Các chương trình hành hương chiêm bái thánh địa Ngọa Vân kết hợp khóa tu Ngày an lạc hàng tháng tiếp tục trở lại



TLYT- Sau nhiều tháng phải nghỉ vì dịch bệnh, chuỗi chương trình hành hương chiêm bái Ngọa Vân  và tìm hiểu về Phật giáo Trúc Lâm kết hợp khóa tu Ngày an lạc hàng tháng tiếp tục trở lại. Chương trình đầu tiên trong năm nay kể từ đại dịch Covid-19 bắt đầu bằng Lễ Vào Hạ tại Chùa Ngọa Vân ngày 15/4/Nhuận/ Canh Tý (tức 6/6/2020), thu hút hơn 400 Phật tử từ các tỉnh thành tham dự.

 

Sau khi lễ Phật, lễ Tổ và thăm cảnh núi rừng Ngọa Vân, các Phật tử vân tập về lễ đài chính cùng trì tụng kinh chú, trì niệm hồng danh chư Phật dưới sự chủ trì của Thượng tọa Thích Đạo hiển - Ủy viên HĐTS, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, một mùa hạ may mắn, tốt lành. Cúng lễ vào Hạ, hay vào Xuân, vào Thu, vào Đông là nét tín ngưỡng từ lâu đời của cư dân nông nghiệp phía Bắc, cầu nguyện cho một mùa thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu, mọi việc được suôn sẻ, hanh thông. Phật giáo miền Bắc đã tiếp biến, kết hợp hướng dẫn nhân dân Phật tử trì tụng kinh chú, nghe giảng pháp để biết đường hướng tu tập, hướng đến đời sống bình an và hạnh phúc thực sự.

Tiếp đó, đại chúng cùng lắng nghe thời pháp thoại của Thượng tọa Thích Đạo Hiển giảng về lịch sử của thiền phái Trúc Lâm gắn liền với khu di tích Yên Tử - Ngọa Vân cùng với những tư tưởng của thiền phái, nổi bật là chủ thuyết “Cư trần lạc đạo” và tinh thần “Tùy duyên”.

 

Chùa Ngọa Vân là nơi hóa Phật của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm, là vùng đất thánh địa của Phật giáo Việt Nam. Sau khi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đưa lại cho đất nước Đại Việt nền độc lập và phát triển thịnh trị, vì mưu cầu sự hạnh phúc lâu bền hơn cho đất nước Việt Nam, Ngài đã từ bỏ ngôi vua (thực tế trước đó Ngài đã truyền ngôi cho Trần Anh Tông làm Thái Thượng hoàng và dẫn dắt Anh Tông lãnh đạo đất nước, lên núi Yên Tử xuất gia tu hành năm 1299. Với vai trò là một vị Thái Thượng hoàng xuất gia tu đạo và chứng ngộ, Ngài đã thống nhất các thiền phái Phật giáo, sáng lập ra Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - một nền Phật giáo độc lập, thống nhất đầu tiên của người Việt Nam chúng ta. Trên từ vua quan, dưới đến thứ dân trăm họ đều theo Phật, học giáo lý nhà Phật. Năm 1307, Ngài từ giã núi Yên Tử, sang núi Bảo Đài, thuộc vùng đất An Sinh, Đông Triều (quê cũ của nhà Trần), dựng Am Ngọa Vân tiếp tục chuyên tu thiền định. Lịch sử ghi nhận, ngày mùng 1 tháng 11 năm 1308, Ngài đã hóa Phật tại Am Ngọa Vân của non thiêng Yên Tử này, nơi mà chúng ta đang hiện diện hôm nay. Ngọa Vân hiện tại tuy thuộc vùng đất Đông Triều, nhưng ngày xưa đều thuộc danh sơn Yên Tử. Yên Tử là một dãy núi dài, mà vòng cung cao nhất có chùa Đồng bây giờ. Trước đây, Yên Tử cũng thuộc Đông Triều, sau này thành lập TP. Uông Bí tách ra, nên Yên Tử mới thuộc Uông Bí. Cho nên vốn Ngọa Vân, Yên Tử là một, chẳng phải hai. Đến Ngọa Vân cũng là đến Yên Tử rồi.

Chúng ta sống trong cuộc đời này người thì làm công nhân, người làm giáo viên, người làm bác sĩ… mỗi người một chức phận. Nên mỗi người với những hoàn cảnh, căn cơ khác nhau phải biết tu đạo. Không ai bắt các Phật tử tu tại  gia phải tu trì như các thầy đã xuất gia, cũng không thể bắt mình phải tu như nhà hàng xóm. Người giàu thì có nhiều tiền để cúng dàng Tam bảo, làm việc từ thiện. Người nghèo chỉ có giọt dầu, nén nhang cũng là quý lắm rồi. Người nghèo nữa không góp của có thể góp công, góp sức. Người không có điều kiện ra chùa thì giữ tâm thiện lành, luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp cho mọi người, hồi hướng cho người… đó chính là tùy duyên. Trong “Cư trần lạc đạo phú”, Phật hoàng cũng dạy thế này: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc.” Cõi Tịnh độ mà chúng ta niệm hằng ngày để cầu được sinh về thì Ngài bảo rằng nó ở ngay trong lòng mình chứ chẳng phải ở đâu xa. Không phải đợi chết mới được về tịnh độ. Ai sống với lòng trong sạch, với cái tâm thanh tịnh thì tịnh độ hiện tiền ngay đây. Chúng ta phải tạo dựng tịnh độ ngay nhân gian này, ngay nơi lòng mình, giữ cho tâm mình đẹp và sáng như cõi tịnh.” – Thượng tọa chia sẻ.

Qua bài giảng của Thượng tọa, đại chúng hiểu được khái quát về lịch sử thiền phái Trúc Lâm xưa và vùng đất Ngọa Vân cũng như tư tưởng "Cư trần lạc đạo". Qua đó, từ nơi tư tưởng mà chiêm nghiệm, ứng dụng vào đời sống thường nhật sao cho có hạnh phúc, lợi đạo mà ích đời, đúng với tinh thần "ở đời mà vui đạo".

Sau thời pháp thoại, đại chúng dùng cơm chay, thụ lộc tại chùa và đi thăm các cụm di tích lân cận như Đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm… trong niềm hoan hỉ. Chương trình hành hương chiêm bái Ngọa Vân kết hợp khóa tu Ngày an lạc được tổ chức hàng tháng, thông thường vào thứ 7 hoặc chủ nhật tuần thứ 2 của tháng theo lịch âm.
 
Một số hình ảnh trong chương trình:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Mai Anh - Xuân Trường

 

 


Tin cùng chuyên mục