Lại nói về chuyện đốt vàng mã


TLYT - Theo các cơ quan chuyên ngành cho biết, đất nước ta hàng năm có khoảng 8.000 (nghìn) lễ hội lớn nhỏ. Trong đó, số lễ hội mới không nhiều, còn lại là các lễ hội truyền thống mang tính tâm linh.

Qua tìm hiểu cho thấy, hầu hết các lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Đây là thuộc tính của nền văn minh lúa nước ở châu Á, trong đó có nước ta. Lễ hội được chia làm hai phần (lễ và hội), phần nghi thức được coi là thao tác tâm linh, phần hội được xem như phần “xả” nên mới có câu “tả tơi ngày hội”.

Lễ hội truyền thống ra đời và được thẩm thấu từ hàng nghìn năm nay, có những lễ hội mang nét đẹp truyền thống Dân tộc không thể phủ nhận. Song, mỗi khi xuân về, nếu theo con số trên nước ta có khoảng (8 nghìn) lễ hội lớn nhỏ diễn ra, trong đó không ít lễ hội núp bóng “lễ hội văn hóa” thường mang lại nhiều tổn thất nặng nề về tinh thần dẫn đến bất an cho những người tin nó một cách mù quáng. Từ mù quáng dẫn đến cuồng tín, mê tín… và nhiều hệ lụy kéo theo làm bất ổn về an ninh xã hội.

Như chúng ta đã biết, nói đến mê tín dị đoan (một hàm nghĩa xấu) thì ai cũng thoái thác và tự nhủ là mình không có điều đó. Sự thật, người mê tín thì không biết mình đang bị mê tín. Bởi họ đâu có chánh pháp để đối chiếu so sánh thì làm sao biết sự sai lầm của mình.

Vậy chánh pháp là gi? Để trả lời thấu đáo câu hỏi này thì thật dài dòng, nhưng chúng ta hãy tạm hiểu khái quát ngắn gọn: “Chánh pháp theo Phật giáo là những điều xuất phát từ kim khẩu của Đức Phật nói ra, và sau đó là những điều mà Bồ tát, chư Tổ nhắc lại răn dạy dựa trên kinh điển phù hợp với Tam pháp ấn (1) của nhà Phật. Chánh pháp đối ngược vời tà pháp (tức mê tín dị đoan).

Vậy để nhận diện được chánh pháp chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là tà pháp (tức tà đạo mê tìn dị đoan). Theo từ điển Tiếng Việt (Nxb khoa học xã hội ấn hành 1969) cho rằng: “Tà đạo: 1/ là con đường không chánh đáng. 2/ tôn giáo khác với tôn giáo được coi là chính tông. Mê tín: lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc, hoặc gây ra tai họa. Ví dụ theo mê tín: quạ kêu là điểm báo nhà có người chết, tin một cách mù quáng. Và cũng theo từ điển này giải thích: dị đoan có nghĩa là điều mê tín quái gở”.

Còn theo từ điển Nho, Phật, Đạo của Lao tử - Thịnh Lê biên soạn (Nxb Văn học – 2001) thì cho rằng: “Mê tín theo thuật ngữ Đạo giáo cũng có nghĩa là mê tâm. Chỉ cho 10 thứ mê (thập mê): mê sự, mê lý, mê giáo, mê cảnh, mê khí, mê thần, mê tiên, mê chân, mê thánh. Là những thứ mê mà pháp lực của đạo nên bài trừ (tr 870). Cũng theo từ điển này, tà đạo: “là chỉ đạo thuật ngoài chính thống như vu cổ (đồng cốt) yêu pháp và một số phương thuật nào đó. Thời cổ cho hữu (bên phải) là tôn chính, chính đạo là hữu, bất chính là tả (trái – tức tà giáo). Lê Hữu Chế đã nói: “Dùng tà đạo để làm loạn chính trị thì phải giết”. Tự Trị Thông Giám cũng ghi rằng: “Năm Chánh Hòa hai, phương sĩ cùng bọn thần vu (đồng cốt) tu tập tại kinh sử đều dùng tà thuật để mê hoặc dân chúng làm đủ mọi chuyện”. Đủ biết tà đạo đã là “bàng môn tả đạo”, mê hoặc nhân tâm, nhiễu loạn chánh đạo, cho nên gọi là “bàng môn” và cũng chẳng phải chính tông” (tr.1223 từ điển trên).

