Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm Ban Chứng minh;
Kính thưa Đoàn Chủ tịch;
Kính thưa Quý vị khách quý;
Kính thưa Đại hội.
Trước hết chúng con thành tâm kính chúc toàn thể Đại hội vạn sự cát tường an lạc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Chúng con xin nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo của Ban Trị sự tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ IV và phương hướng hoạt động lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Thượng tọa Thích Thanh Lịch - Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thị xã Quảng Yên trình bày tham luận tại Đại hội
Trong Báo cáo công tác và phương hướng Phật sự trình Đại hội có nội dung xây dựng chùa Trúc Lâm Đảo Trần nằm trong nội dung phương hướng nhiệm kỳ tới. Đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh; có vị trí chiến lược đối với an ninh quốc phòng và sự toàn vẹn lãnh thổ của Quốc gia dân tộc. Vì thế đó là cột mốc tâm linh nơi biên hải xa xôi, đầu sóng ngọn gió.
Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh có diện tích khảng 4,5 km¬2 cách đảo Cô Tô lớn khoảng 45 km, cách Mũi Ngọc, Móng Cái khoảng 25 km với 16 hộ dân hơn 50 nhân khẩu ngoài các đơn vị Quân đội đóng quân trên đảo. Đảo Trần là đảo núi đồi, có địa chất địa hình chia cắt mạnh. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa nhiều bão từ tháng 6 đến tháng 9, biển lặng từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, nhiệt độ trung bình năm từ 22-250C. Trên đảo có cột cờ xây dựng từ năm 2015, hải đăng biển, một điểm trường, khoảng trên 10 tàu đánh cá nhỏ. Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã đưa điện lưới quốc gia 22 KV từ Móng Cái ra đảo, xây trạm biến áp 460kVA. Đảo cũng đã khoan được nước ngọt và có hồ chứa nước dự trữ sinh hoạt… Tuy nhiên đời sống cư dân trên đảo vẫn còn rất khó khăn, thiếu thốn vì quá xa đất liền rất cần được sự quan tâm, giúp đỡ.
Người dân trên đảo còn rất nhiều khát vọng: khát vọng ánh sáng, khát vọng con chữ, khát vọng mưu sinh, khát vọng màu xanh, khát vọng được khám chữa bệnh… Họ ra đảo không đơn giản chỉ vì mưu sinh mà cao hơn là tình yêu biển cả, giữ gìn biên hải Quốc gia. Đảo Trần chỉ cách đường phân định biên giới trên vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ cửa sông Bắc Luân, Móng Cái nối 17 điểm trên vịnh Bắc Bộ chưa đầy 10 hải lý. Cho nên để an toàn mưu sinh trên biển họ còn có khát vọng về tâm linh, cần một chỗ dựa tinh thần để an tâm bám biển.
Kính thưa Đại hội!
