Nét đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử


TLYT - Thiền phái Trúc Lâm thể hiện đậm bản sắc dân tộc ở chỗ, sau khi đánh đuổi quân xâm lược, đất nước thái bình thì các Thiền sư trở về với việc tu hành và nghiên cứu để đưa hiểu biết của mình đến với người dân. 

Dầu ai quyết chí tu hành
Có lên Yên Tử mới đành lòng tu 

1. Sự hình thành
 
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam tự hào đã xây dựng cho riêng mình một thiền phái tôn giáo mang đặc trưng riêng có của con người Việt Nam. Đó chính là Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, một thiền phái nhân văn và gần gũi với cuộc sống của người dân, do một vị vua Triều Trần khai mở và phát triển, Ông là vị vua thứ ba triều đại Nhà Trần, Trần Nhân Tông. Ở Ông, không chỉ được biết đến là vị vua anh minh, một anh hùng dân tộc mà còn là một nhà tu hành mẫu mực. Trên cơ sở thống nhất các thiền phái từ bên ngoài truyền vào thành dòng thiền riêng do vua Trần Thái Tông thực hiện, Ngài Trần Nhân Tông đã hoàn thiện dòng thiền Trúc Lâm, mở ra tông phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. 
 
Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, trước khi đi tu, Ngài trị vì đất nước 15 năm (1278 – 1293), làm Thái thượng hoàng 15 năm. Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, Ông xuất gia tu hành tại Ninh Bình, sau đó đến tu tại Yên Tử, Quảng Ninh. Tại đây, Ngài đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông được nhân dân gọi cung kính là “Phật Hoàng”. Chính Ông là người đầu tiên khơi nguồn, đặt nền móng và hướng đạo, phát triển tư tưởng Phật giáo, tổ chức giáo hội, đào tạo tăng ni, phật tử. Với việc lập ra phái Trúc Lâm và thống nhất toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối,“Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử”(1).  
 
Xét theo dòng truyền Yên Tử thì Đại Đầu đà Trúc Lâm thuộc thế hệ thứ sáu, Ngài đã thống nhất 3 thiền phái: Tỳ ni Đa lưu chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành thiền phái Trúc Lâm, trở thành Sơ Tổ của Thiền phái. Xét sâu xa, người có công đặt nền móng thiết lập cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển, thể hiện bản sắc dân tộc là vua Trần Thái Tông, nhưng người khai sáng và làm rạng danh thiền phái là vua Trần Nhân Tông. Từ đây, Việt Nam thực sự đã có một dòng thiền Phật giáo của người Việt, do chính người Việt làm Tổ. 
 Vườn tháp Yên Tử
2. Nét đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
 
Cũng như các triều đại phong kiến trong lịch sử, đối với Nhà Trần, trong buổi đầu mới thành lập, việc xây dựng một nền văn hóa trong đó có tôn giáo mang bản sắc riêng, thoát khỏi sự lệ thuộc về ý thức hệ với nước ngoài, làm công cụ thống nhất quyền lực và duy trì trật tự xã hội đã đặt ra vô cùng cấp bách. Với mục đích đó, về mặt tôn giáo, nhà Trần đã lựa chọn Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng thay đổi nội dung của các Thiền phái trước đây để đáp ứng các yêu cầu của đất nước. Khác với các thiền phái khác, Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt mang đậm tinh thần nhập thế, muốn tìm con đường giác ngộ không phải từ bỏ thế gian này mới giác ngộ được. Với tinh thần đạo pháp thì người con Phật càng phải dấn thân vào cuộc sống, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, nhưng khi thanh bình thì vẫn trở về với cuộc sống tu hành thoát tục.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã mang đầy đủ những đặc điểm ấy. Bằng sự chứng ngộ Thiền lý sâu xa, Trần Nhân Tông đã lấy tôn chỉ: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”(2) làm chủ đạo, kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người học Phật hiểu sâu kinh điển, chuyển lời kinh chết trong sách thành những bài kinh sống nơi con người. Thực tế, thời gian Ngài xuất gia đến khi viên tịch không dài, nhưng trong những năm đó, ngài đã lấy tinh thần Phật giáo nhập thế, “từ bi hỉ xả” cứu độ chúng sinh bằng cách phát triển đạo pháp, dân tộc cùng hoà hợp, từ vua Trần Thái Tông đến các vua Thánh Tông…tạo nên mạch truyền thống và sự phát triển bền vững của đạo Phật thời Trần, tính gắn kết mật thiết giữa dân tộc và tôn giáo, giữa chính quyền và thần quyền, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển xã hội. 
 
Thiền phái Trúc Lâm còn thể hiện đậm bản sắc dân tộc ở chỗ, sau khi đánh đuổi quân xâm lược, đất nước thái bình thì các Thiền sư trở về với việc tu hành và nghiên cứu để đưa hiểu biết của mình đến với người dân. Đây là tinh thần nhập thế mà các thiền phái trước chưa thực hiện được, chính tinh thần này đã tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt và đã đưa Phật giáo phát triển đạt tới đỉnh cao trong lịch sử Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm đã kết hợp khéo léo giữa lý tưởng Quốc gia và Phật đạo, vốn là khía cạnh của lý tưởng tôn giáo đại đồng. Tư tưởng Tam giáo đồng qui thực sự cũng được hỗ trợ bởi một lý tưởng tôn giáo như thế. Trần Nhân Tông đã chủ trương đưa thiền phái tích cực dấn thân vào xã hội, xây dựng đất nước hưng vượng bằng từ bi, trí tuệ và đạo đức của Phật giáo. Ông kết hợp giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo; lấy lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và lợi ích chúng sinh là yếu tố cơ bản trong quá trình tu tập của mỗi người. Sáng được tâm là đạt yếu chỉ thiền, vì vậy người tu thiền cốt phải sáng được tâm của chính mình. Chính thái độ sống rất trí tuệ Phật giáo của Trần Nhân Tông vừa giải quyết vấn đề giải thoát của con người vừa giải quyết các vấn đề của quốc gia, xã hội. Như vậy, tông chỉ Thiền tông rất thực tế và gần gũi với con người, lấy “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”(3), nhằm đánh thức mỗi người tự sống vươn lên. Phật tức tâm, ai có tâm đều có Phật, không phân biệt nam nữ, trẻ già, người trong đạo hay ngoài đạo, là chân lý bình đẳng với tất cả. Thành Phật là thành ngay trong tâm mình, không phải thành ở trên núi cao, trên cõi trời xa xôi. Đó là lấy con người làm gốc, là tôn trọng người, nâng cao giá trị con người, nâng cao sức mạnh của dân tộc. 
 
