Pháp thoại của Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh trong khóa tu Ngày an lạc tháng 8 - Vui trung thu trên đỉnh Ngọa Vân với sự tham dự của hơn 1000 tín đồ, Phật tử:
Thượng tọa Thích Đạo Hiển chia sẻ
Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Trúc Lâm Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông
Kính thưa quý vị Phật tử tham gia chuyến hành hương về lễ Phật, lễ Tổ và tham dự khóa tu Ngày an lạc – Vui trung thu trên đỉnh Ngọa Vân ngày hôm nay!
Trước tiên, thầy xin thay mặt Ban Tổ chức, thay mặt cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Trụ trì chùa Ngọa Vân xin gửi tới toàn thể quí nam nữ, cư sĩ Phật tử lời chào đại đoàn kết và lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc toàn thể quí vị và gia đình sức khỏe, an lạc, hạnh phúc!
Thưa toàn thể đại chúng, chùa Ngọa Vân là nơi hóa Phật của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm, là vùng đất thánh địa của Phật giáo Việt Nam. Nếu như ở Ấn Độ có thái tử Tất Đạt Đa đã được chọn để kế vị ngôi vua, nhưng Ngài từ bỏ cung vàng, điện ngọc để xuất gia tu đạo và chứng được quả vị Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, đưa giáo lý an lạc, giải thoát, hạnh phúc đến cho hết thảy chúng sinh thì Việt Nam ta cũng rất tự hào có một vị hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông, người đã hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đanh tan đế quốc Nguyên Mông, đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, giữ gìn bờ cõi giang sơn. Sau khi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đưa lại cho đất nước Đại Việt nền độc lập và phát triển thịnh trị, vì mưu cầu sự hạnh phúc lâu bền hơn cho đất nước Việt Nam, Ngài đã từ bỏ ngôi vua (thực tế trước đó Ngài đã truyền ngôi cho Trần Anh Tông làm Thái Thượng hoàng và dẫn dắt Anh Tông lãnh đạo đất nước), học tập theo hạnh nguyện của Thái Tử Tất Đạt Đa lên núi Yên Tử xuất gia tu hành năm 1299. Với vai trò là một vị Thái Thượng hoàng xuất gia tu đạo và chứng ngộ, Ngài đã thống nhất các thiền phái Phật giáo, sáng lập ra Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - một nền Phật giáo độc lập, thống nhất đầu tiên của người Việt Nam chúng ta. Lịch sử ghi nhận rằng, thời nhà Trần, Phật giáo phát triển đến cực thịnh, cả nước Đại Việt thời đó có hơn 15.000 vị Tăng sĩ. Trên từ vua quan, dưới đến thứ dân trăm họ đều theo Phật, học giáo lý nhà Phật. Năm 1307, Ngài từ giã núi Yên Tử, sang núi Bảo Đài, thuộc vùng đất An Sinh, Đông Triều (quê cũ của nhà Trần), dựng Am Ngọa Vân tiếp tục chuyên tu thiền định. Lịch sử ghi nhận, ngày mùng 1 tháng 11 năm 1308, Ngài đã hóa Phật tại Am Ngọa Vân của non thiêng Yên Tử này, nơi mà chúng ta đang hiện diện hôm nay.
