1. Dấu tích chùa Ngọa Vân xưa
|
Dấu tích chùa Ngọa Vân, kiến trúc đầu thế kỷ XX. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Chùa nằm ở vị trí trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài (Vây Rồng), ở độ cao trung bình 588m – 644m so với mặt nước biển, tựa lưng vào núi Bảo Đài, mặt trước có Ngọn Bút là tiền án. Chùa là một cụm các công trình phân bố từ chân lên đỉnh của ngọn Ngọa Vân (Ngọa Vân Phong), nơi nhân dân hiện nay quen gọi là khu Chùa đổ hay Nhà Mẫu và Bàn Cờ tiên.
Những nghiên cứu khảo cổ học tại đây đã cho thấy, sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, Pháp Loa đã cho xây dựng và mở rộng khu vực này thành trung tâm của Ngọa Vân. Bằng chứng về việc này là khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều gạch ngói, chân tảng và các loại hình vật liệu kiến trúc khác nhau của thời Trần, các di vật tìm được cho thấy, chùa Ngọa Vân thời Trần có quy mô lớn. Đặc biệt, dựa vào vào những chân tảng có kích thước lớn với phần u tròn nổi cao có đường kính trung bình từ 60- 70cm chúng ta có thể hình dung các kiến trúc ở đây là kiến trúc có kết cấu cột gỗ, đường kính cột trung bình 50-60cm, mái lợp ngói mũi sen hoặc mũi lá.
|
Ngói mũi sen thời Lê Trung hưng có in nổi hai chữ Vân Phong. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Thời Lê Trung hưng, sau thời gian dài bị xuống cấp, năm 1707 Ngọa Vân được trùng tu và xây dựng mở rộng. Năm 2009, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu vết nền móng của chùa Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng.
|
Chân bát hương, gốm men thời Lê Trung hưng. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng có mặt bằng hình chữ Nhị (二), trong đó kiến trúc thứ nhất (nằm phía trước) chỉ còn lại phần bó nền phía Đông; Kiến trúc thứ hai liền sát với kiến trúc thứ nhất về phía Bắc và gần sát với chân núi. Dấu vết còn lại của kiến trúc này gồm có: 16 chân tảng và gia cố chân tảng, bó nền phía Bắc, một phần bó nền phía Nam và dấu vết gia cố của bó nền phía Đông. 16 chân tảng và gia cố chân tảng xếp thành 6 hàng, theo chiều Bắc – Nam ghé Đông khoảng 10 độ.
Căn cứ vào các chân tảng, gia cố chân tảng và dấu vết bó nền còn lại các nhà khảo cổ học đã xác định kiến trúc thứ hai có mặt bằng hình chữ nhật, với kết cấu 3 gian, 2 chái, 6 hàng cột, mỗi hàng 4 cột, trong đó 3 gian giữa rộng 3,5m, hai chái rộng 1,7m, khoảng cách giữa hai cột cái trong một hàng là 3,5m; giữa cột cái và cột quân là 1,7m. Bên cạnh các di tích còn lại, tại đây cũng tìm thấy nhiều ngói mũi sen thời Lê Trung hưng cùng nhiều đồ gốm sứ, trong đó có những mảnh bát hương là những đồ gốm men chất lượng cao và có giá trị của đương thời. Trong số ngói mũi sen tìm được ở đây, đáng lưu ý có nhiều viên có in nổi hai chữ Vân Phong (雲 峯) ở mặt trên của ngói. Như đã trình bày, Vân Phong là tên gọi khác hay chính là cách gọi tắt của Ngọa Vân Phong.
|
Dấu vết mặt bằng hai tòa bảo điện chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVIII. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
|
Bản vẽ cấu trúc mặt bằng tòa bảo điện thứ hai chùa Ngọa Vân thời Lê Trung hưng |
|
Bát, sứ thời Minh thế kỷ XVI. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Như vậy, dưới thời Lê Trung hưng, chùa Ngọa Vân có mặt bằng hình chữ nhị gồm hai tòa nhà bằng gỗ, nằm song song và liền sát nhau với cấu trúc 3 gian 2 chái, mái lợp ngói mũi sen, trên ngói có in nổi hai chữ Vân Phong là tên gọi khác của chùa, đây cũng chính là hai tòa bảo điện được nhắc tới trong bia Trùng tu chùa Ngọa Vân.
|
Tượng, đất nung, thời Lê Trung hưng. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Ngoài dấu vết chùa chính, khảo cổ học cũng đã tìm thấy khu nhà ở dành cho tăng/ni ở phía dưới và đặc biệt, trên đỉnh Ngọa Vân, nơi thường được gọi là Bàn cờ tiên, tại đó có 1 nền kiến trúc kích thước 9,6x8,6m. Đó chính là dấu vết còn lại của Tịnh thất nơi các vị cao tăng/nhà sư trụ trì thiền định.
