Cư trần lạc đạo phú - Hội Thứ Năm
(Trúc Lâm Sơ Tổ Trần Nhân Tông)
Vậy mới hay: Bụt ở cong nhà; chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; đến cóc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà hữu; kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân-la.
Cong đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ; lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận; ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xễ; cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội; lãy tam huyền, nông tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu huyền, sá đàn dấu xoang vô sinh khúc; địch chẳng có lỗ, cũng phiếm chơi xướng thái bình ca.
Lãy cội tìm cành, còn khá tiếc Cu-chi trưởng lão; quay đầu chớp bóng, ắt kham cười Diễn-nhã-đạt-đa.
Lọt quyển kim cương, há mặt hầu thông nên nóng; nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.
Bình Giảng
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Vậy mới hay! Bụt ở cong nhà;
Cong là tiếng cổ của chữ trong. Ngày nay nghe chữ cong thì thấy như là nói ngọng, nhưng ngày xưa chúng ta dùng chữ cong, cong nhà. Vì lâu quá không dùng nên chúng ta thấy hơi lạ đó thôi, nhưng đích thực nó là tiếng Việt. Ví dụ như chữ “ga ngoài” thì sau này chừng một hai trăm năm, “ga ngoài” sẽ là “ra ngoài”.
Chẳng phải tìm xa.
Tức là Bụt ở ngay trong nhà ta, ta không phải đi tìm ở đâu khác.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt
Khuây có nghĩa là quên. Có khi chúng ta nói “buồn quá không khuây”, nghĩa là không quên được nỗi buồn. Chúng ta quên gốc, nên chúng ta mới đi tìm Bụt.
Đến cóc hay chỉn Bụt là ta.
Đến khi ta biết được rồi thì Bụt chính là ta. Tìm Bụt ở đâu? Tìm Bụt ở cái gốc của mình. Bụt ở cong nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt. Nhân có nghĩa là vì. Vì lý do quên gốc rễ của ta cho nên ta mới đi tìm Bụt mà thôi. Người xưa có nói “Thiền Phật bất cầu” nghĩa là không đi tìm thiền cũng không đi tìm Phật. Đến cóc hay chỉn Bụt là ta. “Chỉn” có nghĩa là chỉ. Ta chỉ là Bụt mà thôi.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà hữu
Thiền ngỏ năm câu. Năm tức là dăm, là vài ba câu. Ngỏ tức là mở ra, nói ra, bày tỏ ra. Ví dụ như ngỏ ý, tức là nói ý mình ra, tỏ bày ý của mình ra. Cong tức là trong. Nằm nhãn có nghĩa là nằm chơi, nằm khểnh, không lo buồn gì hết. Quê Hà Hữu tức là quê hương Hà Hữu, một danh từ ở trong sách Trang Tử. Đó là quê hương đích thực của ta, nó không nằm trong thời gian hay trong không gian. Nó không nằm ở phương Tây, phương Nam, phương Bắc. Đó là quê hương đích thực, trong đó ta tìm thấy tổ tiên, tìm thấy sự thoải mái, tìm thấy bản chất của ta. Nó cũng như là Tịnh độ của ta vậy. Quê hương đích thực không tìm được trong thời gian và trong không gian thông thường, nó nằm ở bản môn. Sách Trang Tử đã có ý niệm đó. Danh từ Hà Hữu hương cũng đã được dùng trong một bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà-hữu: Chỉ cần nói ra và nghe một vài câu về thiền thì ta thấy ta đang nằm thảnh thơi ở trong quê hương đích thực của mình rồi.
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân-la.
Ngồi ngơi: ngơi tức là nghỉ ngơi, ngồi nghỉ ngơi. Lấy cuốn kinh đọc qua đọc lại vài ba lần, tự nhiên ta thấy ta đang ngồi nghỉ ngơi ở nước Tân La. Mái là cái mé, cái phía. Mái Tây là phía Tây. Tân La là tên một nước, có thể là nước Cao Ly, lúc đó đang có hòa bình, có an lạc và người ta sống theo Phật giáo một cách rất thâm sâu. Có những người từ Tân La tới, họ rất dễ thương. Họ nói: “Tại nước chúng tôi người ta thực tập đạo Bụt rất là hạnh phúc.” Thành ra có một huyền thoại về nước Tân La như là một nước có hòa bình, có an lạc trong đạo pháp, người dân sống một cách rất thoải mái.