Đọc lịch sử chúng ta thấy, thời Đức Thế Tôn còn tại thế, Ấn Độ có đến 96 tôn giáo lớn nhỏ. Ý thức được sự tác hại ghê gớm của tà đạo xâm nhập chánh pháp, ngay lúc còn tại thế: “Đức Thế Tôn đã lo ngại và luôn phòng ngừa những yếu tố độc hại của tà pháp gây nên không cho thâm nhập Phật giáo. Nhưng sau khi Ngài nhập diệt thì sáu thứ tệ đoan (2) chẳng những xâm chiếm dần toàn bộ Phật giáo mà ngày càng lộng hành hơn, nhưng tác hại của nó rốt cuộc cũng chẳng thể làm tổn thương hết bản chất chân thật của Phật giáo. (Theo Gs. Huston Smith – người Mỹ nghiên cứu Tôn giáo thế giới).

Trở lại vấn đề vừa nêu trên.

Vậy đốt vàng mã có phải là tà đạo và mê tìn không? Câu trả lời được hiểu theo hai khuynh hướng: nếu nhìn nhận ở khía cạnh văn hóa, thì đây là nét đẹp truyền thống. Theo cố Giáo sư vật lý Nguyễn Hoàng Phương cho rằng,  đốt vàng mã có nghĩa là gợi hình tư tưởng. Nếu vì một mục đích khác (tức thái quá theo tham, sân, si ngã mạn) thì đây là mê tín. Qua thực tế chúng ta thấy, việc đốt vàng mã trong các lễ hội truyền thống xưa, cũng như vào những ngày sóc vọng cúng tổ tiên của người Việt,  thì nghi thức này đã có mặt từ hàng nghìn năm nay. Việc đốt vàng mã (vài cách tiền vàng) được coi là “hình tư tưởng” để biểu hiện giữa người sống và người chết cũng như các thần linh, đây là thao tác tâm linh của tín ngưỡng dân gian. Song trên thực tế vấn đề này hiện nay đang bị thương mại hóa và trở thành dịch vụ cho tệ nạn mê tín dị đoan “ngóc đầu” hoành hành cả về vật chất cũng như tâm thức của con người thật đáng thương. Theo tác giả Thanh Tâm trên trang điện tử (VHPG) và phatgiao.org.vn) mới đây cho hay, hàng năm đất nước ta chi phí cho việc đốt vàng mã đã lên tới 16 tỷ đồng. Đây là con số làm giật mình biết bao người khi thấy số tiền người Việt chi cho vàng mã là khá lớn (theo con số Tổng cục Thống kê năm 2016 số tiền 16 tỷ VND) Từ con số này, Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường cho rằng: khoản chi tiêu cho đồ cúng của người Việt cao gấp 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em dưới 18 tuổi; và Tiến sĩ cũng cho biết: “Tín ngưỡng là quan trọng nhưng chi tiêu ra sao cho hợp lý cũng quan trọng không kém. Thay vì lãng phí quá nhiều tiền vào vàng mã hay đồ cúng, chúng ta nên mua thêm sách truyện cho trẻ nhỏ, và cũng theo ông Cường cần loại bỏ tục đốt vàng mã để tránh lãng phí”.

 
Ảnh minh họa: Internet 

Theo quan điểm Phật giáo, HT. Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Đốt vàng mã không có trong giáo lý đạo Phật, và HT nhắn nhủ: “Khi người dân thành kính, tri ân, chính là sự thành tâm, rằng bậc hiền nhân, người quá cố không dùng đồ của người trần gian thì tôi tin họ sẽ không mù quáng mà đốt thật nhiều đồ vàng mã. Còn việc bày tỏ lòng thành kính thì có thể hướng mọi người tụng kinh, niệm Phật, giúp người nghèo, làm việc thiện, việc có ích. Tôi tin như vậy không chỉ nuôi dưỡng tâm trong sáng mà chắc chắn ông bà, tổ tiên cũng vui vì việc làm của chúng ta”.

Từ thực tế nêu trên, ngày 22/2/2018 Trung ưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 31 đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Viêt Nam nêu rõ: “Đề nghị chư tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo.”

