TLYT
- Tham luận của BTS GHPGVN thị xã Đông Triều tại Hội nghị gặp mặt biểu dương
tăng ni Phật tử có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại TP. Hạ
Long ngày ngày 19/10/Kỉ Hợi (15/11/2019).
Đại đức Thích Quảng Hiển - Phó trưởng BTS GHPGVN thị xã Đông Triều phát biểu tham luận
Kính
thưa Hội nghị
Được tham dự hội nghị Tăng, Ni, Phật tử tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (2017 - 2019) do Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Thay mặt Tăng Ni, Phật tử thị xã Đông Triều lời đầu tiên tôi xin kính chúc Chư Tôn Đức, Quý đại biểu dự hội nghị thân tâm thường lạc, chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Đông Triều là vùng đất linh địa, có bề dày văn hóa và lịch sử lâu đời; Phật giáo Đông Triều có truyền thống hơn 1 nghìn năm. Dưới thời đại Lý - Trần, Đông Triều là mảnh đất Phật giáo phát triển rực rỡ, nơi đây có chùa Quỳnh Lâm – trung tâm đào tạo Tăng tài của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, có các di tích Phật giáo nổi tiếng được xếp hạng là di tích cấp quốc gia và đặc biệt quốc gia như: chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, chùa Trung Tiết, chùa Bắc Mã, chùa Hổ Lao, chùa Non Đông, chùa Cảnh Huống… trải qua nhiều giai đoạn khác nhau luôn luôn đóng vai trò là những chốn tổ đình lớn, là trung tâm Phật giáo quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Quảng Ninh.
Hiện nay trên địa bàn thị xã Đông Triều có gần 70 ngôi chùa Phật giáo, hơn 100 Tăng Ni đang tu hành; số lượng Tự viện và Tăng Ni phân bố đồng đều trên địa bàn thị xã, làng, xã nào cũng có chùa thờ Phật và Tăng Ni, Phật tử tu hành, các chùa trên địa bàn được quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ bằng nguồn vốn xã hội hóa và công đức của Tăng Ni, Phật tử và nhân dân; vì vậy Phật giáo Đông Triều phát triển hài hòa và rộng khắp.
Trong 2 năm qua Phật giáo thị xã Đông Triều đã làm tốt công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử, vận động chức sắc tín đồ đạo Phật giáo phát huy tinh thần tự quản về an ninh, trật tự tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Để “Hoằng dương chính pháp - Lợi lạc quần sinh”, các Tăng Ni trên địa bàn đã phát huy giáo lý trong sáng của Đạo Phật, xiển dương chính pháp, chính tín, bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn hóa, lễ nghi lành mạnh góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Các chùa trên địa bàn thị xã thường xuyên duy trì các thời khóa lễ nghi Phật giáo truyền thống. Không có các hiện tượng đồng bóng, bói toán, bốc quẻ. Các Tăng Ni trụ trì đã phối hợp tốt với các cơ quan chính quyền quản lý tốt các ấn phẩm văn hóa Phật giáo. Nhiều chùa thường xuyên tổ chức thuyết pháp, quảng bá giáo lý Phật giáo góp phần xây dựng cuộc sống hiền thiện, nhân sinh no ấm. Vì vậy, trong những năm qua trên địa bàn thị xã không xẩy ra các hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng niềm tin mù quáng và các tà đạo, tà giáo. Thông qua các hoạt động hoằng pháp, các Tăng Ni đã hướng dẫn Phật tử tu hành theo đúng chính pháp, thực hiện đúng pháp luật của nhà nước. Trên địa bàn thị xã không xẩy ra các hiện tượng nổi cộm mất an ninh, trật tự; sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử được bảo đảm.
Tăng Ni và Phật tử trên địa bàn thị xã đã phối hợp rất tốt với chính quyền và các cơ quan ban, ngành hữu quan như: Công an, văn hóa, Mặt trận Tổ quốc… làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở thờ tự vào các ngày lễ hội; các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Ngọa Vân, lễ hội Quỳnh Lâm ….và nhiều lễ hội truyền thống của các chùa trên địa bàn thị xã được tổ chức trang nghiêm, an toàn và tiết kiệm; vừa bảo đảm tính truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vừa góp phần an dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Trong 2 năm qua, Tăng Ni, Phật tử các chùa trên địa bàn thị xã đã tích cực vào cuộc vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương như: Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào xây dựng nông thôn mới…Qua các phong trào này nhiều tấm gương tiêu biểu là Tăng Ni, Phật tử đã được các cấp các ngành tôn vinh. Nhiều vị đã tích cực tham gia các tổ chức, đoàn thể như: Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc… các cấp, các ngành.
Để cuộc sống được bình yên, trước tiên Tăng Ni, Phật tử phải quán triệt tinh thần tự giác và tự quản. Vì vậy trong thời gian qua các chùa trên địa bàn Đông Triều đã làm tốt công tác tự quản tại cơ sở thờ tự của mình. Các chùa trên địa bàn đều có nội quy hoạt động chặt chẽ đúng giáo lý Đạo Phật và pháp luật nhà nước. Công tác xây dựng trùng tu bảo đảm quy định của pháp luật, công tác quản lý chặt chẽ, minh bạch, công tác quản lý nhân khẩu được duy trì thường xuyên. Các chùa là di tích trên địa bàn được Tăng Ni, Phật tử tự quản chặt chẽ, nhiều chùa được đầu tư, trang bị hệ thống phương tiện bảo vệ hiện đại chống mất cắp cổ vật và tài sản của tôn giáo. Các chùa đều liên hệ với đơn vị phòng cháy, chữa cháy để trang bị phương tiện phòng chống cháy nổ đúng quy định của pháp luật.
