Nên làm gì trong Tiết Thanh minh



TLYT - Người dân Việt Nam ai cũng biết đến tiết thanh minh qua hai câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Du:

“Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp Thanh”.

Thanh minh là một dịp quan trọng trong năm để con cháu thể hiện tấm lòng của mình với ông bà tổ tiên và cũng là dịp tốt để khởi hành du xuân cùng các hoạt động khác. Thanh minh năm 2021 rơi vào ngày 4 tháng 4 dương lịch tức 23/2 âm lịch, là chủ nhật đầu tiên trong tháng.

Lễ tảo mộ trong tiết Thanh minh
Nguồn gốc và ý nghĩa tiết thanh minh (Nguồn ảnh: tôi học tiếng trung)
 

1. Nguồn gốc tiết thanh minh

Tiết thanh minh là một từ xuất hiện trong quá trình làm lịch của các nước Á Đông chịu ảnh hưởng bởi nền văn hoá Trung Hoa xưa. Tiết thanh minh là một trong 24 tiết khí xuất hiện trong lịch của Việt Nam, Trung Quốc và các vùng tự trị, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Nhiều người vẫn lầm tưởng là lịch của người Trung Hoa cổ đại hay người Việt cổ là lịch theo chu kỳ mặt trăng hay lịch âm. Thật ra các lịch này đều được tính theo chu kỳ mặt trời và là một loại kết hợp âm dương lịch.

Dựa theo kinh độ Mặt Trời thì tính từ điểm xuân phân, thời gian diễn ra tiết Thanh Minh là một góc 15 độ. Đây là một cách tính theo Mặt Trời hay dương lịch và sẽ thay đổi theo từng năm. Mặc dù xuất phát từ văn hoá Trung Hoa nhưng ở mỗi thời kỳ và quốc gia thì tiết thanh minh lại có những tập tục và hoạt động ý nghĩa riêng của mình.

Không chỉ là một tiết khí được lập bởi những người trong thời cổ đại dựa trên chu kỳ mặt trời và khí hậu, tiết thanh minh còn có một câu chuyện ý nghĩa đằng sau đó là nguồn gốc cho những tập tục của ngày này. Vào thời Xuân Thu của Trung Hoa cổ đại có một vị vua nước Tấn là Tấn Văn Công trong lúc trị vì gặp loạn đã phải bỏ nước lưu vong.

Trong lúc đi lánh nạn khắp nạn khắp nơi thì Tấn Văn Công có một hiền sĩ tên Giới Tử Thôi luôn kể cận giúp đỡ ông. Một ngày kia vì thức ăn cạn kiệt mà Giới Tử Thôi đã lóc thịt mình cho vua ăn để chống đói. Vua Tấn ăn xong hỏi ra mới biết nên đã cảm kích không thôi và luôn ghi lòng tạc dạ. Về sau khi vua Tấn giành lại được ngôi vị thì đã phong thưởng rất hậu hĩnh cho những người có công với mình nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi không vì vậy mà sinh lòng oán hận mà chỉ xem đó là nghĩa vụ của mình khi là một bề tôi của vua. Sau đó ông về nhà và đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Sau này khi vua Tấn nhớ ra, cho người đi tìm thì Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn nữa. Tấn Văn Công vì chột dạ và mong muốn nhanh sửa sai lầm mà ra lệnh đốt rừng để thúc ép Giới Tử Thôi phải xuất núi. Tuy nhiên,Tử Thôi vẫn một lòng cự tuyệt nên cuối cùng cả 2 mẹ con ông đều chết cháy.

Vua Tấn vì ân hận và thương xót nên đã lập miếu thờ họ. Nhà vua cũng ra lệnh trong dân gian chỉ được ăn đồ ăn nguội để tưởng niệm và phải kiêng đốt lửa ba ngày. Từ đó ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày tết Hàn thực và là một ngày nằm trong tiết thanh minh để nhớ ơn những người có công đã khuất. Đến khi du nhập vào Việt Nam thì ý nghĩa của tết hàn thực đã dần thay đổi và chuyển sang là tục tảo mộ ông bà cha mẹ tổ tiên trong tiết thanh minh.

Tiết thanh minh hay tết thanh minh

Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm “tiết thanh minh” và “tết thanh minh” và tưởng rằng hai từ này đều là một. Nhưng thật ra chúng mang ý nghĩa khác nhau. Tiết thanh minh là tiết khí thứ 5 trong tất cả tiết khí của một năm theo lịch cổ. Đây chính là khoảng thời gian giao nhau giữa mùa xuân và mùa hạ. Còn tết thanh minh là một ngày lễ cụ thể trong cả khoảng thời gian của tiết thanh minh.

Tết thanh minh có phải là tết hàn thực?

Ngoài tiết thanh minh và tết thanh minh thì mọi người cũng hay bị nhầm lẫn giữa tết thanh minh và tết hàn thực. Như đã nói ở trên thì tết thanh minh nằm trong tiết thanh minh và thường rơi vào khoảng đầu tháng 4. Tết thanh minh là ngày mọi người tụ họp lại để đi tảo mộ và du xuân.

