Dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của ĐBQH, Hòa thượng Thích Thanh Quyết



TLYT - Kỳ họp thứ 11 cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV sắp khép lại, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, ĐBQH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Quốc hội, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong nhiệm kỳ 5 năm.

Đại biểu Giáo hội chụp ảnh cùng Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phòng họp Diên Hồng, nhà Quốc hội.

Vị Đại biểu trong lòng dân

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, là một tu sĩ Phật giáo tham gia với vai trò Đại biểu Quốc hội, với không ít những khó khăn thử thách, Hòa thượng vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cử tri tin tưởng giao phó.

Những vấn đề nóng, những ý kiến của cử tri đều được Hòa thượng lắng nghe tận tình. Mỗi lần tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, Hòa thượng không ngại đến những nơi vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo, để thấu hiểu sự khó khăn vất vả và nguyện vọng của cử tri. Tất cả được Hòa thượng tổng hợp gửi đến Quốc hội, Chính phủ.

HT. Thích Thanh Quyết trong một chuyến ra thăm bà con cử tri Đảo Trần, Quảng Ninh

Là Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo của nhiều tỉnh thành, hàng năm Hòa thượng đã kêu gọi và tổ chức nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa, như đến thăm các Trung tâm điều dưỡng Thương bệnh binh, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ được nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên nhiều tỉnh thành công tác.

Hòa Thượng trong buổi lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa phường Phương Đông, Tp Uông Bí.
HT. Thích Thanh Quyết trong một chuyến thăm Trung tâm điều dưỡng Thương bệnh binh, huyện Duy Tiên – Hà Nam.
HT. Thích Thanh Quyết tổ chức trung thu cho các em tại Trung tâm nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em khuyết tật huyện Sóc Sơn.

Trong đợt lũ lụt lịch sử tại miền trung năm 2020, Hòa Thượng đã trực tiếp vào hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị để trao nhiều phần quà ý nghĩa cho bà con vùng lũ, giúp bà con nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

HT. Thích Thanh Quyết trao quà cho ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2020.

Tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, hàng năm thường xuyên tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa khác như : Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, chương trình trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường…vv.

Học viện PGVN tại Hà Nội hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ

Đặc biệt năm 2019 tổ chức thành công chương trình “Hiến máu cứu người – Hành Bồ Tát đạo”, được sự hưởng ứng đông đảo của 500 Tăng Ni sinh, và hàng nghìn phật tử. Góp phần truyền cảm hứng tích cực đến nhiều tầng lớp nhân dân tham gia vào việc làm ý nghĩa này.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, HT. Thích Quảng Tùng, HT. Thích Thanh Quyết tham gia buổi hiến máu tại Học viện.

Là Đại biểu của nhân dân, Hòa thượng luôn đi đầu trong việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Thường xuyên tổ chức giao lưu thăm hỏi, động viên, giúp đỡ bà con giáo dân, tín đồ và các vị chức sắc tôn giáo khác, từ đó giúp họ thực hành tốt hơn quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

HT. Thích Thanh Quyết đến thăm, chúc mừng Linh Mục và bà con giáo dân nhân dịp lễ Giáng sinh, tại nhà thờ Kiện Khê – Hà Nam.

Vị thế Phật giáo được nâng cao

Là Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, đồng thời là Viện trưởng Học viện Phật Giáo tại Hà Nội, Hòa thượng đã có nhiều thay đổi cải cách giáo dục tiến bộ.

Sau một thời gian dài thí điểm đào tao Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học, tháng 11/2017 Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương nhận được Công văn số 3580/VPCP – NC của Chính phủ, đồng ý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đào tạo hệ Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học.

Mở ra một trang mới cho nền giáo dục Phật giáo nước nhà. Giúp cho rất nhiều Tăng Ni, Phật tử không phải ra nước ngoài học tập nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục chung của đất nước.

Hòa thượng đã vận động, quy tụ được đông đảo tầng lớp tri thức trong và ngoài Giáo hội tham gia vào Hội đồng khoa học của Học viện, tiến tới hoàn thành xây dựng bộ giáo trình đào tạo chung cho các trường Trung cấp, Cao đẳng và Học viện Phật giáo trên cả nước.

Tổ chức nhiều chương trình hội thảo và đại lễ lớn mang tầm cỡ quốc gia, như Hội thảo về Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng Chư vị Tổ Sư Ni tiền bối hữu công…vv, làm nổi bật vai trò và tầm quan trọng của Phật giáo đối với sự phát triển đất nước.

