Phật giáo Hạ Long với công tác xã hội hóa, trùng tu xây dựng


Toàn văn bài Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hạ Long tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Ninh lần thứ V, nhiệm kì 2022 - 2027

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa Đại hội!

Hôm nay, trong không khí trang nghiêm, đoàn kết, con rất vui mừng được tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Ninh lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Lời đầu tiên, xin trân trọng kính chúc chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, quý vị lãnh đạo cùng toàn thể đại biểu sức khỏe và an lạc.

Trước tiên, con hoàn toàn nhất trí với Báo cáo công tác Phật sự nhiệm kỳ IV (2017 - 2022), phương hướng công tác Phật sự nhiệm kỳ V (2022 - 2027) của đoàn chủ tịch trình bày trước Đại hội. Với tinh thần hòa hợp và đoàn kết, con xin đóng góp ý kiến về nội dung: “Phật giáo Hạ Long với công tác xã hội hóa, trùng tu, xây dựng”.

 

Kính thưa Đại hội!

Phật giáo Việt Nam hơn 2.000 năm qua đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Người đệ tử Phật luôn lấy tinh thần từ - bi - hỉ - xả để phục vụ nhân dân, lấy tư tưởng “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” để hòa nhập vào mọi tầng lớp xã hội, góp phần tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ và phát triển đất nước. Từ đó, ngôi chùa của Phật giáo không chỉ là nơi tu hành của Tăng Ni, mà còn là nơi sinh hoạt tâm linh, văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục, từ thiện… của quảng đại quần chúng nhân dân. Thậm chí, những lúc gian nguy như chiến tranh, ngôi chùa là nơi nuôi giấu cách mạng, nhiều Tăng Ni xung phong “cởi cà sa, khoác chiến bào”. Hoặc những lúc thiên tai dịch bệnh, chẳng hạn như 2 năm Covid vừa qua, nhiều chùa đã trở thành nơi điều trị bệnh nhân, nhiều Tăng Ni đã tình nguyện “cởi áo nâu sòng, khoác áo blue trắng” để xông pha lên tuyến đầu chống dịch. Vì vậy, công tác trùng tu, xây dựng chùa chiền, di tích là vô cùng quan trọng trong sứ mệnh làm tốt đời đẹp đạo của Phật giáo.

Hiện nay, Phật giáo Hạ Long có tất cả là 19 ngôi chùa đã được đưa vào danh mục kiểm kê, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, có 5 ngôi chùa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh là chùa Long Tiên, chùa Lôi Âm thượng, chùa Lôi Âm hạ, chùa Phúc Khánh, chùa Thanh Vân. Ngoài ra, còn vài phế tích chùa đang hoàn thiện hồ sơ để được đưa vào danh mục kiểm kê xếp hạng di tích.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều chùa, di tích đã được trùng tu, xây dựng khang trang, tố hảo bằng nguồn vốn xã hội hóa hàng chục tỷ đồng. Cụ thể có chùa Lôi Âm hạ, chùa Quang Nghiêm, chùa Minh Tâm, chùa Tiêu Dao, chùa Phúc Khánh, chùa Thiên Quýt, chùa Đồng Chùa, chùa Minh Đức, chùa Tiên Công, chùa Vân Phong. Đặc biệt, có chùa Long Tiên tuy không xây dựng thêm công trình mới, nhưng Tăng Ni và Phật tử của chùa đã tích cực phát tâm ủng hộ ra xây dựng chùa Trúc Lâm Cô Tô. Đây là công trình vô cùng ý nghĩa cho công cuộc giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

Một số chùa khác thì đang trong quá trình làm hồ sơ quy hoạch xin cấp giấy phép xây dựng như: chùa Hàm Long, chùa Hợp Long, chùa Bồ Đài, chùa Giàu, chùa Thiên Bang, chùa Thủy Liêm, chùa Thanh Vân. Có những chùa đã mất rất nhiều năm mà vẫn làm chưa xong thủ tục đất đai và quy hoạch xây dựng. Hi vọng trong nhiệm kỳ tới, tất cả các chùa trên địa bàn thành phố đều sẽ làm xong các thủ tục để tiến hành xây dựng, trùng tu.

Ngoài ra, các Phật sự xây dựng khác như tạo tượng, đúc chuông cũng đã được nhiều chùa tiến hành thường xuyên. Nhân dân và Phật tử được đi dự các buổi lễ đúc tượng, đúc chuông thì vô cùng hân hoan, phấn khởi.

Hầu hết kinh phí xây dựng, trùng tu các di tích, các ngôi chùa đều là nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, từ nhân dân và Phật tử thập phương. Trong đó, có một phần không nhỏ là công sức đi cúng, đi lễ của Tăng Ni trụ trì tích cóp lại mà được. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, vì dịch bệnh Covid -19 hoành hành, kinh tế khó khăn, nên việc vận động xã hội hóa hầu như bằng không. Nhiều chùa đang xây dựng dang dở, bị rơi vào cảnh nợ nần tiền công thợ, tiền vật liệu xây dựng, Tăng Ni trụ trì đôi lúc cũng thành con nợ mà cảm khái than rằng “xây chùa là để cho dân, bao nhiêu nợ nần là để cho sư”. Ấy vậy mà Tăng Ni của Phật giáo Hạ Long ai cũng nhiệt tình chăm lo xây dựng chùa cảnh. Bởi lẽ, Tăng Ni nào cũng đã thấm nhuần tư tưởng “phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”.

Kính thưa toàn thể quý vị!

Phật giáo Hạ Long trong 5 năm qua, nhìn chung đã làm tốt công tác xã hội hóa, trùng tu, xây dựng chùa chiền, di tích trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, đâu đó vẫn còn xảy ra những sai sót là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, vẫn còn một vài vướng mắc làm cho công tác xây dựng gặp khó khăn. Vì vậy, con xin có 3 ý kiến như sau:

Một là: thủ tục cấp giấy sử dụng đất của vài chùa đang bị vướng mắc. Hồ sơ thủ tục phức tạp nên nhiều vị Tăng Ni không thể nắm bắt hết được. Đề nghị Ban Trị sự nhiệm kỳ mới, phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng của tỉnh, của thành phố để giúp Tăng Ni trụ trì hoàn thành hồ sơ.

Hai là: hồ sơ quy hoạch tổng thể phục hồi, tôn tạo di tích là rất phức tạp, khó làm. Thường là mất 3- 4 năm mới làm xong, có chùa còn mất 6 -7 năm mới xong. Nhiều chùa có nhân duyên xin được nhà tài trợ xây chùa mà chờ hồ sơ phê duyệt lâu quá nên người ta không tài trợ nữa. Đề nghị Ban Trị sự nhiệm kỳ mới kiến nghị với lãnh đạo tạo điều kiện cho các chùa làm hồ sơ càng nhanh càng tốt, lược bỏ đi những phần không thật sự cần thiết.

Ba là: trong những năm qua, có nhiều đối tượng lạ đến địa bàn thành phố để vận động xây chùa không rõ nguồn gốc, có thể là lừa đảo. Đề nghị Tăng Ni và Phật tử đề cao cảnh giác, mạnh dạn gọi báo công an. Thông thường là chúng ta dễ dãi cho qua, nhưng càng dễ dãi càng xuất hiện nhiều người lừa gạt quần chúng Phật tử.

Cuối cùng, một lần nữa, kính chúc Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành.

Kính chúc quý vị lãnh đạo cùng toàn thể đại biểu mạnh khỏe, an lạc, thành đạt.

Kính chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!


Tin cùng chuyên mục