Thưa toàn thể quí vị! Phật hoàng Trần Nhân Tông là Phật tổ của Việt Nam. Sử cũ ghi lại, Ngài là con trưởng của hoàng đế Trần Thánh Tông. Khi sinh ra có thân sắc vàng giống như Phật, nên dân gian gọi là Phật kim (Phật vàng). Mặc dù sống trong cung vàng điện ngọc từ nhỏ nhưng Ngài lại thích ăn chay, được các thầy chăm sóc, dạy dỗ, hiểu rõ cả Nho, Phật, Đạo. Nhưng thiên hướng thì thích tu đạo Phật. Đến năm 16 tuổi, Ngài cũng giống như Thái Tử Tất Đạt Đa, được vua cha lập nên ở ngôi Thái Tử, chuẩn bị cho việc kế vị ngôi vua và cho lập gia đình. Ta thấy tiểu sử của Phật hoàng Trần Nhân Tông không khác gì tiểu sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bên Ấn Độ. Ngài cũng không muốn nhận ngôi Thái tử, năm lần bảy lượt muốn cho em mình lên nhận ngôi, con Ngài muốn được xuất gia tu hành. Ngài cũng đã từng một lần trốn về Yên Tử để tu rồi nhưng vua cha không cho phép. Vua Trần Thánh Tông khóc lóc bảo rằng, cả sơn hà xã tắc này chỉ trông chờ vào con thôi. Con cứ muốn ăn chay, tu hành thì không biết để sự nghiệp vẻ vang này cho ai đảm nhận cả. Vì vậy, năm 21 tuổi Ngài lên ngôi Hoàng đế lãnh đạo, trị vì đất nước. Trong thời gian 14 năm Ngài trị vì, đất nước trải qua 2 cuộc chiến tranh chống đế quốc Nguyên Mông xâm lược năm 1285 và 1288. Cũng dưới thời trị vì của Ngài đã xảy ra hai sự kiện quan trọng nhất mà đến bây giờ lịch sử Việt Nam vẫn tự hào. Đó là hai hội nghị lịch sử Diên Hồng và Bình Than. Hội nghị Diên Hồng là hội nghị đoàn kết toàn dân. Lịch sử nói rằng trong Hội nghị ấy, nhà vua và triều đình mời hết các bô lão và những người có uy tín ở khắp đất nước để thống nhất ý chí của toàn dân cùng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ giang sơn gấm vóc này. Hội nghị Bình Than là Hội nghị quân sự dành cho các tướng lĩnh, quân sĩ của triều đình để thống nhất ý chí, nên hòa hay nên đánh, đánh như thế nào… Trong Hội nghị đó, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã nói rằng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”. Từ đó, thống nhất ý chí của tướng sĩ nhà Trần, quyết tâm chiến đấu với giặc Nguyên Mông bảo vệ giang sơn. Qua đó ta thấy, hoàng đế Trần Nhân Tông là người biết thu phục nhân tâm, biết tạo dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Những việc gì liên quan đến vận mệnh đất nước, dân sinh thì phải lấy ý kiến toàn dân để thống nhất ý chí, tạo thành một khối sức mạnh thống nhất. Hiếm có vị hoàng đế nào tron lịch sử phong kiến làm được điều này. Trải qua hai cuộc binh đao khói lửa, giang sơn Đại Việt được bảo toàn. Khí thế hào hùng ấy đã được Trần Nhân Tông cảm hứng bằng hai câu thơ nổi tiếng khi Ngài về lễ tạ tại phủ Long Hưng, nơi đó có thái miếu nhà Trần. Khi nhìn thấy những chú voi, ngựa bằng đá ở đó cũng lấm lem bùn đất, Ngài thấy rằng không chỉ có người dân tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà các vị tiền tổ, hồn thiêng dân tộc cũng phù hộ cho quân dân Đại Việt bảo vệ sơn hà.
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”
Dịch ra là:
“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.”
Khi đất nước đã được hòa bình, Ngài áp dụng chính sách thân dân và có lợi nhất cho nhân dân, chăm lo thực sự cho đời sống của người dân. Vậy nên trên thuận dưới hòa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Triều đình không sử dụng những hình phạt nặng nề, quá đáng. Người dân phấn khởi làm ăn, xây dựng một xã hội Đại Việt hùng cường.
Tuy nhiên, Ngài nghĩ rằng, để bảo vệ cho nền độc lập, hạnh phúc lâu dài này thì ngoài giữ yên bờ cõi cần phải tính tới sự bình yên trong lòng người. Và không có gì bằng lấy nhân tâm để đoàn kết toàn dân. Muốn tâm của dân yên thì không có gì bằng lấy tâm Phật để giáo hóa. Vì vậy, sau khi lên ngôi Thái Thượng hoàng, Ngài lui về phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay) thực tập tu tập một thời gian dài. Cho đến năm 1299, nhân duyên hội đủ mới xuất gia tu hành, sáng lập ra Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nền Phật giáo thống nhất, mang đậm bản sắc dân tộc Việt.
