Trong lúc cuối đời, Sơ Tổ Trúc Lâm đã đem mạng mạch của dòng thiền Trúc Lâm truyền trao cho Nhị Tổ Pháp Loa. Từ một cậu bé sinh ra trong làng quê Cữu La tỉnh Hải Dương, từ một chàng thanh niên trưởng thành bên dòng sông Nam Sách, để rồi hoá thân làm chú sa di theo hầu Sơ Tổ. Không ai có thể ngờ được, Chú sa di này lại có thể biến thành bậc long Tượng của Thiền môn. Qua mấy lần thưa thỉnh, trãi mấy phen trình kệ, chú đã được Sơ Tổ phủi sạch tri kiến, dồn vào lối cụt, buộc phải tự tham. Lúc đó đầu óc chú nặng trĩu, vì không tìm ra giải đáp, nghi tình đóng băng, thức tình chết lặng, màng đêm đã phủ xuống, rét buốt lại bao trùm. Không gian lúc nữa đêm dường như thu nhỏ, thời gian trong nhịp canh tàn chợt đứng yên. Đúng vào lúc giao thoa của đất trời, bông đèn tàn bổng rụng xuống, chú sa di vén sạch mây mù, triệt ngộ bản tâm, xứng đáng trở thành Nhị Tổ, kế thừa sự nghiệp của thiền phái Trúc Lâm.
Sau đó, Thiền sư Pháp Loa đem cả vận mạng của Tông phái, giao lại cho Tam tổ Huyền Quang. Lúc đầu Sư xuất gia tu hành làm thị giả cho Sơ Tổ, được pháp hiệu là Huyền Quang. Y theo lời phó chúc của Sơ tổ sư theo hầu nhị Tổ Pháp Loa. Về sau Sư làm trụ trì ở chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Tử, vì ngưỡng mộ sở học uyên bác của Sư, học chúng ở bốn phương tụ hội về tham vấn rất đông.
Thế rồi trời nổi cuồng phong, đất dấy bụi bặm, lòng người khởi hoài nghi, khiến sư phải một phen điêu đứng. Vì muốn thử lòng Sư còn vẩn đục hay không, vua Minh Tông sai Điểm Bích tìm đủ cách khiêu gợi nhưng chẳng thể nào khiến Sư khởi tâm tà, cuối cùng Điểm Bích đã dùng man kế lợi dụng lòng từ bi của Sư, rồi về triều tâu dối với vua, khiến cho Sư mang tai tiếng với nữ sắc. Nhưng sau cuộc lễ chẩn tế của Sư, thấy sự linh nghiệm lạ thường, nhà Vua không còn nghi ngờ.
Mặc dù sau cuộc lễ chẩn tế, hiển bày những linh nghiệm, Vua Minh Tông chẳng còn nghi ngờ đối với Sư, nhưng thế hệ ngày nay vẫn đặt nghi vấn. Vì sao sự trong sạch của Sư lại phải dựa vào cuộc lễ chẩn tế mang đầy màu sắc thần bí? Nếu thật như thế có trái ngược với tông chỉ thiền phái Trúc Lâm hay không? Ở phương diện khác, trong sử liệu lại không có nhắc đến thời kỳ ngộ đạo, chỉ khen ngợi Sư là người quảng học đa văn. Thế thì trọng trách kế thừa Tổ vị của Sư không phải bắt đầu từ sự khai ngộ, mà là sự uyên thâm Phật học. Còn một vấn đề nữa hết sức nan giải, đó là sau thời kỳ Tam Tổ Huyền Quang, trong sử liệu không có nhắc đến sự trao truyền y bát, kế thừa tâm tông. Khiến cho sự truyền đăng tục diệm dường như tắt lịm. Nguyên nhân đứt đoạn việc truyền thừa là do ai ?
Những học giả cận đại có nhận xét tương đối khách quan. Họ cho rằng Nhị Tổ Pháp Loa đã đem trọng trách vô cùng nặng nề, đặt lên vai của một cụ già 77 tuổi, thì làm sao có thể đảm đương việc kế thừa tông phong một cách chu toàn, làm sao có thể thắp sáng ngọn tâm đăng cho thế hệ mai sau khi mà sức cùng lực tận ?