Hội thảo khoa học kỷ niệm 906 Ni sư Diệu Nhân viên tịch tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Quy tụ được nhiều nguồn lực xã hội, xây dựng được nhiều cơ sở, công trình văn hóa tâm linh từ miền núi đến vùng trung du, từ đất liền cho đến vùng hải đảo. Như chùa Xã Tắc – Tp Móng Cái, chùa Cô Tô – Huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, chùa Hưng Quốc – tỉnh Sơn La, chùa Thạch Long – tỉnh Bắc Kạn …vv. Và nhiều công trình ý nghĩa khác, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới của tổ quốc, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

HT. Thích Thanh Quyết làm lễ động thổ xây dựng chùa Cô Tô – huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. (ảnh nguồn VOV)

Cung Trúc Lâm, Yên Tử được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa và tiền công đức, gần 200 tỷ đồng, do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm chủ đàu tư

Tại Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Hòa Thượng đã xây dựng nhiều công trình như Bảo tàng, Giảng đường Viên Quang, nhà ăn, khu nội trú, phục vụ quá trình học tập và sinh hoạt của Tăng Ni sinh, đồng thời có cơ sở hạ tầng để tổ chức những đại lễ lớn của Giáo hội.

Các Tăng Ni sinh chụp ảnh cùng thầy Giảng sư trước tòa nhà Giảng Đường Viên Quang – Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Bằng nguồn vốn xã hội hóa, 5 năm qua, HT Thích Thanh Quyết, Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội đã tập hợp, kêu gọi được các nhà hảo tâm, DN, phật tử chùa Phúc Khánh, đóng góp ủng hộ xây dựng Giảng đưỡng Viên Quang, Trai đường, Bảo tháp, vườn lộc uyển với số tiền hàng trăm tỷ đồng để giúp tăng ni sinh có được cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học

Đóng góp ý kiến cho nhiều bộ luật quan trọng

Có rất nhiều bài phát biểu, đóng góp nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực như xã hội, y tế, giáo dục, kinh tế…vv, được Hòa thượng đưa ra tại các kỳ họp.

Trong phiên họp ngày 27/10/2018, Hòa thượng đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận tình hình Kinh tế – Xã hội, dự thảo về Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo. Là Đại biểu và cũng là lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo, Hòa thượng đã có phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào trọng tâm của vấn đề.

Trích đoạn phát biểu:

Luật Tín ngưỡng –Tôn giáo có hiệu lực thi hành gần một năm nay, nhìn chung đây là bước tiến lớn, công khai, minh bạch, bình đẳng trong quản lý Nhà nước về tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng – tôn giáo. Nhưng quá trình thực hiện, một số địa phương lại đánh đồng giữa quản lý tôn giáo với quản lý tín ngưỡng, quản lý di tích lịch sử với quản lý tín ngưỡng, tôn giáo và đã đưa ra cách làm không đúng luật pháp, tạo nên những bức xúc không đáng có, có những phản ứng tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ xấu, mất đoàn kết giữa một số chức sắc tôn giáo với chính quyền địa phương. Cụ thể là, chính quyền thích tham gia quản lý tiền công đức của nhà chùa. Tiền công đức là do các chức sắc Phật giáo tu tâm dưỡng tính thanh tịnh mà tín đồ cảm kích dâng Tam bảo, dùng để xây dựng cơ sở tôn giáo, đào tạo chức sắc, từ thiện xã hội, phát triển tôn giáo, để nuôi sống bản thân. Tại sao chính quyền không quản lý tài chính cho các tôn giáo khác cho bình đẳng mà chỉ quản lý tài chính của Phật giáo. Có tu đâu mà quản lý tiền chùa? Nếu kẻ xấu lợi dụng khe hở này để lợi dụng thì ai chịu trách nhiệm? Kính mong Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.”

Phát biểu của Hòa thượng được truyền hình phát thanh trực tiếp từ hội trường Quốc hội.

Phát biểu đã tạo được sự đồng thuận cao của các Đại biểu trong nghị trường, đồng thời cũng nói lên được tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân, phật tử và đặc biệt là Tăng Ni trên cả nước và đã được Quốc hội tiếp thu.

Luôn đi đầu trong việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Thực hiện theo Nghị quyết số 50/NQ- CP của Chính Phủ về việc áp dụng 4.0 vào thực tế đời sống, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội, trong đợt dịch Covid vừa qua, Hòa thượng đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đời sống, như việc đăng ký, cúng lễ, cầu siêu, cầu an trực tuyến, giảm tập trung đông người, giúp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Trong Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV – Nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 3/4/2021 vừa qua tại UBND xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí. Hòa thượng đã được tỷ lệ 100% cử tri địa phương thống nhất tín nhiệm, giới thiệu tiếp tục tham gia Quốc hội khóa XV.

Cử tri, dân dân và phật tử mong muốn Hòa Thượng Thích Thanh Quyết có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Xứng đáng là đại biểu của nhân dân.

Năng Lượng 

Tin cùng chuyên mục