Thượng tọa Thích Đạo Hiển thuyết giảng tại chùa Tiêu Dao: Pháp môn tu Tịnh độ



TLYT – Nhận lời thỉnh mời của Đại đức Trụ trì và Phật tử chùa Tiêu Dao, phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long; sáng ngày 21/7/2020 (tức ngày 1/6/Canh Tý), nhân Khóa tu Ngày an lạc tháng 6, Thượng tọa Thích Đạo Hiển  - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã quang lâm tham dự và thuyết giảng Phật pháp về Pháp môn tu Tịnh độ.

Khóa tu Ngày an lạc tại chùa Tiêu Dao được tổ chức vào ngày mùng 1 hàng tháng (theo lịch âm), với số lượng Phật tử tham dự thường xuyên khoảng 300-500 người. Sau nhiều tháng khóa tu bị tạm hoãn do dịch bệnh Covid-19, từ tháng 5/ Canh Tý, khóa tu tiếp tục được tổ chức lại và duy trì tu học theo các thời khóa căn bản: nghe pháp, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, ăn cơm chính niệm…

Thượng tọa rất vui mừng khi gặp lại các Phật tử sau thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng tình hình trên thế giới vẫn con diễn biến rất phức tạp. Trước khi thuyết giảng vào nội dung tu tập, Thượng tọa đã điểm lại tình hình thế giới và đất nước trong vòng nửa năm qua với những vấn đề về dịch bệnh, bạo lực, thiên tai lũ lụt, tai nạn giao thông, chết chóc… và chúng ta cần những dấu lặng để nhìn lại cuộc đời, để nhớ lời Phật đã dạy trong kinh Bát Đại Nhân Giác.

“Thế gian vô thường

Quốc độ nguy thúy

Tứ đại khổ không

Ngũ ấm vô ngã…”

Phật nói chúng sinh trong cõi ta bà này đang chìm đắm trong biển khổ mà không hay không biết, chung quy lại đời người có 8 cái khổ mà ai cũng phải chịu. Thượng tọa đã giảng cho đại chúng hiểu về 8 cái khổ: đó là cái khổ của Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Cầu bất đắc (cầu mà không được như ý), Ái biệt ly (yêu thương mà phải xa lìa), Óan tắng hội (Ghét mà cứ phải gặp) và Ngũ ấm xí thịnh (sự hội tụ và xung đột của 5 uẩn -  5 yếu tố tạo thành con người, cái nào thịnh quá cũng khổ). Quán chiếu lại ngay nơi bản thân mình, có ai thoát được những sự khổ này?

Vì cuộc đời có nhiều cái khổ, nên dù Pháp Phật tám vạn bốn ngàn pháp môn nhưng cũng không ra ngoài con đường “diệt khổ” để giúp chúng sinh được an vui, giải thoát. Tùy căn cơ của chúng sinh mà Đức Phật chỉ dạy phương pháp tu tập phù hợp.

 

Về cơ bản, các đạo tràng Phật tử tại đây chủ yếu tu tập pháp môn Tịnh độ, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà cầu sinh về cõi Tây phương cực lạc. Vì vậy Thượng tọa đã giảng rõ về pháp tu Tịnh độ để các Phật tử hiểu và thực hành cho đúng đắn.

Có 3 điều mà một hành giả tu tịnh độ phải có: đó là Tín, Nguyện và Hạnh. Xin tóm tắt lại như sau:

Tín, là niềm tin vững chãi, đức tin chắc chắn. Kinh Hoa Nghiêm dạy niềm tin là mẹ của muôn ngàn công đức. Chúng ta tin Phật, tin Ngài là bậc sáng suốt, từ bi cứu khổ cho mọi loài, vì thương chúng sinh nên mới chỉ bày cho chúng sinh có một cõi Tịnh độ an lành để chúng sinh hướng đến mà tu tập.

