Ăn chay có phải là pháp tu của nhà Phật?


TLYT Vật thực chỉ để nuôi sống thân mình và thực hành phạm hạnh, sự yêu thích, dính mắc với Chay- Mặn đều là điều ô nhiễm mà phải loại trừ. Cần giữ giới sát sinh và xả ly dính mắc vào Chay hay Mặn, đó mới chính là PHÁP PHẬT. 


14034768_1741364816119070_6264851618952091104_n

Nếu là 1 Phật tử Bắc tông Việt Nam theo gốc Trung Hoa, bạn nhìn thấy các sư Nguyên thủy hay các thầy PG Đại thừa Tây Tạng ăn thịt, sẽ xì xào với nhau: “Mấy ông Thầy này tu hành kiểu gì mà ăn mặn, không biết từ bi chỗ nào!”.
 

Nếu là 1 Phật tử PG Nam Tông- PG Nguyên thủy biết rõ Phật chế giới Trai Tăng là Không ăn quá ngọ thì vào các chùa Tàu và chùa Việt theo Bắc tông, họ sẽ ngạc nhiên và rất coi thường khi thấy chùa nào buổi chiều cũng dọn cơm ăn như thường “Tu hành gì mà lại ăn chiều, không giữ đúng giới luật của Phật!”. Khi thấy các Thầy ăn chay, họ hỏi: “Bộ Thầy theo Ðề Bà Ðạt Ða hay sao?”. Nếu không may, Thầy nào thành thật trả lời: “Truyền thống chúng tôi tu hành phải ăn chay” thì họ bẻ lại ngay: “Trâu ngựa kia ăn chay ăn cỏ, vậy chúng cũng tu hành sao?”.

Người ăn chay thì hãnh diện cho mình tu từ bi. Còn người ăn mặn nhưng ngày ăn một bữa thì cho mình tu đúng lời Phật dạy. Nhiều người nhầm rằng PG Đại thừa chủ trương trường chay! Sai hoàn toàn vì chỉ có Trung Quốc ăn chay nên ảnh hưởng Việt Nam, Hàn Quốc ăn chay, còn lại PG Đại thừa tại Tây Tạng, Nhật Bản vẫn ăn mặn và ăn…cả ngày. Gần đây năm 1987, Thượng Tọa Ðức Niệm soạn dịch quyển Tại Gia Bồ Tát Giới của PG Đại thừa, gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh, trong đó không bắt phải trường trai nữa mà phải giữ ít nhất 6 ngày chay trong một tháng (giới khinh thứ 7).

Bên Nam tông họ không nhất định ăn chay nhưng nhất định giữ giới, bản thân họ không tự mình sát sinh, không khích lệ người khác sát sanh, không tùy hỷ sự sát sanh và do đó không phạm giới sát sinh. Và họ không ăn sau giờ ngọ.

Trong kinh điển Nguyên Thủy, Đức Phật sau khi nghe lời thỉnh cầu của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) xin ban hành giới cấm không cho hàng Tỳ kheo ăn thịt cá, Đức Phật không chấp thuận và Ngài dạy rằng. “Sự ăn thịt cá có thể coi như trong sạch trong ba trường hợp (tam tịnh nhục) là người ăn không thấy, không nghe, không có lòng hoài nghi rằng con vật bị giết riêng biệt cho mình.”Như vậy việc ăn chay hay không ăn chay không phải là điều quan trọng trong việc hành trì Phật Pháp. Ăn chay không phải là phép tu trong nhà Phật. Còn quyền ăn chay hay ăn mặn là quyền con người, và quý vi ăn như thế nào để giữ được tâm trong sạch là điều quan trọng hơn.

Sau đây là kinh Quán tưởng vật thực của Phật giáo Nguyên thủy: Vật thực chỉ để nuôi sống thân mình và thực hành phạm hạnh, sự yêu thích, dính mắc với Chay- Mặn đều là điều ô nhiễm mà phải loại trừ. Cần giữ giới sát sinh và xả ly dính mắc vào Chay hay Mặn, đó mới chính là PHÁP PHẬT. 

Chơn chánh quán tưởng rằng
Ta thọ dụng vật thực
Không phải để vui đùa
Không ham mê vô độ
Không phải để trang sức
Không tự làm đẹp mình
Mà chỉ để thân này
Được bảo trì mạnh khoẻ
Để tránh sự tổn thương
Để trợ duyên phạm hạnh
Cảm thọ cũ được trừ
Thọ mới không sinh khởi
Và sẽ không lầm lỗi
Ta sống được an lành.
 

Thiện Phước