Từ xưa tới nay nhân dân ta luôn kính thờ Phật, Thánh, Thần làm cho đời sống tâm linh tín ngưỡng của cư dân Việt vô cùng phong phú. Nó góp phần tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Còn bản sắc văn hóa thì dân tộc còn, mất bản sắc văn hóa chúng ta mất tất cả. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước cha ông ta khi mở rộng biên cương bờ cõi đều xây dựng những công trình tâm linh tạo thành phên dậu vững chắc bảo vệ Xã tắc. Vua Lý Nam Đế dựng chùa Trấn Quốc khi dành lại được giang sơn, Chúa Nguyễn Hoàng dựng chùa Thiên Mụ ở Huế khi trấn giữ phương Nam. Chúa Nguyễn Phúc Chu khi tiến vào Nam Kỳ dựng chùa Vạn An ở Phước Tuy, chùa Tam Bảo ở Hà Tiên…
Trong thời đại Hồ Chí Minh chúng ta lại tiếp tục xây dựng những cột mốc tâm linh ở những vùng biên ải. Từ năm 2013, nhận thức được vị trí đặc biệt quan trọng của nhu cầu tín ngưỡng tâm linh ở quần đảo Trường Sa, Đảng và nhà Nước đồng thuận giúp đỡ Phật giáo xây dựng các chùa ở quần đảo Trường Sa: chùa Song Tử Tây, chùa Trường Sa Lớn, chùa Sơn Linh (đảo Sơn Ca), chùa Đảo Nam Yết, chùa ở cụm đảo Sinh Tồn. Tại thác Bản Giốc, Phật giáo cũng xây dựng chùa Trúc Lâm Bản Giốc, Lạng Sơn có chùa Tân Thanh ngay bên đường biên giới. Đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh năm 2014 đã xây dựng đền - chùa Xã Tắc bên sông Ka Long; chùa Trúc Lâm Cô Tô tại đảo Cô Tô lớn huyện đảo Cô Tô… Đảo Trần được ví là Trường Sa của vùng Đông Bắc biển Đông nên không có lý do gì mà chúng ta không dựng xây một ngôi chùa ở nơi tiền tiêu ấy. Trước tình hình phức tạp trên biển Đông, việc ấy cũng giống như cha ông ta từng cắm cọc Lim xuống lòng sông Bặch Đằng lịch sử để 3 lần chiến thắng quân xâm lược phương Bắc một cách hào hùng.
Kính thưa Đại hội!
Ngày 10 tháng 5 năm 2021, UBND huyện Cô Tô ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 chùa Trúc Lâm đảo Trần. Đây là một thuận duyên lớn để Phật sự này viên thành. Với điều kiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, khoảng cách xa xôi… chùa Trúc Lâm đảo Trần thật sự là một thử thách đối với BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Tại đại hội này chúng con xin trân trọng đề nghị:
1./ Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2022-2027 nên có nghị quyết chuyên đề về công trình này. Chỉ đạo sâu sát Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Yên, Ban Trị sự GHPGVN huyện Cô Tô tổ chức thiết kế chi tiết có kế hoạch cụ thể về huy động tài vật, tổ chức phạt mộc, thi công, kế hoạch vận chuyển vật liệu ra đảo…nêu cao trách nhiệm từng cá nhân trong Ban Trị sự.
2./ Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ, giải quyết kịp thời những phát sinh. Yêu cầu cụ thể: chùa ngoài yếu tố kỹ thuật còn phải bảo đảm tính mỹ thuật đặc sắc riêng có, mang đậm văn hóa dân tộc, kiến trúc Phật giáo Vệt Nam.
3./ Ban Trị sự chủ động liên hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và đặc biệt là tranh thủ được nhân lực tại chỗ của Tiểu đoàn Công binh, Ra đa, đồn biên phòng trên đảo giúp đỡ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ.
Kính thưa Đại hội!
Ngay từ rất lâu và đặc biệt là ngày 15/4/2017, Chư tôn Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh từng nhiều lần ra khảo sát tại đảo và chọn được vị trí thích hợp “là vùng đắc địa, tay long, tay hổ”, mong muốn một công trình tâm linh sẽ được xây dựng nơi đây. Cư dân đầu tiên là chị Nguyễn Thị Cảnh năm 2006 ra đảo và cháu bé đầu tiên sinh ra trên đảo là cháu Nguyễn Tuấn Anh năm nay cũng đã hơn 10 tuổi. Từ đó đến nay, dân số tăng lên, một số nhu cầu khát vọng được đáp ứng như điện, nước nhưng nhu cầu tâm linh thì vẫn chưa được thỏa lòng. Chúng con tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Chư tôn Giáo phẩm, sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự hảo tâm của thập phương thiện tín công trình sẽ nhanh chóng hoàn thiện. Ở một nơi biên viễn tưởng chừng chỉ có muôn trùng sóng nước và phong ba bão táp hiểm nguy lại có tiếng kinh lời kệ, tiếng chuông chiều về, tiếng mõ xa xôi. Để rồi khi “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa/ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
Cuối cùng chúng con thành tâm kính chúc hạnh phúc an lạc đến toàn thể quý Đại biểu, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Trân trọng cám ơn Đại hội!