Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt


TLYT - " Đức Phật Thích Ca kiên quyết bác bỏ tín điều thần khải của kinh Veda và đẳng cấp Bà-la-môn là đẳng cấp tối thượng v.v…Ngài khẳng định mọi tiếng nói, kể cả tiếng Sanskrit chỉ có một giá trị quy ước, và mọi dân tộc đều nên dùng ngôn ngữ, văn tự của mình để tiếp cận giáo lý của Ngài. Theo Phật, tuyệt đối hóa những giá trị quy ước đó, kể cả quy ước về ngôn ngữ sẽ dẫn tới chủ nghĩa giáo điều, làm tê liệt mọi sáng tạo và nguy hiểm nhất là nó có thể dẫn tới tranh chấp, tranh cãi, thù địch."


1.            Truyền bá đạo Phật bằng tiếng nói của dân tộc và của địa phương mình như Đức Phật từng dạy.

Ai từng đọc sách sử nhà Trần, đều nhận thấy từ thời Trần Nhân Tông, trong vai trò là vị vua, Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm, Thái Thượng Hoàng, Ngài đã chủ trương sử dụng tiếng Việt trong việc truyền bá đạo Phật và trong văn tự hành chánh[1]. Do điều kiện khách quan của lịch sử, một thời gian khá dài, văn tự chữ Hán đã tầm ảnh hưởng trên lĩnh vực văn hóa, văn học nước nhà. Ngay cả trong tín ngưỡng tâm linh, việc dùng chữ Hán trong việc đọc tụng kinh Phật rất là phổ biến, vì có ý kiến cho rằng đọc tụng kinh Phật bằng âm Hán linh nghiệm hơn, dù nhiều khi tụng đọc không hiểu? Trong khi đó, Phật từng day là mỗi dân tộc hãy truyền bá đạo Phật bằng ngôn ngữ của địa phương mình, của dân tộc mình.

Luận tạng của các bộ phái khác nhau đều kể lại chuyện có hai Bà-la-môn đệ tử của Phật, muốn tụng kinh Phật theo truyền thống Bà-la-môn giáo, nghĩa là tụng kinh với giọng kéo dài và ngân nga như hát. Phật nói: “Đối với tôn giáo của ta, vấn đề không phải là lời nói hay. Nếu ý nghĩa và đạo lý được bảo đảm, thì ta tán thành. Phải giảng thuyết với những âm thanh khiến cho người nghe hiểu được. Do đó phải biết ứng xử tùy theo từng vùng và từng địa phương”.

Truyền bá đạo Phật ở Việt Nam, giữa những người Việt với nhau thì sử dụng tiếng Việt là hợp đạo lý và đúng theo lời dạy của đức Phật. Thiết nghĩ, mọi định kiến đề cao chữ Hán so với chữ Việt trong việc dịch kinh Phật và truyền bá đạo Phật ở Việt Nam không những trái ngược với lời dạy của Phật mà còn có sự trở ngại rất lớn trong việc truyền bá rộng rãi những chân giá trị của đạo Phật và cũng như việc phổ cập hóa Đại Tạng kinh Việt Nam vào trong quần chúng số đông.

Thực ra, tất cả mọi ngôn ngữ đều chỉ có giá trị quy ước: đó là quan điểm của đạo Phật. Chỉ có Bà-la-môn giáo và sau này là Ấn Độ giáo mới đề cao tiếng Sanskrit như một ngôn ngữ linh thiêng, vì tin là do Thần tạo ra. Họ lại nói sách Veda là do thần khải, cho nên mọi điều ghi trong sách Veda đều là chân lý tuyệt đối. Thí dụ điều ghi rằng đẳng cấp Bà-la-môn vì do từ miệng Thần sinh ra, nên phải là đẳng cấp tối cao trong xã hội Ấn Độ, còn đẳng cấp Sudra vì sinh ra từ lòng bàn chân của Thần cho nên suốt đời phải làm tôi tớ, nô bộc phục vụ cho các đẳng cấp khác.