Trong đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ
Chữ “trong” ở đây có thể là chữ “cong”, và có người biên chép nào đó đã thử sửa lại thành chữ trong, tức là chữ mới. Tại vì hồi đó người ta chỉ dùng chữ cong. Trong đạo nghĩa có nghĩa là ta sống trong đạo và trong nghĩa. Khoảng là cái không gian rộng rãi. Cơ quan là những then máy, những phương pháp sử dụng trong thiền môn để giúp người thiền sinh cởi mở được những khổ đau, thoát khỏi cái kẹt của họ. Đạo ở đây có nghĩa là giáo pháp, (the teaching). Nghĩa ở đây la phương tiện (meaning). Trong sự học hỏi giáo pháp và nghĩa lý thâm uyên của giáo pháp, trong sự sử dụng các công án, thoại đầu, tiếng hét v.v..., thì ta đang ra vào, đang len lỏi, đang lăn lóc trong trường Kinh cửa Tổ. Trường là môi trường; cửa tức là cái nhà. Cửa thiền là nhà thiền, cửa Phật tức là nhà chùa. Ta đang sinh hoạt, ta đang ra vào, ta đang len lỏi, ta đang lăn lóc, đang sống ở trong môi trường của Kinh, của Tổ. Đó là khoảng không gian của đạo, của nghĩa, của cơ quan. Lọt lẫn tức là len lỏi, lăn lóc, tức là sống ngày sống đêm với cái đó.
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa
Lánh thị phi tức là không tham dự vào những cuộc đàm luận, nói rằng người này phải, người kia trái. Không nói xấu người, không lên án người, đó là lánh thị phi. Không tham dự vào những cuộc nói chuyện như vậy, và luôn luôn phải chú ý. Ghê ở đây là phải đề cao cảnh giác đối với thanh và sắc. Ghê thanh sắc là phải ngán thanh sắc một chút, tại vì nó ghê lắm! Mất chánh niệm thì ta vướng vào lưỡi câu của nó liền. Kỳ trước chúng ta có học rằng khi thị phi tiếng lặng thì mặc tình ta nghe yến thốt oanh ngâm, rất là thích. Đừng nói chuyện thị phi thì tự nhiên được nghe tiếng chim hót. Ở đây lánh thị phi, ghê thanh sắc, tức là thanh và sắc có đó, nhưng ta phải có chánh niệm. Vì vậy cho nên ta e ngại chuyện đi chơi với bạn vào những nẻo gọi là dặm liễu đường hoa, đó là nẻo ăn chơi, nẻo hút cần sa, ma túy, rượu chè, trai gái.
Những lời dạy của Đại Sĩ có thể áp dụng được trong môi trường của chúng ta ngày nay. Ví dụ như lánh thị phi, đôi khi ta chê trách người này, lên án người kia, chỉ trích tất cả mọi người, từ chánh quyền cho đến cha mẹ, xã hội, bè bạn. Gặp nhau là toàn nói chuyện lên án thị phi; hoặc suốt ngày chạy theo thanh sắc, theo những phim ảnh đồi trụy…... Vì vậy mà bị kéo theo con đường chơi bời, con đường dặm liễu đường hoa. Đó là tình trạng của tuổi trẻ ngày hôm nay. Ngày xưa có một bệnh gọi là bệnh hoa liễu, tức là khi ta đi ngủ với các cô gái ăn sương thì ta rước vào thân những chứng bệnh của hoa liễu. Vương phải chứng bệnh hoa liễu thì chết, tại vì ngày xưa không có thuốc trụ sinh.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận; ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha
Đức là đức độ. Đức độ của Bụt là từ và bi, vì vậy cho nên ta ước mong, ta nguyện từ kiếp này sang kiếp khác có cơ hội để gần gũi ngài, gần gũi các vị Bụt. Ơn Nghiêu khoáng cả. Nghiêu là tên của một ông vua hiền. Đây không phải nói về vua Nghiêu, mà nói về những ông vua hiền, những chánh quyền biết tới khổ đau của dân, gọi là ơn Nghiêu. Chánh quyền của đảng bảo thủ, hay đảng lao động, hay đảng xã hội,.. chánh quyền nào biết được lòng dân, làm theo lòng dân thì dân biết ơn, gọi là ơn Nghiêu khoáng cả. Khoáng cả là lớn lao; khoáng là rộng, là lớn; cả cũng có nghĩa là lớn.