Phật giáo Trúc Lâm với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”, tức là hòa ánh sáng với cuộc đời bụi bặm. Trước giờ chúng ta cứ nghĩ rằng giáo lý của Phật giống như ánh sáng huy hoàng, hoàn toàn thanh tịnh, đưa lại an lạc, giải thoát cho những người tu tập. Cho nên phần nào đó hơi xa vời, tách biệt với đời trần tục, đôi khi khó tu được. Nhưng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã học theo Tuệ Trung Thượng Sĩ, phải “hòa quang đồng trần”, phải đưa ánh sáng đạo đức, trí tuệ của đạo Phật về gần gũi với đời sống nhân dân để nhân dân hiểu được đạo Phật. Từ đó, xây dựng đời sống bình an, hạnh phúc. Cho nên Ngài mới có tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, tức là ở trong cõi đời trần tục này mà vui với đạo. Vì xét cho cùng ở cuộc đời này, ai cũng phải sống trong cuộc đời này cả, từ quý thầy cho đến các vị. Ai cũng phải ăn, phải mặc, phải đi đứng, nói cười… đó là cuộc sống bình thường trong cõi trần. Cao hơn nữa là đời sống tinh thần, và cao hơn nữa là đời sống tâm linh. Cuộc sống đó phải được an lạc, hạnh phúc, cho nên phải “lạc đạo (vui với đạo)”. Đạo Phật ra đời cũng để phục vụ cho cuộc sống an lạc của nhân sinh. Cho nên Ngài cũng viết tác phẩm rất nổi tiếng “Cư trần lạc đạo phú”, dài 10 hội thuần túy bằng chữ Nôm, chúng ta không có thời gian để học hết, nhưng thầy sẽ dạy bài kệ kết bằng chữ Hán:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”
Dịch là:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.”
Câu đầu tiên Ngài bảo rằng ở đời vui đạo thì hãy cứ tùy duyên. Chúng ta sống trong cuộc đời này người thì làm công nhân, người làm giáo viên, người làm bác sĩ… mỗi người một chức phận. Người là ông bà, người là cha mẹ, người là con cháu. Nên mỗi người với những hoàn cảnh, căn cơ khác nhau phải biết tu đạo. Không ai bắt các Phật tử tu tại gia phải tu trì như các thầy đã xuất gia, cũng không thể bắt mình phải tu như nhà hàng xóm. Người giàu thì có nhiều tiền để cúng dàng Tam bảo, làm việc từ thiện. Người nghèo chỉ có giọt dầu, nén nhang cũng là quý lắm rồi. Người nghèo nữa không góp của có thể góp công, góp sức. Người không có điều kiện ra chùa thì giữ tâm thiện lành, luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp cho mọi người, hồi hướng cho người… đó chính là tùy duyên. Qúi vị đừng nghĩ rằng đi chùa nhiều, cúng nhiều tiền là nhiều phúc. Mà quan trọng hơn là tâm đức của mỗi người. Cũng như cái việc “Đói đến thì ăn mệt ngủ liền”, chúng ta đến bữa đói thì ăn, đến giờ ngủ thì đi ngủ. Chứ đừng kiểu đến bữa muốn ăn lại không chịu ăn, hay không ăn được, đến giờ ngủ mà trong đầu trăm thứ suy nghĩ toan tính ngủ cũng chẳng xong. Hãy giữ cái tâm bình thường, “bình thường tâm thị đạo”. Chúng ta trước giờ nhiều người cứ thích sống “phi thường”. Phi thường quá mà làm không được thì trở thành “thất thường”, “bất thường”. Cho nên Phật dạy, muốn tu đạo phải sống với cái tâm bình thường, chừng mực với đời sống thường nhật như khi nhặt rau, nấu cơm, đi chợ… đừng sống trong thế giới ảo, tưởng tượng cao siêu. Đừng nghĩ rằng ai đi chùa, tụng kinh, ăn chay mới là tu. Tuệ Trung – thầy của vua Trần Nhân Tông đã bảo rằng, nếu bảo ăn chay là thành Phật thì trâu bò đã thành Phật lâu rồi. Dân gian có câu “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”. Một số người tháng ăn chay được mấy ngày mà dưng dưng tự đắc cho là ta tu, coi thường người khác. Buổi trưa đi chùa ăn chay được một bữa, tối về thèm lại ăn bù gấp hai, ba lần. Như thế ăn chay có ích gì. Tụng kinh được vài câu cho là ta tu, ra ngoài toàn nói thị phi. Như vậy tụng kinh có ích gì? Phật dạy rất thực tế, chỉ có con người hiểu sai mà chấp mắc nên tu hoài mà không tới đâu.
Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng dạy thế này:
“Ăn chay hay ăn thịt
Tùy theo loài chúng sinh
Xuân đến trăm hoa nở
Tìm đâu thấy tội phúc.”
Cả cuộc đời Phật hoàng Nhân Tông đi khắp mọi nẻo thôn quê, thành thị khuyên dân thực hành Thập thiện. Ngài chẳng dạy gì cao siêu, xa vời cả. Mười điều thiện như sau:
Thân: 1. Không sát sanh, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà dâm.