Đức Phật Thích Ca kiên quyết bác bỏ tín điều thần khải của kinh Veda và đẳng cấp Bà-la-môn là đẳng cấp tối thượng v.v…Ngài khẳng định mọi tiếng nói, kể cả tiếng Sanskrit chỉ có một giá trị quy ước, và mọi dân tộc đều nên dùng ngôn ngữ, văn tự của mình để tiếp cận giáo lý của Ngài. Theo Phật, tuyệt đối hóa những giá trị quy ước đó, kể cả quy ước về ngôn ngữ sẽ dẫn tới chủ nghĩa giáo điều, làm tê liệt mọi sáng tạo và nguy hiểm nhất là nó có thể dẫn tới tranh chấp, tranh cãi, thù địch.

Đạo Phật cho rằng, mọi bàn luận xung quanh từ ngữ, mà tách rời nội dung đích thực của từ ngữ đó đều là vô ích, đều là bàn suông để mà chơi, sách Phật gọi là hý luận. Điều khó khăn là giữa ngôn ngữ và nội dung mà nó diễn đạt thường xen vào nhiều yếu tố gây nhiễu, như tình cảm, nỗi sợ hãi, lòng kiêu mạn v.v… Thực ra, ngôn ngữ là ngôn ngữ, ngôn ngữ không gây nhiễu, mà chính những thói quen, những cảm xúc, những định kiến phát khởi kèm theo ngôn ngữ đã làm tác dụng gây nhiễu. Chính vì vậy đạo Phật khuyên chúng ta luôn luôn giữ thái độ bình thản, tỉnh táo, sử dụng ngôn ngữ nhưng không bị vướng mắc vào ngôn ngữ.

 

Tuy không tuyệt đối hóa ngôn ngữ, vì ngôn ngữ chỉ có một giá trị quy ước, thế nhưng coi nhẹ hay bỏ qua ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp, một phương tiện để diễn đạt tư duy và khái niệm lại là một sai lầm cực đoan khác. Nói tóm lại, đạo Phật tránh cả hai cực đoan. Một cực đoan là tuyệt đối hóa ngôn ngữ như là một cái gì thiêng liêng, như Bà-la-môn giáo đã linh thiêng hóa chữ Sanskrit hay là một số người Trung Quốc và Việt Nam hiện nay tuyệt đối hóa và linh thiêng hóa chữ Hán, đều là không phải. Nhưng coi nhẹ vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp, trong việc diễn đạt tư duy và khái niệm lại là một cực đoan khác. Thái độ cực đoan thứ hai dẫn đến nói và viết cẩu thả, không trong sáng, lấy cớ rằng ý tại ngôn ngoại, hay là dựa vào một vài câu nói của Lão Tử như: “Đạo khả đạo phi thường đạo”, (nghĩa là đạo mà nói được thì không phải là đạo thường) hay là một vài câu của Thiền Tông Phật giáo, như là câu của tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền” (Không lập văn tự, chữ nghĩa, Truyền đạo ở bên ngoài giáo lý… Ngay đối với các câu của Lão Tử và của một số Thiền sư, chúng ta cũng không được tuyệt đối hóa, cho rằng đó là chân lý bất di bất dịch, có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp.

Tóm lại, tuyệt đối hóa hay coi nhẹ vai trò của ngôn ngữ đều là sai lầm, đều gây trở ngại nghiêm trọng cho việc sử dụng tiếng Việt để dịch kinh Phật và truyền bá đạo Phật. Chữ Hán cũng như chữ Việt đều có quy chế ngôn ngữ quy ước như nhau, hoàn toàn không có lý do gì để chúng ta lại linh thiêng hóa chữ Hán, thực ra cũng là một dịch ngữ, cũng như chữ Việt ta, nghĩa là được dùng để phiên dịch các kinh sách Phật viết bằng cổ ngữ như Sanskrit, Pali…sang chữ Hán và chữ Việt mà thôi.

Việc dùng Hán-Việt để dịch kinh sách Phật từ chữ Hán sang chữ Việt và sử dụng đó là cần thiết, thậm chí có ích nữa, vì nó làm cho tiếng Việt ta được phong phú lên. Những từ ngữ như: Phật, Tam bảo, cúng dường, kính lễ, nghiệp, và rất nhiều từ ngữ khác đã hòa nhập vào kho từ ngữ Việt Nam như là nước với sữa rồi, được xem như là những từ đã Việt hóa. Điều này không bàn cãi nữa. Nhưng điều cần nói là lạm dụng từ Hán-Việt một cách không cần thiết, gây ngỡ ngàng, dẫn tới ngộ nhận thì không nên.