Như vậy, với những di tích, di vật đã được phát hiện, nghiên cứu có thể thấy chùa Ngọa Vân thời Lê Trung Hưng gồm 3 khu: Khu nhà tăng ở phía dưới, khu chùa nằm ở trung tâm và trên cùng là tịnh thất, trong đó Chùa, Tịnh thất và ngọn Tháp Bút nằm trên một đường thẳng, đó chính là trục Thần đạo của chùa Ngọa Vân.
Các ghi chép của thời Nguyễn không thấy nhắc tới các công trình đã được xây dựng từ thời Lê Trung hưng. Bản họa đồ giới hạn chùa Ngọa Vân trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ, ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí đều không nhắc đến các công trình kiến trúc ở đây. Như vậy, đến thời Nguyễn, tức là sau hơn 100 năm các công trình được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng có lẽ đã bị phá hủy.
Đầu thế kỷ 20, nhân dân làng Đốc Trại (nay là làng Trại Lốc), làng được nhà Nguyễn giao cho trông coi và thờ phụng lăng tẩm của các vua Trần và chùa Ngọa Vân đã xây dựng một số kiến trúc nhỏ để làm nơi thờ phụng, công trình kiến trúc xây bằng đá nằm dịch về phía Tây hiện còn chính là chùa Ngọa Vân do dân làng Đốc Trại xây dựng vào đầu thế kỷ XX.
Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển, nằm dọc theo chiều Tây Nam - Đông Bắc, đầu hồi phía Tây Nam mở 3 cửa vòm và là mặt trước của chùa. Phần mái kiến trúc đã mất, chỉ còn 4 bức tường, trên tường có trổ các cửa. Trên cửa chính đắp nổi một bức hoành phi hình chữ nhật, trong đề ba chữ Ngoạ Vân tự (卧雲寺), tức là chùa Ngoạ Vân. Như vậy, đến thời Nguyễn, mặc dù quy mô có bị thu hẹp lại nhưng đây vẫn là vị trí của chùa. Sau này, tại đây người ta không chỉ thờ Phật mà còn phối thờ Mẫu nên nó còn được gọi là Nhà Mẫu.
(Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
2. Chùa Ngọa Vân ngày nay
Hiện tại chùa Ngọa Vân đã và đang tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, trụ trì hiện tại trực tiếp chỉ đạo là Thượng tọa Thích Thanh Quyết. Công trình được bắt đầu từ ngày 19/3/2014, việc xây dựng trên núi cao thật không đơn giản gì, rừng núi thì hiểm trở, muốn chở nguyên vật liệu lên phải làm con đường quanh núi trước tiên và mất nhiều ngày tháng. Đến nay, khu chính điện hình chữ nhị dựng theo cấu trúc chùa cũ đã được khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 09 tháng giêng năm Bính thân. Ngoài con đường bộ hiểm trở dẫn lên núi, hệ thống cáp treo đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng để phục vụ du khách.
Chùa Ngọa Vân mới được phục dựng trên nền dấu tích xưa. Ảnh: Phương Thảo
Về Ngọa Vân nơi rừng núi điệp trùng, các ngọn núi ôm vòng làm tay ngai, ngọn núi cao (644 mét) rừng đại ngàn che phủ, cây mọc chênh vênh trên vách đá, suối chảy róc rách như vô tận, nước trong như pha lê …
Chùa Ngọa Vân gắn liền với thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sau một thời gian bị quên lãng, Ngọa Vân giờ đây đang được đánh thức cùng với những giá trị to lớn của di tích. Việc trùng tu tôn tạo để dần trả lại không gian văn hóa xưa của di tích không chỉ là việc làm để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa mà còn phục dựng nơi tham quan, nghiên cứu, giáo dục cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ về tầm vóc và tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông - danh nhân văn hóa lớn trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà nổi bật là tinh thần “ cư trần lạc đạo”- vui đạo giữa đời của Ngài.
Cảnh mây núi trên Ngọa Vân. Ảnh Hoàng Hưng
(BBT Tổng hợp)