Hoà thượng nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không có cán bộ, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.
Theo Hoà thượng, dự thảo Luật Nhà giáo được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này là cần thiết và đáp ứng sự nghiệp phát triển của ngành Giáo dục. Vì nhà giáo là yếu tố then chốt trong đạo thầy trò - tôn sư trọng đạo, là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Vì bản chất của giáo dục luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng để đạt đến tính hợp lý của nó.
“Việc chúng ta xây dựng và thảo luận Luật Nhà giáo đúng vào ngày nhà giáo hôm nay đã thể hiện một thái độ tôn vinh, trân trọng đối với hoạt động dạy học và mối quan hệ thiêng liêng của đạo thầy trò”, Hoà thượng nhấn mạnh.
Hoà thượng Thích Thanh Quyết và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp Quốc hội
Đề cập đến dự thảo luật, Hoà thượng nói: “Tôi tán thành với cấu trúc tổng thể và các chính sách trong dự thảo luật, đặc biệt là những quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ và việc bảo vệ nhà giáo, đây là điểm mới quan trọng. Thực tế hiện nay nhiều lúc, nhiều nơi có một số phụ huynh và người dân có những hành vi, thái độ không phù hợp với truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong luật quy định về chuẩn nhà giáo, tôi cho là rất hợp lý, nó là cách quản lý hiện đại, có chiều sâu. Những quy định này rất tương đồng với Phật giáo, chúng tôi có thể tham khảo, áp dụng với các nhà giáo dục Phật giáo trong các cơ sở giáo dục, các Học viện Phật giáo Việt Nam trong cả nước. Với tinh thần “Duy tuệ thị nghiệp” tức lấy trí tuệ, trí nhân, trí đức làm sự nghiệp giáo dục chính của mình hoặc tinh thần kính Phật - tôn sư - trọng đạo nghĩa”, Hoà thượng phát biểu.
Nhắc lại lời bậc cổ đức dạy: “Có thực mới vực được đạo”, Điều 27 của dự thảo Luật Nhà giáo bàn về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo. Hoà thượng cho rằng, lương của nhà giáo phải được tính toán, sắp xếp để dù ở khối trường công hay trường tư, ở thành thị, nông thôn hay miền núi vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc ít người cũng có mức lương tương xứng, đủ sống, mới phát huy chuyên môn, tâm huyết, sở trường của mình. Việc này trong luật đưa ra những quy định là rất hợp lý. Nếu được như vậy sẽ tránh việc hiện nay nhiều giáo viên mầm non, tiểu học phải “bỏ nghề thầy đi cầy nghề khác”, dẫn đến thiếu thầy.
Dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề lương cho nhà giáo đảm bảo cao nhất trong lương khối hành chính sự nghiệp. Nhưng thiết nghĩ luật cũng nên có định hướng về nguyên tắc để Chính phủ xây dựng chính sách. Theo tôi tốt nhất là có một thang bảng lương riêng cho nhà giáo để cụ thể hóa quan điểm của Đảng và của Quốc hội.
Đối với dự thảo luật cần nhấn mạnh và làm nổi bật hơn nữa yêu cầu về sự chuẩn mực, mẫu mực của nhà giáo. Nhà giáo càng mô phạm thì càng có sức ảnh hưởng. Giáo dục nước ta đang coi trọng rèn người, dạy người, thành người. Trong việc dạy này thì yếu tố “thân giáo” của người thầy là quan trọng nhất. Bộ Quốc Triều Hình Luật còn gọi là Lê Triều Hình Luật có đề cập đến nhà giáo, nội dung quan trọng nhất là yêu cầu sự chuẩn mực, mẫu mực, tôn nghiêm của người thầy.
Ngày Nhà giáo, bàn Luật Nhà giáo, Quốc gia hưng vượng,
Bậc chí nhân, luận đạo chí nhân, dân tộc vươn mình.
Trà Vân | Báo Thanh Tra