Mỗi dịp đầu xuân, người ta chen chân tới chùa, dù phú quý hay nghèo khó, dù bình dân hay quan chức, trí thức hay đầu gấu..., ai cúng cố đăng kí cho được một tờ sớ dâng sao. Dù phải ngồi ngoài vỉa hè, lòng đường, trên cầu... cũng không hề chi, miễn là có mặt trong lúc các sư làm lễ dâng sao. Vì sao vậy? Vì rằng trong tâm họ đang bất an, đang sợ hãi, đang lo lắng...
Vì sao họ bất an, lo lắng và sợ hãi thì xin bàn sau. Nhưng thực tế là vậy. Cuộc sống đang diễn ra như thế. Liệu có phải do các chùa tổ chức dâng sao là nguyên nhân chính của các bất an, lo lắng, sợ hãi đó không? Không!
Vậy thì khi cấm tổ chức lễ dâng sao, ai sẽ vui? Có lẽ không phải sư, cũng ko phải dân, cũng không phải tất các các Phật tử. Mà người vui nhất, là những người đang làm nghề thầy cúng... vì sao vậy? Nhu cầu xã hội đang lớn đến như thế, giờ các chùa ko được làm, thì người ta sẽ đổ xô về các đền các phủ, các điện các miếu để làm. Và khi người dân bị dồn về đó để được phục vụ cái nhu cầu tâm linh nhằm giải toả các nỗi bất an của mình, họ sẽ phải nộp một khoản phí, không phải chỉ một vài chục nghìn, mà là hàng triệu, hàng chục triệu một người... Điều này làm xã hội vốn đã bất an càng bất an hơn.
Giờ suy nghĩ thêm, các sao có ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người hay không? Suy nghĩ hời hợt thì ta sẽ vội vã cho rằng chẳng có một sự liên hệ nào giữa các ngôi sao, các hành tinh đối với cuộc sống chúng ta cả. Nhưng ngẫm sâu sắc hơn, thì đáng tiếc lại là có.
Cứ mỗi khi có bão từ thì lòng lại bồn chồn, thân lại mệt mỏi. Ví như mặt trăng, cứ mỗi dịp trăng tròn, trăng khuyết thì tính cách tâm trạng của người phụ nữ lại bất ổn. Tâm trạng bất ổn sẽ dẫn đến các suy nghĩ bất ổn, lời nói bất ổn và hành động bất ổn. Lời nói hay hành động bất ổn sẽ tác động đến cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội bất ổn... Và cứ như thế, sự bất ổn được lan truyền và ảnh hưởng tới cuộc sống con người.
Mỗi một vì sao trên bầu trời vô định kia, tuy vô tri vô giác nhưng lại luôn tác động đến trái đất và con người bằng sóng điện từ, bằng lực hấp dẫn... Mỗi một hành tinh có một trường năng lượng khác nhau, có khối lượng khác nhau và lực hấp dẫn khác nhau, và vì vậy nó tác động lên trái đất và con người cũng khác nhau. Bởi vậy mà mỗi thể trạng béo gầy khác nhau, mỗi độ tuổi khác nhau sẽ chịu những ảnh hưởng khác nhau trên một phương diện nào đó của cuộc sống.
Nếu làm một bài toán thống kê, thì sẽ thấy những năm có độ tuổi tương ứng với sự ảnh hưởng của sao Thái Bạch, cuộc sống của mỗi người đều có những đột biến nhất định. Nếu ai đã từng ra một nghĩa trang nào đó để tỉ mỉ ghi chép lại về độ tuổi của những người được an táng tại đó, thì sẽ thấy số lượng người chết ở những độ tuổi có sao xấu nhiều hơn hẳn so với các độ tuổi khác. Và đặc biệt, số người chết ở độ tuổi 49 và 53 lại nhiều hơn cả.
Lý thuyết thì mỗi người giải thích một kiểu khác nhau. Nhưng thực tế đang diễn ra như thế đó. Bởi vậy mà một người ở cái tuổi 31 bị trắng tay, thì tới năm 40 tuổi sẽ cực kì lo lắng. Họ xin làm lễ dâng sao, rồi cả năm cố gắng làm việc lành để cầu cho cái hạn năm xưa không quay trở lại. Và cuối cùng, họ có một năm để làm người tốt.
Vậy thì làm lễ dâng sao có giải được hạn không? Làm lễ dâng sao không phải là hối lộ quỷ thần hay cầu xin các vì sao. Mà thực ra là để thông qua nghi lễ, ý thức về thiện ác sẽ in sâu vào trong tâm mỗi người. Khi trong tâm luôn nghĩ nhớ rằng: năm nay là năm xấu, đừng có làm việc xấu kẻo vị trừng phạt, đi lại phải cẩn thận, đầu tư đừng mạo hiểm... thì tự nhiên trên đường sẽ giảm bớt tai nạn, kinh doanh sẽ ít rủi ro hơn. Và hơn thế, người ta còn cố gắng tạo phúc để được tai qua nạn khỏi.
Sau mỗi khoá lễ, tâm trạng người ta được yên ổn hơn. Do vậy mà khi các sóng từ trường của các vì sao tác động tới họ, họ sẽ ít bị xao động hơn, và vì thế mà sẽ có ít hơn những lời nói đáng tiếc, việc làm đáng buồn... và vì vậy, hoạn nạn sẽ qua.
Thực tế thì, mọi thứ trên cõi đời này đều có hai mặt tốt và xấu, các tốt ẩn tàng trong cái xấu, và cái xấu ẩn tàng trong cái tốt. Nhìn trên phương diện này thì là tốt, nhìn trên phương diện khác lại là xấu. Khi này thì nó là tốt, khi khác thì nó là xấu. Tốt hay xấu tuỳ thuộc vào nhận thức ở từng thời điểm, môi trường, hoàn cảnh và phong tục. Nếu không suy xét sâu xa, không truy ra nguyên nhân để trừ tận gốc, thì dễ dẫn đến cấm đầu này lại thò đầu nọ, cấm vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Sắp tới, có lẽ chúng ta sẽ không thấy hiện tượng người ta đổ về các chùa làm lễ giải hạn nữa, mà thay vào đó là những hình ảnh ngồi lắc lư trong các đền thờ, điện thờ của các thầy cúng, sự trỗi dậy của giới đạo sĩ để đáp ứng nhu cầu này của xã hội sẽ không xa. Và đâu đó người ta sẽ tiếp tục truyền tai nhau một câu rằng: các sư không biết làm pháp này đâu, các sư chỉ biết tu thôi, muốn giải hạn phải nhờ thầy cúng nhé, các thầy cúng mới biết cúng, mới cứu nhân độ thế, còn các sư chỉ tự độ mình thôi.
Tóm lại thì, chính tín sẽ tốt hơn mê tín, nhưng mê tín sẽ tốt hơn bất tín. Kẻ bất tín mới dám giết người, cướp của, làm hại dân lành. Kẻ mê tín thì chỉ tự hại mình chứ không dám hại người.
17 Tết Kỷ Hợi
Huệ Lương