Miệng: 4. Không nói dối, 5. Không nói 2 lưỡi, 6. Không nói thêu dệt, 7. Không nói lời thô ác.
Ý: 8. Không tham lam, 9. Không sân hận, 10. Không si mê.
10 điều thiện này là nền tảng của đạo đức xã hội. Thực hành theo mười điều này thì không có trộm cắp, chém giết nhau, tranh giành, chiếm đoạt, thị phi, sân hận… xã hội yên bình và hạnh phúc vô cùng.
Trong “Cư trần lạc đạo phú”, Phật hoàng cũng dạy thế này: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc.” Cõi Tịnh độ mà chúng ta niệm hằng ngày để cầu được sinh về thì Ngài bảo rằng nó ở ngay trong lòng mình chứ chẳng phải ở đâu xa. Không phải đợi chết mới được về tịnh độ. Ai sống với lòng trong sạch, với cái tâm thanh tịnh thì tịnh độ hiện tiền ngay đây. Chúng ta phải tạo dựng tịnh độ ngay nhân gian này, ngay nơi lòng mình, giữ cho tâm mình đẹp và sáng như cõi tịnh. “A Di Đà Phật” chính là trí tuệ sáng soi, rạng rỡ. Cần gì phải đợi khi chết mới về tịnh độ. “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”. Cũng như Đức Phật Thích Ca đã dạy trong kinh Pháp Hoa, chúng sinh ai cũng có vị Phật bên trong mình. Chẳng phải đầu Phật xuất gia mới thành Phật, cả tại gia, xuất gia, ai giữ được tâm Phật thì thành Phật. Cho nên “Trúc hóa nên rồng, một hai là đã”, người tu thì nhiều như rừng trúc, mà người chứng đạo thì may ra được một vài người. Trước giờ chúng ta hay tìm Phật tận nơi đâu, thậm chí tận bên Ấn Độ, tận Yên Tử, chùa Hương… mà quên mất vị Phật trong tâm mình. Chớ tìm cầu hạnh phúc, an lạc nơi nào mà phải quay về với cái tâm của mình để tu tập, chuyển hóa, tìm về cái tâm Phật - của báu trong nhà mà ai cũng sẵn có.
Với mỗi người cha mẹ, con cái biết giữ tâm Phật, sống với tâm Phật là điều hạnh phúc nhất. Mùa vu lan vừa qua thầy thấy các vị Phật tử đến chùa lễ cúng xin những cái gì đâu đâu. Chúng ta phải biết “Cha mẹ trong nhà như Phật tại thế”. Cha mẹ còn sống trong nhà không chăm lo, phụng dưỡng, chẳng biết báo hiếu báo ân cứ đền đền này chùa nọ cầu xin đủ thứ, đi lễ “Thích Ca ngoài đường”. Nói vậy, không phải nói các vị Phật tử không được đi lễ, mà phải tùy điều kiện hoàn cảnh của mình, dù đi đâu làm gì, tu tập gì cũng đừng quên bổn phận của mình trong nhà, trong xã hội mà giữ cho tròn vẹn. Đi là để học hỏi mà thực hành cho đời sống được an lạc, hạnh phúc thêm.
Câu cuối “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”, nghĩa là trong cuộc sống thường nhật, chúng ta phải đối diện với bao nhiêu trần sắc bên ngoài mà vẫn giữ được cái tâm định tĩnh, trong sáng, không để nó lôi cuốn đi thì đó chính là thiền, là đạo. Chẳng phải suốt ngày ngồi một chỗ lim dim mắt, khoanh chân là thiền đâu. Cũng như hoa sen mọc giữa đầm lầy mà không bị ô nhiễm. Chúng ta sống trong cuộc đời biết bao cám dỗ mà thường quán sát, nhìn sâu cái tâm mình không để cho bụi đời cám dỗ, đó chính là đạo, là thiền, là Phật, chẳng phải đi tìm đâu nữa.
Ngày mùng 1 tháng 11 năm 1308, tại Am Ngọa Vân ngài thị tịch. Xá lợi của Ngài được chia nhiều nơi để thờ. Lịch sử ghi rằng một phần thì rước về tại tháp Huệ Quang – tháp tổ tại chùa Hoa Yên, Yên Tử. Một phần rước về thờ tại miếu ở phủ Long Hưng (Khu vực Đền Trần, Thái Bình bây giờ), một phần lưu giữ tại chùa tháp Phổ Minh (Nam Định). Một phần được lưu giữ tại tháp Báo Thiên, kinh đô Thăng Long (Hà Nội bây giờ), tuy nhiên hiện nay tháp đã không còn nữa mà vào thời Pháp thuộc bị biến thành nhà thờ lớn của Hà Nội bây giờ. Một phần được lưu giữ tại Phật hoàng tháp ở tại Am Ngọa Vân. Một phần được lưu giữ tại tháp Phật chùa Quỳnh Lâm.