Lọt toàn thân phô việc đã tha: Phô là nhiều, tha tức là khỏi phải đóng thuế, khỏi phải đi phục dịch, lao động. Tại vì ngày xưa cũng như ngày nay, người công dân phải đưa vai ra mà gánh cái gánh nặng của quốc gia, phải đóng thuế rất nhiều, phải đi làm việc rất nhiều. Ngày xưa phải đi đắp đê, phải làm đường, phải xây thành, phải đi đánh giặc, phải đi canh gác, có khi phải đi làm những công trình lớn lao như Vạn Lý Trường Thành hay là Kim Tự Tháp,... Vua lấy sức lao động của dân để xây những cung điện hay những công trình như vậy, và dân chết rất nhiều. Có hai cái làm dân rất sợ: một là đi công dịch, hai là đóng thuế. Chỉ khi nào dân có một ông vua nhân từ, một chánh quyền tốt thì dân mới thoát khỏi mức tối đa của hai loại nợ nần đó.
Lọt toàn thân phô việc đã tha, tức là khi thấy ta được tha những công tác đó, ta được tha những thứ thuế đó thì ta biết ơn ông vua hiền. Ngày xưa, mỗi khi có lụt lội hay có bệnh tật, vua thường tha thuế cho dân. Đôi khi vua có một điều gì vui thì tuy không có lý do gì về hoàn cảnh của dân cả, vua cũng có thể tha thuế cho dân.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể; cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Áo miễn chăn tức là áo với chăn. Chăn là mền đắp, chỉ cần cho đủ ấm qua mùa thôi, không cần phải đẹp. Chằm tức là vá nhiều lớp, như là chằm nón; xể tức là lòa xòa, không gọn gàng lắm. Hoặc chằm hoặc xể đều được hết, miễn là áo và chăn đó cho ta đủ sức ấm qua mùa lạnh thôi.
Cơm cùng cháo, đói no đòi bữa. Đòi tức là nhiều. Đòi đoạn tức là nhiều lần, đòi bữa tức là nhiều bữa; có bữa ăn cháo tại không đủ gạo nấu cơm; có khi ăn cháo một ngày hai lần, có khi được ăn cơm một bữa còn bữa kia thì ăn cháo.
Dầu bạc dầu thoa: Gạo để nấu cơm nấu cháo có thể là gạo trắng. Tục ngữ có câu “Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.” Bạc là trắng; nước trắng gọi là nước bạc. Thoa là gạo hẩm, nhưng không phải là gạo thiu, nó là gạo không còn mới, gần mục rồi. Gạo mới thì dẻo, từ từ hạt gạo hết dẻo chỉ còn tinh bột, sau đó thì thành gạo hẩm.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội; lãy tam huyền, nòng tam yếu, một cắt một ma
Bát thức tức là tám thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, và a lại gia thức. Phải hộ trì tám thức, phải biết quán chiếu tám thức của mình. Nén bát phong: Bát phong là tám ngọn gió. Tám ngọn gió đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc. Khi tám ngọn gió đó đến, nếu ta không vững thì chúng thổi làm ta chao đảo và ta có thể sẽ bị bay mất.
Ngọn gió thứ nhất là lợi. Cái lợi nhử ta. Nó nói rằng: “Nếu anh làm cái đó thì tôi sẽ cho anh mấy triệu đồng!” Cho nên ta xiêu bè! Ta ham tiền lắm và sự ham lợi đó là một ngọn gió. Đôi khi nó nói rằng: “Nếu anh làm chuyện này tôi sẽ cho anh ba triệu”, thì ta còn đứng vững, tại cái sức ta có thể chống được với ngọn gió ba triệu. Nhưng nếu nó nói: “Anh làm điều đó thì tôi cho anh ba chục triệu!” thì ta xiêu liền! Thành ra ngọn gió lợi có khi mạnh vừa, có khi rất mạnh.