Gần đây, những đầu đề kinh Phật như Kinh Xà dụ được dịch là Kinh Ví dụ con rắn, Kinh Tượng đầu tinh xá được dịch là Kinh Tinh xá đầu voi, khi đọc lên ai cũng hiểu. Trường hợp có đầu đề kinh là Kinh Ô điểu dụ, có ý kiến cho rằng, đối với người không biết chữ Hán, bản thân đầu đề đã khó hiểu rồi, ô điểu là con ác hay con quạ? Còn nếu được dịch Kinh Ví dụ con quạ thì người đọc dễ hiểu hơn.

Hãy đọc một đoạn kinh sau, để tham khảo: -“Thời xưa, khi Chuyển Luân Vương muốn thử ngọc báo, liền cho tập trung bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xạ quân và bộ quân. Sau khi tập trung xong, vào lúc đêm tối, vua cho dựng cây tràng phan cao và đặt ngọc báu ở trên đó. Ánh sáng của ngọc chiếu sáng cả bốn loại quân, tỏa ra tận ngoài viên quán. Ánh sáng đó chiếu xa đến nửa do diên”.

Tất cả những từ in nghiêng đoạn kinh trên đều là từ Hán-Việt. Có ý kiến cho rằng những người không biết chữ Hán, thậm chí cả những người biết chữ Hán, nhưng chưa quen với từ ngữ nhà Phật cũng khó hiểu. Hiện nay, số người biết chữ Hán tương đối ngày càng giảm, so với các ngoại ngữ khác như là Anh, Pháp, Nhật v.v… Do đó mà việc dùng chữ Hán - Việt trong việc dịch kinh cần được hạn chế ở mức hợp lý. Độc giả đọc không hiểu sẽ chán, rồi không đọc kinh Phật nữa. Vấn đề đặt ra, là các nhà phiên dịch kinh tạng, học giả chuyển ngữ kinh Phật ra tiếng Việt khéo léo vận dụng tính trong sáng tiếng Việt trong việc phiên dịch kinh Phật từ chữ Hán hay từ chữ Pali và Sanskrit sang tiếng Việt sao cho ai đọc cũng hiểu.

2. Tinh thần sử dụng tiếng Việt trong việc dịch kinh sách Phật và truyền bá đạo Phật:

2.1. Mọi ngôn ngữ đều có giá trị quy ước, bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, kể cả các cổ ngữ Sanskrit và Pali, kể cả chữ Hán.

Phật giáo không như Ấn Độ giáo xem Sanskrit là ngôn ngữ thiêng liêng. Còn đối với người Việt Nam thì tiếng Việt là tiếng thích hợp nhất để dịch kinh Phật ra tiếng Việt, là phương tiện ngôn ngữ thích hợp nhất, hữu hiệu nhất để truyền bá và phổ biến đạo Phật, dù rằng trong kinh dịch, chúng ta vẫn có thể mượn một số từ Hán-Việt, mượn một số từ Pali và Sanskrit phiên âm ra tiếngViệt, với điều kiện là số từ mượn này không thể quá nhiều.

2.2. Một trong những đặc sắc ưu việt của đạo Phật là không giáo điều, rất uyển chuyển, không bị vướng mắc, nhất là vướng mắc vào ngôn ngữ.