Có người đặt câu hỏi, phải chăng từ cơ chế thị trường đã thúc đẩy con người tham lam, sân hận và phóng dật? Chúng ta thử bình tĩnh hồi suy lại nét văn hóa lịch sử trước đây đôi chút, ta thấy việc đốt vàng tiền cũng diễn ra nhưng chỉ là dăm ba cách vàng, tiền là đủ. Bây giờ thời Đại văn minh sao người ta lại đốt tiền vàng nhiều đến vậy? Trao đổi xung quanh vấn đề này, trong buổi đối thoại giữa nhà báo Như Phong và Thượng tọa Thích Huệ Đăng trên trang (phatgiao.org.vn) mới đây Thượng tọa Thích Huệ Đăng cũng bày tỏ cho rằng “Ở Việt Nam mình bao nhiêu phần trăm theo Phật giáo, có phải 60% không, lại theo với hình thức mê tín di đoan. Nếu còn tình trạng mê tín như thế này, người ta sẽ đi xuống…”

“Phật giáo không dạy đốt vàng mã, không bảo người ta phải coi bói, xem ngày tốt xấu (khi còn tại thế, Đức Thế Tôn coi những nghề này là thấp kém). Bây giờ người ta đã biến Phật giáo thành kẻ đi buôn, kẻ đầu cơ. Là nhà tu hành tôi (Huệ Đăng) rất đau lòng, khi thấy người ta không hiểu gì về Phật giáo và cứ tưởng đốt nhiều vàng mã, cúng lễ thật hậu, chăm chỉ tụng kinh… là đạt được mục đích vật chất. Thao thức với tệ nạn mê tín dị đoan đang diễn ra, Thượng tọa Huệ Đăng đã nguyện: “Nếu làm được việc gì để cho người dân bớt mê tín thì thịt nát xương tan tôi cũng chấp nhận!”. Nhân đây cũng xin được nói thêm, nhà sư Huệ Đăng còn là nhà nghiên cứu khoa học. Thượng tọa tâm niệm Phật giáo ứng dụng ngay trong đời sống này. Hiên nay, Thượng tọa đang ở chùa (Thạch Quang - Đà Lạt) nhưng sư thường nói, “chùa tôi không có cầu cúng suốt ngày, không đốt vàng, tiền. Tôi làm việc để lo Phật sự, khỏi nhận cúng dường của Phật tử, tạo công ăn việc làm và giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh”. Hiện nay với việc làm và nghiên cứu giống cây lan và cây sâm Ngọc linh, Thượng tọa Thích Huệ Đăng coi Trí tuệ là Bát Nhã, Bát Nhã là Trí tuệ ứng dụng ngay vào đời sống hiện tại.

Nhìn lại thế kỷ 13, chúng ta thấy Trần Nhân Tông sau khi xuất gia - Lập nên phái Thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử, Ngài là tấm gương điển hình về lòng tự tôn Dân tộc và nêu cao tinh thần Chánh pháp. Ngay từ khi còn tại vị, Trần Nhân Tông đã thiết lập có hiệu quả việc chăm lo cho chánh pháp đạo Phật. Cụ thể là ngài chỉ đạo việc cai quản thờ phượng trong nước. Với lòng tự tôn dân tộc, Trần Nhân Tông đã phổ cập dần dần chữ Nôm vào các văn bản hành chính và trong các tác phẩm văn chương cũng như các tác phẩm viết về Phật giáo của mình, ngài thường dùng chữ Nôm để biểu hiện. Điển hình là bài phú Cư trần lạc đạo rất sâu sắc nhưng thật sự dễ hiểu.

Đặc biệt là về tín ngưỡng, Trần Nhân Tông luôn thao thức và là người đi đầu trong việc chống mê tín dị đoan, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội thời Đại Việt. Với Trần Nhân Tông, mê tín dị đoan là nguồn gốc đưa Quốc gia đến chỗ suy vong, và ngài cho rằng, phần nhiều những nước lớn họ sử dụng tín ngưỡng đi trước, sau đó mới đưa quân đội thôn tính bước tiếp theo. Từ tinh thần này, khi ngài nhường ngôi cho con và xuất gia vào Yên Tử tu hành, Trần Nhân Tông đã đích thân đi khắp nơi trong nước phổ đạo và dẹp bỏ các (dâm từ) tức nơi thờ tự mê tín dị đoan không đúng chánh pháp.

