TLYT - Toàn văn đạo từ của Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh,Trưởng BTS GHPGVN TP. Hạ Long trong Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu tại chùa Long Tiên sáng ngày 11/7/Kỉ Hợi
Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô Vu Lan Duyên Khởi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!
Lời đầu tiên, cho phép tôi được gửi tới Chư Tôn đức Tăng Ni, quý đại biểu, quý Phật tử, tín đồ và nhân dân lời chúc sức khỏe, an lành. Chúc toàn thể quý vị sống trong mùa Vu Lan với “Tâm Hiếu là tâm Phật, hạnh Hiếu là hạnh Phật”.
Thưa toàn thể quý vị, Vu Lan Báo Hiếu là đại lễ quan trọng nhất của đạo Phật. Lễ Vu Lan Báo Hiếu bắt nguồn từ lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ghi lại trong kinh Vu Lan. Sự tích kể rằng, từ thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, Ngài có 10 vị đệ tử lớn nhất gọi là thập đại đệ tử. Trong đó có Tôn giả Mục Kiền Liên là đệ nhất thần thông. Do đạt được thần thông, ngài thấy mẹ mình là bà Thanh Đề khi mất đi bị đọa xuống cõi địa ngục u đồ, đau khổ. Thương cảm mẹ mình, ngài dâng lễ vật, cơm nước cho mẹ. Tuy nhiên, vong linh của bà Thanh Đề không nhận được, mà “Cơm đưa chưa đến miệng đà, Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu.” Thấy mẹ mình bị đọa vào cõi u đồ đau khổ đó, ngài rất thương và liền về bạch với Phật, xin Phật chỉ bày cách giúp mẹ thoát nơi khổ ải đó. Đức Phật Thích Ca dạy rằng dù ông thần lực nhiệm mầu, nhưng một mình không thể giúp mẹ ông thoát được, mà phải vào mùa Vu Lan, sau khi chư Tăng 3 tháng an cư kết hạ, chư Phật hoan hỉ, chư tăng vui mừng, hãy thiết lễ trai nghi, nhờ thần lực của mười phương tăng chúng hồi hướng, chú nguyện thì mẹ ông mới thoát được cõi u đồ đó. Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, và ngay trong ngày hôm ấy, bà Thanh Đề được thoát sinh về cõi thiên cung. Từ đó, có lễ hội Vu Lan, nói lại sự tích này và truyền dạy tinh thần báo ân, báo hiếu trở thành nghi lễ và nét đẹp văn hóa nhân văn và nhân bản của Phật giáo.
Kính thưa toàn thể quý vị, nếu như con người có trước, tôn giáo có sau thì những điểm gặp gỡ giữa tôn giáo và con người chính là tính nhân văn, nhân bản. Và tinh thần báo ân, báo hiếu hay đạo hiếu của dân tộc Việt Nam đã gặp gỡ, nhuần nhuyễn, hài hòa với tinh thần báo ân, báo hiếu của đạo Phật. Tinh thần đó được hun đúc suốt hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Dân tộc ta là dân tộc đề cao chữ hiếu: “Nhân sinh bách hạnh, hiếu hạnh vi tiên”. Nghĩa là con người sống trên đời này có trăm đức hạnh khác nhau, tuy nhiên hạnh hiếu là hạnh đầu tiên. Tội lớn nhất trên cõi đời này là tội bất hiếu. Điều thiện lớn nhất trên cõi đời này là sống biết báo ân, báo hiếu. Đó là tính nhân bản, nhân văn và là điểm gặp gỡ giữa Phật giáo và truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc. Nét đẹp đó đã được đại thi hào Nguyễn Du đúc kết trong bài Văn tế Thập loại chúng sinh:
“Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát
Nước tịnh bình sái hạt dương chi
Muôn nhờ Phật lực từ bi
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.”
Lễ Vu Lan Báo Hiếu trong đạo Phật cũng trùng với Tết Trung nguyên theo truyền thống văn hóa phương Đông của chúng ta. Từ tinh thần báo ân, báo hiếu có điểm gặp gỡ với tinh thần bao dung hết thảy chúng sinh và cứu khổ mê đồ trong văn hóa phương Đông. Tết Trung Nguyên vốn dĩ có nguồn gốc từ văn hóa Đông phương, cụ thể là Trung Hoa. Trong ngày rằm tháng 7, người phương Đông có tập tục tổ chức Tết Trung nguyên, đặc biệt là siêu tiến cửu huyền thất tổ, nội ngoại song thân. Điều này trùng với tinh thần báo ân, báo hiếu được Đức Phật dạy trong kinh Vu Lan. Hơn thế nữa, trong Phật giáo và truyền thống văn hóa phương Đông, trong dịp tháng 7 còn nhớ tới sự tri ân chung của thập phương nhân loại, trong đó có thập loại chúng sinh. Chúng sinh là ai? Là hết thảy các tầng lớp, các giới, với hết mọi nghề nghiệp trên thế gian này, nếu sống trên cõi đời này mà không tu dưỡng thân tâm thì khi chết đi sẽ bị đọa lạc. Và cúng rằm tháng 7 ấy, nhờ thần lực của chư Phật, của 10 phương tăng để cứu độ cho thập loại chúng sinh ấy thì hết thảy chúng sinh đều được ân triêm công đức. Vì vậy, cứ đến rằm tháng 7, các chùa, các chốn tổ đình, tự viện khác nhau đều tổ chức Đại lễ Vu Lan, lập đàn chẩn tế để siêu độ cửu huyền thất tổ, truy tiến anh linh các anh hùng liệt sĩ và bố thí cho thập loại chúng sinh. Đây là nét đẹp trong văn hóa Phật giáo và văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Chùa lớn thì lập đàn lớn, chùa nhỏ thì lập đàn nhỏ: “Của có chi bát cháo nén nhang”. Các gia đình thì cũng với lễ nghi, vật thực cúng tiến cho cửu huyền thất tổ, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ được siêu sinh tịnh cảnh.
