi giá trị của mình.
Mùa Vu lan báo hiếu bởi vậy có ý nghĩa tâm linh, đạo đức và ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bởi văn hóa xã hội và văn hóa tôn giáo đều gặp nhau ở việc coi trọng công ơn của các thế hệ trước, của các bậc sinh thành. Người ta tin rằng lễ cúng vu lan nhằm giải thoát khỏi khổ đau cho cửu huyền thất tổ của người cúng. Sự kết hợp giữa giáo lý từ bi của Đạo Phật và truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên đã trở thành yếu tố chính cho lễ thờ cúng này.
Buổi chiều cùng ngày, chư Tăng cùng toàn thể đại chúng đồng trì tụng kinh Vu lan Báo hiếu, hồi hướng cho cửu huyền thất tổ và vong linh thai nhi sản nạn. Tiếp đó là Trai đàn chẩn tế Mông sơn thí thực với sự chủ trì của Thượng Tọa Thích Giác Trí - Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên.
Đại lễ Vu lan báo hiếu của chùa Yên Tử lần đầu tiên được tổ chức tại Cung Trúc Lâm – công trình do BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, khánh thành giai đoạn 1 năm cuối năm 2018 đã thành công viên mãn, khơi dậy trong lòng người Phật tử về ý thức báo ơn và đền ơn cũng như nếp sống hiếu đạo, vị tha.
Bản chất văn hóa của lễ Vu lan không chỉ dừng lại ở việc cúng lễ, nhớ ơn hai đấng sinh thành mà còn hướng người Phật tử đến việc cúng dường Tam Bảo, làm các việc thiện góp nhặt thêm công đức. Chúng ta cần gìn giữ và phát huy mặt tích cực của lễ vu lan, cũng như ý nghĩa giáo dục cao cả của văn hoá Phật giáo trong tiến trình hình thành và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Nhân mùa báo hiếu chúng ta cũng nhận thức lại những ý nghĩa đúng đắn của ngày lễ Vu Lan để có những hành động thiết thực hơn, tích cực hơn cho tự thân, gia đình và cho xã hội.
Mai Anh - Trọng Hải