Nhưng nếu chỉ có một chuyện này sẽ không đủ sức làm sáng tỏ vấn đề vì sao dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đến đời thứ ba thì không có người kế thừa. Phải chăng vào thời điểm đó không có ai ngộ đạo? Hoàn toàn không đúng! Bởi vì sau ngài Huyền Quang còn có Quốc sư An Tâm, Quốc Sư Tĩnh Lự, Quốc Sư Vô Trước… Nhưng tại sao trong sử liệu không ghi chép về việc kế thừa Tổ vị? Phải chăng vấn đề này có liên quan đến ý thức hệ tôn giáo, và còn nhiều việc phức tạp khác, chúng ta cần phải tìm hiểu cho thấu đáo.
Trong quyển “Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải”, Hòa Thượng có giải thích lý do vì sao đến ngài Huyền Quang khiến cho dòng thiền Trúc Lâm xem như chấm dứt ?
Lý do thứ nhất thiền sư Huyền Quang được ngài Pháp Loa trao tâm kệ và y bát, để nhận trách nhiệm làm tổ thứ ba của hệ phái Trúc Lâm, lúc đó Ngài đã 77 tuổi. Một người đã vượt qua ngưỡng cửa 70 sẽ cảm thấy vô cùng mệt mõi đối với công việc, nhất là phải gánh vác trọng trách của một người lãnh đạo Tăng đoàn. Ngài than trong bài kệ “Nhân sự đề cứu lan tự ”.
Âm:
Đức bạc thường tàm kế Tổ đăng,
Không giao Hàn Thập khởi oan tăng.
Tranh như trục bạn qui sơn khứ,
Điệp chướng trùng sơn vạn vạn tằng.
Dịch:
Đức mỏng thẹn mình nối Tổ đăng,
Luống cho Hàn Thập dấy hờn căm.
Chi bằng theo bạn về non quách,
Núi chất chập chùng muôn vạn tầng.
(Trích thơ trong “Tam tổ Trúc Lâm giảng giải”)
Trong bài kệ này, Ngài tự cho rằng không xứng đáng kế thừa Tổ đăng, khiến cho hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc nổi giận, thôi thì theo bạn về núi tu hành, nơi đó có núi chập chùng cao muôn vạn tầng. Đó là tâm trạng mệt mõi của một người khi nhận một trách nhiệm quá lớn. Tuổi càng lúc càng già, sức khỏe càng lúc càng cạn kiệt, cho nên ngao ngán muốn giao lại cho người khác để về núi ẩn tu.
Lý do thứ hai là vào thời điểm đó vua Trần Nhân Tông xuất gia, cho nên dân chúng rất quý trọng chư tăng, chính vì như thế, khi người nào gặp cảnh khó khổ, cũng thích vào chùa tu cho đở vất vả. Sử ghi năm 1344 do mất mùa đói rét nên có 6129 người đi tu. Như vậy, người tu không có chí thoát trần cầu thành Phật, mà tu để lánh nạn đói thiếu nên trở thành tệ nạn trong chốn thiền môn.
Lý do thứ ba là vào thời điểm đó đang có sự tranh chấp ý thức hệ giữa Phật và Nho. Cuối đời Trần các Nho sĩ đã giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Lúc đó tình hình Phật giáo đang trên đà xuống dốc, phía Đạo Nho thường vạch ra cho nhà vua thấy điều xấu tệ của những người theo Phật giáo. Từ đó nhà vua mất niềm tin, uy tín Phật giáo xuống thấp.
Lý do thứ tư, Vua là vị tổ sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, như vậy Phật giáo phát triển là nhờ vào thế lực của nhà Trần. Nhưng khi chuyển qua nhà Hồ thì Phật giáo hết chỗ dựa. Cho nên những vị tăng được giao trách nhiệm lo cho giáo hội Trúc Lâm thời đó đành phải ẩn trong rừng núi, thành ra hệ phái này không ai nhắc đến. Mặt khác, Phật giáo cũng có những kỳ tích đáng được đưa vào sử liệu, nhưng các nhà viết sử không có công tâm ghi chép.
