TLYT - Để đón Tết nguyên đán trọn vẹn, các gia đình người Việt thường chuẩn bị các nghi lễ chu đáo và không thể bỏ qua những lễ cúng sau.
Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến, chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Theo truyền thống, Tết nguyên đán là dịp con cháu từ khắp nơi về sum họp, đoàn tụ dưới mái ấm gia đình. Không chỉ quây quần bên những người trên dương thế mà mọi người đều mong muốn gia tiên tiền tổ, ông bà, cha mẹ đã mất được về bên con cháu.
Gia đình quây quần gói bánh chưng đón Tết nguyên đán. (Ảnh: Vũ Long)
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển- Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, những lễ cúng quan trọng trong dịp Tết nguyên đán là lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp; lễ cúng tất niên vào trưa hoặc chiều 30 Tết; lễ cúng giao thừa vào đêm 30; lễ cúng đón Tết nguyên đán vào ngày mùng 1 và cuối cùng là lễ cúng hóa vàng kết thúc Tết nguyên đán.
Sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Táo chầu trời thì trong ngày 30 Tết, vào buổi sáng, trưa hay chiều tối, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng tất niên, thỉnh mời gia tiên tiền tổ về ăn Tết với con cháu.
Mâm cỗ cúng tất niên là mâm cỗ quan trọng nhất trong dịp Tết nguyên đán của người Việt. Ngoài việc tỏ lòng thành kính với gia tiên thì đó là dịp các thế hệ trong gia đình quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Ý nghĩa của Tết đoàn viên là ở chỗ này.
Mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội (Ảnh: Kiều Trang)
Những món ăn chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tất niên được chuẩn bị kỹ càng, với đầy đủ các món ngon truyền thống, có cả món chay và món mặn. Trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình miền Bắc không thể thiếu bánh chưng, và với các gia đình miền Nam không thể thiếu bánh tét.
Trong ngày 30 Tết còn có lễ cúng giao thừa, là thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới. Theo quan điểm phương Đông, mỗi năm có một vị hành khiển trông coi việc nhân gian. Thời khắc giao thừa là lúc tiễn vị hành khiển cũ đón vị hành khiển mới. Thông thường có 2 lễ, một lễ trong nhà để cúng Phật, cúng gia tiên, cúng thổ công và một lễ ngoài trời đặt ở ngoài sân để cung tiễn vị hành khiển cũ đón chào vị hành khiển mới.
Vào ngày mùng 1 sẽ có một lễ cúng đón năm mới vào buổi trưa hoặc buổi chiều tùy từng gia đình.
Trên bàn thờ gia tiên những ngày Tết cần có hương, hoa, đăng (đèn), trà, quả, thực. Mâm ngũ quả ngày Tết tượng trưng cho triết lý ngũ hành, đi liền với những ước vọng của con người. Bày biện mâm ngũ quả phải đảm bảo trang nghiêm, hài hòa, đẹp đẽ. (Ảnh: Vũ Long)
Và cuối cùng là lễ cúng kết thúc Tết nguyên đán, ông cha ta hay gọi là cúng hóa vàng, tiễn các cụ về lại âm phủ. Tùy từng gia đình, có gia đình chọn ngày mùng 3, mùng 4 hay mùng 5 để làm lễ cúng này. Theo quan điểm từ xa xưa của người Việt, gọi là lễ cúng hóa vàng vì vào ngày ấy, con cháu có cái sớ, với mấy đồng tiền vàng để đốt cho các cụ chi tiêu ở dưới âm phủ.
"Tuy nhiên, việc đốt vàng mã tại gia không nên lạm dụng và hiện nay được khuyến nghị loại bỏ bởi lãng phí tiền của, có thể gây ra nhiều hậu quả như ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn nghiêm trọng... Việc cầu cúng, lễ bái quan trọng là ở lòng thành, chứ không phải đốt nhiều các cụ hưởng nhiều, đốt ít các cụ hưởng ít", Thượng tọa Thích Đạo Hiển nhấn mạnh./.
Hồng Minh, VOV.VN