Đặc biệt, điều dễ nhận thấy là, chữ Tâm luôn thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ các tác phẩm cũng như trong hành đạo của Ngài Nhân Tông. Chúng ta thấy hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được tiếp nối qua 23 vị thiền sư. Tuy nhiên danh sách chỉ là phần biểu hiện bên ngoài, chính “tâm Thiền” mới là mạch sống thật. Dù ẩn, dù hiện, thăng hay trầm, hễ có người tỏ sáng được tâm Thiền, là tiếp nối được mạch sống Tổ Tông. Đây chính là điểm cốt lõi tạo nên truyền thống Trúc Lâm và Nhân Tông đệ nhất tổ trong lịch sử Thiền phái nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Nhân Tông đã hiểu rõ “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” thì mọi sự được viên thông. Khi đó Phật là Nhân Tông, Tính là Nhân Tông, Tâm pháp cũng là Nhân Tông. Chữ Tâm trong tư tưởng Phật giáo Trần Nhân Tông là xuyên suốt để nhìn thấy ánh sáng giác ngộ, Nhân Tông đã nói: “Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm. Đạt một lòng thì thông tổ giáo”(4). Ngài Trần Nhân Tông cũng thể hiện rất rõ tôn chỉ của mình trong bốn câu kệ cuối của bài phú “Cư trần lạc đạo”: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/Đói cứ ăn no mệt ngũ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”; nghĩa là, người tu hành tùy duyên nhập thế để làm lợi ích cho đời, nhiều người chưa biết Phật pháp, chưa biết trong nhà của mình có báu vật mà khai thác.  
 
Có thể nói, Ngài Nhân Tông, từ ngôi vị Hoàng đế đến ngôi vị Phật hoàng, từ vương quyền đến thần quyền…trên phương diện nào thì con người Nhân Tông vẫn hiển hiện với tư tưởng, tình cảm của người con Việt, lấy vận mệnh đạo pháp và dân tộc hoà chung trong một bản trường ca là Phật giáo Nhập thế. Phật giáo là giáo lý giác ngộ chân thật, đó là một lẽ thật bình đẳng không phân chia ranh giới Việt Nam hay Nhật Bản, Ấn Độ....vì "tất cả chúng sinh đều có Phật tánh". Tuy nhiên, ở Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chúng ta thấy nổi bật những nét đặc trưng của tôn giáo mang đậm đà bản sắc của nền văn hoá dân tộc Việt Nam, không bị phụ thuộc, lai căng từ bên ngoài.  
 Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
3. Sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên tử sau Triều Trần 
Sau Trần Nhân Tông, các vị đệ nhị tổ Pháp Loa, tam tổ Huyền Quang đã nối tiếp truyền thừa, mở rộng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ miền non thiêng Yên Tử, tinh thần Trúc Lâm đã khởi phát và lan tỏa khắp nơi, đến nay đã, đang thu hút đông đảo người tham gia trên toàn thế giới. Sau thời đại của các vị vua nhà Trần, Trúc Lâm Yên tử tiếp tục song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Hơn 700 năm sau ngày Điều Ngự Giác Hoàng nhập Niết bàn, Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đã được hồi phục và phát triển mạnh mẽ bởi cách tu tập và triết lý vẫn mang đậm tính thời đại: Tu thiền chính là trở lại với tâm mình, đem tâm mình trở về từng giờ từng phút, sống với nội tâm thanh tịnh. Ngài chính là linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vĩnh viễn bất sinh bất diệt trong lòng hậu thế. "Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hoá Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình"(5).   
 
Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cuộc đời của Người có một vị trí, vai trò đặc biệt trong lịch sử của dân tộc ta, nhân dân ta mãi mãi khắc ghi công lao của Ngài trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, là người đã xây dựng và phát triển một thiền phái Phật giáo riêng có của người Việt. Người sống không phải vì tham vọng chính trị, mà chọn cho mình lối sống thanh cao và thoát tục, tu hành vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm, Thiền phái do Ngài khai mở và phát triển đã trở thành một thành tố quan trọng tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của thời kỳ Đại Việt lúc đó và được kế thừa, phát triển, hoàn thiện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa hiện nay. 

Nguyễn Đức Quỳnh 
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3.2015

---------------------------------------------
Tài liệu tham khảo: 
1. Núi Yên Tử, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Tiếng Việt
2. HT.Thích Thanh Từ, Thiền tông và kinh điển không hai, Vô Ưu, tập 7, tr.1
3. HT. Thích Thanh Từ, Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, tr.1
4. Trần Nhân Tông, “Cư Trần Lạc đạo”, Hội thứ sáu
5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử luận-Tập I, tr. 482