Trong khi tết hàn thực lại là ngày 3/3 âm lịch. Một vài năm thì ngày âm và ngày dương trùng nhau giữa tết thanh minh và tết hàn thực khiến nhiều người nghĩ hai ngày là một. Trong ngày tết hàn thực thì mọi người sẽ ăn các món lạnh như bánh trôi, bánh chay. Nhưng một số nơi mọi người chỉ ăn tết hàn thực và thường tổ chức tết thanh minh vào dịp cuối năm và đầu năm gần tết nguyên đán. Vì tục lệ phổ biến nhất của tết thanh minh là đi tảo mộ, một việc mọi người cũng thường làm trước tết nguyên đán để ông bà có mồ mả sạch đẹp trước năm mới.

2. Thời tiết – tiết khí thanh minh

Về mặt thời tiết thì tiết khí thanh minh có khí hậu khá dễ chịu, mát mẻ, trong lành. Có lẽ ở miền nam sẽ không nhận thấy rõ điều này nhưng ở miền bắc Việt Nam thì tiết thanh minh là một thời gian đẹp trong năm. Do các luồng gió đông bắc rét lạnh đã suy giảm, các luồng gió đông nam ấm áp cũng đã tăng thêm và mưa phùn dường như không còn nữa.

Do đó trời nồm khó chịu không còn mà thay vào đó là tiết trời trong sáng, dễ chịu với nhiệt độ cao hơn và độ ẩm thấp hơn. Thời tiết này dễ chịu nên nhiều người cũng chọn tiết thanh minh cho nhiều hoạt động ngoài trời. Trong tiết thanh minh cũng chưa có mưa rào nên trời xanh khô ráo nhưng vẫn mát mẻ.

Tiết thanh minh có thể xê dịch vài ngày và không cố định. Nhưng theo quy ước thì sau ngày Lập Xuân 45 ngày là tiết thanh minh. Thường thì tiết thanh minh sẽ bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 của tháng 4 dương lịch. Sau tiết xuân phân sẽ là tiết thanh minh. Sau đó tiết thanh minh sẽ kéo dài hơn nửa tháng và kết thúc vào ngày 20 đến 21 tháng 4 hằng năm.

3. Làm gì trong tiết thanh minh

Thanh minh tuy không nổi bật bằng những ngày lễ lớn khác trong năm như Tết Đoan Ngọ hay Vu Lan báo hiếu nhưng lại mang nét văn hoá đẹp về truyền thống hiếu kính và nhớ về tổ tiên của người Việt. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng tiết thanh minh là dịp mà tấm lòng hiếu thuận của con cháu được thể hiện rõ nét nhất. Vì vậy ý nghĩa quan trọng nhất của tiết thanh minh là báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Các hoạt động liên quan đến tiết thanh minh do đó cũng được tổ chức hết sức trang trọng.

Tiết thanh minh 2021
Đi tảo mộ là tập tục phổ biến nhất ngày tiết thanh minh (Ảnh: Báo Giao thông)
 

Về mặt ngữ nghĩa thì tiết thanh minh là một ngày trời đẹp sáng sủa. Vì thanh là khí trong và minh là sáng sủa. Nên tiết thanh minh còn mang một ý nghĩa là ngày trời trong nắng đẹp, quang đãng, phù hợp với những hoạt động ý nghĩa ngoài trời.

Tảo mộ là hoạt động tiêu biểu nhất của tiết thanh minh và cũng là việc làm ý nghĩa nhất trong thời gian này. Tảo mộ là đi sửa sang lại các lăng mộ của tổ tiên, ông bà sao cho sạch sẽ. Theo đó thì trong ngày đi tảo mộ mọi người sẽ mang theo cuốc xẻng để dọn sạch cỏ dại, đắp lại mồ mã, phát quang sạch sẽ cho mộ. Đặc biệt phải kiểm tra xem mộ có bị tổ mối xông hay bị các loại động vật nhỏ đục khoét hay không. Vì đây thuộc trường hợp mộ kết, khá hung hiểm đối với phong thủy âm trạch nên cần phải được xử lý ngay.

Sau đó mọi người có thể cúng và đọc văn khấn để thể hiện lòng thành kính và cầu xin những điều tốt đẹp cho gia đình. Ngoài mộ của ông bà tổ tiên thì người đi tảo mộ cũng thắp hương cho cả những ngôi mộ vô chủ không người thăm viếng. Mọi người cũng thường thắp hương cho cả thổ công, thổ địa và hương hồn xung quanh mộ ông bà khi đi tảo mộ để xin phép trong khi dọn dẹp và cầu bình an.

Ngoài việc tảo mộ thì lễ cúng hay mâm cúng cũng là một phần quan trọng được nhiều người coi trọng. Để việc cúng thanh minh được đủ đầy thì mọi người trong nhà sẽ cùng nhau đi chợ sắm sửa và chuẩn bị. Mâm cúng thì sẽ tuỳ vào tập tục của mỗi gia đình và địa phương. Mâm cúng cũng có thể chuẩn bị đơn giản như một bữa cơm bình thường chủ yếu để mời cơm ông bà tổ tiên chứ không phải để khoa trương hay làm yến tiệc linh đình.

Tổng hợp