Mọi Phật tử đều tâm đắc bài kệ này của Phật trong kinh Pháp Cú:“Dầu nói ngàn ngàn lời, Nhưng không gì lợi ích. Tốt hơn một câu nghĩa, Nghe xong, được tịnh lạc”. “Dầu nói ngàn câu kệ, Nhưng không gì lợi ích, Tốt hơn nói một câu, Nghe xong được tịnh lạc”

“Tịnh lạc” là niềm vui trong sáng, thanh tịnh. Nghe một lời, một câu kinh mà trong lòng khởi lên niềm vui trong sáng, thì nhất định người nghe phải hiểu được ý tứ của câu và lời đó. Tiếng nói, dù được tin là linh thiêng mấy đi nữa, nếu người nghe hay đọc mà không hiểu thì sẽ mất hết linh thiêng. Đấy chính là điều Phật răn chúng ta: Nói ngàn lời, tụng ngàn câu kệ mà không lợi ích gì…

Thế nhưng, trong Phật giáo có truyền thống gọi là truyền thống của đức tin, cho rằng, đức tin là gốc của mọi điều thiện, đức tin là sức mạnh thúc đẩy làm mọi điều thiện, sách Phật gọi là tùy tín hành. Từ truyền thống đức tin đó, mà có những chuyện như, đọc chú bằng chữ Phạn, hay đọc chú bằng âm chữ Hán, vì cho rằng chú là “bí truyền”. Vấn đề này, như là một pháp truyền thống, không bàn ở đây.

Mặt khác, trong sách Phật cũng có ghi lời Phật khuyên các học trò mình là chớ có tin lời Phật vì đó là lời Phật nói, mà hãy tin vì lời ấy hợp với đạo lý, nếu thực hành lời đó sẽ có lợi cho mình và cho người khác, có lợi cho cả hai; thực hành lời đó thì được người có trí tán thán, ca ngợi. Lần khác, Phật lại khuyên học trò đối với lời Phật dạy nên có thái độ như người thợ vàng thử vàng, đem nung đỏ lên, chặt ra từng khúc, thử xem đó là vàng thật hay giả v.v…

Tăng Chi bộ kinh tập I, có bài kinh mang tên là các vị ở Kesaputta. Trong kinh, có nói tới bộ tộc KalamasKesaputta. Đã từng có nhiều tu sĩ đến giảng đạo ở Kesaputta, người nào cũng cho đạo mình thuyết giảng là chân lý, còn đạo của người khác thuyết là sai lầm, những người Kalamas rất phân vân, bèn đem sự tình này hỏi Phật. Câu trả lời của Phật đáng cho chúng ta ghi nhớ: “Này các Kalamas, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình, chớ có tin vì đấy là truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói lại, chớ có tin vì điều ấy ghi trong kinh tạng, chớ có tin vì đó là lý luận siêu hình, chớ có tin vì điều đó nói theo một lập trường, chớ có tin vì điều đó là những dữ kiện hời hợt, chớ có tin vì điều đó hợp với định kiến có sẵn, chớ có tin vì điều đó là tiếng nói của nơi có quyền uy…Nhưng này, các Kalamas, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các điều này là điều ác, có tội, bị người trí chỉ trích, nếu chấp nhận và làm theo thì sẽ bất hạnh và đau khổ cho mình và cho người khác. Này các Kalamas, nếu tự mình biết như vậy thì hãy từ bỏ những điều ấy đi”, Phật nói tiếp: “Nhưng này các Kalamas, nếu tự mình biết các điều này là thiện, các điều này là không có tội, không bị người có trí chỉ trích, những điều này nếu chấp nhận và thực hiện thì sẽ đem lại hạnh phúc và an lạc cho mình và cho người khác. Nếu tự mình biết như vậy, thì hãy chấp nhận và hãy thực hiện. Vì đó là điều đem lại hạnh phúc và an lạc cho mình và cho người khác”

Đoạn kinh trích dẫn trên, chứng tỏ Phật rất tôn trọng khả năng lý trí và tự xét đoán phải trái của con người. Phật luôn khuyến cáo tất cả mọi người hãy tự mình suy nghĩ, tự mình phán đoán, như trong kinh nói tự mình làm nơi nương tựa cho chính mình, v.v…[2]

2.3. Hãy tự mình suy nghĩ, tự mình xét đoán, dù là lời Phật hay là lời của bất cứ đạo sư nào khác. Lời nói đó của đức Phật có giá trị thời sự nóng hổi ngay trong thời đại, khi có rất nhiều người cơ hội tự xưng mình là đạo sư, thành lập ra các giáo phái mang những tên rất kêu, cuối cùng dẫn hàng loạt người cả tin vào con đường sai lạc. Thế nên, sách Phật có bốn chữ đi kèm nhau rất hay: Tín, tức là tin, Giải tức là hiểu, lý giải, Hành tức là thực hành, Chứng là giác ngộ. Tin là quan trọng nhưng phải là niềm tin có giải, tức là có hiểu biết để thực hành theo.

