Chùa Bắc Mã (Phúc Chí Tự) - Trung tâm chiến khu Đông Triều là công trình kiến trúc thời Trần, được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 2379/QĐ-BT, ngày 5/9/1994. Chùa Bắc Mã đã từng là Đệ nhất danh lam của vùng Đông Bắc, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, có kết cấu kiến trúc tinh xảo, khéo léo của kiến trúc cổ Việt Nam. Chùa Bắc Mã đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những hiện vật thể hiện sự khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc của các thời kỳ Trần, Hậu Lê, Nguyễn…
Thầy Thích Nguyên Chính (người chăm sóc ngôi chùa hiện tại) cho biết thêm: "Chùa Bắc Mã từng là 1 trong 4 viện Phật giáo lớn nhất ở toàn miền bắc, cùng với: viện Quỳnh Lâm, viện Yên Linh, viện Đông Khê. Đến thời Lê trung hưng, chùa được chúa Trịnh sắc phong là Đệ nhất danh lam. Tiếc rằng đến thời kì kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị thực dân phá dỡ hoàn toàn, chỉ còn một gò đất, nhiều tượng Phật quý bị đập nát".
Thầy Thích Nguyên Chính bên tấm bia đá cổ thời vua Lê chúa Trịnh có khắc dòng chữ "Đệ nhất danh lam".
Dòng chữ khắc "Đệ nhất danh lam" trên bia đá cổ.
Theo các văn bia, văn tự Hán còn lưu trữ được cho thấy chùa Bắc Mã (Phúc Chí Tự) có lịch sử trên dưới sáu trăm năm và đã qua nhiều lần trùng tu lại. Trước tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, trên đất nước ta chủ yếu là các tỉnh Bắc Kì và Bắc Trung Kì đã hình thành một số chiến khu lớn cùng hàng loạt căn cứ vũ trang nhỏ, trong đó có Chiến khu Trần Hưng Đạo (tức Đệ tứ chiến khu) lấy nguyên 2 huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) làm trung tâm. Chùa Bắc Mã là một trong những cơ sở đầu tiên, quan trọng để tổ chức Việt Minh hoạt động.
|
|
Trong thời gian chuẩn bị cho cách mạng tháng 8/1945, chùa Bắc Mã là trụ sở đi về, hội họp của các thành viên ban lãnh đạo khu căn cứ, trạm đón nhận cán bộ Việt Minh, thanh niên yêu nước từ các nơi tìm đến tham gia xây dựng khu căn cứ. Chùa còn là trung tâm chuẩn bị về mặt hậu cần và địa điểm tập kết các lực lượng chủ yếu cho cuộc khởi nghĩa. Tại đây, sư Thuyên và sư Tuệ đã đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận lương thực, thực phẩm của nhân dân quanh vùng gửi đến, đồng thời cũng đảm nhiệm việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho gần một trăm quân khởi nghĩa sẽ tập trung về đây…
Chùa Bắc Mã đã trở thành một địa danh gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của Đông Triều như khởi nghĩa ngày 8/6/1945 thành công lật đổ chính quyền tay sai Nhật, cùng nhân dân các địa phương trong tỉnh và cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945 thành công.
Chùa Bắc Mã đã từng là Đệ nhất danh lam của vùng Đông Bắc, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, có kết cấu kiến trúc tinh xảo, khéo léo của kiến trúc cổ Việt Nam.
Chùa Bắc Mã là một tổng thể không gian kiến trúc quy mô được xây dựng trong một khuôn viên có diện tích tới ba mẫu đất. Theo các văn bia, văn tự còn lưu giữ cho thấy lịch sử chùa Bắc Mã trên dưới 600 năm và đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo.
Ngôi chùa nằm trên một thế đất đẹp, quay nhìn ra hướng tây. Trước mặt ngôi chùa là một mặt hồ rộng hình bán nguyệt ngát hương sen và cánh đồng thẳng cánh cò bay. Các phía bắc, đông, nam của ngôi chùa giáp với làng xóm trù phú, nơi thiên nhiên ưu ái cho vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt.