Trong kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân Phật dạy rằng: “Dù ai vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi khắp thế gian này cũng chưa báo đền được công ơn sinh thành trong muôn một.” Công ơn của cha mẹ không bút mực nào tả hết, không có ngôn ngữ nào nói cùng tận. Vì vậy, phận làm con thì phải lo báo ân, báo hiếu mẹ cha. Chỉ cắt nghĩa một điều đơn giản rằng, nếu không có cha, có mẹ thì không có ta trên cõi đời này. Chỉ cần nghĩ đến điều đơn giản này thôi cũng thấy công lao trời biển của cha mẹ. Nhớ đến công ơn mẹ cha để báo hiếu theo tinh thần Phật dạy. Người có hiếu với cha mẹ không chỉ nói suông mà phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Không chỉ cung cấp vật chất cho cha mẹ mà còn phải phụng dưỡng cả về mặt tinh thần. Ai đến lúc tuổi già sẽ hiểu, vật chất không phải là điều quan trọng nhất, mà còn cả tinh thần. Nhưng thiếu vật chất thì không ai sống nổi. Những ai đang còn cha mẹ, hãy coi rằng bố mẹ mình chính là Phật ở trong nhà, bố mình chính là Phật tổ Thích Ca, mẹ mình chính là Phật bà Quan Âm. Làm được như vậy mới làm tròn được đạo báo ân báo hiếu của mình với cha mẹ. Như tôi vừa nói ở trên, báo ân không chỉ là một ngày cung cấp đủ 3 bữa vật thực cho cha mẹ, không chỉ là may quần áo đẹp cho cha mẹ, mà nhiều lúc chỉ cần một câu hỏi thăm, động viên thì cha mẹ đã vui lắm rồi. Tinh thần nhiều khi còn cao hơn vật chất, chính là ở chỗ đó.
Hàng năm, đến dịp tháng 7, chúng ta lại kỉ niệm lễ Vu Lan, tuy nhiên tinh thần báo ân, báo hiếu phải được lan tỏa không chỉ trong Phật giáo, không chỉ trong nhà chùa mà phải được lan tỏa ra cộng đồng xã hội. Bởi vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc đề cao hạnh hiếu. Hơn nữa trong xã hội hiện nay, tri ân và báo ân đang là điều rất quan trọng. Chúng ta cần xây dựng một nền văn hóa phát triển trên nền tảng văn hóa đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, đó là đạo hiếu. Không có đạo nào cao hơn đạo hiếu. Vì vậy, tinh thần tri ân, báo ân phải được lan tỏa ra toàn xã hội và suốt 365 ngày chứ không phải chỉ trong tháng 7.
Lễ nghi rằm tháng 7 cũng chỉ cần đơn giản thôi. Tập tục ở các chùa truyền thống trong ngày chẩn tế cô hồn thường nấu một nồi cháo to, và bỏ vào từng chiếc lá đa khoanh tròn rải ra khắp cổng, vườn chùa, gọi là cháo lá đa, và chư tăng sẽ tụng niệm để bố thí cho thập loại chúng sinh. Lễ Vu lan báo hiếu hay cúng rằm tháng 7 của chúng ta nếu đầy đủ thì sắm sửa đủ hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Còn đơn giản thì chỉ cần bố thí chúng sinh cháo trắng, muối và nước trắng cũng đã nói lên tâm thành của người dâng cúng. Tuy nhiên, cao hơn cả chính là tâm hồn trong trắng của ta với cha với mẹ, với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và với bốn ân trọng Phật đã dạy: ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn quốc gia xã hội, ơn chúng sinh vạn loại.
Hôm nay, tôi rất vui mừng được tham dự Đại lễ Vu Lan tại chùa Long Tiên. Trong thời gian dài vừa qua, các hoạt động Phật sự tại chùa Long Tiên nói riêng và TP. Hạ Long nói chung đã có nhiều khởi sắc, thực hiện đúng quy định của Giáo hội, Pháp luật của Nhà nước và thực hiện một phần nào đó lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tăng Ni, Phật tử hết lòng tu tập, thực hiện các công tác từ thiện nhân đạo… cũng chính là đang thực hiện tinh thần tri ân và báo ân. Mỗi người phải tu dưỡng đạo đức, làm nhiều việc thiện để báo ơn cho cha mẹ, thầy tổ, cho Tổ quốc, hồi hướng cho thập loại chúng sinh.
Một lần nữa nhân mùa Vu Lan báo hiếu, xin kính chúc Chư Tôn đức, quý đại biểu, quý Phật tử, tín đồ sức khỏe, an lạc và đặc biệt luôn ghi nhớ lời Phật dạy, thực hiện trọn vẹn đạo đức tri ân, báo ân của người con Phật.
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát tác đại chứng minh.
(Phiên tả: M.Anh)