Như vào niên hiệu Vĩnh Trị, năm 1678 Vua Lê Hy Tông ra lệnh đuổi hết Tăng Ni về núi rừng. Ngài Tông Viễn biết được tin này, liền rời chốn thâm sơn đến đất thần kinh tìm cách cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật giáo qua cơn pháp nạn. Ngài đã dùng phương tiện dâng ngọc quí để vua Lê hồi tâm thức tỉnh. Sau cùng vua Lê cũng nhận ra được lỗi lầm của mình, tự nghĩ Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước không biết dùng. Tăng Ni hay khuyên người làm thiện tại sao lại vất bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hoá dân chúng cũng là giúp cho triều đình trị dân. Sau đó nhà vua xem ngài Tông Viễn như một Quốc Sư, thu hồi lệnh trước kia, để Tăng Ni trở về bổn tự của mình, tùy duyên giáo hóa. Đồng thời nhà vua còn phát tâm tạc hình của mình quì mọp để tượng Phật trên lưng, một hình thức sám hối được truyền tụng đến ngày nay. Hình ảnh hiện còn thờ tại chùa Hồng Phúc (tức chùa Hòe Nhai).
Thế nên, sử liệu của Phật giáo vào đời Lê rất nghèo nàn, một phần do các nhà viết sử không ghi chép, một phần do nhà Minh trong lúc cai trị nước ta đã thiêu hủy gần hết. Người sau nghiên cứu Phật Giáo, cứ đinh ninh Thiền Phái Trúc Lâm dường như đã chấm dứt, nhưng trên thực tế, sau Tam Tổ Huyền Quang vẫn còn những bậc thạc đức chân tu. Trong sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục (quyển hai), Hòa Thượng Phúc Điền ghi lại 23 vị tổ Trúc Lâm Yên Tử được truyền thừa:
1. Hiện Quang Tổ Sư
2. Viên Chứng Quốc Sư.
3. Đại Đăng Quốc Sư.
4. Tiêu Dao Tổ Sư.
5. Huệ Tuệ Tổ Sư.
6. Nhân Tông Tổ Sư.
7. Pháp Loa Tổ Sư
8. Huyền Quang Tổ Sư.
9. An Tâm Quốc Sư.
10. Tĩnh Lự Quốc Sư.
11. Vô Trước Quốc Sư.
12. Quốc Nhất Quốc Sư.
13. Viên Minh Tổ Sư.
14. Đạo Huệ Tổ Sư.
15. Viên Ngộ Tổ Sư.
16. Tổng Trì Tổ Sư.
17. Khuê Thám Quốc Sư.
18. Sơn Đằng Quốc Sư.
19. Hương Sơn Đại Sư.
20. Trí Dũng Quốc Sư.
21. Tuệ Quang Tổ Sư.
22. Chân Trú Tổ Sư.
23. Vô phiền Đại Sư.
Căn cứ vào sự truyền thừa này, sau Tam Tổ Huyền Quang vẫn còn 15 đời nữa, chứ không phải là chấm dứt như bao nhiêu người đã nhận xét. Bởi vì bối cảnh lịch sử lúc đó không cho phép các Ngài xuất đầu lộ diện tự nhận là kế thừa Tổ vị của dòng thiền Trúc lâm. Thêm vào đó, trãi qua thời kỳ chiến tranh sử liệu bị mất mát thất lạc, cho nên chúng ta không thể nào thấy được sự truyền thừa liên tục rõ ràng. Tài liệu cổ xưa mà hiện nay các nhà nghiên cứu thường y cứ vào, đó là quyển “ Tổ Gia Thực Lục”. Nhưng quyển sách này không ghi chép ngài Huyền Quang xuất gia với ai vào lúc nào, lý do ngộ đạo và khoảnh khắc được truyền tâm ấn ra sao? Thậm chí những lời khai thị chúng tăng, cho đến cuối đời Ngài đã truyền tâm ấn cho ai, đều không thấy nhắc đến. Câu chuyện ngài Huyền Quang làm lễ chẩn tế xuất hiện những thần bí, cũng từ trong quyển sách này trích dẫn ra. Cho nên trong quyển “Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải” Hòa Thượng Trúc Lâm Phụng Hoàng đã nhận xét:“bản Tổ Gia Thực Lục này, có lẽ do người trong gia tộc biên soạn, chớ không phải là một đệ tử kế thừa ghi lại ngữ lục của Thầy.”