Vườn chùa rộng và mát mẻ bởi cây cối cổ thụ tạo nét rêu phong cổ kính. Toàn bộ ngôi chùa nằm hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, sơn thủy hữu tình.
Ngôi chùa là một tòa kiến trúc toàn vẹn và đẹp đẽ, trước cửa tiền đường được bố trí ba bậc lên xuống phân đều khoảng cách bằng bốn con rồng chạm tinh tế phân ra ba nối.
Chính diện gian nhà tiền đường, phía trên cao treo một bức chạm nổi hình cuốn thư, trong lòng cuốn thư nổi lên bốn chữ “Phúc Chí Thiền Tự” sơn son thếp vàng. Đặc biệt hai pho tượng Khuyến thiện và Chừng ác đậm nét điêu khắc độc đáo của điêu khắc cổ cao tới hơn 3m…
Mái chùa được thiết kế uyển chuyển, mềm mại. Toàn bộ mái được lợp bằng ngói vẩy rồng đều đặn và được đỡ trên một bộ khung vững chắc…
Giáp với tường phía đông là ngôi nhà lưu niệm trưng bày những hiện vật của đệ tứ chiến khu được thiết kế trang nghiêm và hài hòa…
Toàn bộ địa điểm ghi những dấu ấn lịch sử còn được định hình rõ rệt tạo nên một khuôn viên vừa đẹp vừa mang tính thiêng liêng được bao quanh bởi làng quê trù phú, mát mẻ…
Những hiện vật còn lại tại chùa Bắc Mã như bia đá, con rồng, tháp... thể hiện tinh hoa nghệ thuật điêu khắc thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn.
Chùa Bắc Mã đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 2379/QĐ-BT, ngày 5/9/1994. Mặc dù chùa Bắc Mã được quan tâm đầu tư song do chưa có quy hoạch tổng thể và nguồn lực có hạn nên chưa đồng bộ, có hạng mục đã bị xuống cấp chưa phát huy hết giá trị vốn có. Vì vậy dự án tu bổ tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều - chùa Bắc Mã, xã Bình Dương giai đoạn 2 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt với mức đầu tư 37,6 tỷ đồng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân địa phương.
Dự án gồm khu đình Bắc Mã, khu nhà lưu niệm và nhà ban quản lý. Khu đình Bắc Mã gồm có tứ trụ (nghi môn), đại đình, nhà tả vu hữu vu. Tứ trụ được phục hồi tôn tạo theo lối kiến trúc truyền thống gồm 4 trụ tạo thành cổng chính trên đỉnh có trang trí lồng đèn, đắp hoa văn tứ linh.
Đại đình được phục hồi và tôn tạo trên nền mõng cũ của công trình. Đại đình gồm có tiền đường, ống muống, hậu cung. Công trình có diện tích xây dựng 209,6m2, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài màu nâu đỏ, bậc tam cấp bằng đá xanh, cửa đi cửa sổ bằng gỗ lim.
Nhà tả vu và hữu vu thiết kế đơn giản gồm 3 gian có diện tích xây dựng 50,9m2 nền lát gạch, mái lợp ngói mũi hài màu nâu đỏ, bậc tam cấp bằng đá xanh, cửa làm bằng gỗ lim. Khu nhà lưu niệm được bổ sung nội thất, bổ sung hiện vật phục vụ công tác trưng bày.
Nhà Ban Quản lý được xây mới tổng diện tích 72m2 nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài màu nâu đỏ, bậc tam cấp bằng đá xanh, cửa đi cửa sổ cũng làm bằng gỗ lim. Cùng với đó còn có cổng phụ, hệ thống nhà để xe, tường bao, sân, nhà đón tiếp, sân lễ hội, đường nội bộ, hạ tầng điện nước, cấp thoát nước.
Hiện nay, chùa Bắc Mã đã được đầu tư khôi phục lại đúng với khai sinh của nó. Ngôi chùa trở thành khu di tích để giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa của địa phương với lớp lớp thanh niên, con cháu sau này.