Ngọn gió thứ hai là suy. Suy tức là ngược lại với lợi. Nếu làm điều đó thì ta sẽ thiếu gạo thiếu cơm, nhưng ta vẫn làm. Ví dụ có người dọa rằng nếu ta cứ tiếp tục sống như vậy ta sẽ mất rất nhiều quyền lợi, nói ta hãy thay đổi cách sống, và vì biết nếu đổi cách sống đi thì ta sẽ trở nên ác đức, cho nên ta đã không nghe theo lời người đó. Thành ra sự dọa dẫm của họ không làm cho ta lay chuyển thì ngọn gió suy đó không thể nào thổi ta ngã được.
Ngọn gió thứ ba là hủy, tức là cái nhục; ngọn gió thứ tư là dự. Dự là vinh dự. Nhục hay vinh là những ngọn gió có thể thổi ta xiêu bè.
Ngọn gió thứ năm là xưng, tức là ca ngợi, tâng bốc. Ngọn gió thứ sáu là cơ. Cơ là chê bai. Tâng bốc hay chê bai là những ngọn gió mà người tu không nên bị cuốn theo. “Dù ai nói ngã nói nghiêng, thì ta cũng vững như kiềng ba chân.”
Ngọn gió thứ bảy là khổ, và thứ tám là lạc. Cái khổ không làm ta thay đổi mà cái sung sướng cũng không làm ta thay đổi.
Đó là tám ngọn gió. Thi sĩ Hàn Sơn là một phật tử rất nổi tiếng ngày xưa. Hàn Sơn đi đôi với một người bạn tên là Thất Đắc. Họ là một cặp bạn thiền rất nổi tiếng, Hàn Sơn có câu thơ “Bát phong xuy bất động”, nghĩa là tám ngọn gió thổi mà ta không bị lung lay. Người tu có chí khí, có đạo đức là những người mà tám ngọn gió kia thổi không bay.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội. Bội có nghĩa là nhiều lần. Phương pháp tu không phải là phương pháp đè nén, tại vì càng đè nén càng trở nên mạnh hơn. Vậy thì phương pháp “ngăn bát thức, nén bát phong” là không nên đè nén mà phải giải tỏa bằng cái thấy của ta. Đó là phương pháp quán chiếu. Quán chiếu để có cái thấy sâu về sự kiện thì tự nhiên ta được giải thoát, nếu chỉ có đè nén thì sự đè nén đó không đem đến kết quả nào cả.
Lãy tam huyền, nông tam yếu, một cắt một ma. Tam huyền là ba giáo lý của thầy Lâm Tế. Tam yếu cũng vậy. Thầy Lâm Tế có giáo lý Tam Huyền Môn (ba cơ sở huyền diệu). Mỗi huyền môn gồm có ba yếu chỉ (ba điều quan trọng). Chúng ta chỉ cần nói tên ra đây mà không cần đi vào nghĩa lý của Tam huyền và Tam yếu.
Tam huyền là Thể trung huyền (huyền ở trong bản chất), Củ trung huyền (huyền ở trong câu nói) và Huyền trung huyền (là huyền ở trong huyền).
Tam yếu tức là lý (nguyên lý), trí (sự hiểu biết) và phương tiện. Trong mỗi huyền đều có ba yếu chỉ đó. Ta chỉ cần biết như vậy thôi.
Lãy tam huyền: Lãy tức là làm bật nó ra; dùng một cây bằng sắt hay bằng gỗ, đặt dưới chân của một tảng đá rồi bẩy nó lên, gọi là lãy tam huyền. Nông tam yếu: Nông là nạy nó ra, tức là tìm cách để hiểu sâu được tam huyền và tam yếu. Một cắt một ma: Ma là mài cho nhỏ. Cắt ở đây là xén cho nhỏ bớt lại. Tức là sự thực tập phải đi từ từ, ngày hôm nay ta phải cắt xén chỗ này, ngày mai ta mài bớt chỗ kia.
Cầm vốn thiếu huyền, sá đàn dấu xoang vô sinh khúc; địch chẳng có lỗ, cũng phiếm chơi xướng thái bình ca.
