Nhà thư pháp Lê Thiên Lý xin chữ và cho chữ đầu năm trên đỉnh thiêng Yên Tử



TLYT -  Ông đồ Lê Thiên Lý nổi tiếng ở đất Cảng Hải Phòng là người đã sáng tạo ra 2 lối viết thư pháp mới là “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, ông lại bày mực tàu, giấy đỏ cho chữ tại Đền Trạng Trình (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Ông còn thường đi đến những nơi danh thắng lịch sử của đất nước để cho chữ. Với ông, việc cho chữ không phải để kinh doanh mà đó là niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp. Xuân Canh Tý này, với tâm nguyện xin chữ “Phật” trên đỉnh thiêng Yên tử, ngày 17 tháng giêng, ông mang theo giấy bút lên tận chùa Đồng nơi non thiêng Yên Tử xin chữ và cho chữ dù tuổi đã cao, lại phải leo núi một quãng đường dài.

 
Thư pháp gia Lê Thiên Lý phóng bút viết chữ 

Trên đỉnh thiêng Yên Tử, trong không khí của mùa xuân và trước chùa Đồng uy nghiêm, ông đồ Lê Thiên Lý đã xin viết chữ “Phật” bằng chữ Hán và chữ Việt. Bằng đôi bàn tay khéo léo và sự hòa quyện, giao cảm của đất trời và lòng người, ông đã cho ra những bức Thư pháp thật độc đáo và mang đầy ý nghĩa. Bàn tay tài hoa của ông vẩy chiếc bút lông trên giấy đỏ, giấy vàng chỉ một thoáng ra chữ "Phật", “Phúc”, “Tâm”, "Bình an"... hiện lên với những nét vẽ mềm mại trên trang giấy khiến không ít người phải thán phục.

 
Chữ  Hán chữ "Phật" vô cùng độc đáo và ấn tượng, vừa là chữ vừa là một bức tranh đầy sáng tạo
 
Từ ngàn xưa, cứ mỗi khi mùa Xuân về, người dân thường đến đền chùa hay những nơi linh thiêng khác để xin chữ về treo trong nhà, gửi gắm những ước nguyện, mong muốn nơi con chữ ấy.

Lên tận Đỉnh núi thiêng Yên Tử viết thư pháp và xin chữ là một điều rất đặc biệt. Đặc biệt ở đây là không phải cứ muốn là được mà phải có nhân duyên gặp gỡ giữa người cho và người nhận, nhân duyên bởi thời tiết Yên Tử thường có gió lớn trên đỉnh núi, không phải lúc nào cũng có thể viết.

Tâm sự về tình yêu với thư pháp, ông Lê Thiên Lý cho hay, niềm đam mê với thư pháp của ông được bắt nguồn từ chính người cha của mình. Từ nhỏ ông đã thuộc Tam Tự Kinh. Mới 15 tuổi ông đã thông thạo chữ Nho và những bức tranh thư pháp. Mùa xuân năm nay ông có nguyện vọng lên Chùa Đồng xin chữ “Phật” và ông chỉ có thể mang theo 5 bức thư pháp để viết tặng cho những người có đủ nhân duyên.

 
Một chữ "Phật" ông viết tặng quý thầy trên chùa Đồng, Yên Tử 
 
Vị khách khác xin chữ "Bình an"
 
 

Với “Nhân diện thư”, chữ viết trên bức thư pháp không chỉ giống người thật ở hình thức mà còn thể hiện được nội tâm, tính cách… của nhân vật. Còn lối viết “Vật điểu thư” thì mỗi nét chữ lại mang dáng dấp của một con chim hoặc một bông hoa. Hai lối viết thư pháp này của nghệ nhân Lê Thiên Lý là một sáng tạo trong nghệ thuật viết thư pháp.

PV Tronghaitb