2.4. Khi dịch kinh chữ Hán ra chữ Việt thì cần hạn chế chữ Hán Việt, nhất là Việt hóa các bản dịch tối đa để người Việt đọc và hiểu hết lời Phật dạy.

Tóm lại, đạo Phật yêu cầu mọi người học Phật, dịch kinh Phật đều phải có đầu óc rất thoáng, không những phải y vào giáo mà còn phải y vào lý, không những phải y vào ngữ (ngôn ngữ) mà còn phải y vào nghĩa, không những phải y vào người nói kinh mà còn phải y vào pháp mà người ấy nói. Tức là theo lời răn của người xưa: “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ”.

3. Chủ trương truyền bá đạo Phật bằng tiếng Việt của Phật hoàng Trần Nhân Tông và về sau

Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba nhà Trần, cũng là Sơ Tổ Thiền Trúc Lâm. Các bài thơ chữ Hán của vua chứng tỏ vua có một trình độ Hán học uyên thâm, nhưng điều đặc sắc là vua đã để lại nhiều bài văn Nôm, trong đó có bài phú Cư trần lạc đạo, một bài phú Nôm nói về giáo lý đạo Phật. Trong bài, đơn cử có những câu rất Việt như:“Bụt ở trong nhà, Chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bổn, nên ta tìm Bụt, Đến biết hay chỉn Bụt là ta” (Hội 5, các câu 53, 54, 55, 56)

Ở đây, giá trị triết lý của mấy câu phú trên, là khẳng định Phật chính ở trong lòng mình, không ở đâu xa. Hơn nữa, chính Phật là mình. Phải chăng đó là tột đỉnh của cuộc cách mạng tư tưởng trong Phật giáo Đại thừa. Trên bình diện ngôn ngữ tiếng Việt, tác giả Trần Nhân Tông, một người có trình độ Hán học cao, mà cũng dùng những từ rất Việt như chữ khuấy thay cho chữ quên, chữ chỉn thay cho chữ chính, mặc dù hiện nay chúng ta nói chính thay vì chỉn.

Các câu:“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi tới Tây phương. Di Đà là tính lặng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”. (Hội 2 các câu 21, 22)

Một lần nữa, chúng ta không dừng lại ở giá trị triết lý của hai câu trên, khẳng định Phật A Di Đà chính là cái tâm trong sạch của mình. Vì tâm trong sạch cho nên soi sáng, cũng như A Di Đà là ánh sáng hào quang vô lượng…Điều đáng nói, là hai từ rất Việt là lặng soi, trong khi các bản Việt dịch hiện nay lại thích dùng hai chữ rất Hán là tịch chiếu. Hay là những từ Cầm giới hạnh. Nếu hiện nay thì nói là chữ giữ giới hay trì giới, nhưng Trần Nhân Tông đã dùng từ rất Việt là cầm giới hạnh. Trần Nhân Tông dùng từ nghiệp miệng cũng rất Việt, thay vì hiện nay chúng ta ưa dùng từ khẩu nghiệp.

Ở các chùa chiền Việt Nam hiện nay, trong khóa lễ, Tăng Ni Phật tử thường tụng bài kinh ngắn Bát nhã Tâm Kinh và tụng bằng bản chữ Hán. Trần Nhân Tông cũng nói tới Kinh ấy nhưng lại dùng hai từ Kinh lòng, thay vì tâm kinh, như trong câu 112 của hội 8 bài phú Cư trần lạc đạo: “Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại, Kinh lòng hằng đọc”. Những từ như săn, trong săn hỷ xả, từ nhuyễn trong nhuyễn từ bi đều rất Việt.

Xem ra, khi sáng tác bài phú Quốc ngữ Cư trần lạc đạo, hay Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, phải chăng Trần Nhân Tông muốn chứng tỏ rằng: Tiếng Việt của chúng ta dù trong hoàn cảnh, môi trường sống nào, không chỉ có giá trị giao tiếp, chuyên chở đạo lý, mà còn dùng để diễn đạt những chân lý triết học cao siêu nhà Phật.

