TT. Thích Thanh Quyết phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2018


TLYT - Ngày 27/10/2018, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch HĐTS TƯGHPGVN, Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ninh đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2018.
 
 

Về vấn đề Kinh tế, Thượng tọa phát biểu:

"Đất nước ta đã đi được nửa chặng đường của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực về mặt kinh tế xã hội như: kinh tế vĩ mô ổn định, đạt tăng trưởng, được duy trì, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, ngoại giao được khẳng định, các chỉ tiêu kinh tế đều hoàn thành vượt mức. Thiên tai bão lũ nhanh chóng được khắc phục. Công tác xây dựng hệ thống chính trị tinh giản bộ máy biên chế, cùng với các công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực đã được những kết quả rất đáng mừng, tạo nên một không khí phấn khởi, tin tưởng rất cao của nhân dân cả nước đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn như: Đổi mới mô hình tăng trưởng còn hạn chế, động lực và chất lượng tăng trưởng vẫn chậm, hiệu quả đầu tư công còn thấp, chi thường xuyên vẫn cao. Nhiều dự án doanh nghiệp vẫn thua lỗ thất thoát, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân còn gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự đang có nhiều diễn biến phức tạp. Thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến khó lường. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới và năm 2019:

Thứ nhất, chúng ta  vừa phải khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, vừa phải giữ vững kinh tế vĩ mô, tiếp tục đà tăng trưởng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực đang có nhiều biến động, thách thức. Vây, cần nắm chắc, dự báo đúng tình hình, có phương án đối phó kịp thời.

Thứ hai, tập trung xây dựng, đổi mới thể chế, cơ chế chính sách, đẩy mạnh phân cấp, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững về chất. Tập trung đầu tư công, cơ cấu lại Doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại thị trường tài chính.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả gắn với tinh giảm biên chế. Cơ cấu lại đội ngũ công chức viên chức, thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy xã hội hóa, phát triển thị trường dịch vụ công.

Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy những điểm rất sáng mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã làm rất tốt trong thời gian qua. Đó là phong trào khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp và xu thế quốc gia khởi nghiệp.

Thứ năm, huy động nguồn lực cho phát triển, làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo động lực tinh thần cao trong xã hội, tập trung mạnh các dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao: như dự án đường cao tốc Bắc Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời quan tâm khắc phục bằng được 12 dự án thua lỗ gây thất thoát của Nhà nước. Rà soát đối với đất đai đã giao nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí. Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để tranh thủ sự phát triển cho nguồn lực bên ngoài, kinh tế - xã  hội của đất nước.”

Về vấn đề xã hội, Thượng tọa có mấy ý kiến rất đáng lưu tâm như sau:

Một, hiện nay đạo đức xã hội trong thời kì hội nhập xuống cấp đáng báo động, đã được xã hội và quốc hội đặc biệt quan tâm. Nhưng khi bàn đến giải pháp thì thực là khó. Tôi nghĩ đã hội nhập thì phải đi xa, đã đi xa thì phải quay về gần. Chúng ta nên quay về gốc, cái mà cha ông, tổ tiên ta mấy ngàn năm đã đi. Đó là những phạm trù, khái niệm, nét đẹp, văn hóa, tư tưởng đạo đức ủa các tôn giáo như Từ Bi, Hỷ Xả, Vô ngã, Vị tha, Bác ái, Trung hiếu, Tiết nghĩa, Nhân quả nghiệp báo và các vấn đề tôn ti trật tự, quốc pháp, gia quy, quân thần phụ tử… để dạy cho các cháu trở thành người tốt trước khi trở thành công dân tốt. Nhiều triều đại trước kia còn tổ chức thi Tam giáo để chọn hiền tài ra làm Vua, làm quan, thầy giáo. Tức là áp dụng chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo để làm nền tảng cho đạo đức xã hội. Từ đó xuất hiện các bậc nhân quân hiền thánh cứu dân độ thế, giúp đạo, giúp đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học tập, tiếp nhận toàn bộ nền tảng triết thuyết đạo đức của Nho giáo mà thành. Tôi đề nghị biên soạn sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục nên chỉ đạo áp dụng những tư tưởng tốt đẹp của các tôn giáo mà cha ông ta đã đi để dạy cho các cháu học tập.

Hai, Luật Tín ngưỡng –Tôn giáo có hiệu lực thi hành gần một năm nay, nhìn chung đây là bước tiến lớn, công khai, minh bạch, bình đẳng trong quản lý Nhà nước về tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng – tôn giáo. Nhưng quá trình thực hiện, một số địa phương lại đánh đồng giữa quản lý tôn giáo với quản lý tín ngưỡng, quản lý di tích lịch sử với quản lý tín ngưỡng, tôn giáo và đã đưa ra cách làm không đúng luật pháp, tạo nên những bức xúc không đáng có, có những phản ứng tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ xấu, mất đoàn kết giữa một số chức sắc tôn giáo với chính quyền địa phương. Cụ thể là, chính quyền thích tham gia quản lý tiền công đức của nhà chùa. Tiền công đức là do các chức sắc Phật giáo tu tâm dưỡng tính thanh tịnh mà tín đồ cảm kích dâng Tam bảo, dùng để xây dựng cơ sở tôn giáo, đào tạo chức sắc, từ thiện xã hội, phát triển tôn giáo, để nuôi sống bản thân. Tại sao chính quyền không quản lý tài chính cho các tôn giáo khác cho bình đẳng mà chỉ quản lý tài chính của Phật giáo. Có tu đâu mà quản lý tiền chùa? Nếu kẻ xấu lợi dụng khe hở này để lợi dụng thì ai chịu trách nhiệm? Kính mong Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Ba, năm nay đất nước ta xuất hiện một sự kiện đặc biệt hi hữu đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Đây là cơ trời, vận nước, mệnh trời giao phó. Qủa thực một quyết sách hợp với ý Đảng, lòng dân, tâm Phật. Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam luôn cầu nguyện quốc thái dân an, cầu nguyện Ngài tân Chủ tịch nước sức khỏe, trí tuệ để tiếp tục dẹp hết tham nhũng, đưa đất nước phát triển như Bác Hồ hằng mong muốn.

 
CTV 

Tin cùng chuyên mục