Không khí 20/11 năm nay đang rộn ràng khắp nơi, BBT website Trúc Lâm Yên Tử xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc đôi điều gửi gắm của thiền sư Nhất Hạnh tới các thầy cô giáo, bằng tuệ giác của sự tu tập, hành trì, bằng trải nghiệm của tự thân qua bộ sách "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới" mà NXB Thái Hà Books đã in, và dưới đây xin trích một phần.
(Lời BBT)
Thư pháp Nhất Hạnh. Nguồn: langmai.org
“Là một nhà giáo, tôi rất yêu nghề. Là những thầy giáo, cô giáo, chắc hẳn quý vị cũng yêu nghề. Chúng ta đều muốn đào tạo ra những con người lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và cho xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc hành tinh yêu quý của chúng ta. Tôi có rất nhiều may mắn vì những người trẻ đến với tôi đều có cùng một ước muốn chuyển hóa tự thân, sống hạnh phúc và giúp cho những người khác cũng sống hạnh phúc như mình. Mỗi khi vào lớp, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì giữa thầy trò có sự cảm thông, có tình huynh đệ, điều này giúp cho việc trao truyền và tiếp nhận trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi hỏi thăm các học trò của tôi về đời sống của họ và tôi cũng kể cho họ nghe những khó khăn cũng như những ước mong của tôi, vì vậy luôn luôn có sự kết nối giữa thầy và trò.
Những khó khăn trong công tác giáo dục
Chúng ta biết những người trẻ và các bậc phụ huynh trong thời đại chúng ta có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau trong lòng. Cha mẹ không truyền thông được với nhau hay giữa cha mẹ và con cái không dễ dàng nói chuyện được với nhau. Trong lòng những người trẻ luôn có sự cô đơn, trống vắng và chúng tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng ấy bằng những trò chơi điện tử, phim ảnh, nghiện ngập hay những thú tiêu khiển độc hại. Khổ đau trong lòng những người trẻ càng nhiều thì công tác giáo dục càng trở nên khó khăn. Là những thầy giáo, cô giáo, chúng ta cũng có những khó khăn. Chúng ta đã luôn cố gắng nhưng môi trường sống và làm việc của chúng ta quá nhiều khó khăn. Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Có phải là do chúng ta chưa có đủ kiên nhẫn, hiểu biết, thương yêu và tươi mát để xử lý những khó khăn này? Có phải là chúng ta đang cần một đường hướng tâm linh cụ thể để giúp chúng ta chuyển hóa tự thân và sau đó giúp chuyển hóa những người thương đang sống quanh mình? Bởi vì khi chúng ta chưa thay đổi được tự thân thì chúng ta khó lòng giúp được những người khác làm vơi bớt khổ đau của họ. Một khi chúng ta đã có được sự thành công trên con đường chuyển hóa,chúng ta sẽ trở nên vui tươi hơn, từ bi hơn và ta sẽ có khả năng giúp cho những người xung quanh cũng làm được như vậy.
Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là trở về với tự thân chúng ta. Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm. Trở về để chăm sóc chính mình. Chúng ta cần học cách chế tác niềm vui, cách xử lý những cảm thọ khó chịu hay lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau trong mình để có thể hiểu được, thương được và nhờ vậy, khổ đau cũng từ đó mà được vơi nhẹ.
Thực tập chánh niệm là phải vui. Đó là một nghệ thuật sống. Với niệm, định và tuệ, ta có thể chế tác niềm vui bất cứ khi nào ta muốn. Cũng với năng lượng chánh niệm, ta có thể ôm ấp và xử lý những nỗi khổ, niềm đau. Thiếu năng lượng chánh niệm này, ta sẽ cảm thấy sợ hãi mỗi khi đối diện với những nỗi khổ, niềm đau đang tràn ngập trong lòng ta. Chánh niệm là nguồn năng lượng giúp ta có mặt trọn vẹn ngay bây giờ và ở đây, giúp ta tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trong hình hài, cảm thọ, tâm ý và trong vũ trụ này. Từ đó, ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống để ta được nuôi dưỡng và trị liệu. Khi ta thở vào, thở ra có ý thức là ta đang thở chánh niệm. Khi ta đi trong ý thức là ta đang thực tập thiền đi. Khi ăn sáng trong chánh niệm là ta đang thực tập thiền ăn. Ta không cần phải ngồi suốt ngày trong thiền đường mới gọi là thực tập thiền. Chúng ta có thể thực tập mọi nơi, ngay cả khi đang tắm, đang lái xe, hay đang tập trung cho một dự án, một công việc tại công sở, hay trong những mối quan hệ với mọi người xung quanh. Năng lượng chánh niệm được chế tác bằng những hơi thở ý thức hay những bước chân chánh niệm. Chánh niệm giúp ta đem tâm trở về với thân và một khi thân tâm đoàn tụ thì ta đang thực sự an trú trong phút giây hiện tại.
Những mầu nhiệm của sự sống chỉ có mặt trong giây phút đó. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, sự sống chỉ thật sự có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chánh niệm giúp ta nuôi lớn chánh định. Với niệm và định thì tuệ giác cũng được phát sinh. Thở vào một hơi thở ý thức, ta sẽ khám phá ra những điều vô cùng đơn giản mà thiết yếu, như cái thấy rằng ta đang còn sống và đang có một hình hài. “Ta biết là ta đang có một hình hài”, đó đã là một tuệ giác rồi. “Thở vào, ta biết ta đang còn sống, còn sống là một mầu nhiệm, mầu nhiệm lớn nhất trong tất cả những mầu nhiệm.” Những người đã chết thì đâu có thể thở được nữa. Thở ra, ta có thể ăn mừng sự sống rằng phổi ta còn khỏe để thở vào, chân ta còn mạnh để có thể bước đi, có thể chạm lên đất Mẹ.
