Lễ tạ pháp khóa an cư kết hạ, Đại lễ Vu lan báo hiếu và tái khởi công chế tác tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới tại non thiêng Yên Tử


TLYT – Ngày 27/8/2023 (tức ngày 12/7/Qúy Mão), tại Cung Trúc Lâm – non thiêng Yên Tử, Trường hạ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh kết hợp với chùa Yên Tử long trọng tổ chức Lễ tạ pháp khóa an cư kết hạ, Đại lễ Vu lan báo hiếu PL. 2567 – DL. 2023, Lễ chú nguyện chế tác bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tái khởi công chế tác tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc bích Jadeite lớn nhất thế giới.
 

Chứng minh và tham dự Đại lễ có Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban giáo dục Phật giáo trung ương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Chư tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; chư tăng trong hạ trường Ban trị sự Phật giáo tỉnh và sơn môn Yên Tử; quý vị đại biểu đại diện các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Uông Bí; các giáo sư, tiến sĩ, lãnh đạo Viện đá quý và vàng Việt Nam, Công ty Thần Châu Ngọc Việt; các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương; cùng đông đảo tín đồ, Phật tử trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.

 
 
 

Thay mặt Ban chức sự trường hạ, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã trình bày báo cáo công tác tổ chức khóa an cư kết hạ PL. 2567 – DL. 2023.

 

Theo báo cáo, năm nay, trường hạ có 247 hành giả an cư tập trung (trong đó tỷ khiêu có 99 vị, tỷ khiêu ni có 144 vị), thực hiện tiền an cư từ ngày 03 tháng 06 đến ngày 31 tháng 08 năm 2023 (ngày 16/4 đến 16/7 năm Quý Mão). Trong 3 tháng an cư kết hạ, các Tăng Ni lấy việc tu trì giữ gìn giới luật, thanh quy làm chính để thúc liễm thân tâm, duy trì 6 thời công phu lễ bái theo đúng quy củ của thiền môn. Về nội điển, Đại trường giảng Thiền Lâm Bảo Huấn, Tiểu trường giảng Luật học và triển khai những điểm mới trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi. Về ngoại điển, trường hạ tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu; tổ chức tham quan, học tập tại các địa phương và tùy hỷ các trường hạ tại các tỉnh, thành hội Phật giáo phía Bắc.

 
Chư tăng cùng các Phật tử trì tụng Kinh Vu lan Báo hiếu, thực hiện các nghi thức tâm linh cầu siêu cho cửu huyền thất tổ, nội ngoại song thân 
 
 

Cũng trong buổi lễ, chư tăng đã làm lễ chú nguyện chế tác bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tái khởi công chế tác tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc bích Jadeite lớn nhất thế giới.

  
 
 
 

Năm 2009, cố nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường đã đưa thành công Khối ngọc bích Jadeite tuyệt mỹ nặng 35 tấn, được khai thác từ một mỏ ngọc lớn nhất Myanmar, khối ngọc hoàn hảo gần như không có một vết nứt. Khối Ngọc quý này đã phải trải qua các chặng đường đầy ly kỳ, khó khăn trong suốt 3 năm mới về đến Việt Nam.

Bà Đào Thị Hạnh Trâm - con gái cố nghệ nhân Đào Trọng Cường - cho biết cách đây 20 năm, bố của bà khi lần đầu nhìn thấy khối ngọc quý này tại hội chợ ở Myanmar đã muốn mang nó về Việt Nam để tạo tác tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Nối tiếp di nguyện dang dở của cố Nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường, Công ty Thần Châu Ngọc Việt tiếp tục tái khởi công chế tác tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni lớn nhất thế giới, khối ngọc sẽ được chế tác bởi các nghệ nhân kiệt xuất trong và ngoài nước.

 
Bà Đào Thị Hạnh Trâm - con gái cố nghệ nhân Đào Trọng Cường chia sẻ 

Dự kiến sau khi hoàn thành tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng Ngọc Jadeite sẽ nặng tới 16 tấn, cao 3m, chiều ngang là 2m và chiều dài 1m. Bệ đế nặng tới 9 tấn, cao 60 cm, mỗi chiều là 2,1m. Cố gắng thực hiện di nguyện của bố mình, bà Trâm hy vọng bức tượng khi hoàn thành sẽ trở thành một di sản của Phật giáo thế giới tại Việt Nam.

Ngọc bích Jadeite còn được gọi là “Phỉ Thúy”, nghĩa là trong một miếng ngọc có cả màu xanh lá cây và màu đỏ. “Phỉ” nghĩa là phần ngọc màu đỏ có được ở lớp thứ hai của khối ngọc bích Jadeite. “Thúy” là phần màu xanh lá cây, phần lõi, phần quan trọng nhất của một khối ngọc bích Jadeite. Ngọc bích Jadeite còn có độ trong suốt như kính có độ mê hoặc kỳ lạ.

GS.TSKH Phan Trường Thị - một chuyên gia về đá quý cho biết ngọc bích phỉ thúy là một loại ngọc kỳ lạ. Từ loại đá bazan màu đen do núi lửa phun trào rất "tầm thường", nhờ quá trình vần vũ của đất trời ở độ sâu 65-70km dưới lòng đất mà trở thành loại đá trắng tinh khôi, kỳ vĩ pha sắc màu xanh của chính cây lá, thiên nhiên.

 
GS.TSKH Phan Trường Thị - Viện trưởng Viện đá quý và vàng Việt Nam 

Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng được chế tác bằng Ngọc Bích Jadeite có kích thước 1/1 với phiên bản của tượng Phật Hoàng trong tháp tổ Huệ Quang, dự kiến sẽ được Công ty Thần Châu Ngọc Việt hoàn thiện và dâng thờ tại chùa Yên Tử vào ngày 13/12/2023 (tức ngày 01/11 năm Quý Mão) nhân ngày lễ kỉ niệm 715 năm nhập Niết bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh và kỷ niệm 20 năm Hòa thượng Thích Thanh Quyết về trụ trì chùa Yên Tử.

 
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sắp được hoàn thiện 

Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho biết bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông quý giá không chỉ bởi giá trị của Ngọc bích Jadeite mà còn bởi sự chau chuốt, công phu đến từ đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân, tấm lòng biết ơn, tri ân những công lao, triết lý sống tốt đời đẹp đạo của Phật Hoàng và mong muốn lan tỏa những giá trị đó đến các thế hệ sau.

 

Một số hình ảnh ghi nhận khác:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mai Anh