Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại



TLYT - “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”, chỉ bấy nhiêu chữ đó thôi cũng  đủ cho ta thấy vai trò to lớn của hành động hiến máu cứu người mang tính nhân văn sâu sắc này.

Trong kinh Hiền Ngu, có câu chuyện về tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Thái tử Ma Ha Tát Đỏa. Một hôm đi vào rừng Ngài thấy một con hổ mẹ và hai chú hổ con đang chết đói, Thái tử động lòng thương nên hi sinh thân mạng, tự lấy cây nhọn đâm vào cổ họng cho máu tuôn ra để mấy mẹ con hổ liếm và sau đó ăn thịt ngài.

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, người hành giả chớ chỉ lo trau dồi kiến thức mà bỏ sót lòng từ bi. Thái tử Tất Đạt Đa xưa kia vì lòng từ bi thương xót chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi mà xuất gia tu hành và giác ngộ thành Phật, tức là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài xuất gia vì lòng từ bi và cái mà Ngài thành tựu được đó là trí tuệ giác ngộ.

Một hành giả Đại thừa phát tâm theo tu tập Bồ tát đạo cần phải tu tập Lục độ Ba la mật (Sáu pháp Ba la mật), đó là Bố thí, Trì giới, Tinh tiến, Nhẫn nhục, Thiền định, và Trí tuệ. Và như ta đã thấy, Bố thí được đặt lên hàng đầu. 

Bố thí hiểu một cách đơn giản nhất là đem những cái mình có để hiến tặng cho những người đang cần. Đây là cách dễ dàng nhất để kết thiện duyên với chúng sinh, đồng thời đối trị tính bỏn sẻn tham lam và trưởng dưỡng công đức cho người bố thí.

 
Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tham gia hiến máu tại Lễ giỗ Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa Tôn giả. 

Trong pháp Bố thí có Tài thí (cho đi của cải), Pháp thí (chia sẻ giáo pháp) và Vô úy thí (hiến tặng sự không sợ hãi).

Trong Tài thí thì pháp Bố thí Nội tài (hiến tặng cả thân mạng hoặc một phần thân thể) khó thực hiện hơn, bởi lẽ chúng sinh ai cũng tham sống sợ chết, ai cũng quý tiếc thân mạng của mình. Để làm được điều này cần có lòng từ bi, nhờ lòng từ bi mà người bố thí sẵn sàng chịu đau, chịu mất mát để cứu lấy cuộc đời của người khác. 

Trong các câu chuyện tiền thân của Đức Phật Thích Ca, chúng ta đã thấy nhiều tấm gương bố thí nội tài, như câu chuyện Ngài lái buôn, một hôm khi đi biển thì thuyền bị chìm, người lái buôn đã tự hi sinh thân mạng bằng cách buông tay khỏi cột buồm mà mình đang bám để nhường chỗ cho những hành khách xấu số khác khỏi chết đuối.

Hiến máu, hiến tạng cứu người cũng là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam. Trong sự tích Phật Bà Quan Âm chùa Hương có nói tới việc công chúa Diệu Thiện phát tâm hiến mắt cứu cha mẹ, từ đó mới đắc đạo và trở thành Quan Âm Hương Tích. Ngày nay, nước ta trung bình mỗi ngày cần hàng nghìn đơn vị máu để cứu người, vì vậy hành động hiến máu, hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp và đáng được xiển dương.

 
 Chư tăng, ni, Phật tử Quảng Ninh tham gia hiến máu

“Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, chúng ta hiến một giọt máu của mình mà cứu sống được mạng người thì công đức vô cùng to lớn “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN từng nói: “Những dòng máu từ thiện có thể cứu sống rất nhiều người, nghĩa cử đó gieo cho mọi người sự sống, cho người thêm tuổi thọ, cũng giúp cho chính bản thân mình đời này được sống lâu”.

Với ý nghĩa đó, nhân dịp kỉ niệm 691 năm ngày Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch (3/3/1330 – 3/3/2021 ÂL), nhằm tưởng nhớ công hạnh và sự nghiệp vĩ đại của Tổ đối với đạo pháp và dân tộc, đồng thời để học theo tấm gương hạnh tuệ của Ngài sống lợi ích cho tha nhân, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã phát động chương trình hiến máu cứu người – hành Bồ tát đạo. Chỉ trong ít ngày kêu gọi, chương trình đã thu hút hàng ngàn người đăng kí tham gia, trong đó có Chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN các huyện, thành phố; cán bộ công nhân viên Ban Quản lí di tích rừng quốc gia Yên Tử, Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm và đông đảo tín đồ Phật tử.

 
 
Đông đảo tín đồ, Phật tử đăng kí tham gia hiến máu, hưởng ứng lời kêu goi của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.

Thực tế, hiến máu không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng lại cần thiết cho xã hội.

“Thắp lên ngọn lửa hồng

Ấm áp cả trời đông

Giữa cõi đời lạnh lẽo

Cần nhau một tấm lòng.”

(Minh Niệm)

Thiết nghĩ, hiến máu cứu người không còn là trách nhiệm và bổn phận của riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, để “Một giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại”, triệu giọt máu cho đi, sẽ có triệu cuộc đời ở lại”. Hiến máu cứu người, nhưng lại nuôi dưỡng Bồ đề tâm, Bồ đề hạnh, Bồ đề nguyện nơi ta. Và chắc chắn rằng, từng giọt máu của chúng ta sẽ được tiếp nối trong dòng chảy sinh mệnh của những người hữu duyên, cả ta và người sẽ cùng nhau đi tới trong cuộc hội ngộ duyên sinh tương đãi.

Mai Anh


Tin cùng chuyên mục