Theo bước chân Phật và các bậc tiền nhân giác ngộ, điều muốn nhắc lại ở đây là trong giáo lý đạo Phật không có tục đốt vàng mã. Vậy công văn của Trung ưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam  đã đi vào đời sống như thế nào? Có dịp trở lại Hưng Yên một tỉnh nổi tiếng đặc sản nhãn lồng vào trung tuần tháng Chạp năm Mậu Tuất 2018. Người viết bài này có nhân duyên chứng kiến hôm ấy, dòng họ Nguyễn Duy khánh thành ngôi nhà thờ có mời thầy chùa đến an vị bát hương và thỉnh vong về nhà thờ, nhưng buổi lễ hôm đó, theo Đại đức Thích Thành Đạt trụ trì chùa Kim Liên, xã Đại Hưng, Khoái Châu cho biết: “Ngày khánh tiết này lẽ ra trước đây vàng mã phải đốt vô kể siết… nhưng thực hiện Công văn của Trung ưng Giáo hội, nhà chùa đã y pháp thuyết phục gia đình và chỉ rõ việc tâm thành của con cháu khi thỉnh vong về nhà thờ gia tộc. Đây mới là điều cốt yếu cần phải làm, chứ “đua tranh” đốt vàng mã nhiều- theo giáo lý nhà Phật thì chỉ gây tốn kém đâu có lợi ích. Thực tế hôm đó, nghi lễ chỉ sử dụng đốt hơn chục cách vàng, tiền gọi là hình tướng chiêu cảm, nhưng buổi lễ diễn ra trong dòng họ Nguyễn Duy con cháu thật trang nghiêm tố hảo”.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, không ai khác, đó là các nơi thờ tự Phật giáo phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chánh pháp. Các thầy trụ trì phải hiểu thông chánh pháp và làm rõ được đâu là tín ngưỡng dân gian thần quyền đeo bám và đâu là trí tuệ của Phật giáo. Có như vậy, mới lần lần làm thay đổi được tập tục, thói quen “nô lệ” thần quyền, trả lại ngôi nhà chánh pháp Như Lai.

Mọi sự khởi đầu đương nhiên là khó khăn, nhưng chúng ta lấy bài học của việc cấm đốt pháo nổ đã thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn trước đây làm thực tế. Đương nhiên cấm đốt pháo thuộc về hình tướng “sát thương” dễ làm hơn; còn việc đốt vàng mã “tá lả” vô độ hiện nay lại thuộc về tinh thần và ý thức của con người, bởi nó ăn sâu vào đời sống mà người ta không nhận thức được đó là mê tín dị đoan đã bị Bắc triều gieo rắc từ ngàn xưa.

Đạo Phật là đạo Trí tuệ, được khảo nghiệm qua thời gian trên 25 thế kỷ và đang ảnh hưởng mạnh ở các nước châu Âu và phương Tây. Điều này cũng sẽ giúp ta thực hiện tốt việc xóa bỏ dần tệ nạn mê tín dị đoan.

Để kết thúc bài viết ngắn ngủi này, xin được đưa ra ý kiến dưới đây của Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (Trường Đại học khoa học xã hội nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội) đề cập về tục đốt vàng mã như thế này: “Tục đốt vàng mã là thuộc về đạo giáo, bắt nguồn từ việc chia của cho con người đã khuất từ xa xưa. Bắt đầu người ta chia của thật như xuyến, vòng tay, giáo mác, công cụ hoặc các đồ dùng có giá trị như vàng, bạc. Sau này, người ta lo lắng tình trạng đào trộm mộ lấy của nên những đồ vật đó trước khi táng được đập vỡ hoặc làm nhái để tiết kiệm, đó gọi là đồ minh khí. Từ khi có giấy, người ta làm tiền vàng và khí cụ bằng giấy mang tính biểu tượng, thể hiện sự thương nhớ của người sống gửi cho người đã mất”. Xin được nói thêm, cùng với Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, các nhà nghiên cứu xã hội học, khảo cổ học nói chung đều cho rằng đây là tục lệ của đạo Lão phương Bắc hay còn gọi là Bắc triều.

 

Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh

Chú thích: (1) Tam pháp ấn: theo giáo lý đạo Phật là: Khổ - Vô thường – Vô ngã.(2) Sáu tệ đoan:  chỉ 6 yếu tố căn bản của tôn giáo nhân loại, theo nghiên cứu tôn giáo thế giới của Gs người Mỹ Hus ton Smith cho rằng phải có: Thần trị, Nghi thức, Suy lường tri giải, Truyền thống, Ân điển và Huyền bí.

Tài liệu tham khảo:

-          Từ điển Tiếng Việt và Từ điển Nho, Phật, Đạo – Lao Tử và Thịnh Lê biên soạn (Nxb Văn học – 2001)

-          Bài: Giật mình khi biết số tiền người Việt chi cho vàng mã mỗi năm – Thanh Tâm (VHPG) và phatgiao.org.vn – 12/2/2019)

-          Bài: Đốt vàng mã không có trong giáo lý Phât giáo (phatgiao.org.vn – 25/1/20190)

-          Bài: Phỏng vấn Thượng tọa Huệ Đăng (Như Phong – Thanh Huyền – phatgiao.org.vn -4/2/2019)

-          Thiền học thời Trần  (nhiều tác giả - Nxb-Tôn giáo ấn hành 2003),