Cầm là cây đàn; sá là hãy; dấu tức là yêu dấu, đàn dấu là thưởng thức, enjoy playing. Dù đàn kia thiếu dây nhưng ta hãy chơi và tấu lên khúc đàn gọi là Vô Sinh Khúc. Khúc, tiếng Anh là a piece of music. Không có bản đàn nào đáng để cho chúng ta chơi bằng bản Vô Sinh Khúc, tức là đạt tới vô sinh, nghĩa là tiếp xúc với bản môn không sinh không diệt.
Địch chẳng có lỗ. Địch là cái ống sáo (flute). Nó không có lỗ nhưng cũng bấm chơi xướng thái bình ca. Không có khúc ca nào đáng cho chúng ta hát bằng khúc ca thái bình. Peace in your heart, peace in the world (Tâm bình thế giới bình).
Lãy cội tìm cành, còn khá tiếc Cu-chi trưởng lão;
Lãy ở đây có nghĩa là làm bật tung ra. Muốn tìm cành cây mà lại đi tìm ở dưới cội cây. Cội cây tức là gốc rễ của cây. Và đó là cái khuyết điểm của một thiền sư tên là Cu Chi trưởng lão. Khá là rất, như trong từ khá tiếc. Cu Chi trưởng lão là một vị thiền sư đời Đường, đi tham học rất nhiều nhưng chưa thấy được đạo. Một hôm có một vị hòa thượng tên là Thiên Long tới thăm. Cu Chi trưởng lão mới đem những điều mình còn đang nghi hoặc ra hỏi. Hòa thượng không nói gì cả mà chỉ đưa lên một ngón tay, thì tự nhiên Cu Chi trưởng lão có cảm tưởng là mình hiểu được nên lạy xuống. Từ đó trở đi mỗi khi học trò hỏi một câu gì thì Cu Chi trưởng lão bắt chước thầy đưa một ngón tay lên! Có người thành công, có người thất bại.
Nghe đồn có một lần Cu Chi trưởng lão hỏi một chú sa di rằng: “Bụt là cái gì?” thì thay vì trả lời, chú sa di đó đưa một ngón tay lên. Thầy nắm lấy ngón tay đó rồi cầm dao cắt ngón tay đi! Sư chú hét lên, sợ quá và bỏ chạy. Thầy đuổi theo. Đuổi tới một nơi đó thầy kêu: “Sư chú! Đứng lại!” Chú quay lại để xem thầy có ngừng lại không. Nếu có thì mình ngừng, nếu không thì mình phải chạy, mình đâu có làm được như Bụt với anh chàng Angulimala! Khi quay lại, chú thấy thầy dừng lại, và thầy hỏi: “Bụt là cái gì, nói nghe coi?” Sư chú không dám đưa ngón tay lên nữa. Rồi thầy đưa ngón tay lên, lúc đó ở trong chú sa di có một ước muốn rất mạnh là muốn đưa ngón tay lên nhưng chú sợ. Rốt cuộc chú cũng đưa ngón tay lên! Lúc đó thầy gật đầu, và coi như chú thấu hiểu được thiền cơ.
Hình như ngón tay của chú sa di bị đứt hoặc bị chảy máu, cho nên đời sau khi nhắc tới Cu Chi trưởng lão người ta nói rằng trong đó còn có một cái gì đó bị kẹt, vì vậy trong câu này mới nói còn khá tiếc Cu Chi trưởng lão. Có một lần Cu Chi trưởng lão tuyên bố rằng: “Ngày xưa thầy Thiên Long cho tôi một ngón tay mà tôi giữ ăn hoài suốt đời không hết.” Ăn ở đây là nuôi dưỡng sự tu học của mình.