Sau Trần Nhân Tông, Huyền Quang, trong vai trò Tam Tổ Trúc Lâm cũng sáng tác bài Vịnh Vân Yên tự phú ca ngợi cõi Phật là cõi vô tâm, Mạc Đĩnh Chi sáng tác bài phú Giáo tử phú dạy con niệm Phật và hàng loạt thiền sư Việt Nam đã theo gương vua mà sáng tác hàng loạt tác phẩm Phật giáo bằng văn Quốc ngữ. Điển hình nhất là các Hòa Thượng Chân Nguyên và Toàn Nhật, dưới đời Hậu Lê và Tây Sơn, cùng nhiều học trò của hai ngài. Thiết nghĩ, vua Trần Nhân Tông thật sự đã muốn trong tương lai phổ biến đạo lý Phật không phải bằng chữ Hán mà bằng chữ Việt, theo đúng lời xưa kia của Phật Thích Ca là mỗi dân tộc phải truyền bá Phật giáo bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.

Rõ ràng, chủ trương truyền bá đạo Phật này, bắt đầu từ vua Trần Nhân Tông cách đây hơn 800 năm, đến nay vẫn không tiến triển được. Tại các chùa Việt Nam, rất nhiều kinh Phật vẫn được tụng bằng chữ Hán. Cho tới nay, chúng ta vẫn chưa phổ biến rộng rãi một nghi thức tụng niệm bằng tiếng Việt, với nội dung phù hợp với Tăng Ni Phật tử người Việt, mặc dù trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có chủ trương.

Thực tế, không ai cấm chúng ta dùng, thậm chí dùng nhiều từ chữ Hán-Việt, khi dịch hay là viết các bài tiếng Việt. Thế nhưng sử dụng không phải là lạm dụng. Cũng như kinh Phật, nếu dịch là Kinh Ví dụ con rắn, có ý kiến cho rằng không nghiêm trang bằng dịch Kinh Xà dụ, dịch là Kinh Tinh xá đầu voi, nghe không nghiêm bằng dịch là Kinh Tượng đầu tinh xá, nếu dịch là Kinh Ví dụ con quạ, thì nghe không trang trọng bằng dịch Kinh Ô điểu dụ. Tuy rằng khi dịch như vậy, dịch giả biết rõ là các từ Kinh Xà dụ khó hiểu hơn nhóm từ Kinh Ví dụ con rắn, dịch Kinh Tượng đầu tinh xá khó hiểu hơn là dịch Kinh Tinh xá đầu voi v.v...Biết rõ như vậy nhưng vẫn dịch như vậy, đó chỉ là do thói quen, do có suy nghĩ dùng từ Hán trang trọng, ưu việt hơn chữ Việt.

Hay trong khi giới thiệu và mời các Hòa Thượng, Thượng Tọa... lên hội trường, thì người mời thường xướng toàn chữ Hán: “Cung thỉnh quý vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, quý vị khách quý quang lâm hội trường”. Nói như vậy, không những dùng nhiều từ Hán - Việt mà ngay cả trong kết cấu của câu nói Hán-Việt, cũng tuân theo mẹo mực chữ Hán. Tuy nhiên, cũng đừng quá câu nệ ngôn từ, tiếng Hán nào đã bị Việt hóa đến độ phổ thông dễ hiểu thì thôi.

Mong sao tinh thần Việt hóa Kinh Phật mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương từ lâu sẽ tác động Tăng Ni Phật tử mạnh dạn hơn trong việc dùng tiếng Việt để tụng niệm hằng ngày, trong việc dịch và học Kinh Phật, trong sự nghiệp truyền bá đạo Phật ở Việt Nam, theo đúng lời dạy của đức Bổn Sư Phật Thích Ca Mâu Ni trong thời hội nhập.

TT. THÍCH PHƯỚC ĐẠT



[1] Xem Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng và Đại Việt sử ký toàn thư.

[2] Xem Kinh Du Hành trong Trường A Hàm, Kinh Đại Bát Niết Bàn trong Trường Bộ Kinh.