Thu về trên đỉnh Ngọa Vân



TLYT - Nếu chùa Đồng hay chùa Hoa Yên tại danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được nhiều người biết đến là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, thuyết pháp, độ Tăng, thì Ngọa Vân (huyện Đông Triều) chính là điểm kết thúc quá trình tu hành thành Phật của Ngài, nơi đây được coi là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Ngày nay, di tích Ngọa Vân ngoài việc được xem một điểm du lịch tâm linh, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn thì còn là một địa điểm thực tập Thiền lý tưởng cho chư Tăng Ni, Phật tử và những ai muốn tu tập Thiền.

Ngoạ Vân vốn là tên một đỉnh núi trên núi Bảo Đài (thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), đỉnh núi quanh năm mây phủ, “Cái tên Ngọa Vân theo nghĩa Hán – Việt có nghĩa là Núi nằm trên mây”. Nơi đây đức vua Trần Nhân Tông đã dựng Am tu hành và hóa Phật.

Người xưa đã khéo chọn một nơi có địa thế vô cùng đắc địa về phong thủy như Ngọa Vân. Với phong cảnh núi non hùng vĩ mà linh thiêng. Khu vực Chùa – Am Ngọa Vân có thế đất tọa sơn hướng thủy, phía sau được tựa vào núi đá, phía trước có minh đường rộng và có ngọn núi nhỏ như một bức bình phong, hai bên tả có Thanh long, hữu có Bạch hổ, dù trên đỉnh núi rất cao nhưng dòng suối thanh long nước chảy quanh năm không bao giờ cạn.

Năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời bỏ cung Trùng Quang Phú Thiên Trường (Nam Định) xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh. Ngài lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ. Năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ lên tu tại 1 Am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân, Am nhỏ đó được gọi theo tên của đỉnh núi nơi dựng am. Ngày 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308) Ngài an nhiên viên tịch ở tư thế Sư tử nằm tại am Ngọa Vân, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hóa Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Sau khi hóa Phật, đệ tử đã hỏa thiêu Ngài tại Am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng 1 tòa bảo tháp để lưu giữ Xá lợi của Ngài tại đỉnh Ngọa Vân, được gọi là Phật hoàng Tháp.

Đây là nơi mà Phật Hoàng tu hành và đắc đạo, Ngọa vân là nơi thánh địa của thiền phái Trúc Lâm Yên tử, ngay sau khi Ngài hóa, Pháp loa (Tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm) đã cho xây dựng và mở mang Ngọa Vân. Nếu trước đây, Ngọa Vân chỉ có một Am nhỏ là nơi tu thiền của Phật Hoàng thì đến đây Ngọa Vân đã trở thành một quần thể Chùa – Am với nhiều công trình kiến trúc chùa – Tháp. Trong đó, Ngọa Vân là nơi thờ đệ nhất tổ của thiền phái trúc lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trải qua một thời gian dài, theo những biến thiên của lịch sử, các công trình kiến trúc của Ngọa Vân xây dựng dưới thời Trần đều bị xuống cấp, đầu thế kỷ 18, thiền sư Đức Hưng đã cho xây dựng lại Ngọa Vân. Tại Am Ngọa Vân, thiền sư cho xây dựng lại Phật Hoàng Tháp, nhà tổ làm nơi thờ tam tổ Trúc Lâm và xây mới một số công trình khác, Phật Hoàng Tháp, Đoan Nghiêm tháp hiện còn là những công trình do thiền sư Đức Hưng cho xây dựng.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử hơn 700 năm, Am Ngọa Vân lúc ban đầu chỉ là một thảo am, nơi Trúc lâm Đại sĩ, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo và trở thành Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung, cho đến nay, Ngọa Vân không ngừng được trùng tu, tôn tạo và mở rộng, lịch sử phát triển của Ngọa Vân gắn liền với lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, bởi trong những chốn linh thiêng, đây là nơi linh thiêng nhất, “đó là chốn tổ của chốn tổ”.

Hành hương lên đỉnh Ngọa Vân, thắp một nén nhang chiêm bái Phật hoàng và thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non có lẽ là một trải nghiệm quý giá của du khách. Thế nhưng, Ngọa Vân không dừng lại là điểm du lịch tâm linh, không phải là nơi để cầu cúng mà chính là nơi hành thiền, thực tập thiền và đem lại những lợi ích rất tốt cho người thực hành.

Trước đây muốn đến Ngọa Vân chỉ có thể đi theo con đường mòn lên núi, thời gian mất cả nửa ngày đi bộ. Ngày nay, Ngọa Vân đã được mở mang đầu tư các công trình phục vụ cho tâm linh và du lịch. Đã có đường cáp treo lên tận đỉnh núi, nên việc tham quan vãng cảnh và thực tập thiền với du khách và Phật tử được thuận tiện vô cùng.

Mùa Xuân, Ngọa Vân được nhiều du khách và Phật tử thập phương đến chiêm bái, đảnh lễ vào các dịp lễ hội đầu năm. Mùa thu trên đỉnh Ngọa Vân trang nghiêm, thanh tịnh, một khung cảnh làm mê mẩn cho những ai muốn khám phá thiên nhiên tâm linh nơi đây. Tịnh tâm hành thiền hay tọa thiền bên Phật Hoàng Bảo Tháp đã trở thành một điểm đến lý tưởng để nhiều người thực tập và hành thiền, cảm niệm sâu sắc ân đức cao dày của bậc Thiền Tổ và thu nạp những năng lượng tích cực, an trú trong chánh niệm.

PV Tronghaitb