Quay đầu chớp bóng, ắt kham cười Diễn-nhã-đạt-đa
Quay đầu chớp bóng: Nhìn vào gương thấy mình, nhưng quay đầu lại thì không thấy mình nữa, và nghĩ rằng mình không có cái đầu. Ắt kham cười Diễn-nhả-đạt-đa. Kham cười là đáng cười.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Bụt có dạy thầy A Nan rằng ở trong thành phố Vaisali, có chàng Diễn-nhã-đạt-đa hơi khùng khùng. Một buổi sáng đó anh ta vào súc miệng, nhìn vào gương thấy khuôn mặt của mình có hai con mắt ngó cũng được, có lỗ mũi ngó cũng được, có cái miệng ngó cũng được, và khi cười lên thấy cũng được, cho nên anh vui lắm, thấy mình có cái đầu xem ra ngó cũng được. Đánh răng xong, quay lưng lại, anh không thấy cái đầu của mình đâu nữa! Trong lúc hoảng hốt, anh cho rằng mình mất cái đầu rồi! Đó là tại anh quay lưng lại, không nhìn vào tấm gương nên không thấy cái đầu của mình, nhưng anh đã không nghĩ như vậy, anh chỉ nghĩ là cái đầu của mình mất, nên anh chạy ra xóm để tìm cái đầu của anh! Chúng ta cũng vậy. Chúng ta có tánh giác, có cái tính sáng trong người, nhưng chúng ta cứ tưởng rằng mình không có, cho nên chúng ta cũng cứ chạy đi tìm! Đó là sự u mê. Sự u mê đó không phải chỉ có ở anh chàng Diễn-nhã-đạt-đa.
Lọt quyển kim cương, há mặt hầu thông nên nóng; nuốt bồng lật cức, nào tay xước phải tượng da -
Quyển kim cương là một cái vòng nhỏ bằng kim cương. Nếu ta là bậc anh hùng thì ta phải chui qua được cái vòng kim cương đó.
Cư sĩ Diêm Kỳ ngày xưa có hai câu thơ:
Thấu đắc kim cương khuyên,
Thôn đắc lật cức bồng.
Bồng là một quả gai hơi giống trái chôm chôm, nhưng gai chôm chôm thì mền, cho nên ta có nuốt cũng không sao. Lật cức là tên một trái cây. Lật cức bồng là vỏ của quả lật cức, rất nhiều gai. Nếu là anh hùng hảo hán thì ta có thể nuốt được quả gai lật cứt đó. Thấu đắc kim cương khuyên, thôn đắc lật cức bồng, tức là những cái khó làm mà ta làm được, như con ngựa mà có thể chui qua lỗ trôn kim.
Thầy A Nan được thầy Ca Diếp nói rằng: “Nếu thầy giác ngộ rồi thì chun qua lỗ khóa mà đi vào trong đại hội, cần gì tôi phải mở cửa?” Điều đó có nghĩa là: cái vô cùng lớn nằm trọn trong cái vô cùng nhỏ, tức là thấu được tính tương tức, không thấy cái gì ở trong, cái gì ở ngoài. Thường thường chúng ta nói cái lớn phải nằm ở ngoài, cái nhỏ phải nằm ở trong. Nhưng nếu đạt được cái thấy của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta có thể thấy được cái tất cả nằm ở trong cái một, và cái một nằm ở trong cái tất cả; cái vô cùng lớn nằm ở trong cái vô cùng nhỏ, và cái vô cùng nhỏ chứa đựng cái vô cùng lớn. Một vị thiền sư đời Lý có nói rằng:
Càn khôn tận thị mao đầu thượng.
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Nghĩa là cả trời cả đất đều có thể đặt gọn trên một sợi tóc; cả mặt trời mặt trăng đều có thể nhét vào trong một hạt cải. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ cũng có nói “nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.”
Cho nên tuy con người của ta là lớn như vậy so với vòng kim cương nhỏ mà ta vẫn chui lọt qua được. Nếu vỏ của quả lật cức lớn và gai góc mà ta có thể nuốt được là tại ta đã thấy được cái một trong tất cả, và tất cả trong cái một: mặt trời, đám mây, người làm vườn, v.v... đều đi vào trong bông hoa,.. đó là lý tương tức.
Lọt quyển kim cương há mặt hầu thông nên nóng. Nếu ta chui qua được cái vòng bằng kim cương nhỏ xíu, thì cái khó khăn đó đâu có đủ để làm cho ta phải sợ hãi, phải nóng lòng. Chữ mặt ở đây giống như chữ “mặt anh hùng” tức là kẻ anh hùng. Hầu có nghĩa là sắp, thông có nghĩa là đủ.
Nuốt bồng lật cức, nào tay xước phải tượng da. Xước, bây giờ là sướt, tức là sự quào cấu trên da thịt của mình. Nuốt được quả có gai thì sợ gì những vết trầy sướt trên da thịt chứ?