Các chùa tại địa bàn thị xã Đông Triều chủ yếu là hệ thống chùa làng gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt làng, xã; vì vậy các Tăng Ni trên địa bàn đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đoàn kết nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no tại khu dân cư, xây dựng nông thôn mới và nông thôn kiểu mẫu. Nhiều Tăng Ni đã tích cực tham gia các tổ hòa giải tại khu dân cư để hướng dẫn, giáo hóa tín đồ và các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, tích cực lao động sản xuất, làm giàu đúng pháp luật, tu dưỡng về đạo đức, góp phần xây dựng làng, xã yên vui, no ấm.
Ban Trị sự Phật giáo thị xã Đông Triều và Tăng Ni trên địa bàn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức, đoàn thể trong công tác hoạt động Phật giáo và nhiều hoạt động xã hội; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Công an thị xã Đông Triều, Công an các phường, xã trên địa bàn trong việc bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương và cơ sở thờ tự. Nhiều vụ việc có khả năng tiềm ẩn dẫn đến mất đoàn kết được phát hiện kịp thời và xử lý tốt đẹp; nhiều vụ trộm cắp tải sản cơ sở thờ tự được phát hiện kịp thời, nhiều đối tượng vi phạm được các Tăng Ni phối hợp với chính quyền, Công an xử lý và cảm hóa. Các hiện tượng tà đạo, tà giáo, lợi dụng niềm tin của nhân dân được Tăng Ni, Phật tử phát hiện và kịp thời xử lý; các hình thức lợi dụng Phật giáo được bài trừ, Tăng Ni, Phật tử, nhân dân ngày càng nâng cao nhận thức về Phật pháp và pháp luật.
Thấm nhuần lời Phật dạy “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật” nên thời gian qua Phật giáo Đông Triều đã tích cực vận động Tăng Ni, Phật tử phát huy giáo lý “từ bi cứu khổ” của Phật giáo tâm sáng hướng thiện, làm tốt công tác hoằng pháp các Tăng Ni trụ trì các chùa trên địa bàn đã tích cực phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành địa phương vận động, giáo hóa tín đồ Phật tử và các tầng lớp nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Trong 2 năm qua, Ban trị sự GHPG thị xã Đông triều đã vận động xây dựng được 6 ngôi nhà Đại đoàn kết trị giá 300 triệu đồng, nhiều chùa đã thường xuyên ủng hộ các quỹ từ thiện và cứu trợ nhân đạo, tiêu biểu là chùa Tế, chùa Non Đông, chùa Trung Tiết, chùa Phúc Nghiêm, chùa Cảnh Huống... Công tác trùng tu cơ sở thờ tự, bảo tồn văn hóa dân tộc đã được Ban Trị sự và Tăng Ni, Phật tử quan tâm; nhiều chùa trên địa bàn thị xã được Tăng Ni và Phật tử trùng tu xây dựng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi công đức đóng góp của nhân dân với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng như: chùa Ngọa Vân, chùa Trung Tiết, chùa Cảnh Huống, chùa Phúc Nghiêm, chùa Đoan Nghiêm, chùa Tế, chùa Linh Ứng, chùa Đông Khê Thượng, chùa Kỉnh, chùa Báo Ân, chùa Bến Triều, chùa Trạo Hà, chùa Thiên Trúc, chùa Hoàng Xá, chùa Hạ, chùa Thường, chùa Non Đông …. Đặc biệt chùa Quỳnh Lâm - trung tâm Phật giáo lớn của Quảng Ninh đang được quy hoạch và trùng tu với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo Phật giáo thị xã Đông Triều và khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch và văn hóa trên địa bàn.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Xây dựng cõi tịnh độ ngay tại nhân gian đó là lý tưởng của Phật giáo; xây dựng xã hội ta ngày càng văn minh, no ấm, hạnh phúc là ước nguyện của mọi người, vì vậy Phật giáo Đông Triều luôn luôn phấn đấu làm tốt công tác lợi đạo - ích đời đóng góp vào sự ổn định, phát triển của xã hội.
Qua những hoạt động thực tế trên đây, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Các Tăng, Ni, Phật tử phải luôn luôn đoàn kết, hòa hợp thực hiện đúng giáo lý của Đạo Phật và phát luật của nhà nước thì mọi hoạt động Phật sự đều được thành công.
- Mọi hoạt động Phật sự phải lấy lợi ích của quần chúng nhân dân làm động lực tu hành thì sẽ được Phật tử và nhân dân ủng hộ trên tinh thần vô ngã, vị tha của phật giáo.
- Phát huy tinh thần tự giác của Đạo Phật, các Tăng Ni và Phật tử nên có kế hoạch tự chủ, tự quản trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở thờ tự của mình đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại khu dân cư.
Nhân hội nghị này chúng tôi có mấy đề nghị như sau:
- Đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh việc quy hoạch xây dựng, cấp đất, trùng tu các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn đặc biệt là các di tích quan trọng trong khu Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
- Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm các hiện tượng truyền đạo, hành đạo trái phép, đặc biệt là các hiện tượng lợi dụng niềm tin của nhân dân.
Cuối cùng xin kính chúc Chư tôn đức Tăng, Ni, Quý vị đại biểu sức khỏe, công tác tốt, gia đình hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!