TLYT - Nhân dịp kỉ niệm 691 năm ngày Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch (3/3/1330 – 3/3/2021 ÂL), nhằm tưởng nhớ công hạnh và sự nghiệp vĩ đại của Tổ; sáng ngày 13/4/2021(tức ngày 2/3/Tân Sửu), tại non thiêng Yên Tử - kinh đô của Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Đại lễ giỗ Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Pháp Loa Tôn Giả. Đồng thời, kết hợp với Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Công ty CP cáp treo Tùng Lâm và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Hiến máu cứu người - hành Bồ tát đạo và hưởng ứng Tết trồng cây – vì một Việt Nam xanh năm 2021.
Về chứng minh và tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; ông Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương; ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng Ban Tôn giáo Ủy ban TƯ MTTQVN; ông Lê Gia Tiến – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; cùng lãnh đạo các sở ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh, TP. Uông Bí; Chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN các huyện, thị xã, thành phố cùng chư Tăng Ni, quý vị đại biểu, hàng ngàn quý Phật tử, tín đồ, nhân dân, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đã cung tuyên tiểu sử Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Pháp Loa Tôn Giả, đồng thời kêu gọi Tăng Ni, Phật tử, quý vị đại biểu phát tâm đăng ký hiến máu cứu người, hành bồ tát đạo và tích cực tham gia trồng cây hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “vì một Việt Nam xanh” của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết cung tuyên tiểu sử Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Pháp Loa Tôn Giả, và kêu gọi Tăng Ni, Phật tử, quý vị đại biểu phát tâm đăng ký hiến máu cứu người, tích cực tham gia trồng cây.
Theo đó: “Tôn giả Pháp Loa thế danh là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7 tháng 5 Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ VI (1284), quê làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu.
Ngài bẩm tính thông minh dĩnh ngộ, học một biết mười, tuy tuổi mới tròn hai mươi nhưng sức hiểu biết đã đạt tới đỉnh cao: không chỉ tinh thông Phật học mà cả Nho, Lão cũng rất am tường. Ngài từ nhỏ đến lớn không hề nói lời xấu ác, biết trọng đức hiếu sinh. Gia đình vốn tin Phật từ nhiều đời nên, năm 21 tuổi, ngài ngỏ ý xin đi tu, được cha mẹ chấp thuận…
Niên hiệu Hưng Long thứ XIII (1305), Phật Hoàng lập đại giới đàn cho ngài thụ Tỳ khưu và Bồ tát giới, ban pháp danh là PHÁP LOA. Qua những lần khảo chứng, nhân thấy ngài đã ngộ đạo, lại tinh thông kinh điển, Phật Hoàng cử ngài làm chủ giảng chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh). Năm 1307, ngài cùng với năm vị pháp hữu tới am Ngọa Vân cầu thỉnh Phật Hoàng dạy bộ Đại Tuệ Ngữ Lục. Tháng 5 năm đó, trên am Ngọa Vân, khi làm lễ (bá) tát xong, ngài được Phật Hoàng trao y bát và tâm kệ.
Niên hiệu Hưng Long thứ XVI (1308), đúng ngày mồng một tết năm Mậu Thân tại chùa Báo Ân, dưới sự chứng kiến của vua Anh Tông và triều đình cùng toàn thể Tăng chúng, ngài chính thức được Phật Hoàng trao ngôi vị trụ trì chùa Báo Ân và sơn môn Yên Tử, được suy tôn là Đệ Nhị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.”
Tôn dung Đệ nhị Tổ Pháp Loa
Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo – hành đạo, Thiền sư Pháp Loa đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm – Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tạo lập, góp phần quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, có đóng góp to lớn không chỉ đối với Phật giáo Việt Nam, mà còn đối với lịch sử – văn hóa dân tộc Việt Nam; không chỉ trong quá khứ, mà còn có nhiều ảnh hưởng và giá trị gợi mở đối với hiện tại và tương lai.
Chư Tôn đức Tăng Ni cùng quý đại biểu, quý Phật tử, tín đồ đã cùng dâng hương tưởng niệm Nhị tổ Pháp Loa, cùng tham gia hiến máu nhân đạo và trồng cây để lan tỏa lời dạy của Ngài.
Được biết, kể từ đầu năm 2021 đến nay, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty CP Cáp treo Tùng Lâm đã trồng hơn 10.000 cây xanh tại Khu di tích danh thắng Yên Tử và trong buổi lễ hôm nay trồng hơn 1.000 cây xanh, góp phần thực hiện chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh trên cả nước.
Một số hình ảnh ghi nhận:
(Mời quý vị truy cập Fanpage Tin tức Phật giáo Quảng Ninh www.facebook.com/phatgiaoquangninh hoặc Chùa yên Tử www.facebook.com/chuayentuquangninh để xem thêm các hình ảnh và thông tin khác.)
Mai Anh – Xuân Trường