Nguyện, là chí nguyện, thệ nguyện. Mỗi người tu tập muốn thành tựu phải phát nguyện, phải xác lập chí nguyện vững bền. Chí nguyện ở đây phải xác định rõ tu tập, niệm Phật để được sinh về cảnh giới an lành.

Hạnh, quyết chí lập hạnh, thực hành hạnh nguyện kiên cố, chí thành, tinh tiến, quyết không thoái lui.

Một hành giả tu tịnh độ không thể thiếu Tín, Nguyện và Hạnh. Nhưng nói rộng ra, quán chiếu cho rõ ràng thì chúng ta thấy chẳng riêng gì hành giả tịnh độ cần Tín, Nguyện, Hạnh mà bất cứ một việc làm nào để đạt được thành tựu cũng cần có Tín, Nguyện và Hạnh; tức là có niềm tin, có chí nguyện và quyết chí thực hành.

Phương pháp tu tập đó là niệm Phật. Mục đích của niệm Phật là nhất tâm bất loạn và cũng để cầu vãng sinh về nước Cực lạc của Phật A Di Đà. Nhưng niệm Phật cũng có nhiều phương pháp và tùy căn cơ mỗi hành giả để thực hành. Thượng tọa chỉ dạy 4 cách niệm Phật cơ bản là: Trì danh niệm Phật,  Tham cứu niệm Phật, Quán tướng niệm Phật, Thực tướng niệm Phật.

 
Trong 4 phương pháp này, các Phật tử vẫn thường thực hành Trì danh niệm Phật bởi nó đơn giản và phổ thông với đại đa số quần chúng. Vua Trần Thái Tông cũng đánh giá cao phương pháp niệm Phật trì danh này. Miệng chuyên cần niệm lời Phật, lòng mong thấy hình tướng Phật, thân nguyện sinh ở nước Phật, ngày đêm tu hành chăm chỉ, không thối chí thay đổi, đó chính là cách tu tập để loại bỏ tập khí dần dần, hướng đến thuần thục để tâm trở nên tịch tịnh và vãng sinh về Tịnh độ. Nhưng các Phật tử vẫn thường quên rằng ngoài cõi Tịnh độ được Phật nói đến trong Kinh A Di Đà thì có một cõi Tịnh độ ngay nơi này, ngay nơi trần gian, ta bà uế trược này và có thể thể nghiệm ngay nởi bản tâm của chúng ta. 

Phật hoàng Trần Nhân Tông, sơ tổ thiền phái Trúc Lâm đã dạy: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây phương, Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc” (Cư Trần lạc đạo phú). Người Phật tử có trí tuệ đừng đợi đến khi chết rồi mới về Tây phương cực lạc mà hãy tu tập để đạt được hạnh phúc an lạc ngay cõi đời này, xây dựng “Tịnh độ nhân gian”. Đó là khi lòng ta trong sạch, tâm trí sáng tỏ, biết nhìn người và nhìn đời bằng con mắt hiểu và thương, biết xây dựng gia đình và xã hội lành mạnh, an hòa. Nếu ai cũng sống được như vậy, thì cõi uế trược này chính là Tây phương Phật quốc. Ngay nơi từng tâm niệm, mỗi người biết chuyển hóa niệm xấu ác thành niệm thiện, thì hành động của thân và lời nói của ta sẽ theo đó mà chuyển biến theo hướng tốt, khi đó Tây phương nào có xa cách gì.

Cuối buổi thuyết giảng, Thượng tọa chúc đại chúng tinh tiến tu học, chung tay xây dựng quê hương Tịnh độ an hòa, thịnh vượng ngay nơi mảnh đất Quảng Ninh mà các Phật tử đang sống.

Qua buổi giảng pháp, đại chúng đã hiểu rõ hơn về phương pháp tu Tịnh độ và cách thực hành trong đời sống thực tiễn. Tu tập không xa rời cuộc sống, và mục đích chân chính của người Phật tử biết tu tập là xây dựng đời sống an lạc, hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.
 
 

C.Đ.N

 

 



Tin cùng chuyên mục