Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận Di sản văn hóa thế giới


TLYT - Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tại kỳ họp lần thứ 47 chiều 12/7.

Quyết định được Chủ tịch kỳ họp, giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - gõ búa công nhận lúc 13h02 ngày 12/7 (giờ Paris), sau hơn một giờ thảo luận và ghi nhận ý kiến các nước thành viên.

 
Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Yên Tử tại kì họp lần thứ 47 của UNESCO 

Đây là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và là di sản thế giới liên tỉnh thứ hai, sau vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Quần thể di sản gồm 12 điểm, nằm trên ba địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, với diện tích vùng lõi 525,75 ha và vùng đệm 4.380,19 ha.

Quần thể phản ánh tiến trình hình thành, truyền bá và phục hưng của Phật giáo Trúc Lâm - dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13. Từ Yên Tử (khai sáng), đến Vĩnh Nghiêm (truyền bá) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (phục hưng), hệ thống di tích thể hiện mối liên kết giữa nhà nước, tôn giáo và cộng đồng cư dân trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Phật giáo Trúc Lâm được phát triển chủ yếu bởi các thành viên hoàng tộc nhà Trần, là hệ phái kết hợp các yếu tố Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa. Theo hồ sơ di sản, hiện có khoảng 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và hơn 15.000 ngôi chùa Trúc Lâm tại hơn 30 quốc gia. Một số địa điểm tiêu biểu như chùa Trúc Lâm Paris (Pháp), Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa bình (Mỹ) được ghi nhận trong hồ sơ.

Quần thể Di sản gồm 12 điểm di tích tiêu biểu, trải rộng trên ba tỉnh, thành: Quảng Ninh, TP. Hải Phòng và Bắc Ninh. Trong đó, Quảng Ninh vinh dự đóng góp 5 di tích đặc biệt, mang đậm dấu ấn Phật giáo Trúc Lâm – tinh hoa Phật giáo Việt Nam, trường tồn cùng non sông gấm vóc:

1.    Chùa Hoa Yên – ngôi chùa trung tâm trên núi Yên Tử, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành, giác ngộ, giảng đạo, khai sáng Phật giáo Trúc Lâm. Khởi dựng từ thời Lý, tên gốc là Vân Yên, đổi thành Hoa Yên thời vua Lê Thánh Tông. Chùa cùng Vườn Tháp Huệ Quang lưu giữ 97 ngôi tháp mộ chư tăng, trong đó có Tháp Tổ lưu xá lợi Phật Hoàng, được xây dựng từ năm 1309.

 
Chùa Hoa Yên 
 
Khu vườn tháp chùa Hoa Yên, với Huệ Quang Kim Tháp ở vị trí trung tâm. Nguồn ảnh: VnExpress

2.    Chùa Lân – cửa ngõ Yên Tử, nơi Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang thuyết pháp, gắn liền công lao chấn hưng Phật giáo Trúc Lâm qua bao thế hệ.

 
Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ngày nay

3.    Thái Miếu Nhà Trần – thuộc khu di tích nhà Trần Đông Triều, nơi thờ cúng 14 vị vua Trần, biểu tượng của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân tiền nhân.

 '
Thái Miếu nhà Trần. Nguồn ảnh: VnExpress

4.    Am Chùa Ngọa Vân – chốn Phật Hoàng nhập Niết Bàn giữa non thiêng, lưu giữ xá lợi Phật Hoàng, tháp Phật Hoàng và tịnh thất linh thiêng nơi sơn cùng thủy tận.

 
Am và chùa Ngọa Vân 
 

5.    Bãi cọc Yên Giang – chứng tích Bạch Đằng giang oai hùng, minh chứng cho trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc, nơi hội tụ tinh thần Phật – Đạo – Quốc – Dân bất diệt.

 
Bãi cọc Yên Giang. Nguồn ảnh: VnExpress 

Hồ sơ đề cử được xây dựng trong 13 năm, với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia di sản và chính quyền ba địa phương. Trong quá trình hoàn thiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng các địa phương đã tiếp thu ý kiến và khuyến nghị của Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) nhằm làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu và năng lực quản lý, bảo tồn di sản theo yêu cầu của công ước Di sản Thế giới 1972.

Mọi giá trị và thuộc tính nổi bật của văn hóa Phật giáo Trúc Lâm và triều Trần đều được chứa đựng và thể hiện một cách toàn diện trong Khu di sản, bao gồm cả một hệ thống các di chỉ khảo cổ, kiến trúc và các yếu tố phi vật thể đang được bảo vệ, bảo tồn và tiếp tục được coi trọng và biểu hiện.

Trước đó, Việt Nam đã có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993), vịnh Hạ Long (1994, mở rộng ra Cát Bà 2023), phố cổ Hội An (1999), thánh địa Mỹ Sơn (1999), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003, mở rộng 2015), hoàng thành Thăng Long (2010), thành nhà Hồ (2011) và quần thể danh thắng Tràng An (2014).

BBT


Tin cùng chuyên mục