Qua lời khai thị của Hòa Thượng, chúng ta có thể cảm nhận một Tam Tổ Huyền Quang không còn bị ngộ nhận vì sao không đem tâm tông truyền lại cho đời sau. Một Thiền phái Trúc Lâm thuần túy Phật giáo, không pha trộn tín ngưỡng của dân gian, không bị mờ nhạt bởi truyền thống ngàn đời của gia tộc, mà nó vẫn còn lan tỏa đến hôm nay. Bởi vì sự ghi chép sử liệu trong “Tổ Gia Thực Lục” mang đầy tính gia tộc dân gian, chứ không phải là một người đệ tử ghi lại Ngữ lục của Thầy, nên hành trạng của Thiền sư mà lại không ghi lý do ngộ đạo và lời khai thị, mà chỉ ca ngợi việc quảng học đa văn, chú trọng những điều thần bí. Mặc dù trong quyển “Tổ Gia Thực Lục” không có ghi lại khoảnh khắc ngộ đạo của Tam Tổ Huyền Quang, nhưng chúng ta thử đọc bài thơ của Ngài.
( Hoa tại trung đình, nhân tại lâu,
Phần hương độc tọa tự vong ưu.
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh,
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu )
Dịch :
Người ở trên lầu hoa dưới sân,
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông.
Hồn nhiên người với hoa vô biệt,
Một đóa hoa vừa mới nở tung.
(Trích Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải, Nguyễn Lang dịch thơ.)
Nội dung của bài thơ này, diễn tả người và cảnh không khác biệt, thể hiện tâm và cảnh nhất như, lúc đó một đóa hoa vừa nở. Đóa hoa này đâu chẳng phải là cái nhìn của người đã khai ngộ.
Tóm lại, Thiền phái Trúc Lâm truyền đến Tam Tổ Huyền Quang thì trong sử liệu không nhắc đến người kế thừa Tổ vị. Nhưng sức sống của Thiền phái Trúc Lâm vẫn luôn cuộn chảy như dòng sông xuôi về biển cả, vẫn còn đó những hành trạng đã vang bóng một thời, vẫn còn đó những chứng tích vẻ vang của một triều đại từng chấn hưng Phật giáo. Thế thì tại sao chúng ta không chịu tiếp bước con đường của người xưa? tại sao chúng ta không tìm lại mình qua dấu vết của thiền sử Trúc Lâm? Để dòng thiền này sẽ sống dậy sau thời gian dài ngủ vùi trong quên lãng. Từ đó chúng ta có thể ngẫng cao đầu tự hào một dòng thiền chính thống của dân tộc. Một ngọn đuốc tâm tông, một hương thiền Tổ vị, một tư chất phi phàm, sẽ hội tụ một dòng thiền Việt Nam lưu truyền đến ngàn sau.
-------***-------
Lân Sự Cảnh Quan
(Chùa lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử)
Long động, Lân uy, Phượng dựt thùy
Linh Qui, Hồng ngọc, Phổ quang huy
Phật đô Việt quốc miên trường thịnh
Tứ hải nhân sinh ngưỡng vọng kỳ
Tạm Lược Dịch
Động rồng, Lân trấn, cánh phượng che
Rùa thiêng, ngọc quý chiếu sáng lòe
Phật cảnh Việt Nam nghìn năm thịnh
Lòng dân bốn bể thiết tha về.
(Ngày 2 tháng 6 năm 2008 (29/4 năm Mậu Tý)
Hòa thượng Pháp sư Thích Huệ Đăng
ở chùa Sắc tứ minh thiện, tỉnh Khánh Hòa
cảm tác tại Chùa Lân, ở chốn Tổ Trúc Lâm Yên Tử.
Hòa Thượng Huệ Đăng cảm tác.)
Thích Tuệ An