Cuộc sống ngày nay tuy có nhiều phương tiện truyền thông như điện thoại thông minh, mạng xã hội… nhưng càng ngày thì sự truyền thông giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái, thầy cô giáo và học sinh… lại càng trở nên khó khăn. Điều đó nói lên rằng phương tiện truyền thông hiện đại không hề giúp ta truyền thông tốt hơn. Nếu ta không trở về tiếp xúc với tự thân để thấy được đâu là nguyên nhân của những sợ hãi, giận hờn và nỗi khổ, niềm đau trong ta, thì làm sao ta có thể truyền thông được với chính mình? Và một khi ta không thể truyền thông với tự thân thì làm sao ta có thể truyền thông được với những người khác? Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải. Trước tiên, chúng ta cần có mặt và hiểu được hình hài, cảm thọ, tri giác và khổ đau của chính chúng ta. Chánh niệm giúp ta có khả năng đối diện và hiểu thấu những khổ đau trong ta mà không phải trốn chạy hay tìm cách khỏa lấp chúng. Tiếp đến, thầy cô giáo có thể ngồi lại với học sinh của mình để cùng chia sẻ những khó khăn nằm sâu bên trong mỗi người. Một khi học sinh đã cảm thông được những khó khăn của thầy cô giáo rồi thì các em sẽ không tiếp sức làm cho những khó khăn ấy lớn thêm. Cũng vậy, một khi thầy cô giáo đã lắng nghe được những khó khăn của học sinh, thầy cô giáo sẽ biết cách để giúp cho các em bớt khổ. Khi đó lớp học sẽ trở thành một không gian chia sẻ hạnh phúc cho tất cả mọi người. Lắng nghe với tình thương và sự cảm thông giúp cho người kia trải hết lòng ra. Đó là thực tập của Bồ tát Quán Thế Âm, chỉ lắng nghe thôi, không phán xét, không phản ứng. Trong vòng nửa giờ đồng hồ lắng nghe,chúng ta đã có thể làm vơi nhẹ khổ đau trong lòng của người kia.
Ăn cơm có canh, tu hành có bạn
Chúng ta phải nghĩ tới việc xây dựng tăng thân, tức là một đoàn thể trong đó có những đồng nghiệp hay những người làm việc trong trường học, có thể là 3 hay 4 người mà ta truyền thông được dễ dàng nhất. Chúng ta phải đến với nhau để có thể tiếp tục sự thực tập, thực tập không phải với tính chất một cá nhân hay một gia đình mà là với tính chất một đoàn thể. Chúng ta có thể cùng đi thiền, cùng uống trà hay thực tập thiền buông thư với nhau. Chúng ta hãy bắt đầu với một nhóm gồm những thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc. “Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Với tăng thân nhỏ bé đó ta có thể làm thay đổi cả tập thể của trường. Chúng ta có thể viết một lá thư: “Chúng tôi là một nhóm người, chúng tôi đã thực tập như vậy và đã đạt được nhiều sự chuyển hóa trong đời sống, trong việc làm cũng như trong lớp học. Chúng tôi nghĩ thật là tuyệt vời nếu quý vị cùng thực tập với chúng tôi”. Như vậy những đồng nghiệp khác cũng sẽ bắt đầu nếm được sự bình an, tình huynh đệ và sự buông thư đó. Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, tại vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và sự hòa hợp với nhau thì làm sao chúng ta giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành. Xây dựng tăng thân là một công tác cấp bách và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng.
Sau khi giác ngộ, việc đầu tiên Bụt đã làm là xây dựng một tăng thân. Ngài biết rất rõ là nếu không có tăng thân thì Ngài sẽ không hoàn thành được sự nghiệp của một vị Bụt. Giáo chức là một nghề rất cao quý, rất đẹp, rất đáng được kính trọng. Nhưng nếu không có một tăng thân thì chúng ta cũng không làm được gì nhiều. Vì vậy xây dựng tăng thân là một việc tối cần thiết! Các bạn thân mến, bộ sách “Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” trên tay các bạn là hoa trái của công trình biên tập và làm việc hết lòng của cô Katherine Weare - một nhà giáo dục và cũng là một người hướng dẫn chánh niệm - và những người học trò của tôi. Trong bộ sách này, rất nhiều giáo viên đã chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào họ có thể tưới tẩm những hạt giống tỉnh thức trong mình và trong mọi người để tạo ra những thầy giáo, cô giáo hạnh phúc có mặt trong các lớp học tại các trường phổ thông và đại học. Những thực tập và phương pháp trình bày trong này đều đã được chia sẻ trong các khóa tu dành cho giới giáo chức đã được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới. Cô Katherine, với tuệ giác và kinh nghiệm giảng dạy lâu năm của mình, đã thu thập và trình bày lại một cách rõ ràng, dễ hiểu để chúng ta có thể áp dụng được vào đời sống của chúng ta cũng như trong các lớp học. Mong sao tất cả chúng ta có đủ thời gian và cơ hội để cùng nhau thực tập những điều này.
Chúc các bạn thưởng thức được sự thực tập của mình.”
Thích Nhất Hạnh