Trần Nhân Tông là vị vua có thật, đi tu thật và hóa Phật thật với những chứng tích còn để lại. Nơi chúng ta đang ngồi đây là chùa Ngọa Vân, nằm trong một quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Chúng ta biết rằng quê gốc cũ của nhà Trần là vùng đất An Sinh, Đông Triều, đời đời làm nghề đánh cá. Vậy nên phát triển dần xuống theo vùng sông nước và đến tận Thái Bình, Nam Định bấy giờ. Các vua nhà Trần khi mất đều được đưa về an táng tại vùng đất An Sinh ngay bên dưới chân núi. Vì thế ở đây có đền An Sinh là nơi thờ các vị vua nhà Trần. Có Lăng mộ các vua nhà Trần, Thái miếu thờ Trần triều tiên đế, có chùa Quỳnh Lâm là trường đại học Phật giáo thời Trần, có chùa Ngọa Vân là nơi hóa Phật của Ngài, có chùa Hồ Thiên là nơi tổ Pháp Loa gây dựng nên rất uy nghi, chùa Ngọc Thanh là nơi tu của vua Trần Thuận Tông, vị vua áp chót của nhà Trần… Vùng đất này tuy bây giờ thuộc vùng đất Đông Triều, nhưng ngày xưa đều thuộc danh sơn Yên Tử. Yên Tử là một dãy núi dài, mà vòng cung cao nhất có chùa Đồng bây giờ. Trước đây, Yên Tử cũng thuộc Đông Triều, sau này thành lập TP. Uông Bí tách ra, nên Yên Tử mới thuộc Uông Bí. Cho nên vốn Ngọa Vân, Yên Tử là một, chẳng phải hai. Đến Ngọa Vân cũng là đến Yên Tử rồi.
Trải qua thời gian, chùa xưa không còn nữa, nhưng vết tích vẫn còn. Tâm linh của dân tộc ngưỡng vọng về đây. Cách đây 5 năm mới được trùng tu lại và trong vài năm tới, kì vọng sẽ tiếp tục trùng tu, xây dựng nơi đây trở thành một quần thể trung tâm lễ hội để kịp đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Ngọa Vân.
Hôm nay quý Phật tử về đây, mặc dù đang mùa thu, nhưng quý vị vẫn có thể thấy cảnh quan hùng vĩ, thiêng thiêng, đa sắc của vùng đất Ngọa Vân, chẳng khác gì đang trong mùa xuân. Trước khi kết thúc buổi chia sẻ để phá cỗ trung thu, thầy xin tặng quí vị một trong những bài thơ hay nhất của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Khi Ngài lên núi Bảo Đài thì cảm tác bài thơ này. “Bảo đài” tức là cái đài quý báu để đặt ngôi chùa. Qúi vị nhìn về phía trước có đỉnh núi rất đẹp. Phía sau lưng tựa ngọn núi vững chãi. Bên trái là Yên Tử, bên phải là Côn Sơn Kiếp Bạc. Phía trước mặt nhìn ra núi Yên Phụ và xa hơn nữa là dòng sông Bạch Đằng. Bài thơ có tiêu đề là “Đăng Bảo Đài Sơn (Lên núi Bảo Đài)”:
“Ðịa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận.
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thuỷ lưu thuỷ,
Bách niên tâm ngữ tâm.
Ỷ lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.”
Dịch như sau:
Đài xưa dấu cổ hoang liêu
Nơi đây phảng phất rất nhiều vẻ xuân
Mây quanh núi phủ xa gần
Đường quê nắng rợp bóng râm hoa lòng
Việc đời như nước xuôi dòng
Trăm năm lòng nhủ cho lòng biết thôi
Tựa lầu đưa sao lên môi
Trăng soi lòng cũng sáng ngời ánh trăng.”
Đây là một trong những bài thơ đẹp nhất của Trần Nhân Tông và lịch sử văn học Việt Nam.
Một lần nữa, thầy xin thay mặt Ban Tổ chức kính chúc toàn thể quí vị Phật tử và gia đình an lạc, hạnh phúc!
Phiên tả: Mai Anh