Đây là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn, hướng về cội nguồn; là dịp để nhân dân, Phật tử, du khách hành hương được tìm hiểu thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Các ban thờ trên chùa Ngọa Vân được quý thầy cùng quý Phật tử dâng lễ trang nghiêm
Năm nay, tại lễ hội Xuân Ngọa Vân 2024, bên cạnh phần nghi lễ trang trọng còn có sự xuất hiện của liên đoàn Vovinam Việt Nam kết hợp với màn trống hội hoành tráng; màn hợp xướng mang tinh thần hào hùng với ca khúc "Sử thi Phật hoàng Trần Nhân Tông" tạo không khí vui tươi, sôi động, phục vụ du khách gần xa khi hành hương về mảnh đất linh thiêng Ngọa Vân.
Trong khuôn khổ lễ hội có Hội chợ các gian hàng ẩm thực và nông sản địa phương, Liên hoan đàn và hát dân ca Xuân Ngọa Vân, giao lưu trò chơi dân gian…. do Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Đông Triều phối hợp Công ty cổ phần Văn hóa Du lịch Ngọa Vân-Yên Tử tổ chức.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Ngọa Vân phát biểu tại lễ khai hội
Quần thể di tích am-chùa Ngọa Vân nằm trên núi cao Bảo Đài Sơn ở phía Tây dãy núi Yên Tử - cánh cung Đông Triều, ngày nay thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều; am-chùa Ngọa Vân được mệnh danh là thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành. Đây là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Chùa Ngọa Vân là địa danh gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị Tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Năm 1293, sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, Đức vua Trần Nhân Tông về phủ Thiên Trường-Nam Định làm Thái Thượng Hoàng.
Sau hơn 1 năm, vào tháng 7/1294, Ngài rời phủ Thiên Trường về thực tập xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (nay thuộc huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Đến năm 1299, Ngài rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử, xuất gia tu hành khổ hạnh tại am Tử Tiêu, núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại sĩ. Tại đây, Ngài đã sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Đông đảo du khách về lễ Phật, chiêm bái ngày khai hội
Sau khi Phật hoàng hóa Phật, Pháp Loa đã xây dựng Ngọa Vân từ chỗ chỉ là một am nhỏ, nơi Phật hoàng tu luyện, trở thành một quần thể chùa tháp với nhiều công trình được xây dựng bao quanh đỉnh Ngọa Vân gồm: Cụm am tháp là nơi thờ Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông và tháp Phật Hoàng nơi lưu giữ xá lỵ của ngài, khu chùa chính được xây mới và mở rộng, cụm Thông Đàn – Đô kiệu…
Các đại biểu dâng hương tại chùa Ngọa Vân
Lễ khai hội Xuân Ngọa Vân 2024 được kỳ vọng sẽ là dấu ấn đáng nhớ cho những ngày đầu năm của du khách khi hành hương lên núi Bảo Đài dâng hương, chiêm bái Phật hoàng Trần Nhân Tông, cầu bình an cho năm mới.
Lễ hội Xuân Ngọa Vân hàng năm kéo dài hết tháng 3 Âm lịch.
BBT Tổng hợp